81 Quy Tắc Hay Trong Giao Tiếp

Tác giả dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân đưa ra một vài quan niệm và sách lược về cuộc sống và quan hệ xã hội của con người như cần hành động theo thứ tự, nguyên tắc nào để quan hệ cộng đồng ngày càng gần gũi gắn bó và thân thiết hơn. Đề tài mới mẻ, dễ đọc, dễ hiểu, hy vọng cuốn sách mang lại nhiều lợi ích cho bạn đọc.

Danh mục:

Giới thiệu

Con người luôn có nhu cầu về tình cảm. Kết giao bạn hữu có thể cùng một lúc đáp ứng nhu cầu tình cảm giữa cho và nhận. Kinh nghiệm trong quan hệ bạn bè cho ta nghệ thuật về cách đối nhân xử thế. Đồng thời, bạn hữu là tấm gương phản chiếu, phản ánh những thiếu sót, khuyết điểm của bản thân chúng ta. Từ quan hệ giao tiếp chúng ta nhìn thấy được cách sống của mình với người khác.

Trong quan hệ cộng đồng, mọi người đều biết kết giao là yếu tố vô cùng quan trọng, tuy nhiên không ít người thấy băn khoăn: Tại sao mình và người khác chỉ “kết” mà không “giao”. Mặc dù mỗi người có cách đối nhân xử thế khác nhau, nhưng tận sâu thẳm đáy lòng ta luôn mong muốn được chung sống hoà bình với người khác. Vì vậy, kết giao vừa là kỹ xảo, vừa là nghệ thuật. Kết giao giúp chúng ta giảm bớt hiềm khích, tăng thêm lòng bao dung. Nói rộng hơn, kết giao là một sự ngợi ca, cổ vũ. Lấy thái độ tự tin, lạc quan vừa để yêu quý người khác, đó mới là cao thủ kết giao bằng hữu trong quan hệ cộng đồng, tích cực góp phần xây dựng cuộc sống ngày một tươi đẹp và hạnh phúc hơn.

Bí quyết quan hệ xã hội được xuất phát từ việc thoả mãn nhu cầu của đối phương, xử lý thận trọng những việc mà đối phương không thích, nói cách khác, cần có biểu hiện tôn trọng và quan tâm chu đáo đến đối phương. Vì thế, dù bạn sống chung cùng bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay người lạ, điều đầu tiên là bạn phải hiểu và đồng tình với các vấn đề của họ, chỉ có như vậy bạn mới giành được tình cảm chân thực, lâu dài. Tuy nhiên, sự việc không phải chung sống với người rất khó tính hay kết giao với những người chẳng hay ho gì, những người chỉ muốn được người khác giúp đỡ mà không muốn giúp đỡ ai…

Tác giả dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân đưa ra một vài quan niệm và sách lược về cuộc sống và quan hệ xã hội của con người như cần hành động theo thứ tự, nguyên tắc nào để quan hệ cộng đồng ngày càng gần gũi gắn bó và thân thiết hơn. Đề tài mới mẻ, dễ đọc, dễ hiểu, hy vọng cuốn sách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn đọc.

Cuốn sách chỉ cho bạn cách thiết lập thành công một quan hệ giao tiếp. Nếu đã xác định được thái độ rõ ràng và đúng đắn thì dù gặp bất kỳ khó khăn hay trở ngại nào trong quan hệ giao tiếp chúng ta đều có thể dễ dàng vượt qua. Khi bước thứ nhất trong quan hệ giao tiếp thành công, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong những bước tiếp theo hướng tới đích.

Đọc thử

GIÁO DỤC CÁCH MỞ RỘNG QUAN HỆ

1. Hướng tới những người có “tiền đồ”

Một số người có thái độ về cuộc sống “mệnh tại trời, phàm việc gì cũng không nên quá cầu thị”. Đây được coi là một kiểu chủ nghĩa lạc quan. Bởi vì nhân sinh vô thường, không ai có thể nhìn trước được tương lai. Vinh hoa trong nháy mắt có thể tan thành mây khói, ngược lại có kẻ dù ở tận đáy xã hội vẫn có khả năng đổi đời.

Cũng như thế, có người tầm thường, xấu xa bỗng nhiên thay đổi 1800, tiến thân như diều gặp gió, có người dốt nát bỗng lập được kỳ tích lớn lao, lưu danh sử sách, hay người điên bỗng có cống hiến vĩ đại cho nhân loại. Những trường hợp trên không phải là không có, nhưng cũng chỉ như lông phượng, sừng lân, rất hiếm. Trong cuộc sống, những phút vinh quang loé sáng ngắn ngủi của những người này không làm cho chúng ta chú ý, thậm chí không hề mảy may nghĩ đến việc sẽ kết giao với họ. Chúng ta vẫn coi những “người tầm thường”, “người ngu dốt” hay “người điên” là những người “không có tiền đồ”. Vậy cái gọi là người “không có tiền đồ” được hiểu như thế nào?

Nói theo cách thông thường, chúng ta hà tất phải lãng phí thời gian kết giao với loại người đó. Một chuyên gia tâm lý học người nước ngoài cho rằng, người không có tiền đồ và không cầu thị là:

1. Người không có chí hướng.

2. Người vô trách nhiệm.

3. Người không có lý tưởng.

4. Người ích kỷ, tư lợi.

5. Người ngu dốt.

6. Người lười biếng.

7. Người luôn tự ti.

8. Người không có dũng khí đối mặt với khó khăn.

Kết giao với những người trên đây, nghĩa là chúng ta đang lãng phí chính cuộc sống của chúng ta. Thử hỏi, liệu các bạn có mong muốn kết giao với họ không?.

