18 Phút

(4 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách này chủ đề hao hao giống với cuốn 80/20 nhưng nó còn giúp chúng ta dừng lại và sống chậm hơn, biết tập trung vào những thứ quan trọng với chúng ta (có thể là gia đình, bạn bè, sở thích, ước mơ…) thay vì mỗi ngày bận rộn với công việc. Đọc và chậm rãi thực hành theo chỉ dẫn, bạn sẽ bất ngờ khi thấy cuộc sống mình thay đổi rõ rệt từ lúc nào.

Danh mục:

Giới thiệu

18 Phút mang đến cách thức làm chủ một năm, một ngày và cả một thời điểm ngắn ngủi toàn diện, để chúng ta có thể tập trung thực hiện những gì chúng ta cho là quan trọng nhất. Đó là bước tiên quyết để giành lại cuộc đời mình. Đồng thời nó sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định thông minh và đúng đắn về những gì đáng và không đáng làm. Nó cũng mang đến cho bạn các công cụ và kỹ năng đơn giản để theo đuổi những quyết định đó, nhờ vậy bạn có thể dành thời gian cho những việc cần thiết và tránh những thứ không cần thiết.

Đọc thử

Tôi khởi nghiệp vào năm 1998, trong căn hộ một phòng ngủ ở tầng 5 của một tòa nhà không có thang máy. Mơ ước của tôi là gầy dựng một công ty tư vấn quản lý toàn cầu trị giá hàng triệu đô-la, bao gồm các nhà tư vấn, chuyên gia đào tạo và huấn luyện viên có khả năng giúp mọi người lãnh đạo, quản lý, làm việc và sống thành đạt hơn. Một ước mơ lớn.

Khi đó, tôi không có bất kỳ khách hàng nào và tài sản duy nhất của công ty là một máy vi tính. Trong 6 tháng đầu tiên, tôi phải cầm cự bằng khoản tiền tiết kiệm của mình vì hoạt động kinh doanh không mấy thành công. Công ty không thể nuôi nổi bản thân tôi, chứ đừng nói đến đội ngũ tư vấn viên.

Sau đó, tôi ký được hợp đồng lớn với một ngân hàng đầu tư có tiếng tăm. Đó là cú đột phá lớn, một dự án mà tôi có thể dùng làm bàn đạp để xây dựng sự nghiệp của mình. Tôi cần phải nhanh chóng tập hợp một đội ngũ – ban đầu là 6 tư vấn viên, và sau đó, nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, thêm 50 người nữa. Tôi nhớ mình ngồi trong phòng khách/phòng ăn/nhà bếp rộng 60 mét vuông cùng với bạn gái của tôi là Eleanor, lòng tràn đầy phấn khởi với cơ hội có được, cũng như hồi hộp với thử thách trước mắt; liệu tôi có thành công hay không?

Tôi xây dựng một đội tiên phong làm việc điên cuồng để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng. Sau đó, dự án được mở rộng, đội ngũ nhân viên của tôi cũng vậy. Từ New York đến Chicago, San Francisco, Paris, London, Tokyo và Hong Kong. Với đội ngũ nhân viên mở rộng hơn, lượng khách hàng của tôi cũng tăng dần lên.

Tôi đã xây dựng công ty mơ ước của mình trong một khoảng thời gian ngắn không thể tưởng tượng nổi. Đó là những gì tôi kỳ vọng, những gì nằm trong kế hoạch của tôi.

Năm đầu tiên đó, tôi kiếm được số tiền bằng 3 năm trước cộng lại. Năm thứ hai, tôi nhân đôi số đó, và vào năm thứ ba, tôi bắt đầu mơ tưởng đến việc về hưu trong vòng một thập kỷ tới.

Tuy nhiên, giữa những thành công đó, tôi nhận ra có một thứ tôi chưa từng dự tính đến: hạnh phúc của tôi.

Vì lý do nào đó, tôi không cảm nhận thấy mình đang làm đúng việc, với đúng người, theo đúng cách để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Khi đó, tôi không biết lý do tại sao và cũng quá bận rộn nên không bận tâm tìm hiểu. Thêm nữa, mọi việc đều có vẻ thuận lợi; tại sao phải làm rối lên? Vậy nên tôi tiếp tục những việc mình đang thực hiện.

Sau đó mọi thứ sụp đổ; cuộc cách mạng dotcom, nền công nghiệp dịch vụ tài chính, nhu cầu về tư vấn, và theo đó, là công việc kinh doanh của tôi.

Vào thời điểm đó, Eleanor và tôi đã kết hôn, Isabelle chào đời, và chúng tôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Các hóa đơn cứ chất chồng mà thu nhập của tôi thì nhanh chóng giảm sút. Tôi rơi vào khủng hoảng, nhưng đồng thời lại cảm thấy một sự nhẹ nhõm yên ắng và kỳ lạ. Giờ đây, tôi lại bắt đầu mơ tưởng, không phải về việc nghỉ hưu, mà là về một khởi đầu hoàn toàn mới, để giành lại quyền tự chủ cuộc đời mình.

Thế là tôi đăng ký học lớp diễn xuất, cân nhắc việc nộp đơn vào trường y, cuối cùng quyết định xin vào một trường giáo trưởng Do Thái giáo, bắt đầu gây quỹ đầu tư ảo (bằng tiền ảo để xem tôi có thích và có khả năng làm công việc đó hay không), và tiếp tục suy nghĩ. Tôi đang tìm kiếm.

Tôi sống chậm lại, đảo ngược đà đang tiến về phía trước của mình, dừng lại một chút trước khi lựa chọn một điều gì đó, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn và để tâm trí mình thư thả. Tôi bắt đầu xem xét bản thân và thế giới quanh mình cẩn thận hơn, như thế tôi nhận ra những khía cạnh tiềm ẩn và chưa hề được sử dụng đến hay tối ưu hóa của mình. Tôi bắt đầu cảm nhận được nguồn sức mạnh đang lớn dần bên trong mình. Một tiềm năng chưa được khám phá.

