7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc

(2 đánh giá của khách hàng)

“Các bạn sẽ trở thành bác sĩ, luật sư, doanh nhân, nhưng trước tiên các bạn là những con người, và những mối quan hệ nhân sinh – như vợ chồng, con cái, bạn bè – là những đầu tư quan trọng nhất mà các bạn sẽ phải thực hiện. Đến cuối cuộc đời, bạn sẽ không việc gì phải hối tiếc khi trượt một kỳ thi, thua một vụ kiện, hay không kết thúc hoàn hảo một thương vụ. Nhưng bạn sẽ hối tiếc về thời gian không dành đủ cho cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè… Thành công của một xã hội không dựa trên những gì đang diễn ra trong Chính phủ mà dựa trên những gì đang xảy ra trong mỗi gia đình chúng ta”.

Danh mục:

Giới thiệu

Gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình yên vui, hạnh phúc là nền tảng phát triển của một xã hội tiến bộ. Và có lẽ đối với hầu hết mọi người, thành công lớn nhất trong suốt cuộc đời họ không phải là tiền tài, tri thức hay địa vị xã hội mà đó chính là một gia đình hạnh phúc. Tác giả đã quan sát kỹ lưỡng và cẩn thận ghi chép những điều diễn ra trong cuộc sống gia đình mình và các gia đình khác, khái quát chúng thành các quy luật để chia sẻ những lời khuyên thiết thực với độc giả qua cuốn sách 7 thói quen tạo gia đình hạnh phúc.

“7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc” mang đến cho bạn những bài học quý giá để tạo dựng và duy trì một văn hóa gia đình vững chắc trong xã hội nhiều biến động ngày nay

Việc ứng dụng “7 thói quen” vào gia đình bạn là hoàn toàn tự nhiên. Vì trên thực tế, các thói quen thường được xây dựng từ trong chính gia đình. Bạn sẽ cảm nhận rõ điều này khi đọc những câu chuyện kỳ diệu của những gia đình rất khác nhau chia sẻ về cách họ áp dụng “7 thói quen” và kết quả họ đã nhận được..

Đọc thử

Nhiều năm trước đây khi còn đang nghiên cứu ở Hawaii, tôi thường rảo qua các kệ sách ở phía cuối một thư viện của

trường đại học. Trong đó, có một cuốn sách ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi: khi lật giở vài trang, mắt tôi dừng lại ở một đoạn văn ngắn rất thú vị, đáng ngạc nhiên và đáng nhớ đến mức đoạn văn ấy đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời tôi.

Một ý tưởng độc đáo được hiển hiện, chỉ với ba câu trong đoạn văn ấy:

Có một khoảng trống giữa tác nhân và sự phản ứng.

Trong khoảng trống ấy chúng ta có quyền tự do lựa chọn cách ứng xử.

Cách ứng xử đó thể hiện sự trưởng thành và niềm hạnh phúc của chúng ta.

Tôi không biết phải diễn tả tác động của ý tưởng đó đối với tôi như thế nào. Tôi đã chìm đắm, miên man suy nghĩ. Tôi rất thích sắc thái tự do toát ra từ ý tưởng, để vận dụng vào chính bản thân mình. Có một khoảng trống giữa những điều tác động đến tôi và phản ứng của tôi. Trong khoảng trống đó, tôi có quyền tự do lựa chọn cách ứng phó. Cách ứng phó này thể hiện sự trưởng thành và niềm hạnh phúc của tôi.

Càng suy ngẫm tôi càng nhận thấy rằng, cách ứng xử của tôi cũng có thể có tác động trở lại đối với tác nhân. Chính bản thân tôi cũng có thể trở thành một tác nhân.

Những suy nghĩ đó đã quay trở lại với tôi vào một buổi tối. Khi tôi đang ghi hình thì nhận một tin nhắn là Sandra chờ tôi ở đầu dây bên kia và cần nói chuyện.

“Anh đang làm gì thế?”, Sandra hỏi với giọng bồn chồn, sốt ruột. “Anh biết là tối nay chúng ta có khách tới ăn tối mà. Anh đang ở đâu đấy?”.

Tôi biết cô ấy rất lo lắng, trong khi tôi mải mê cả ngày ghi hình ở trên núi. Khi chúng tôi quay xong cảnh cuối cùng, đột ngột đạo diễn yêu cầu phải quay thêm cảnh mặt trời lặn, cho nên chúng tôi phải mất gần một tiếng đồng hồ nữa để chớp cho được khoảnh khắc đặc biệt này.