2. Người không có kẻ thù không phải là, người tốt người ba phải đương nhiên không thể trở thành bạn tốt.

Có câu “quân có một, địch có hàng nghìn”, bạn bao giờ cũng ít hơn thù rất nhiều. Nhất là trong công việc, đồng sự và những người đi sau chính là đối thủ cạnh tranh. Nói chung, đồng nghiệp trong công việc, tình địch trong tình yêu,.. đều có thể coi là kẻ thù. “Kẻ thù” ở đây không đơn thuần để chỉ đối thủ cạnh tranh về mặt tinh thần, mà chỉ những người có xung đột hết sức lợi hại, có thể biến người ta trở thành thù hận.

Người có nhân cách hoàn mỹ thường không làm người khác cảm thấy khó chịu, không đắc tội hay gây hận thù với người khác. Bởi vì họ thường bưng bít thế giới riêng của họ, nguỵ trang bản thân họ. Do đó, rất khó tìm ra khuyết điểm hay nhận ra bản thân họ có kẻ thù hay không. Ngược lại, một số người dám làm dám chịu, không sợ đắc tội với người khác, đương nhiên mọi người dễ dàng nhận ra là họ có kẻ thù.

Việc giữ vững lập trường và lý tưởng của riêng cá nhân có thể gây bất đồng và xung đột với chính kiến của người khác và rất dễ dẫn tới quan hệ thù địch, không đội trời chung. Vì thế, người nào đó không sợ đắc tội với người khác, dũng cảm kiên định với chính kiến của mình thì kẻ thù của anh ta càng nhiều. Đây cũng là hiện tượng hết sức tự nhiên. Ngược lại, người không có lý tưởng, không có tài năng hoặc không dám đưa ra chính kiến của mình, bề ngoài dường như họ không có người đối đầu hay kẻ thù nhưng cuối cùng họ vẫn sẽ là người thất bại. Những người “ba vành bảy vẻ” thường “gió thổi chiều nào theo chiều đó, không làm mất lòng ai. Họ dễ dàng thoả hiệp chỉ vì cái lợi rất nhỏ trước mắt, thậm chí nịnh bợ người khác nhằm tạo ấn tượng tốt, chiếm cảm tình người khác. Thực tế cho thấy, loại người này không những không có ý chí, thiếu khả năng phán đoán, mà còn không có giá trị tiềm tàng và thực lực cạnh tranh cao.

Tục ngữ có câu “Quân thù là huân chương của anh hùng” “với ai cũng là bạn tốt, không thể trở thành bạn tốt của bất kỳ ai”. Có nhiều kẻ thù mới có những tư tưởng và ý tưởng xuất chúng, mới tạo ra được những thành công siêu phàm.

3. Trong quan hệ nên coi trọng “chất”, không nên coi trọng “lượng”

Một số người quan hệ rộng, lĩnh vực nào cũng có người biết đến. Một số cho rằng chỉ cần trao đổi danh thiếp, ngồi uống rượu với nhau một đôi lần là có thể trở thành bạn tâm giao. Thực tế cho thấy những kiểu quan hệ này không được liệt vào quan hệ đích thực, bởi vì phạm vi rộng lớn của mối quan hệ không phải là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một quan hệ.

Quan hệ xã hội đích thực là quan hệ được thiết lập trên nền tảng thời gian và chiều sâu của nó. Nếu chỉ đơn thuần quen biết nhau, tình cờ gặp nhau hoặc giả khi bạn đứng trước những bước ngoặt của cuộc đời, mối quan hệ rộng lớn của bạn không có tác dụng gì thì chưa thể coi là quan hệ đích thực. Anh Quân vốn là phóng viên tin tức của một tờ báo nổi tiếng, vì tính chất công việc nên quan hệ xã hội rất rộng. Anh ta luôn lấy đó làm niềm kiêu hãnh và thường hay khoe khoang quen biết người này người nọ:

“Trước đây khi làm công việc nhà báo thường hay gặp gỡ Bộ trưởng X, tôi cũng thường xuyên gọi điện liên lạc với ông ấy….”

“Nhà văn nữ đó là người thân của bạn gái tôi trước đây, chúng tôi biết nhau rất rõ”

“A, người thiết kế của Đài truyền hình Y ấy à, quan hệ của tôi với anh ta rất tốt”.

Đối với những người tự đánh trống tự thổi kèn như vậy, khi họ nói ra, người biết thì chỉ cười xoà cho qua chuyện, gặp người “chưa quen” sẽ tưởng thật, thậm chí nhờ anh ta giúp đỡ giới thiệu với những nhân vật mà như lời anh ta nói là có quan hệ rất mật thiết với họ.

Một số người quen biết nhiều và tạo ấn tượng tốt đẹp với đối phương, song những quan hệ bề nổi nông cạn này thực chất chỉ nhằm thoả mãn cá nhân họ về vấn đề số lượng mà thôi.

Nói chung, quan hệ rộng nhưng phải là những mối quan hệ đích thực, có chiều sâu và phải luôn duy trì để mối quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn và chân thành hơn. Quan hệ rộng là một chuyện, còn độ sâu của các quan hệ đó như thế nào mới là vấn đề mấu chốt.

Đối tượng quan hệ, không nhất thiết phải giới hạn ở phạm vi những người nổi tiếng hay người có tài, họ có thể chỉ là những người bình dị sống lặng lẽ, không ai biết đến nhưng là người đối xử chân thành với bạn, lo lắng cho bạn và giúp đỡ bạn.

4. Nên tập trung thiết lập những mối quan hệ có chiều sâu đích thực

Người có quan hệ rộng, khi gặp chuyện khó, trong đầu xuất hiện ngay người bạn có thể giúp đỡ giải quyết, họ được coi là một trong những cao thủ về quan hệ xã hội. Vào thời điểm cần thiết, bạn tìm được người thích hợp có thể giúp bạn một tay, là mục đích thực tế quan trọng nhất và là nguyên nhân để bạn nỗ lực khi thiết lập một mối quan hệ.

Tuy nhiên, không phải cứ quen biết nhiều người là có thể đạt được mục đích này. Nếu bạn không biết được sở trường, tính chất công việc và quyền hạn của người mà bạn quan hệ, tất yếu khi bạn gặp khó khăn sẽ không biết nên cầu cứu ai. Nói cách khác, tính liên tục không đứt đoạn trong quan hệ là yếu tố cần thiết tuyệt đối.