Tôi chưa biết tiềm năng đó là gì, nhưng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nó đáng được khai phá. Vì vậy tôi tiếp tục trải nghiệm và lưu tâm đến nó.

Trong thực tế, tôi đã nhấn nút TÌM VỊ TRÍ CỦA TÔI. Khi làm vậy, tôi được ném thẳng lên không trung và có cái nhìn toàn cảnh về thế giới của mình.

Những gì tôi thấy được – khi tạm dừng và để tâm quan sát – chính là mặc dù tôi đi lệch khỏi đường ray, tôi thật sự không bị đẩy đi quá xa, và có một con đường an toàn để quay trở lại. Tôi đã nhìn thấy một con đường làm chủ cuộc đời mình, cũng là con đường cho phép tôi toàn tâm toàn ý với công việc và cuộc sống tôi lựa chọn, để tôi dành thời gian cho những việc quan trọng, những việc tôi có khả năng làm và những việc tôi thích làm.

Nhưng tôi đang nói nhiều quá rồi, bởi ngay lúc này đây, trong phần 1 của 18 Phút, bạn sắp được đưa vào không trung. Bạn cần một cái nhìn toàn cảnh. Để làm được vậy, bạn phải nhấn vào nút TÌM VỊ TRÍ CỦA TÔI, sau đó phải dừng lại để bản thân bạn có thể bay lượn vòng quanh thế giới của mình, chuẩn bị để đáp xuống ngay vị trí mà bạn muốn đến.

1. Chuyển Động Chậm Lại
Giảm tốc quá trình tiến về phía trước
Tôi từng di chuyển nhanh hết sức có thể nhưng lại chẳng đi đến đâu, đây là cảm giác mà tôi hay có. Tuy nhiên, lần này tôi có vẻ thận trọng hơn: Tôi đang tập đạp xe đạp.

Khi chiếc khăn vắt trên ghi-đông xe rơi xuống sàn, tôi đã cố gắng dừng đạp và xuống xe. Cố gắng trong trường hợp này là một từ chỉ hoạt động. Tôi đã không thể dừng lại. Đơn giản là vì lực tiến tới quá mạnh. Bàn đạp cứ như thể tự nó di chuyển vậy. Tôi phải mất một khoảng thời gian để giảm tốc trước khi có thể dừng hẳn.

Đà di chuyển là thứ rất khó kháng lại.

Ví dụ, trải qua 15 phút tranh luận một quan điểm chính trị với bạn bè, tôi nhận ra tôi không mấy chắc chắn về quan điểm của mình. Nhưng bạn tôi lại tranh luận quá dữ dội đến mức tôi tự đặt mình vào vị trí đối lập với anh ta, kịch liệt bênh vực những ý kiến mà bản thân tôi còn chưa hiểu rõ. Và điều đó rất khó kết thúc.

Nó còn đặc biệt khó dừng lại hơn khi bạn đã quyết tâm chứng tỏ mình đúng, khi bạn đã dành thời gian, năng lượng, cảm xúc, và đôi khi cả tiền bạc nữa, để củng cố quan điểm của mình.

Tôi có vài người bạn kết hôn và ly hôn trong vòng một hoặc hai năm.

Họ đều nói với tôi rằng ngay từ khi chuẩn bị kết hôn, họ đã nhận ra cuộc hôn nhân này không ổn. Nhưng họ đã tiến quá xa và không biết làm thế nào để dừng lại. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với một vài người khác mà tôi quen, những người đầu tư vào các dự án chỉ mang đến kết cục chua chát. Họ biết rằng điều đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp, nhưng họ đã đầu tư vào đó quá nhiều đến mức họ không thể thừa nhận sai lầm. Trong một vài trường hợp, họ còn đổ thêm tiền vào và cuối cùng trắng tay.

Có lúc mọi việc cũng không quá kịch tính như vậy. Có thể chỉ là một cuộc tranh luận về việc đầu tư cái gì vào dự án nào. Hoặc là quyết định có tiếp tục theo đuổi một cơ hội nào đó hay không.

Khi bạn cảm thấy mình đang phạm sai lầm, nhưng bạn đã đổ quá nhiều công sức vào việc đó đến mức hành động rút lui khiến bạn thấy vô cùng xấu hổ, thì làm thế nào để dừng bàn đạp?

Có 2 phương án giúp tôi có thể ngưng vòng chuyển động của mình lại: Giảm tốc và Bắt đầu lại.

1. Giảm tốc. Như tôi đã nhận ra khi đang đạp xe, việc đạp ngược lại để đảo chiều chuyển động ngay lập tức là không thể được. Sẽ rất có ích khi bạn nhìn nhận sự việc này như một quy trình. Đầu tiên, hãy dừng việc đạp xe quá nhanh lại. Sau đó, khi đà chuyển động đã giảm, hãy từ từ bắt đầu đổi hướng.

Trong một cuộc thảo luận, khi bạn thấy mình đã đi quá xa và nghĩ rằng bạn có thể đã sai, hãy giảm việc tranh luận về ý kiến của mình lại và lắng nghe những người khác nhiều hơn. Hãy tạm hòa hoãn bằng những phát biểu thế này: “Quan điểm này rất hay; tôi cần suy nghĩ về nó nhiều hơn.” Hoặc là, “Hãy giải thích thêm về điều bạn nói.” Lắng nghe là phương pháp giảm đà hoàn hảo vì khi đó bạn không cần phải đưa ra bất kỳ ý kiến nào.

Trong trường hợp đó là một cuộc đầu tư tài chính mà bạn không nắm chắc, đừng rút toàn bộ mà hãy thu nhỏ quy mô lại, nghĩa là bạn bớt đầu tư vào chuyện khẳng định mình đang đúng.