Mọi khó chịu dồn nén trong lòng, sau hàng loạt cảnh quay kéo dài, khiến tôi không tự chủ được nên trả lời cộc lốc: “Nghe này, Sandra, anh chẳng có lỗi gì cả bởi chính em là người lên kế hoạch cho bữa tối.

Anh đâu thể làm gì, khi mọi thứ ở đây không tài nào nhanh hơn được. Em phải tự xoay xở để giải quyết mọi việc ở nhà, chứ anh không thể bỏ đi ngay bây giờ được. Anh còn phải làm việc. Khi nào có thể thì anh sẽ về”.

Tôi gác máy, quay về chỗ ghi hình. Bất chợt tôi nhận ra phản ứng của tôi với Sandra khá gay gắt. Sandra sốt ruột là hoàn toàn hợp lý, vì cô ấy đang rơi vào hoàn cảnh khó xử. Cô ấy đã trông chờ vào tôi nhưng tôi lại chẳng giúp gì cô ấy. Thay vì thông cảm, tôi lại chỉ nghĩ đến mình để rồi trả lời gắt gỏng, chắc chắn câu trả lời đó càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Càng nghĩ về chuyện này, tôi càng nhận thấy hành động của mình quá đà. Đây không phải là cách tôi muốn đối xử với vợ mình. Giá mà tôi đã không làm như thế, giá mà tôi bình tĩnh, thông cảm, cân nhắc hơn; giá mà tôi đã nghĩ về tình yêu của tôi với cô ấy thay vì những căng thẳng công việc thì mọi chuyện chắc chắn đã khác.

Nhưng vấn đề là lúc đó tôi không hề nghĩ gì đến hậu quả. Thay vì hành động dựa trên những nguyên tắc tốt đẹp, tôi lại xuôi theo cảm xúc nhất thời của mình. Tâm trạng khó chịu và mệt mỏi lúc đó xâm chiếm đầu óc tôi mạnh mẽ đến nỗi tôi không còn kịp nhận ra được mình cần phải làm gì.

Trên đường lái xe về nhà, tâm trí tôi không còn vướng bận công việc nữa, thay vào đó là hình ảnh của Sandra. Sự giận dữ đã hoàn toàn biến mất, trong trái tim tôi ngập tràn tình yêu và sự cảm thông đối với cô ấy. Tôi chuẩn bị tinh thần để xin lỗi Sandra. Mọi việc được giải quyết ổn thỏa, quan hệ của chúng tôi ấm áp trở lại.

Tạo ra “một điểm dừng”

Người ta rất dễ phản ứng nhất thời trước một việc gì đó. Bạn sẽ nhận thấy điều này trong cuộc sống của chính mình. Bạn thường bị chi phối bởi hoàn cảnh nhất thời. Điều này khiến bạn nói những điều mà bạn không chủ định, và làm những việc mà sau này bạn thấy hối hận. Bạn sẽ tự nhủ: “Ôi, giá mà mình kịp dừng lại và suy nghĩ một chút thôi thì đâu phải phản ứng đến mức như vậy!”.

Rõ ràng cuộc sống gia đình sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, nếu mọi người hành động dựa trên những giá trị bên trong thay vì phản ứng theo cảm xúc nhất thời. Tất cả những gì chúng ta cần là “một điểm dừng” – hay nói cách khác, chúng ta phải biết tạm dừng khi gặp phải vấn đề nào đó, trước khi tìm ra cách ứng xử hợp lý nhất.

Mỗi cá nhân đều có khả năng dừng lại đúng lúc. Bạn nên rèn luyện thói quen này ngay trong gia đình, để biết cách dừng ở đâu và có những ứng xử khôn ngoan hơn.

Bốn kỹ năng chỉ có ở con người

Để hiểu rõ 4 kỹ năng, tôi sẽ đưa ra ví dụ về một phụ nữ đã vận dụng những kỹ năng ấy để tạo nên sự thay đổi trong gia đình mình. Cô ấy kể:

Suốt mấy năm trời tôi phải vật lộn với lũ trẻ, còn chúng thường xuyên cắn đắn với nhau. Tôi phải đứng ra phân xử, trách mắng. Tôi biết, việc tôi thường rầy la đã làm tổn thương lòng tự trọng của chúng.

Hết lần này đến lần khác tôi đều cố gắng để thay đổi, nhưng mỗi lần như vậy tôi không sao từ bỏ được thói quen cũ. Lúc đó tôi thấy chán ghét bản thân mình, và thế là tôi lại trút giận lên con cái. Sự thể như thế càng khiến tôi cảm thấy đáng trách hơn. Cơ hồ tôi đang tuột dần xuống một vòng xoáy. Tôi biết mình cần phải làm một cái gì đó, nhưng không biết cụ thể đó là cái gì.