Trong cuộc sống, bất kì ai cũng cần có quan hệ. Đặc biệt, ngày nay trong môi trường xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, hầu hết các quan hệ xã hội đều được hình thành từ các mối quan hệ làm ăn. Nhìn chung, các mối quan hệ trên thương trường hay quan hệ chức tước, người ta thường quan tâm chú trọng đến hiệu quả của nó, ít khi có được những tình cảm thực sự chân tình. Còn các mối quan hệ thông thường có lẽ cũng chỉ là những tấm thiệp mời hay đôi lần chào hỏi, hàn huyên tâm sự trong bữa tiệc mà thôi!

Nếu trong cuộc sống hiện thực các mối quan hệ rộng rãi không có cách gì để phát huy tác dụng của nó thì không có gì đáng thổi phồng, khoe khoang cả. Một người có quan hệ rộng, có trong tay bộ sưu tập danh thiếp và quen biết nhiều người song nếu không có cơ hội sử dụng các mối quan hệ đó vào cuộc sống hay công việc của bạn, thì rốt cuộc cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Vì vậy, dù có thể có ít mối quan hệ nhưng bù lại đó là những mối quan hệ đúng đắn và hiệu quả thì sẽ có tác dụng quan trọng hơn nhiều. Nếu không mối quan hệ cũng chỉ giới hạn trong phạm vi quen biết xã giao mà thôi.

Có một số người trong mọi hoàn cảnh cần thiết họ đều có thể tìm được những người bạn phù hợp giúp đỡ mình. Đương nhiên, cũng có không ít người tuy kết bạn với đủ hạng người nhưng khi cần lại không tìm được ai giúp đỡ.

Khi xây dựng các mối quan hệ, không nên chỉ dừng lại ở mức độ ăn uống tào lao, dăm ba câu chuyện hay hàn huyên thăm hỏi mang phép lịch sự thông thường, mà nên thường xuyên vun đắp, đi vào chiều sâu để các mối quan hệ đó trở thành một mối quan hệ chân chính, lâu dài.

Những mối quan hệ hời hợt, bề nổi sẽ chẳng có ích gì đối với sự thành công của bạn. Vì thế, khi kết bạn nên quan tâm đến chiều sâu của quan hệ hơn là chỉ chú ý đến chiều rộng của nó.

5. Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi

Quan hệ giữa người với người cũng giống như sự ăn khớp giữa những chiếc bánh răng cưa, bánh răng này kéo theo sự hoạt động của bánh răng khác, tạo nên hệ thống chuyển động điều hoà cho cả một bộ máy hoàn chỉnh. Nói một cách khác, chúng ta ai cũng phải dựa vào sức mạnh của người khác thì mới có thể tồn tại được, không những vậy chúng ta còn có thể được sống hạnh phúc nữa. Theo quan điểm của Mác, việc tranh thủ sức mạnh của người khác gọi là quan hệ sản xuất, sự thực thì con người dựa vào mối quan hệ với người khác để sinh tồn. Nhiều người khoe khoang, khoác lác rằng: “Tôi chẳng cần sự giúp đỡ của người khác”. Trên thực tế, họ đang lừa dối chính mình.

Quan hệ giữa con người với con người rốt cuộc là quan hệ hợp tác của “vay và mượn” hay cũng chính là quan hệ cùng có lợi giữa “cho và nhận”. Nhiều người cho rằng, bạn tốt chính là người mà chúng ta có thể vay mượn thậm chí quỵt nợ của họ, đâu biết rằng chính vì bạn tốt lại càng cần phải có vay có trả. Trả đủ tiền bạc vay mượn, con số đó bao nhiêu chỉ cần bạn hoàn trả xong là được, những món nợ tình cảm trong công việc hay trong lĩnh vực khác về sau còn có thể thay đổi, phát triển chúng ta khó biết trước được. Hoặc có thể cành lá phân ly hoặc có thể đơm hoa kết trái. Rõ ràng, món nợ tình cảm là món nợ khó hoàn trả nhất. Nếu món nợ tình cảm càng lớn, bạn càng dễ bị mọi người phê bình là luôn lợi dụng người khác.

Lấy công việc để hoàn trả công việc, đó là lẽ thường tình đối với con người trong xã hội. Còn điều khó khăn nhất chính là món nợ tình cảm không có quan hệ tiền bạc. Sự quỵt nợ này nảy sinh không phải vì những mâu thuẫn, tranh chấp về tiền bạc. Đôi lúc những lời giới thiệu bằng một cuộc điện thoại hay một tấm danh thiếp cá nhân cũng trở nên đáng giá ngàn vàng, song dĩ nhiên người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm bảo đảm cho sự xác nhận của mình. Bởi thư giới thiệu cũng giống như việc vay mượn tiền của người khác, có khác chăng khoản nợ phải trả là quan hệ tình cảm mà thôi. Và người được giới thiệu cũng không được phép quên khoản nợ vô hình mà người bạn giới thiệu mình phải gánh chịu.

Song nhiều người lại nghĩ rằng, việc người ta bỏ công sức ra vì mình là lẽ thường tình. Hạng người này bao giờ cũng nhận những kết cục kém may mắn, đó là sự cô lập hoàn toàn, sẽ không còn ai muốn giao du kết bạn với họ nữa. Thiết nghĩ, mọi người sẽ khó có cách nào để quan hệ chân tình với hạng người này. Một khi bạn bè đã viết thư giới thiệu mình thì người đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và khi đã giới thiệu tiến cử thì họ sẽ không có cách nào chối bỏ nữa. Đối với người giới thiệu nhầm, khó tránh khỏi việc nảy sinh nghi ngờ của mọi người về kiến thức và nhân cách của họ. Do đó, những lần giới thiệu sau sẽ dễ bị người khác lảng tránh hoặc từ chối.