2. Bắt đầu lại. Đây là một trò chơi tinh thần mà tôi học được từ một người bạn thành công trong lĩnh vực đầu tư. Tôi đang do dự về việc bán một dự án hoạt động kém. Bạn tôi đã hỏi thế này: Nếu tôi khởi sự lại với cái giá của hôm nay, thì tôi có mua dự án đó không? Tôi quyết định bán nó ngay hôm ấy.

Những gì đã xảy ra trong quá khứ chắc chắn tác động đến những quyết định của chúng ta hôm nay. Nếu tôi thuê một người và đầu tư công sức cũng như tiền bạc để anh ta thành công, thì tôi khó lòng thừa nhận rằng anh ta đang thất bại. Nhưng nếu tôi biết được những việc hiện tại, liệu tôi có thuê anh ta không? Nếu không, thì tôi nên buông anh ta ra. Tương tự đối với những dự án mà tôi hỗ trợ, hay một quyết định mà tôi đang xúc tiến. Tôi tưởng tượng mình là người quản lý mới tiếp nhận dự án đó. Liệu tôi có tiếp tục không? Có đầu tư thêm không? Hay là bỏ đi?

Tôi đã thấy sự bất lực của con người trong việc thừa nhận sai lầm đã hủy hoại cuộc sống hôn nhân và làm sụp đổ sự nghiệp của họ như thế nào. Đa số họ đều nói với tôi rằng đó là vì họ không muốn thể hiện sự yếu đuối của mình. Nhưng thật ra, việc đối mặt với sai lầm của bản thân, hay thậm chí là tự chất vấn quan điểm của mình đều cần một bản lĩnh mạnh mẽ. Và những người khác cũng sẽ nhìn nhận như thế. Những nhà lãnh đạo vĩ đại đều có đủ tự tin để xem xét kỹ càng quan điểm của họ và cởi mở với ý kiến của mọi người xung quanh, bằng cách áp dụng kỹ thuật Giảm tốc. Ngay cả khi họ biết rằng mình đúng. Tiến sĩ Allan Rosenfield, cố hiệu trưởng của Trường Sức khỏe Cộng đồng Columbia, là một nhà lãnh đạo như vậy. Ông qua đời năm 2008 sau khi dành hơn 4 thập kỷ để giúp định hình chương trình sức khỏe cộng đồng, tạo ra ảnh hưởng to lớn đến đời sống nữ giới và cuộc sống của những bệnh nhân HIV. Columbia đã lấy tên ông để đặt tên cho tòa nhà của Trường Sức khỏe Cộng đồng.

Tôi đã quan sát Allan trong một cuộc thảo luận về việc trẻ em có nên được tiêm chủng phòng ngừa hay không, đó là vấn đề ông đặc biệt quan tâm và rõ ràng là rất am hiểu về nó. Một trong những người bạn của ông, Lee, phản đối việc tiêm phòng. Allan đã trình bày số liệu thống kê của hàng triệu ca nhiễm bệnh và tử vong đã được ngăn chặn nhờ vắc-xin ngừa bệnh bại liệt, quai bị, sởi và nhiều nữa.

Lee, ngay sau đó, đã trích dẫn một nghiên cứu không rõ nguồn gốc được tìm thấy trên Internet cho rằng vắc-xin gây hại nhiều hơn lợi. Rất dễ dàng hiểu được nếu Allan, một trong những chuyên gia tài ba nhất về sức khỏe cộng đồng, lên tiếng chê cười. Ông có thể bảo Lee nên tra cứu thông tin từ nơi đáng tin cậy và uy tín hơn. Ông có thể lặp lại luận điểm của mình về những lợi ích mà vắc-xin mang lại. Nhưng Allan đã không làm những điều đó.

Ông chỉ nhìn Lee, chậm rãi, và trả lời: “Tôi chưa được đọc nghiên cứu đó. Hãy gửi nó cho tôi. Tôi sẽ đọc và cho anh biết ý kiến của tôi.”

Giảm tốc quá trình vận động tiến về phía trước là bước đầu tiên để giải phóng bản thân khỏi những niềm tin, thói quen, cảm giác và những vấn đề có thể đang giới hạn bạn.

2. Cô Bé Khiến Người Cá Sấu Dừng Lại
Sức mạnh to lớn của phút tạm dừng
Tôi là người cá sấu, một quái vật lưỡng cư nguy hiểm. Tôi khẽ khàng bơi đến con mồi của mình, một cô bé 7 tuổi tên Isabelle, cũng là con gái tôi. Cảm giác được sự nguy hiểm, con bé lo lắng dõi mắt kiểm tra mặt hồ. Bất chợt nhìn thấy tôi. Ánh mắt chúng tôi khóa chặt vào nhau trong một khoảnh khắc ngắn. Con bé cười, la hét và lao về hướng ngược lại, cười rộ lên. Nhưng tôi quá nhanh. Tôi rời khỏi đáy hồ và vồ lấy con bé. Khi tôi chỉ cách con bé vài xăng-ti-met, nó quay lại đối mặt với tôi, thở hổn hển, giơ hai tay lên trời.

“DỪNG LẠI!” con bé la lên.

“Sao thế con?”

“Con uống phải nước rồi,” nó lắp bắp.

Vậy nên, đương nhiên là chúng tôi phải tạm dừng.

Điều này khiến tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta không làm vậy trong đời thực?

Chúng ta nhấn nút GỬI một email và ngay lập tức cảm thấy hối hận.

Thực tế, rất nhiều người trong chúng ta làm thế mỗi ngày, đến nỗi Google đã thêm một chức năng trong Gmail gọi là THU HỒI LỆNH GỬI (UNDO SEND). Bạn có thể kích hoạt chức năng này trong phần thiết lập Gmail. Khi bạn nhấn nút GỬI, Gmail giữ email đó trong vòng 5 giây, đó là thời gian bạn có thể thu hồi nó lại.

Thú vị ở chỗ, 5 giây tạm dừng rõ ràng là thứ đa số mọi người đều cần để nhận ra họ đã phạm sai lầm.