Cuối cùng tôi quyết định là phải suy xét kỹ lưỡng, dàn xếp, nhìn nhận nghiêm túc vấn đề của mình. Và rồi tôi đã nhận thức được hai nguyên nhân sâu xa khiến tôi có hành vi gay gắt và tiêu cực như vậy.

Đầu tiên, đó là những trải nghiệm từ thuở ấu thơ đã tác động đến thái độ và hành vi của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chính cách thức nuôi dạy của cha mẹ đã để lại trong tôi những vết sẹo tâm lý. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi đầy những rạn nứt. Tôi nhớ là chưa từng thấy cha mẹ ngồi nói chuyện với nhau vì họ luôn bất đồng quan điểm. Hoặc là họ cãi nhau, hoặc đánh nhau, hoặc đường ai nấy đi và giữ thái độ im lặng. Cuối cùng cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi đi đến chỗ kết thúc.

Vì thế, khi gặp phải những vấn đề rắc rối tương tự xảy ra trong chính gia đình mình, tôi không biết phải xoay xở thế nào. Tôi không có một hình mẫu nào để làm theo. Thay vì tìm ra một khuôn mẫu hay tự tìm cách giải quyết, tôi lại trút hết những thất vọng và bối rối lên con cái. Mặc dù không thích “giận cá chém thớt”, tôi nhận ra chính tôi lại đang đối xử với các con theo như cách của bố mẹ đối xử với tôi trước đây.

Nguyên nhân thứ hai, đó là tôi muốn thông qua cách cư xử của con cái để giành thiện cảm của mọi người. Tôi muốn mọi người yêu mến tôi vì lũ trẻ nhà tôi có hành vi tốt. Tôi luôn lo sợ bọn trẻ sẽ khiến tôi phải xấu hổ khi bước ra bên ngoài khung cửa gia đình. Chính vì không tin tưởng vào bọn trẻ nên tôi đã đe nẹt, uốn nắn, bắt chúng phải cư xử theo cách mà tôi muốn. Tôi bắt đầu nhận ra việc tôi luôn cố gắng giữ thể diện cho mình đã khiến con tôi không thể trưởng thành và sống có trách nhiệm. Oái oăm thay, cách tôi dạy dỗ lại gây ra điều mà tôi vô cùng lo sợ: bọn trẻ bắt đầu có những hành vi vô trách nhiệm.

Hai nguyên nhân trên giúp tôi hiểu ra: tôi cần phải tự mình giải quyết, thay vì bắt người khác phải thay đổi. Tuổi thơ bất hạnh khiến tôi phần nào có thái độ tiêu cực, nhưng cũng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cha mẹ. Tôi đã có thể lựa chọn những cách ứng xử hoàn toàn khác.

Tôi đã trải qua một quãng thời gian dài, hết sức khó khăn để có thể thừa nhận lỗi do mình. Tôi đã phải đấu tranh với niềm kiêu hãnh tự tạo bấy lâu. Nhưng khi vượt qua được những khó khăn đó, tôi cảm thấy hết sức thoải mái, tự do. Tôi đã kiểm soát được bản thân để tìm ra một hướng đi tốt đẹp hơn. Tôi nhận ra phải có trách nhiệm với chính mình.

Giờ đây mỗi khi lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu đi nữa, tôi chọn “điểm dừng” để xác định lại phương hướng, so sánh thực tế với cách nhìn nhận chủ quan của mình. Tôi tránh không ăn nói bộp chộp, không xử sự gay gắt. Tôi luôn cố gắng để có được một kết cục tốt đẹp và kiểm soát được mình.

Cuộc đấu tranh nội tâm vẫn luôn tiếp diễn. Những lúc như thế, tôi thường rút về một góc yên tĩnh trong tâm hồn mình để kiềm chế và chiến thắng chính mình, để mình không đi chệch hướng.

Khi gặp phải khó khăn, người phụ nữ trong câu chuyện vừa kể đã biết dừng đúng lúc, trước khi đưa ra quyết định. Trong khoảng thời gian dừng lại, cô ấy suy xét để tìm ra hành động phù hợp thay vì phản ứng xốc nổi. Cô ấy đã thực hiện như thế nào?