Tóm lại, khi bạn đã hàm ơn người khác thì cho dù việc đó lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, quan trọng hay không quan trọng bạn cũng cần có sự báo đáp bằng một hình thức nào đó, quy luật có vay có trả, bình đẳng cùng có lợi đó chính là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất trong quá trình giao lưu kết bạn.

6. Ai nói rằng như keo sơn gắn bó mới là bạn tốt?

Như thế nào được xem là bạn tốt? Ngày ngày quấn quýt bên nhau hay sao? Hay là thường xuyên liên lạc gọi điện cho nhau? Nếu không giữ được mối quan hệ như keo như sơn thì người ta chỉ coi là sự giao tiếp thông thường hay sao? Liệu như vậy câu nói “tình quân tử nhạt như nước ốc” có thể lưu truyền đến ngày nay hay không?

Thực tế, bạn tốt quý nhau ở tấm lòng hay tình hữu nghị sâu nặng chứ không cần mâm cao cỗ đầy để làm cơ sở. Những người bạn phấn đấu vì mục tiêu chung, sự nghiệp chung, hiểu biết rõ về nhau và có cùng sở thích, tình bạn của họ là hoạn nạn, sướng khổ có nhau. Nếu không có sự nhất trí cao trên tinh thần đó, thì dù tình cảm như keo sơn gắn bó cũng chỉ là sự “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Vì vậy bạn bè không nhất thiết lúc nào cũng phải ở gần nhau, còn nếu là những đồng nghiệp với nhau, luôn luôn phấn đấu vì sự nghiệp chung, cho dù mỗi người một cá tính khác nhau, sở thích khác nhau nhưng đều có chung lý tưởng, cùng nỗ lực, cố gắng cho mục tiêu chung thì có thể thiết lập nên tình bạn sâu sắc, bởi vì, mục tiêu chung mà mọi người theo đuổi luôn có sự nhất trí. Nếu cảm thấy tính cách phù hợp với nhau thì họ sẽ ở gần nhau như hình với bóng, còn không hợp thì sẽ dần xa nhau và kết quả tất yếu dẫn đến là việc hình thành những nhóm nhỏ giữa các đồng nghiệp và nảy sinh quan hệ thiếu hài hoà.

Tình bạn hữu hảo giữa hai nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức là Bethoven và Sufuter thường được người đời sau lưu truyền như một giai thoại. Hai người cùng sống giữa thành phố Viên (nước Áo) gần 35 năm nhưng họ mới chỉ gặp mặt nhau một lần.

Bởi Sufuter biết rõ tính cách thích cô đơn một mình của Bethoven, nên ông không dám mạo muội ghé thăm Bethoven, cho dù đã có lần ông gửi bản nhạc của mình cho Bethoven nhưng ông vẫn chưa lần nào gặp mặt Bethoven. Mãi cho đến lúc lâm chung, nằm trên giường bệnh, Bethoven mới gọi Sufuter đến và tâm sự: “Linh hồn tôi thuộc về anh!” Vì vậy, người đời sau vẫn thường ca tụng tình bạn cao quý giữa hai người. Đây cũng giống như một câu nói của một triết gia: “Nhiều người thể hiện như là tình bạn nhưng sự thực thì không phải là tình bạn; còn nhiều tình bạn lại chẳng hề giống tình bạn chút nào”. Chỉ cần tâm hồn tương thông đồng điệu, tình bạn sẽ trở nên vĩnh cửu.

7. Không nên đánh đồng tất cả các mối quan hệ bạn bè

Quan điểm nhìn nhận mọi mối quan hệ bạn bè ngang hàng như nhau cần được loại bỏ triệt để. Quan hệ giữa con người với con người không được đánh đồng như nhau, bởi nó sẽ phá vỡ những mối quan hệ bình thường. Tuy nhiên, khi giải quyết các “mối quan hệ thân – sơ” lại có thể vận dụng nguyên tắc “rộng lượng” và “nghiêm khắc” để điều hoà, ở một mức độ nào đó nó có thể bù đắp những thiếu sót đáng tiếc mà quan hệ thân – sơ gây ra.

Trong quá trình xử lý các mối quan hệ con người, sự phân biệt giữa “thân” và “sơ” là điều khó tránh khỏi. Bởi vì điều này có liên quan đến sự khác biệt về thời gian quan hệ, đặc trưng tính cách, quan niệm tư tưởng, tố chất văn hoá,. giữa con người với con người. Chính vì những điểm không tương đồng mới nảy sinh vấn đề của “thân” và “sơ”, đây chính là thực tế hết sức bình thường mà cũng rất khách quan. Làm thế nào để giải quyết tốt mối quan hệ giữa “thân” và “sơ”? Bí quyết của nó là hãy sống với những người bạn thân thiết nhưng cần phải hiểu rõ về nhau; đối với bạn bè không quen biết thì nên tìm hiểu nhiều hơn.

Nên chọn thái độ được xem là “nghiêm khắc” đối với bạn bè thân thiết bởi mối quan hệ thân thiết gắn bó rất dễ trở thành “bức màn” tình cảm, chúng ta không nhìn thấy những hạn chế, khuyết điểm của bạn mình. Vì vậy trong quan hệ tình cảm cần nghiêm khắc hơn, đặt tiêu chuẩn cao hơn và lạnh lùng hơn về tư tưởng. Như vậy mới thực sự có lợi cho quá trình củng cố và phát triển quan hệ giao lưu với nhau.

Với những người bạn ít thân thiết, do mối quan hệ còn đang ở trong giai đoạn chưa thật sự sâu sắc, hiểu biết về nhau cũng chưa nhiều nên khi gặp sự cố phải cố gắng thông cảm cho nhau, tránh đặt tiêu chuẩn quá cao, cũng không được cố chấp, yêu cầu đối phương phải hiểu hết mọi hàm ý của bạn, như vậy mới luôn có lợi cho việc phát triển bền vững mối quan hệ từ mờ nhạt trở nên sâu sắc.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rõ, cái gọi là “rộng lượng” không phải là từ bỏ nguyên tắc mà là sử dụng những cách thức, giải pháp hợp lý để cùng nhau tìm tòi, điều hoà những điểm tương đối trong mối quan hệ và một khi đã tìm được sự nhất trí như vậy thì những người bạn không quen biết sẽ có thể trở thành những người bạn thân thiết gắn bó.