Với một email, nhấn nút THU HỒI LỆNH GỬI có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và năng lượng. Nhưng trong thời gian thực – khi nói chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại – không tồn tại câu lệnh đó. Đôi khi, giống như vị quan tòa yêu cầu bồi thẩm đoàn bỏ qua những gì nhân chứng vừa nói, chúng ta cố gắng thu hồi lệnh gửi. Nhưng một khi lời đã nói ra thì không thể lấy lại. Như câu nói mà mẹ tôi rất tâm đắc, “Tôi tha thứ… nhưng tôi không quên.”

Điểm mấu chốt, trong thời gian thực, chính là tránh nhấn nút GỬI vô ích ngay từ đầu.

Năm giây mà Google cho chúng ta để thu hồi sai lầm của mình? Chúng ta có thể dùng nó trước khi nhấn lệnh GỬI. Có lẽ đó là tất cả những gì chúng ta cần để tránh phạm sai lầm. Chỉ 5 giây ngắn ngủi.

“Dừng lại,” Isabelle đã la lên khi con bé uống phải nước. Tạm dừng trong vài giây để con thở đã.

Không có quy định nào nói rằng chúng ta phải phản hồi một việc nào đó ngay lập tức. Vì vậy hãy tạm dừng. Hít thở vài hơi.

Vào một buổi sáng nọ, vì sai lệch thông tin về thời gian, tôi đã lỡ cuộc hẹn với Luigi, một trong những khách hàng của tôi. Chiều hôm đó, khi đang đứng ở tiền sảnh trong tòa nhà văn phòng của anh ấy thì đột nhiên tôi nghe anh ấy la lên, “Này Bregman, anh đã ở đâu sáng nay vậy?”

Ngay lập tức tim tôi đập mạnh. Hoóc-môn adrenaline tiết ra. Cảm xúc dâng lên. Vô cùng lúng túng. Tức giận. Không cách nào bào chữa. Luigi nghĩ mình là ai mà hét với tôi như thế ngay trước mặt mọi người vậy?

Tôi nói về phản ứng đó của mình với Tiến sĩ Joshua Gordon, một nhà nghiên cứu về hệ thần kinh, đồng thời là người trợ giảng tại Đại học Columbia. “Có những chuỗi phản ứng sinh hóa đưa các kích thích thuộc về giác quan đến hạch hạnh nhân,” ông ấy nói với tôi.

Gì cơ?

“Hạch hạnh nhân (amygdala) là trung tâm phản ứng cảm xúc trong não bộ,” ông giải thích. “Khi một việc đột ngột xảy ra ở thế giới bên ngoài, nó lập tức tạo ra cảm xúc.”

Chuyện đó cũng ổn. Nhưng cảm xúc tinh khiết, nguyên chất, không pha trộn không phải là khởi nguồn cho những quyết định tốt nhất của bạn. Như vậy, làm sao để vượt qua những suy nghĩ cảm tính để đến với suy nghĩ lý tính?

Hóa ra trong khi bạn đang đấu tranh với một người khác, vẫn có một cuộc chiến khác đang diễn ra trong não bộ giữa bạn và bản thân bạn. Cuộc nội chiến thầm lặng đó chính là quá trình vỏ não trước của bạn cố gắng khuất phục hạch amygdala.

Hãy xem hạch amygdala như một người tí hon màu đỏ đang cầm cái chĩa đứng trong đầu bạn và nói, “Tôi ủng hộ việc chúng ta đánh bại gã đó!”. Còn vỏ não trước là một người tí hon mặc áo trắng nói, “Có lẽ hét lại với gã này không phải là cách hay. Ý tôi là, dù sao thì anh ta cũng là khách hàng của chúng ta mà.”

“Điểm mấu chốt là dùng vỏ não trước để điều khiển hạch amygdala một cách lý trí,” Tiến sĩ Gordon nói. Tôi hỏi ông ấy làm thế nào để giúp vỏ não trước giành chiến thắng. Sau vài giây im lặng, ông trả lời, “Nếu anh hít sâu và tạm dừng hành động, anh đã cho vỏ não trước thời gian để áp chế phản ứng cảm tính.”

Tại sao phải hít thở sâu?

“Làm chậm nhịp thở sẽ có tác dụng xoa dịu não bộ.”

“Chúng ta phải dừng lại trong bao lâu?” Tôi hỏi ông. “Vỏ não trước cần bao nhiêu thời gian để đánh bại được hạch amygdala?”

“Không lâu. Chỉ một hoặc hai giây.”

Bây giờ thì rõ rồi. Năm giây của Google đúng là quy tắc vàng. Khi Luigi hét vào mặt tôi lúc ở trên sảnh, tôi đã hít một hơi thật sâu và cho vỏ não trước của mình thời gian giành thắng lợi. Tôi biết rằng có chuyện hiểu lầm ở đây và tôi cũng hiểu mối quan hệ giữa tôi với Luigi là quan trọng. Vì vậy thay vì nạt lại, tôi tiến lại gần anh. Chỉ mất một vài giây, nhưng nó cho chúng tôi đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo.

Tạm dừng. Hít thở. Sau đó hành động. Phản ứng của Isabelle có thể là một cách mà tất cả chúng ta nên học hỏi.

“Sẵn sàng chưa?” Tôi hỏi Isabelle khi thấy con bé có vẻ đã ổn.

“Rồi ạ, đi nào!” Con bé la lên và lại lao xuống nước, rõ ràng là đã tỉnh táo và tập trung hướng đến những bậc thang.

Tôi cho con bé 5 giây để bơi trước, sau đó tôi lao xuống nước và đuổi theo.

Chỉ vài giây. Đó là tất cả những gì chúng ta cần. Để chọn lựa con đường chúng ta muốn hướng đến một cách có chủ đích. Để giữ chúng ta đi đúng đường một khi đã bắt đầu chuyển động. Và để thường xuyên lưu ý xem, sau một khoảng thời gian, liệu chúng ta có còn đi đúng hướng nữa hay không.