Hãy lưu ý cách thức cô ấy suy xét lại bản thân để hiểu về hành vi của chính mình. Cô ấy đã áp dụng kỹ năng thứ nhất: tự nhận thức. Là con người, chúng ta có thể đứng ngoài cuộc sống của mình để nhìn nhận một cách khách quan, thậm chí còn biết nhìn nhận cả những suy nghĩ bên trong, để từ đó từng bước tạo nên sự thay đổi và hoàn thiện. Loài vật không thể làm được điều này nhưng con người thì có thể. Kỹ năng thứ hai mà cô ấy sử dụng là lương tâm. Chính lương tâm, “tiếng nói tâm hồn”, đã giúp người phụ nữ nhận ra cách thức cô ấy đối

xử với con cái là không tốt, vì đi theo vết xe đổ mà cô đã trải qua trước kia. Lương tâm cũng là một kỹ năng riêng có của con người. Nó giúp chúng ta đánh giá những gì nhìn thấy trong cuộc sống của bản thân. Giống như chiếc máy tính, lương tâm giúp ta phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai, cái gì nên ghi vào “ổ cứng” của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta cài quá nhiều “phần mềm về những giá trị thứ yếu”, đồng thời sử dụng sai hoặc xem nhẹ khả năng đặc biệt của lương tâm, rất có thể chúng ta sẽ đánh mất kỹ năng đặc biệt này. Lương tâm còn cho ta sức mạnh của tâm hồn. Bằng cách này hay cách khác, và dù có sự khác biệt về ngôn ngữ thì những tôn giáo lớn trên thế giới (như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo…) đều răn dạy con người về lương tâm.

Kỹ năng thứ ba được dùng đến: trí tưởng tượng. Cô ấy hình dung về một viễn cảnh hoàn toàn khác với những gì cô đã trải qua, với một kết cục thú vị hơn so với quá khứ. Cô ấy đã nhận ra khả năng này khi nói: “Tôi đã kiểm soát được bản thân và có thể tìm ra một hướng đi tốt đẹp hơn”.

Vậy kỹ năng thứ tư là gì? Đó là ý chí độc lập – sức mạnh để hành động. Hãy nhìn vào những dự định to lớn và sức mạnh của ý chí mà cô ấy rèn luyện. Cô ấy đang bơi ngược dòng, thậm chí cố thoát khỏi hướng đi trước kia. Cô ấy dồn hết công sức để cố gắng làm chủ chính mình. Dĩ nhiên không dễ dàng chút nào, nhưng đó là điều cốt lõi để có được hạnh phúc đích thực. Cần phải biết hy sinh những lợi ích trước mắt để vươn đến đích cuối cùng. Người phụ nữ này đã biết tiết chế sự bốc đồng, điều chỉnh lại bản thân, chiến thắng cái tôi – vì mong muốn cuối cùng của cô là đạt được một điều gì đó to tát và tốt đẹp hơn trước đây.

Tự nhận thức, lương tâm, trí tưởng tượng sáng tạo và ý chí độc lập là 4 kỹ năng giúp ích cho con người khi đối mặt với những vấn đề khó khăn và đưa ra quyết định.

Loài vật không bao giờ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Chúng chỉ dựa vào bản năng và sự rèn luyện tự nhiên. Mặc dù chúng cũng có những khả năng đặc biệt khác mà con người không có, nhưng về cơ bản, hoạt động của loài vật chỉ là đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi giống.

Trong cuộc đời, con người liên tục gặp phải vô vàn khó khăn và buộc phải tìm ra giải pháp. Đây cũng là một áp lực để giúp chúng ta trưởng thành. Nói cách khác, “trưởng thành hay chết” là yêu cầu tất yếu để hiện hữu.

Sự kiện nhân bản vô tính chú cừu Dolly ở Scotland đã làm dấy lên mối quan tâm về khả năng nhân bản con người với hàng loạt vấn nạn đạo đức. Đa số các cuộc thảo luận đều dựa trên giả định “con người chỉ là động vật cao cấp” – điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ là sản phẩm của điều kiện tự nhiên (cụ thể là gen) và điều kiện xã hội (bao gồm sự nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc, môi trường văn hóa). Nhưng giả định này không thể lý giải được tại sao Gandhi, Nelson Mandela hay Mẹ Teresa làm được những điều vĩ đại, hay tại sao những ông bố bà mẹ trong cuốn sách này có thể làm nên kỳ tích. Đó là vì họ biết vận dụng và phát triển những kỹ năng riêng có của con người, để đạt được những thành tựu, cống hiến vĩ đại.

Một khi biết cách hoàn thiện và vận dụng “điểm dừng”, người mẹ trong câu chuyện trên đã trở nên chủ động. Cô ấy điều chỉnh hướng đi của gia đình để không dẫm lên vết xe đổ của thế hệ trước (nào là thù hận, ưa bạo lực, nào là thích gây gổ…), bằng sự rèn luyện bản thân, bằng đấu tranh nội tâm, khắc phục sai lầm.