8. Không nên kết bạn với những người không có chủ kiến

Chủ trương của bản thân là những ý kiến khách quan dựa trên cơ sở nhân sinh quan và những chứng cứ, cách phân tích làm chủ đạo, mà không phải là những suy nghĩ chủ quan theo cách nói của báo chí. Những bài viết hay, những thông tin tạm thời được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà công chúng độc giả vẫn thường bắt gặp hàng ngày không được xem là chủ trương của mình.

Chỉ có những quan điểm xác thực hay những lý luận xuất hiện trong quá trình đào sâu tìm tòi nghiên cứu mới có thể thuyết phục lòng người. Còn những người chỉ sử dụng kiến thức thông thường và những quan điểm mơ hồ sẽ không phải là đối tượng phù hợp khi bàn bạc giải quyết.

Khi bắt gặp bất kỳ vấn đề gì đều có thể nắm vững bản chất của nó bằng quan điểm độc đáo, sau khi so sánh, phân tích với thực tế có thể đưa ra phương án giải quyết vấn đề, đó mới được xem là người có chủ kiến. Người chỉ biết phê bình, phân tích lý sự hay a dua a tòng không được xem là người có chủ kiến.

Ngoài ra, nếu không có cách nào để chứng minh hoặc không có hành động gì cụ thể để thực hiện những cách nói của mình thì cũng không được xem là người có chủ kiến

Những người như vậy thường có những câu nói, đại loại như: “……không phải như vậy!”, “Tôi cho rằng…. ……”, “Tôi nghĩ cũng có khả năng là………”, “Tuy ai đó cho là như vậy, nhưng thực tế thì tôi. . . .”.

Trốn tránh trách nhiệm, thậm chí ngay cả bản thân cũng không có cách nào để tin tưởng lời nói của mình, chính là cách chạy trốn mà những người thấp kém này thường sử dụng.

Tóm lại, cho dù đối phương có tài ăn nói thế nào đi nữa thì với lối nói như vậy cũng không đáng để chúng ta tin tưởng. Bởi vì, họ không hề muốn chịu trách nhiệm đối với lời nói của mình, họ chỉ muốn biểu đạt ý kiến của mình mà thôi!

Chính vì không muốn chịu trách nhiệm nên trong cuộc sống nhiều người thường có lối nói tự vệ và suy luận chủ quan. Nếu muốn trở thành thầy giỏi, bạn tốt của người khác thì bạn nên đặc biệt chú ý tránh phạm phải lối nói này, không nên chỉ biết nói những lời phê bình hay châm chọc người khác. Điều đó thực sự chẳng có lợi gì cho bạn và cả những người xung quanh.

9. Không nên kết bạn với người ba phải

Tục ngữ có câu: “Đi ra ngoài thì nương nhờ bạn bè”. Nhưng có một số người dứt khoát không nên làm bạn, đó là người theo kiểu ba phải. Những người này không bao giờ phản đối người khác, cũng không dám bảo vệ ý kiến của mình, nếu kết giao với quá nhiều những người bạn như vậy thì coi như bạn đang lãng phí cuộc đời mình.

Ngược lại, có một số người lại cực kỳ tự tin với những chủ trương, ý kiến của mình, họ luôn xem thường ý kiến người khác. Những người này tuy cố chấp, bảo thủ nhưng có thể họ lại đáng để chúng ta coi trọng và làm bạn.

Con người ta, bất kể là ai cũng đều mong muốn được người khác tôn trọng, ca ngợi mình. Những người bảo thủ thường không quan tâm đến ý kiến người khác, cố chấp, giữ khư khư ý kiến của mình, không chịu nhượng bộ, nói chân thành thẳng thắn nhưng nhiều khi lại rất khó nghe.

Những người này có lúc thực sự khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu nhưng nếu mức độ thẳng thắn và lời nói không quá đáng thì cũng không hẳn đã là chuyện xấu, thậm chí có thể xem là người tốt, đáng để kết bạn. Nếu họ là người luôn giữ ý kiến của mình nhưng lại biết lắng nghe, tôn trọng lời nói của người khác để sửa chữa chủ trương, ý kiến của mình làm cho lập luận thêm đầy đủ, hoàn thiện hơn thì họ lại càng đáng để chúng ta làm bạn hơn nữa.

Tuy nhiên, những người này nếu không biết cách kiềm chế bản tính của mình, dễ bị kích động thái quá, có lúc sẽ dẫn đến xúc phạm người khác, phá vỡ quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Trong số những người bạn của tôi, cũng có những người như vậy, tuy họ rất được mọi người yêu thích nhưng khi gặp phải vấn đề nào đó họ không thể thoả hiệp được, chỉ biết ý kiến của mình, hễ bị kích động là đập bàn đập ghế, văng những lời thô tục, bỉ ổi. Hầu hết mọi người khi gặp những người bị kích động như vậy không những không dám giận dữ mà còn có cảm giác sợ hãi.

Vì vậy, những người này thường không thành công trong quan hệ cũng như trong sự nghiệp. Nhưng nếu bạn biết cách tranh thủ những phẩm chất của họ (thẳng thắn, không giả tạo) thì bạn có thể làm tăng thêm mối quan hệ cho mình hoặc trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, những người bạn như vậy có thể giúp bạn lập công lớn.

Ngược lại, có một số người tính cách mềm yếu, sợ khó sợ khổ, biết nhưng không dám nói, chịu sự quyết định của người khác lại còn phải hàm ơn người ta nữa. Tốt nhất bạn không nên kết bạn với họ, bởi họ không biết cách thay thế quan niệm và chủ trương của mình để tranh luận theo lý lẽ, cũng không thể giúp bạn đứng ra giành quyền lợi, thậm chí không chắc có lúc bạn còn phải ra tay giải quyết công việc cho họ nữa!