Phút tạm dừng giúp bạn có một bước tiến khôn ngoan hơn.

3. Ngày Andy Rời Sở Làm Sớm
Dừng lại để tăng tốc
Một chiều thứ sáu gần 20 năm trước, chẳng bao lâu sau khi gia nhập một công ty tư vấn ở New York, tôi đang chạy một buổi thuyết trình quan trọng với Tiến sĩ Andy Geller, người quản lý văn phòng. Buổi thuyết trình dự kiến diễn ra vào sáng thứ hai, và chúng tôi đã chậm tiến độ.

Vào lúc 2 giờ, Andy nói rằng anh ấy phải đi.

“Nhưng chúng ta chưa làm xong,” tôi lắp bắp. Andy không phải là loại người bỏ dở giữa chừng khi chưa hoàn thành công việc, tôi cũng thế.

“Tôi biết,” anh vừa trả lời vừa nhìn đồng hồ, “nhưng vài giờ nữa là đến ngày Shabbat và tôi phải về nhà. Tôi sẽ trở lại vào tối thứ bảy. Nếu anh cũng quay lại được thì chúng ta sẽ cùng làm vào hôm đó. Còn không thì anh cứ tranh thủ làm tất cả những gì có thể trong hôm nay, tối mai tôi sẽ hoàn thành nốt những gì còn lại.” Tôi quyết định cùng về với anh ấy và chúng tôi gặp lại vào 8 giờ tối thứ bảy. Tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, chúng tôi đã hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian kỷ lục.

Ngoài lề một tí: Shabbat là ngày thứ bảy Shabbat theo đạo Do Thái; nó bắt đầu từ thời điểm mặt trời lặn vào ngày thứ sáu và kết thúc vào tối thứ bảy. Thời gian cụ thể thì tùy thuộc vào thời điểm mặt trời lặn – vào mùa đông sẽ sớm hơn, và mùa hè thì muộn hơn. Đối với những người theo đạo Do Thái, đó là một ngày để nghỉ ngơi. Không làm việc, không du lịch, không máy tính, điện thoại hay ti-vi. Theo như những gì tôi biết, ngày Shabbat lấy ý tưởng từ việc chúng ta dành 6 ngày để sử dụng năng lượng vào việc thay đổi thế giới, còn mục đích của ngày thứ bảy chỉ đơn giản là để quan sát và tận hưởng thế giới như bản chất vốn có của nó.

Những người Do Thái giáo dùng ngày Shabbat để cầu nguyện, ăn uống, tản bộ và dành thời gian cho gia đình cùng bạn bè.

Họ có mục đích của họ.

Đời người là một cuộc đua ma-ra-tông đường dài, chứ không phải chạy nước rút. Thực tế thì mỗi ngày đều là một cuộc đua ma-ra-tông. Đa số chúng ta không làm việc trong 20 phút một ngày, nỗ lực hết sức có thể, và rồi nghỉ ngơi chờ đến cuộc đua tiếp theo. Mà chúng ta đi làm từ lúc sáng sớm, chạy hết tốc lực trong 8, 10, 12 tiếng đồng hồ, sau đó về nhà và lại gắng sức với những bổn phận cá nhân – hoặc đôi khi là lại tiếp tục làm việc, trước khi đi ngủ. Hôm sau chúng ta lại thực hiện vòng tuần hoàn đó.

Đó là lý do vì sao tôi ủng hộ việc làm những gì mình yêu thích. Nhưng ngay cả khi bạn yêu thích công việc đó đi nữa, lịch làm việc như vậy cũng khiến bạn vô cùng mệt mỏi. Không vận động viên nào trên thế giới có thể duy trì kế hoạch này mà không nghỉ ngơi. Họ có cả mùa để nghỉ.

Vậy nên nếu mỗi ngày đều là một cuộc đua ma-ra-tông, có lẽ sẽ hữu ích nếu chúng ta học hỏi những người tập chạy ma-ra-tông.

Ví dụ như cô bạn Amanda Kravat của tôi, người đã bỏ công sức rèn luyện để tham gia cuộc thi ma-ra-tông tổ chức tại thành phố New York. Cô ấy chưa từng tham gia cuộc thi chạy nào trước đây. Tôi hỏi cô ấy làm thế nào để chinh phục thử thách nặng nề này trong khi bản thân không có chút kinh nghiệm gì cả.

“Mình chỉ đơn giản là rèn luyện theo lịch tập chạy chính thức thôi,” cô ấy đáp. Tôi nhờ cô ấy gửi email lịch tập chạy đó cho tôi. Đây là những gì tôi tìm hiểu được: Nếu bạn muốn thành công trong cuộc thi ma-ra-tông mà không bị chấn thương, hãy dành 4 ngày trong tuần để tập chạy ngắn, một ngày tập chạy đường dài hết tốc lực, và hai ngày hoàn toàn không tập luyện gì cả.

Giờ thì tôi nghĩ đó là một kế hoạch khá thông minh nếu bạn muốn làm bất cứ việc gì mang tính thử thách và muốn duy trì nó trong suốt thời gian dài. Một vài ngày với mức độ vừa phải, một ngày làm cật lực, và một hay hai ngày thư giãn tuyệt đối.

Bao nhiêu người trong chúng ta làm việc không ngừng, ngày này qua ngày khác, không hề nghỉ ngơi? Nhìn có vẻ là chúng ta đang tiến triển, nhưng một thời gian biểu như vậy chắc chắn sẽ gây ra những thương tổn.

Khi dành thời gian nghỉ ngơi, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều giúp mình tiến bộ hơn so với khi chúng ta làm việc. Một điều chắc chắn là những ý tưởng hay ho nhất của tôi đều xuất hiện khi tôi rời khỏi máy vi tính và đi tản bộ, hoặc đơn giản chỉ là ngồi tán gẫu với bạn bè.