Rất chậm rãi, tinh tế, khéo léo, người phụ nữ ấy đang làm nên sự biến đổi sâu sắc trong nề nếp văn hóa gia đình. Cô ấy đang viết nên một kịch bản mới và đã trở thành tác nhân của sự đổi thay.

Thật thú vị là tất cả chúng ta đều có thể làm được điều đó, nếu nhận thức rõ ràng về 4 kỹ năng riêng có của con người. Xuyên suốt cuốn sách này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về từng kỹ năng, thông qua kinh nghiệm của những người đã từng hoàn thiện và vận dụng chúng.

Một khi đã có 4 kỹ năng, bạn sẽ không trở thành nạn nhân của những tác động tiêu cực. Ngay cả khi bạn sống trong một gia đình đầy rẫy sự ngược đãi, bạn vẫn có thể trở thành người tử tế và giàu lòng yêu thương. Nếu bạn muốn mình trở nên tốt đẹp theo cách mà bạn mong muốn, hãy rèn luyện 4 kỹ năng vừa nêu.

Kỹ năng thứ năm

Khi Sandra và tôi cùng nhìn lại cuộc sống gia đình trong suốt những năm qua, chúng tôi đi đến kết luận rằng còn có kỹ năng thứ năm của con người: tính hài hước. Chúng ta có thể xếp tính hài hước vào cùng nhóm kỹ năng thứ nhất (khả năng tự nhận thức, trí tưởng tượng, lương tâm và ý chí độc lập); dù vậy vẫn có sự khác biệt, vì kỹ năng thứ năm đòi hỏi một sự hòa trộn của bốn kỹ năng kia (nên được xếp vào nhóm kỹ năng thứ hai). Để có được tính hài hước, đòi hỏi phải có khả năng tự nhận thức – tức là phải thấy được sự dí dỏm, ngược đời trong sự việc để nắm lấy mấu chốt của vấn đề. Tính hài hước còn xuất phát từ trí tưởng tượng, tức là phải biết sắp xếp sự việc theo cách thức hoàn toàn mới mẻ và hóm hỉnh. Ngoài ra hài hước còn gắn với lương tâm, tức là phải đề cao sự chân thành chứ không nên chế giễu vô tội vạ hoặc hạ thấp người khác. Ý chí độc lập rất cần trong việc rèn luyện óc hài hước – để không bị lặp lại, không bị nhàm chán.

Mặc dù nằm ở nhóm kỹ năng thứ hai nhưng tính hài hước lại có vai trò rất quan trọng để hoàn thiện văn hóa gia đình. Để có thể duy trì sự lành mạnh, vui vẻ, gắn bó và kiến tạo sự hấp dẫn cho nề nếp văn hóa gia đình, theo tôi, chính là tiếng cười – bằng cách kể những câu chuyện vui, nhìn ra những khía cạnh hài hước trong cuộc sống, chế giễu sự huênh hoang hoặc đơn giản chỉ là vui vẻ bên nhau.

Lúc cậu con Stephen của tôi còn nhỏ, một hôm chúng tôi dừng lại bên một cửa hàng để mua kem, đột nhiên có một phụ nữ vội vã lướt nhanh qua mặt. Cô ấy chộp lấy hai chai sữa, lao tới quầy trả tiền. Việc di chuyển quá nhanh khiến cho những chai sữa nặng va vào nhau và vỡ tan tành, sữa văng tung tóe xuống sàn nhà. Mọi người trở nên im lặng, ánh mắt đổ dồn vào cô gái đang luống cuống xấu hổ. Không ai biết phải nói hay làm gì.

Đột nhiên Stephen la to: “Cười lên đi, cô ơi!”.

Mọi người không nín được, cười ồ lên, và rồi chẳng ai chú ý gì đến tai nạn đó nữa. Về sau mỗi khi có ai phản ứng thái quá trước những điều nhỏ nhặt, chúng tôi lại bảo: “Ồ, cười lên đi chứ!”.

Chúng ta có thể tìm thấy sự hài hước ở mọi nơi, ngay cả trong phản ứng của chính chúng ta. Như hôm chúng tôi đi xem phim Tarzan, bất giác chúng tôi bắt chước tiếng kêu của những chú khỉ trong phim. Cho đến tận bây giờ, hễ khi nào chúng tôi sắp bùng lên một phản ứng, y như rằng chúng tôi lặp lại tiếng kêu đó. Một người sẽ khởi xướng và rồi tất cả cùng cào nhẹ vào sườn nhau, hét “Ooo! Ooo! Ooo! Ah! Ah! Ah!”. Nói cách khác, nếu chúng ta phản ứng không cân nhắc, chúng ta cũng chẳng khác gì loài vật cả.