Cho nên, những người như vậy không đáng để chúng ta kết bạn, giao lưu mà chỉ để nói dăm ba câu chuyện tầm phào mà thôi.

10. Đừng tin tưởng người thích khoe khoang

Trong cuộc sống có một số người rất thích khoe khoang, khoác lác. Vì không có trí tuệ lại thiếu can đảm và hiểu biết cho nên đành phải nguỵ trang dưới “vỏ bọc” lãnh tụ tinh thần của phong trào học sinh hay chỉ chạy theo những giấc mộng hão huyền, thiếu thực tế, họ chỉ là những phần tử cực hữu lệch lạc, là tên lừa gạt của các nhà tư tưởng. . Nhìn bề ngoài hạng người này trông khí thế mạnh mẽ, dũng cảm nhưng thực tế lại là những kẻ tự ti, thích khoác lác. “Con trai Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo là bạn của tôi”, “Lần trước ông Chủ tịch UBND Thành phố uỷ thác cho tôi làm chuyện nọ chuyện kia, cuối cùng ông ấy lại còn cám ơn tôi nữa”, “Tôi vừa nhận một dự án của Arập Saudi, quy mô lớn, công trình trị giá khoảng 30 tỷ Đài Loan”.

Trong xã hội luôn tồn tại những người thích thổi phồng một vấn đề, thích kể những câu chuyện “bịa như thật” cho mọi người nghe, loại người này thường chuẩn bị mọi thứ khá kỹ lưỡng thậm chí họ còn mang theo mình những tài liệu hay những tấm danh thiếp đẹp, sang trọng để làm phụ họa thêm cho lời nói bóng bẩy nhưng gian dối của mình.

Tuy nhiên, việc nói ra tên tuổi người con trai của vị Bộ trưởng nào đó cũng chẳng giải quyết được việc gì quan trọng. Bởi việc quen biết con trai của một quan chức cao cấp quyền uy không thể khẳng định được là họ có quyền lực thực sự. Trên thực tế những người chỉ biết dùng tên tuổi của người này người nọ để lừa gạt mọi người đều là những người bất tài vô dụng. Đặc biệt là trong thời đại mọi thứ thuộc về Nhà nước, tập thể hay doanh nghiệp hiện đại đều đã được tổ chức hoá, tập đoàn hóa. Sức mạnh cá nhân vốn có hạn, vì vậy không thể dành cho một ai đó chế độ đãi ngộ đặc biệt chỉ vì người đó có công việc đặc biệt hay có quyền lực.

Những người thích khoe khoang, khoác lác đôi khi lời nói của họ rất có sức thuyết phục. Song nó lại tạo nên môi trường thuận lợi cho sự lừa gạt. Chúng ta không thể phủ nhận được một điều là, những lời nói dối có uy thế luôn chứa đựng sức thuyết phục, khả năng lôi cuốn hấp dẫn cao, tràn đầy âm điệu cuộc sống và bay bổng. Phần nhiều là những lời viển vông xa vời, không đáng để bạn tin tưởng. Nếu bạn muốn thành công thực sự thì nên hạn chế kết bạn với những người này.

Những người thuộc chủ nghĩa cá nhân thích khoe khoang khoác lác, khả năng thực hiện công việc của họ rất thấp, chỉ khoảng 1/10 mà thôi. Vì vậy, các bạn không nên gửi gắm quá nhiều hy vọng ở họ mà phải cố gắng nỗ lực thực sự thì mới mong gặt hái được thành công.

11. Tránh kết bạn với những người thích chen ngang, không tôn trọng ý kiến người khác

Trong cuộc sống, có một số người khi người khác nói chuyện rất thích chen ngang để thể hiện mình hiểu biết. Loại người này thực sự khiến cho người khác cảm giác khó chịu.

Điều cấm kỵ nhất trong tình bạn là việc nói quá nhiều hoặc nói thừa, thực tế đôi khi người ta chỉ cần một hoặc hai câu và cũng không cần thiết nói thẳng tuột ra cũng đã biết tâm ý của hai bên. Để đối phương hiểu được ý của mình cũng là cả một kỹ năng đầy tính nghệ thuật, đồng thời cũng cần một sự rèn, luyện và khéo léo. Tục ngữ có câu: “Những người nói nhiều phần lớn bị khinh bạc, những kẻ hay biện luận thường không giữ được của cải”. Do vậy, cho đến nay vẫn còn rất nhiều người xem “im lặng là vàng” làm nguyên tắc chuẩn mực của cuộc sống.

Tuy nhiên, do sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, chuẩn mực này cũng đã có những biến đổi về chất. Những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của các nước Âu Mỹ nên ngày càng có nhiều người cố gắng dành thời gian rèn luyện cách thức giao tiếp để dần hoàn thiện mình. Tuy vậy, người Âu Mỹ không bao giờ nhiều lời. Chúng ta thường bắt gặp trên truyền hình hay phim ảnh, rất nhiều cảnh phim diễn viên thao thao bất tuyệt bởi họ muốn tránh sự phán đoán của người thứ ba. Nhưng những gì diễn ra trong phim ảnh chưa hẳn đã là chân thực cuộc sống.

Một nhân sĩ người Đức đi vào cửa hàng văn phòng phẩm ở thành phố Hamburg dự định mua một chiếc bút máy. Lẽ thường, dù bạn có hiểu biết về sản phẩm hay không thì trước khi mua hàng theo thông lệ bao giờ người mua cũng sẽ hỏi người bán hàng một số câu hỏi nào đó. Người khách mua bút kia cũng vậy, ông cũng đã hỏi cô gái bán hàng một số vấn đề. Cô nhân viên vội cầm lấy mấy chiếc bút rồi giảng giải cho ông khách nghe về xuất xứ, lai lịch, công dụng của chúng. Vị khách im lặng không nói, có vẻ như đang suy ngẫm vậy.