Như vậy, một trong những mặt tích cực của việc nghỉ ngơi vài ngày là bạn sẽ có thời gian suy nghĩ. Nhưng nó cũng có mặt tiêu cực, và mặt này đủ nghiêm trọng để tôi tin rằng đó chính là lý do mà chúng ta chống lại nó một cách vô thức: Nó cho bạn thời gian để suy nghĩ.

Cô bạn Hillary Small của tôi bị gãy chân và phải nằm trên giường nghỉ ngơi vài tuần. “Sự cố không may này vô tình cho tôi một dịp để nghỉ ngơi, thứ mà tôi sẽ không bao giờ tự mình có được,” cô ấy nói, “và khi mọi thứ chậm lại, tôi cảm thấy buồn bực vô cùng. Không gì giúp tôi ngừng cảm thấy rằng mình đang sống một cuộc sống mà những nhu cầu của tôi đều không được ưu tiên.”

Vậy nên thời gian đó khá là khó khăn với cô ấy. Nhưng nó cũng giúp cô ấy tái tạo nguồn năng lượng mới để tập trung vào những ưu tiên hàng đầu của mình. Khi thư giãn, chúng ta mạnh mẽ hơn khi quay trở lại. Có một phương pháp chạy đường dài phổ biến gọi là phương pháp kết hợp Chạy-Đi; sau mỗi vài phút chạy bộ sẽ là một phút đi bộ. Điều thú vị là người ta không chỉ áp dụng phương pháp này để tập luyện, mà còn dùng trong thi đấu. Ngạc nhiên hơn nữa là với phương pháp đó, họ vượt xa hơn so với những lúc họ chạy suốt cả đoạn đường. Lý do là vì việc giảm tốc độ, ngay cả khi nó chỉ kéo dài vài phút lúc này lúc kia, thậm chí ngay giữa cuộc đua, nó đều giúp bạn chạy nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo như những người áp dụng phương pháp Chạy-Đi, nó còn giúp việc chạy thú vị hơn.

Cuộc sống cũng vậy, nó sẽ trở nên thi vị hơn nhiều khi được xen vào những khoảng thời gian thư giãn. Đi bộ một đoạn giữa cuộc đua. Một khoảng dừng. Một lần nghỉ ngơi. Một ít thời gian để phục hồi. Để ổn định lại phong độ của bạn. Để xác định trọng tâm và mục tiêu của bạn.

Tôi muốn nói đến một chuỗi những khoảng lặng để tự vấn bản thân một vài câu hỏi quan trọng, để lắng nghe câu trả lời trỗi dậy, và để tạo ra những thay đổi – có thể lớn, có thể nhỏ – giúp bạn bước đi vững vàng hơn. Điều đó giúp bạn biết chắc rằng mình đang chạy đúng đường đua. Và chạy đúng cách. Nó sẽ giúp bạn chiến thắng.

Thường xuyên có những khoảng dừng để nghỉ ngơi là một phương pháp cực kỳ hữu dụng. Nó giúp tái tạo năng lượng cho cơ thể và tâm trí bạn, nhẹ nhàng hướng cuộc sống bạn đến những gì quan trọng nhất, và tạo ra thời gian cùng không gian để bạn có thể nhắm đến mục tiêu của mình chính xác hơn.

4. Lạnh Cóng Giữa Mùa Xuân
Nhìn nhận thế giới như nó vốn có, chứ không phải như những gì bạn mong đợi
Cuối một mùa trượt tuyết nọ, khi ánh mặt trời lan tỏa và những chồi non nhú lên từ ngọn cây, tôi bị hoại tử do tê cóng lúc trượt tuyết. Không chỉ là vết hoại tử nhỏ, mà vài ngón chân của tôi trắng nhách như tuyết. Thật may vì tôi không bị mất ngón chân nào, nhưng cũng phải mất 10 phút tắm nước nóng thì chúng mới từ từ trở về trạng thái bình thường trong đau đớn.

Quái lạ ở chỗ: Tôi đã trượt tuyết cả mùa đông với nhiệt độ dưới cả mức đóng băng mà không hề bị tê cóng như vậy. Chuyện gì đã xảy ra?

Nguyên nhân chính xác là bởi vì khi đó là mùa xuân nên tôi mới bị hoại tử.

Như thế này, vào mùa đông, trời lạnh, tôi mặc áo khoác phao và nhiều lớp quần áo giữ ấm. Quan trọng nhất là tôi dùng những miếng làm ấm chân – những gói hóa chất mỏng được nhét vào bên trong đôi ủng trượt tuyết có thể giữ ấm trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Tôi phải làm vậy vì bàn chân của tôi to quá khổ còn đôi giày lại khá chật, điều này cản trở việc lưu thông máu và khiến tôi dễ bị cóng khi trời lạnh.

Lần này, vì là đợt trượt tuyết cuối cùng trong mùa xuân, nên tôi mặc một chiếc áo khoác mỏng và không dùng miếng giữ ấm chân.

Tôi có kiểm tra nhiệt độ trước khi ra ngoài không? Đương nhiên là có. Tôi biết là trời lạnh. Chân tôi thậm chí còn trở nên đau đớn sau 1 tiếng đồng hồ trượt tuyết, nhưng tôi vẫn tiếp tục. Đơn giản là tôi phớt lờ những thông tin đó. Tại sao? Bởi vì khi đó là mùa xuân! Tôi nghĩ thời tiết sẽ ấm hơn. Kinh nghiệm từng trải cho tôi biết rằng khoảng thời gian này trong năm trời nắng và nóng. Vào thời gian này của những năm trước, tôi mặc áo thun để trượt tuyết.

Những điều đó đã che lấp một sự thật rằng thật ra nhiệt độ lúc đó đủ lạnh để làm cóng chân tôi.