Nụ cười là biện pháp giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Nó tạo ra chất endorphin và các chất hóa học khác ở trong não làm biến đổi tâm trạng, dẫn đến sự sảng khoái dễ chịu. Sự hài hước làm cho các mối quan hệ thân thiện hơn và bình đẳng hơn. Tính hài hước thể hiện ở câu nói: “Chúng ta đang bị chệch hướng – thế thì sao nào?”. Hài hước khiến ta bình tâm nhận thấy thực ra mọi việc vẫn tốt đẹp, không có gì đáng e ngại, lo lắng thái quá, không nên nghiêm trọng hóa mọi việc, không nên hẹp hòi, khắt khe, cầu toàn. Nó giúp ta tránh khỏi những mối đe dọa ẩn trong những chuẩn mực đạo đức, tránh được sự cứng nhắc khiến cho chúng ta không nhìn ra bản chất con người và hoàn cảnh trước mặt.

Ai biết cười trước lỗi lầm và sự ngốc nghếch của mình, biết cười trước hoàn cảnh khó khăn, người đó có khả năng quay về đúng hướng nhanh hơn so với những người cầu toàn. Tính hài hước thường là giải pháp để sửa chữa những sai lầm, sự cầu toàn và lối sống vô kỷ luật bất chấp tất cả.

Tuy nhiên, sự hài hước nếu bị lạm dụng quá mức thì có thể dẫn đến kết cục là mỉa mai, chế giễu người khác và dấy lên tư tưởng thiếu nghiêm túc trong mọi vấn đề.

Tính hài hước đích thực không phải là sự chế giễu bừa bãi mà phải chân thành. Đó chính là nhân tố cơ bản làm nên một nền văn hóa gia đình tốt đẹp. Bất cứ ai cũng thích ở gần những người luôn lạc quan, vui vẻ, có óc hài hước. Đây chính là chìa khóa để bạn cân nhắc trước khi hành động, bạn sẽ tìm ra cách đối phó trước những biến động của cuộc sống thường ngày một cách tích cực mà không rơi vào phản ứng thái quá.

Yêu là một động từ

Tại một cuộc hội thảo, khi tôi nói về vấn đề phải cân nhắc trước khi hành động, lúc ấy có một người đàn ông đứng dậy, nói: “Stephen, tôi rất thích những gì anh đang nói nhưng mỗi người mỗi cảnh. Cuộc hôn nhân của tôi đang khiến tôi hết sức lo lắng. Vợ chồng tôi không còn giữ được những cảm xúc dành cho nhau giống như trước kia nữa. Tôi nghĩ tôi và cô ấy không còn yêu nhau nữa. Tôi phải làm gì đây?”.

Tôi hỏi anh ta: “Có thật là không còn một chút cảm xúc nào ư?”.

“Đúng vậy”, anh ta khẳng định và nói thêm, “Chúng tôi đã có ba con và thực sự yêu thương chúng. Anh có gợi ý gì không?”.

Tôi trả lời: “Hãy yêu cô ấy”.

“Tôi đã nói rồi, tôi không còn một chút cảm xúc nào cả.” “Hãy yêu cô ấy.”

“Anh chẳng hiểu gì cả. Tôi không còn yêu cô ấy nữa.”

“Vậy thì cứ yêu cô ấy. Nếu không còn một chút cảm xúc nào thì đó là lý do để yêu cô ấy.”

“Nhưng làm thế nào để yêu, khi không còn một chút cảm xúc nào cả?”

“Anh bạn ơi, yêu là một động từ, còn cảm xúc yêu đương chỉ là kết quả của nó thôi. Vì thế hãy yêu cô ấy, hãy hy sinh và biết lắng nghe, đồng cảm, coi trọng cô ấy. Anh đã sẵn lòng làm việc đó không?”

Hollywood đưa ra hàng loạt kịch bản phim khiến chúng ta lầm tưởng tình yêu đơn thuần là cảm xúc, hôn nhân và gia đình chỉ còn là sự thỏa thuận hợp đồng chứ không phải sự cam kết gắn bó mang tính đạo đức. Những bộ phim như thế đang tạo nên một bức tranh về thực tiễn hết sức méo mó. Nếu chúng ta quay lại với hình ảnh ẩn dụ về chuyến bay thì những kịch bản phim ấy giống như tín hiệu điều khiển từ trạm kiểm soát bị nhiễu khiến cho máy bay đi chệch hướng.