Sau khi nữ nhân viên bán hàng giải thích xong, ông khách người Đức mới nhìn thẳng vào mặt cô gái bán hàng rồi chọn lấy một chiếc bút. Bề ngoài tuy có chút lạnh lùng nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm nghị, đó là tính cách của người Đức – không nói nhiều lời. Để được xem là biết cách nói chuyện hay thì ban đầu bao giờ bạn cũng nên nói rõ chủ trương của mình, nếu chỉ quan tâm đến lời mình nói mà quên đi lời nói của người khác thì câu chuyện sẽ không thể đạt được hiệu quả cần thiết. Hay nói một cách khác, những người chỉ biết đến lời nói của mình, tỏ vẻ hiểu biết và luôn giữ khư khư lối suy nghĩ của mình thì đó chỉ là người không có nội tâm.

Khi nghe người khác nói chuyện, những người thích chen ngang và thao thao bất tuyệt trước mặt người khác thường là hạng người thiếu tôn trọng bạn bè và khó làm nên nghiệp lớn, tốt nhất là không nên giao du với họ.

12. Người thao thao bất tuyệt lại thích giáo huấn người khác

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có mong muốn được thể hiện mình. Người thì rất thích nói nhiều, người thì mang theo bên mình những vật dụng kỳ quái để gây sự chú ý của mọi người, người lại nhuộm tóc mình thành nhiều màu sắc khác nhau, người lại tiêu tiền như nước. . Tất cả đều nhằm biểu hiện mình nhưng đó là cách biểu hiện của những người ít học trong xã hội. Ngoài ra, có một số người lại thích khoe khoang thành tích học hành, chức tước, hoàn cảnh gia đình mình. . Họ che giấu sự tự ti của mình bằng những thứ tầm thường đó.

Để tránh thể hiện mình quá cao, thông thường trong câu chuyện người ta thường dùng cách biểu hiện không tâng bốc bản thân mình. Chẳng hạn, có người hỏi bạn: “Bạn đang công tác ở đâu?”. Câu trả lời của bạn không nhất thiết phải sử dụng chủ từ mở đầu như trong tiếng Anh: “Đúng, tôi làm việc ở ngân hàng”. Hầu hết mọi người có thể trả lời: “À, ở ngân hàng”. Chủ đề của câu chuyện như vậy mới không thể xoay quanh vấn đề “cá nhân mình”.

Nhìn từ góc độ tâm lý có thể thấy, mong muốn thể hiện mình phản ánh nguyện vọng cầu tiến của con người. Đây không phải là chuyện tiêu cực song nếu như lúc nào cũng muốn tâng bốc, khoe khoang mình, thậm chí khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu hoặc cười nhạo thì đó lại là điều lợi bất cập hại, phá vỡ các mối quan hệ của bạn.

Một số người ngoài việc khoe khoang về bản thân mình còn luôn miệng kể về các cao kiến của mình hay đạo lý nhân sinh, lúc nào cũng muốn huấn thị người khác, những người như thế vô hình chung họ đều tự loại bỏ đi mọi mối quan hệ của mình. Rõ nhất là các vị lãnh đạo, họ thường hay thuyết giáo với anh em cấp dưới hay với đồng sự của mình, cũng có trường hợp lại nói sau lưng, chẳng hạn: nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế, tôi sẽ thế này thế khác…

Trong số những người mà tôi quen biết, chắc chắn có người có tài ăn nói. Họ không chỉ thành công về sự nghiệp mà còn là những người có năng lực thực sự được mọi người thừa nhận. Những người như vậy cũng khá nhiều, họ biết cách nắm bắt cơ hội, lúc nào cũng muốn giáo huấn người khác. Chẳng hạn, có một số người nhờ khổ luyện thành công nên họ rất tự phụ, họ cảm thấy không phù hợp với hành vi chạy theo trào lưu, không có suy nghĩ tiến thủ của lớp trẻ ngày nay. Vì vậy, chỉ cần nắm được cơ hội là họ ra sức khoe khoang, khoác lác về con đường phấn đấu gian khổ của mình.

Nếu chỉ như vậy thì vấn đề cũng chưa có gì đáng để bàn luận nhiều, song thực tế ngày càng có nhiều người khiến người khác cảm thấy họ là những con người thích lý sự, dài dòng. Họ luôn miệng nói những câu đại loại như: “Nếu tôi……” hoặc “Ngày còn trẻ………”, Nghe những người này nói chuyện là mọi người đã cảm thấy khó chịu và chỉ muốn bỏ đi, không muốn tiếp xúc nữa.

Ngược lại, nếu trong đám đông có một người nào đó đứng ra pha trò, có chút khoe khoang, ngôn ngữ tự do, thoải mái thì chẳng qua người đó cũng chỉ muốn nhân cơ hội đông đủ để thể hiện sở trường của mình mà thôi, không có gì là xấu cả. Hơn nữa, trong một buổi gặp mặt như vậy, việc tạo ra một bầu không khí vui nhộn là thực sự có ý nghĩa và sự xuất hiện của người đó sẽ mang lại cảm giác dễ chịu cho mọi người.

Cách thể hiện của hai người nói trên tuy cực đoan nhưng về bản chất lại giống nhau, nếu muốn sống hoà thuận với họ, trước hết phải nhận thức được một điều là: họ đều là những người thuộc lớp người có tính cách tự tin.

Nếu không có được nhận thức như thế, bạn sẽ không thể rộng lượng bao dung với sự thuyết giáo và bệnh nói nhiều của họ.

13. Những người tự khen mình chỉ là “chiếc vỏ rỗng tuếch”

Con người ai cũng có mong muốn được thể hiện mình, đây là động lực để vươn tới sự tiến bộ, phát triển, chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Chính vì vậy trên thực tế có nhiều người mong muốn trở thành minh tinh, đó cũng là điều dễ hiểu.

Lẽ đương nhiên đây không phải là điều xấu nhưng điều đáng chú ý là mức độ của nó. Có người dù làm bất cứ việc gì, trong hoàn cảnh nào cũng luôn muốn gây sự chú ý của người khác. Có câu nói nào thịnh hành, người này thường rất thích sử dụng, nếu quá độ thì điều đó là biểu hiện không bình thường về tâm lý.