Đây là một ví dụ dễ hình dung để nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa kỳ vọng với thực tế, giữa quá khứ với hiện tại, giữa khao khát với những gì đang diễn ra. Và cả việc nó sẽ đau đớn như thế nào khi chúng ta nhầm lẫn.

Có hẳn một thuật ngữ tâm lý học cho hiện tượng này: xu hướng tự chứng thực (xu hướng tự mình khẳng định một điều gì đó mà phớt lờ những thông tin thực tế). Chúng ta tìm kiếm các dữ kiện, hành vi và chứng cứ cho thấy mọi việc đang diễn ra theo cách chúng ta tin rằng nó phải như vậy. Nói cách khác, chúng ta tìm kiếm thông tin để xác nhận rằng mình đúng.

Đầu những năm 1990, trong lúc đang làm việc cho một công ty tư vấn tầm trung, tôi đăng ký vào chương trình MBA của Đại học Columbia. Hai năm sau khi tốt nghiệp , tôi vẫn làm việc cho công ty đó, và sẵn sàng đối đầu với những thử thách mới. Tôi được trang bị nhiều kỹ năng mới – những kỹ năng mà công ty đã chi trả phần nào để tôi có được – và tôi muốn thực hành chúng.

Thế nhưng công ty vẫn không nhìn thấy con người mới của tôi. Họ vẫn thấy con người cũ, con người mà họ đã tuyển dụng và rèn luyện bốn năm trước. Vì vậy họ tiếp tục giao cho tôi cùng một loại công việc và sử dụng tôi theo cùng một cách mà họ đã làm trước khi tôi có được tấm bằng MBA.

Sau đó, một chuyên gia săn đầu người đã gọi cho tôi. Trước đó cô ấy không biết tôi, nên cô ấy nhìn nhận tôi đúng với hiện tại, không phải như những gì cô ấy nghĩ về tôi. Trong vòng vài tháng, tôi rời khỏi công ty và gia nhập công ty mới với những người muốn sử dụng các kỹ năng mới của tôi.

Sự bất lực – hoặc không sẵn sàng – của chúng ta trong việc nhìn nhận vấn đề như nó vốn có chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong đời sống cá nhân, công việc, và trong tổ chức. Thế giới thay đổi, vậy mà chúng ta vẫn hy vọng nó là thế giới mà chúng ta nghĩ rằng nó như thế, vì vậy chúng ta không hề phản ứng.

Tôi đương đầu với thử thách này suốt trong công việc tư vấn. Thách thức lớn nhất trong những lần tư vấn không phải là thay đổi một ai đó – việc đó khá dễ dàng. Mà khó khăn hơn cả chính là làm thế nào để những người xung quanh thay đổi cách nhìn nhận về con người đó. Bởi vì khi chúng ta đã có định kiến, chúng ta không chấp nhận thay đổi nó.

Bách khoa toàn thư Britannica với 200 năm nhượng quyền thương hiệu và số lượng sách bán ra khổng lồ, đã bị truyền thông số đánh bại và chắc chắn không thể phục hồi được. Kodak đã từng rất thành công trong việc bán những cuộn phim máy ảnh từ năm 1888, đến mức họ không thể tưởng tượng được mình sẽ bị các đối thủ kỹ thuật số loại ra khỏi cuộc chơi một cách nhanh chóng như thế nào.

Tại sao chúng ta lại rơi vào cái bẫy của sự kỳ vọng?

Thông thường, những kỳ vọng của chúng ta là đúng. Mùa xuân thì thời tiết ấm hơn. Con người thường không thay đổi quá nhiều. Và một thương hiệu 200 năm thì, ờ, 200 tuổi. Khá là vững chắc.

Chúng khiến ta cảm thấy yên ổn. An toàn. Hợp lý.

Nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại sai. Có thể cũng có lúc chúng ta đúng, và sau đó sự việc thay đổi. Nhưng bây giờ, có thể chúng ta sai và chúng ta không muốn thừa nhận điều đó. Chúng ta thậm chí còn không nhìn ra điều đó. Bởi vì chúng ta quá bận rộn tìm kiếm bằng chứng chứng thực cho ý kiến cũ của mình.

Đáng tiếc là trong khi xu hướng tự chứng thực làm chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, thì nó lại khiến chúng ta hành động tệ hơn. Vậy nên nhân viên ra đi. Việc kinh doanh sụp đổ. Và tôi bị hoại tử vì tê cóng.

Làm thế nào để không rơi vào cái bẫy của sự kỳ vọng?

Thay vì tìm câu trả lời chứng minh sự việc vẫn như cũ, chúng ta có thể tìm hiểu xem nó thay đổi như thế nào. Thay vì đi tìm bằng chứng để chứng thực quan điểm của mình, chúng ta có thể tìm cách rũ bỏ nó. Thay vì muốn chứng tỏ mình đúng, chúng ta có thể muốn xác nhận mình sai.

Đương nhiên, việc này cần đến sự tự tin to lớn. Hãy đối mặt với nó, tất cả chúng ta đều muốn mình đúng hơn là sai.

Nhưng nực cười ở chỗ: Bạn càng chứng tỏ mình sai thì bạn sẽ càng có cơ hội nhận ra mình đúng.

Vì vậy, lần tới khi bạn đánh giá một nhân viên, hãy tự hỏi: Đã có gì thay đổi trong thời gian qua? Thay vì tập trung vào những gì cô ấy làm sai, hãy thử tìm những việc đúng đắn và mới mẻ cô ấy đã làm mà bạn chưa chú ý đến. Tương tự đối với bất kỳ mối quan hệ nào xung quanh bạn.

Khi đánh giá lĩnh vực kinh doanh bạn đang hoạt động, hãy tự hỏi nó thay đổi như thế nào và tại sao điều đó có thể khiến chiến lược của bạn không còn hiệu quả. Hãy yêu cầu mọi người tranh luận với bạn. Sau đó, lắng nghe thay vì tranh cãi.