Hãy nhìn xung quanh bạn, và nhìn vào trong chính gia đình mình. Bất kỳ ai đã từng ly hôn, phải xa rời người bạn đời của mình, bố mẹ phải xa con, con phải xa bố mẹ thì sự đổ vỡ dù dưới hình thức nào cũng đều để lại một nỗi đau không nguôi, một vết sẹo chém sâu trong lòng. Đó chính là hậu quả lâu dài mà Hollywood không hề nói cho bạn biết. Do đó, việc phá vỡ một mối quan hệ trước mắt có thể dễ dàng nhưng về lâu dài, để hàn gắn lại thì vô vàn khó khăn và đau đớn, nhất là khi những điều đó gieo ảnh hưởng đến những đứa con của bạn.

M. Scott Peck đã từng nói:

Khao khát yêu không phải là tình yêu. Yêu là hành động của ý chí cụ thể. Ý chí ám chỉ một sự lựa chọn. Chúng ta không bị ép buộc phải yêu. Chúng ta lựa chọn để yêu. Cho dù chúng ta nghĩ rằng mình yêu sâu sắc tới mức nào, nhưng trên thực tế chúng ta không hề yêu – bởi vì chúng ta mới chỉ có ý định chứ chưa thực sự biến thành hành động. Mặt khác chúng ta luôn cố gắng để hoàn thiện tâm hồn, vì chúng ta đã quyết định hành động như vậy. Chúng ta đã lựa chọn sẽ yêu.

Tôi có một người bạn thường vận

dụng các kỹ năng để cân nhắc và đưa ra những quyết định hợp lý. Khi đi làm về, cậu ấy chưa vội bước xuống mà ngồi nán lại một lúc trên xe. Cậu ấy tạm dừng cuộc sống của mình và suy nghĩ. Cậu ấy nghĩ về các thành viên trong gia đình, về những việc họ đang làm ở nhà và cân nhắc xem mình sẽ tạo một bầu không khí gia đình như thế nào. Cậu tự nhủ: “Gia đình là phần quan trọng nhất và dễ chịu nhất trong cuộc đời. Mình sẽ bước vào nhà và bày tỏ tình yêu với mọi người”.

Chúng ta không bị ép buộc phải yêu. Chúng ta lựa chọn để yêu.

Khi bước qua cánh cửa, thay vì soi xét lỗi lầm hay cáu gắt hoặc đơn giản tìm một chỗ để nghỉ và chỉ biết đến bản thân mình, cậu ấy hớn hở lên tiếng: “Bố về rồi đây! Mau ra ôm hôn bố nào!”. Cậu đi quanh nhà, bày tỏ sự quan tâm với mọi người – có thể là hôn vợ, lăn lộn trên sàn nhà cùng các con hoặc làm một cái gì đó để tạo ra niềm vui và sự thoải mái, kể cả đem rác đi đổ hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe. Những việc này giúp cậu ấy vượt qua mệt mỏi, căng thẳng hoặc cảm giác thất bại ở nơi làm việc. Cậu ấy không vướng vào “căn bệnh” soi mói lỗi lầm của mọi người để rồi thất vọng về gia đình. Cậu ấy trở thành một nhân tố tích cực trong mái ấm gia đình.

Hãy nghĩ về việc cân nhắc trước khi ra quyết định của anh bạn vừa kể, và tác động của tính điềm đạm đối với gia đình. Hãy nghĩ về những mối quan hệ mà anh bạn của chúng ta đang tạo dựng sẽ ảnh hưởng ra sao trong cuộc sống gia đình, trong các thế hệ tương lai suốt nhiều năm sắp tới.

Để có được cuộc hôn nhân thành công hay một gia đình hạnh phúc thì phải làm rất nhiều việc. Không phải tự nhiên mà đạt được, thay vì thế, phải nỗ lực và biết hy sinh, như lời hứa của chúng ta khi kết hôn là: “sẽ luôn bên nhau trong lúc nghèo khổ cũng như giàu sang, lúc khỏe mạnh và lúc ốm đau” – yêu là một động từ.

Rèn luyện các kỹ năng

Nhìn chung, mọi người đều có 4 kỹ năng đã nói ở trên – chỉ trừ vài trường hợp ngoại lệ như người bị thiểu năng về trí tuệ nên không thể tự nhận thức được. Dù vậy, vẫn có thể rèn luyện để người thiểu năng manh nha một số ý thức căn bản.