Áp dụng tương tự đối với cách bạn sử dụng thời gian. Hãy chống lại cái ham muốn chấp nhận tình trạng thiếu hụt thời gian mà bạn có thể đối mặt. Bạn có thật sự cần phải làm mọi việc bạn nghĩ rằng mình phải làm hay không?

Sau đây là một câu hỏi rất thích hợp để bạn tự đặt ra cho bản thân: Tôi không muốn thấy điều gì?

Lần sau khi ra ngoài, bất kể là vào mùa nào trong năm, trước hết hãy đưa tay ra ngoài cửa sổ và cảm nhận nhiệt độ.

Bởi vì bạn không chắc chắn mình có đúng hay không, cho đến khi bạn kiểm chứng những giả định của mình. Nhưng một khi bạn chất vấn một giả định, khi bạn cởi mở tâm trí trước khả năng rằng sự việc có thể không diễn ra theo cách nó thường diễn ra, bạn cần phải chuẩn bị tinh thần để… sai. Đây thường là một việc tốt. Bởi vì nếu bạn sai, nghĩa là có những khả năng mới mở ra phía trước, những điều mà trước đây bạn chắc hẳn chưa từng nghĩ đến.

Thế giới thay đổi – chúng ta thay đổi – nhanh hơn những gì chúng ta có khuynh hướng chú ý đến. Để tối ưu hóa tiềm năng bản thân, bạn cần nhìn thấu những kỳ vọng làm giới hạn bạn và những lựa chọn của bạn. Bạn cần nhìn nhận thế giới như nó vốn có – và nhìn nhận con người bạn như nó vốn có.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

17 quyển sách kỹ năng làm việc hay giúp bạn làm ít được nhiều - 17 quyển sách kỹ năng làm việc giúp bạn xác định những mục tiêu ưu tiên, khắc phục tình trạng trì trệ trong công việc từ đó phát triển và gặt hái nhiều thành quả vượt bậc trong sự nghiệp của mình. Hoàn Thành Mọi Việc Không Hề Khó Làm thế nào để đạt được… Đọc thêm
7 quyển sách hay về quản lý thời gian giúp bạn sống trọn vẹn 24 giờ một ngày - Thời gian theo định nghĩa của Wikipedia thì chỉ có một chiều duy nhất và là hữu hạn đối với mỗi con người . Có thể sự quý giá của thời gian là như thế nào thế nhưng không phải ai cũng hiểu và sử dụng thời gian một cách đúng đắn và tối ưu… Đọc thêm
8 cuốn sách giúp bạn loại bỏ thói quen trì hoãn - Cảm tình với nàng làm cùng phòng, sợ sệt, ngày này qua tháng nọ chẳng dám rủ em ấy đi cà phê -> Trì hoãn trong tình yêu. Sếp giao việc trong vòng 5 ngày phải hoàn tất, chơi cho đã 4 ngày, ngày cuối cắm đầu làm, chẳng kịp -> Trì hoãn trong công… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

4 đánh giá cho 18 Phút

  1. Hồ Trọng Hùng

    Gretchen Rubin nhận xét quyển sách “không kém phần hài hước”, nhưng khi đọc lời văn của 2 dịch giả không cho thấy độ hài hước tí nào.
    Quyển sách là 1 sự trải nghiệm của chính tác giả , 1 người với sự nghiệp từng lên như diều gặp gió rồi đột ngột sụp đổ nhanh chóng. Qua sự thất bại tạm thời đó, tác giả đã điềm tĩnh trở lại, định vị lại bản thân mình và khởi động 1 quá trình mới. Sách khá hay và cần thiết cho ai muốn tìm lại, và tái khám phá bản thân mình !!!

  2. Phương Linh

    Cảm nhận của mình ở những trang đầu tiên đây là một cuốn sách nhàm chán, cứng nhắc vì tác giả luôn mở đầu bằng một câu chuyện và kết thúc bằng một lời nhận xét khá chủ quan của mình nên không thú vị lắm. Đọc đến khoảng 1/3 cuốn sách thì thấy có sự đột phá mới trong cách viết, tác giả đưa ra nhiều lời khuyên, lý giải vì sao và cách tiến hành như thế nào. Tiêu đề 18 phút không có nghĩa là mỗi ngày chỉ làm việc trong vòng 18 phút mà đó là 18 phút để tập trung nhìn nhận lại mình đã làm được những việc gì trong một ngày đó. Cuốn sách gợi được cảm giác tò mò và thú vị cho người đọc, rất đáng để có trong tủ sách nhà bạn.

  3. Do Thu Ha

    Cuốn sách này chủ đề hao hao giống với cuốn 80/20 nhưng nó còn giúp chúng ta dừng lại và sống chậm hơn, biết tập trung vào những thứ quan trọng với chúng ta (có thể là gia đình, bạn bè, sở thích, ước mơ…) thay vì mỗi ngày bận rộn với công việc. Đọc và chậm rãi thực hành theo chỉ dẫn, bạn sẽ bất ngờ khi thấy cuộc sống mình thay đổi rõ rệt từ lúc nào. Tốt nhất là nên đọc 1 lượt sơ qua hết cuốn sách, rồi sau đó đọc kỹ lại từng chương và ứng dụng nó.

  4. Trần Thùy Linh

    Cầm quyển sách thì công nhận ấn tượng về chất lượng của giấy in rất tốt. Nội dung khá thú vị và bổ ích. Không quá thiên về giảng giải đạo lý như các sách dạy kỹ năng mình hay đọc. Sách đan xen những câu truyện ngắn để minh họa về những nội dung muốn truyền đạt, nên đọc không cảm thấy nhàm chán. Mỗi ngày nên đọc vài phần nhỏ để suy nghĩ và rút ra kinh nghiệm cho bản thân và xác định mục tiêu, cách chuẩn bị cho tương lai. Mình thấy đây là cuốn sách khá hay cho mọi người.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button