Cũng giống như tập luyện cơ bắp vậy. Nếu bạn đã từng tập, ắt bạn sẽ biết điều quan trọng là căng cơ cho đến khi nó giãn ra. Đổi lại trong vòng 48 giờ đồng hồ, sợi cơ sẽ săn chắc hơn. Bạn cũng cần phải rèn luyện những cơ bắp yếu hơn, chứ không phải chỉ tập trung vào những cơ bắp đã săn chắc.

Tôi có “vấn đề” ở đầu gối và lưng, do đó tôi phải tập những bài thể dục đòi hỏi sử dụng đến những cơ bắp mà trước đây tôi không hề để ý. Việc tập luyện giúp chúng ta có được sự cân bằng trong sức khỏe và cân đối về hình thể, có thể đáp ứng nhiều cử động đa dạng trong cuộc sống. Vì đau đầu gối nên tôi tập trung luyện những cơ ở phía trước của chân, điều này đã giúp hồi phục đầu gối và cả lưng của tôi nữa.

Trong cuộc sống cũng thế thôi. Xu hướng của chúng ta là khai thác những thế mạnh và lãng quên những nhược điểm. Đôi khi điều đó cũng tốt nếu những điểm mạnh có thể thay thế cho điểm yếu, tuy nhiên trong đa số trường hợp thì điều đó không tốt, bởi lẽ chúng ta phải vượt qua những điểm yếu đó để phát huy tối đa khả năng của mình.

Những kỹ năng của con người cũng thế. Trong suốt cuộc đời, chúng ta luôn gặp phải những tác động qua lại với hoàn cảnh bên ngoài, với mọi người và với chính mình; đồng thời chúng ta cũng thường xuyên đối mặt với nhược điểm của bản thân. Chúng ta có quyền lựa chọn hoặc là lờ đi, bỏ qua, hoặc là phải nỗ lực để có được sinh lực và khả năng mới.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

10 quyển sách hay cho tuổi 30 giúp bạn thấu hiểu bản thân - Ở tuổi 30 ai nấy cũng có cuộc sống riêng biệt, những suy nghĩ và nhận thức khác nhau từ đó mà có người cuộc sống tốt đẹp, có người lại rơi vào bi thảm. Sự nghiệp, gia đình, tình yêu hay sức khỏe là đều mà bất kỳ ai trong chúng ta đều có… Đọc thêm
7 quyển sách hay về gia đình đã sưởi ấm hàng triệu con tim đọc giả - Gia đình là chốn yên bình nhất trong cuộc sống này. Bạn sẽ không bao giờ tìm được một nơi nào khác mà có những người sẵn sàng hy sinh, lo lắng và bảo bọc bạn hơn gia đình. Để vun đắp và cảm nhận sâu hơn về tình cảm gia đình thiêng liêng, Vnwriter… Đọc thêm
Những cuốn sách cho từng giai đoạn cuộc sống mà ai cũng nên biết - Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được thứ mình muốn và mọi việc diễn ra theo ý mình. Khi đó, chúng ta cần có những cố vấn đầy kinh nghiệm chỉ bảo và hướng dẫn. Những cuốn sách truyền cảm hứng trong mỗi giai đoạn của cuộc đời sau đây… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

2 đánh giá cho 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc

  1. Phuong Oanh

    Tôi mua sách này vì yêu thích các cuốn sách được viết bởi Stephen R. Covey, cũng như thấy các nhận xét 5 sao cho cuốn sách từ các đọc giả. Đây là cuốn sách rất hay dành cho gia đình. Tôi thấy có nhiều bài học rất quý giá qua các trang sách để có thể giúp mình xây dựng và duy trì một gia đình hạnh phúc. Sách cũng được viết rất thực tiễn từ việc dạy dỗ con cái, thái độ và cách cư xử của mọi người trong gia đình….Tôi nghĩ đây là cuốn sách rất bổ ích và sâu sắc, thực tiễn.

  2. Phan Tuấn Kiệt

    7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc, cuốn sách này hầu như ít được người khác biết đến so với 7 thói quen để thành đạt và thói quen thứ 8. Nhưng sau khi đọc xong thì tôi thấy nó lại là một cuốn sách bạn phải ưu tiên đọc nếu bạn muốn có một gia đình hạnh phúc. Thật vậy, Stephen R Covey đã chĩ ra những điểm yếu mà một người làm chủ gia đình thường mắc phải, từ cách dạy con trẻ từ nhỏ, thái độ, cách cư xử, lựa chọn những từ ngữ như thế nào và quan trọng nhất là cách để giữ lữa cho gia đình. Đây là một quyển sách tuyệt vời.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button