Trong cuộc sống nhiều người đã trải qua cảm giác này, có thể bạn không biết đối phương là ai nhưng đối phương lại luôn muốn khiến bạn phải chú ý đến họ. Nói một cách rõ hơn là, trong xã hội có một số người nóng lòng muốn “thể hiện” mình cho mọi người biết. Hoặc có thể người đó không phải là người ưa thích sự khoác lác, khoe khoang nhưng họ rất muốn trở thành nhân vật trung tâm của sự chú ý. Để gây sự chú ý của người khác, một số người thường tạo ra cảm giác không vui cho mọi người.

Một số người lại muốn đề cao tài năng và vị trí của mình, dù nói chuyện gì với họ, người đó đều tạo dáng vẻ say sưa, hứng thú, dường như có thể làm bất cứ việc gì mà đối phương yêu cầu, khiến cho những người mới gặp, tiếp xúc với họ lần đầu dễ có cảm giác nể phục. Tóm lại, những người thích tự đề cao mình chẳng qua là họ muốn trở thành nhân vật trung tâm của tập thể và hy vọng được mọi người xung quanh tán dương, khen ngợi mà thôi.

Trong số bạn bè của tôi, cũng có những con người như thế. Tại một buổi triển lãm quốc tế với nhiều đại biểu đến từ khắp nơi trong cả nước, anh bạn tôi chủ động, vui vẻ chào hỏi mọi người và thu thập một số thư giới thiệu hoặc những tấm danh thiếp của một số nhân vật nổi tiếng riêng cho mình, đồng thời khoe khoang, thể hiện mình trước mặt mọi người nhằm đề cao vị trí của mình. Điều không thể phủ nhận được là trong cuộc sống những người này không phải là ít và chiêu thức của họ cũng đạt được những hiệu quả nhất định.

Tôi được biết, anh bạn nói trên của tôi khi gặp ai đó đặt vấn đề nhờ giúp đỡ thì anh ta đều lảng tránh từ chối khéo. Những người thích tự khoe khoang mình có thể tham gia hoạt động biểu diễn ảo thuật lôi cuốn, hấp dẫn hơn là làm một người bạn. Người xưa có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”, nếu một người thực sự có khả năng và sức hấp dẫn thì dù không cần khoe khoang, giới thiệu, bạn bè họ cũng có thể giúp họ trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Vì vậy, cách tốt nhất là nên tránh xa những người này.

14. Cẩn thận với những người quá dễ dàng xả thân vì bạn

Xã hội ngày càng phát triển với trình độ hiểu biết của con người ngày càng cao, song bên cạnh đó vẫn còn một số người nhẹ dạ cả tin, bị một số kẻ xấu lường gạt hay chịu thua thiệt. Tuy nhiên, hầu hết những người này không phải vì tin tưởng đối phương tuyệt đối, cũng chẳng phải vì họ hy sinh cống hiến không tính toán cho đối phương mà chẳng qua là vì họ hy vọng có được chút lợi nhuận hoặc một sự báo đáp thực chất từ đối phương.

Ví dụ điển hình nhất là các vị chính khách, không nói gì đến lúc bầu cử sôi động xa xôi nào cả, ngay cả những lúc bình thường bao giờ họ cũng lên tiếng với giọng nhân nghĩa đạo lý hay tình người. Trên thực tế, hiện nay rất ít người sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không hề tính toán hơn thiệt, trừ những con người đầy lòng nhân ái. Hầu hết mọi người khi làm một việc gì đó đều có sự tính toán trước. Chẳng hạn như khi chúng ta muốn nhờ vả ai giúp đỡ làm một việc gì đó, chúng ta thường nói “trăm sự nhờ bạn”, khi nói ra lời này chắc chắn chúng ta mong muốn đối phương sẵn lòng ra tay giúp đỡ và khi đối phương trả lời “giao việc đó cho tôi” hay “để việc đó cho tôi” thì không chắc đối phương giúp mình vì lý do tình cảm nhân nghĩa mà có thể là vì đối phương cảm thấy có lợi cho họ khi giúp mình, đó thực chất là sự trao đổi mua bán. Nếu như người nào đó cho rằng vì tình cảm sâu nặng mà người khác có thể lăn lộn, xả thân vì mình thì rõ ràng người đó đã lầm và có thể coi chỉ số IQ của họ bằng không, hay họ cũng chỉ là những tên ngốc trong những bộ phim kiếm hiệp dài tập mà thôi.

Có một vị huấn luyện viên bóng chày nổi tiếng, ông biết cách đánh bại đối thủ của mình nhưng đối với các cầu thủ trong đội ông lại dành cho họ sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, ông luôn dốc sức giành quyền lợi cho các tuyển thủ, cho dù bị người ngoài phê bình, chỉ trích nhưng ông cũng không hề oán giận. Khi đội bóng giành chiến thắng, ông biết cách động viên, khích lệ tinh thần thi đấu của các cầu thủ, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy tự mãn với những gì đã đạt được. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay những con người coi trọng tình cảm đạo lý như vậy không phải là nhiều.

Tất cả những điều đó không chỉ là hành vi cá nhân cũng không chỉ là mong muốn được thể hiện mình, mà đó là một phương thức hành động hy sinh tình cảm một cách chân thành dành cho người khác, chính điều này mới có thể làm rung động lòng người.

Trong cuộc sống, có một số người làm việc rất lỗ mãng, nhưng lại sẵn sàng lao vào chỗ hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì người khác và sau khi xong việc nôn nóng muốn được đối phương đền đáp. Những người bạn kiểu này có lúc còn gây phiền toái, rắc rối cho bạn, tệ hại hơn họ còn cản trở sự thành công của bạn, tốt hơn hết là nên tránh xa họ.

15. Giữ khoảng cách với người ích kỷ tư lợi

Nếu như có thể dễ dàng kết giao với người khác thì hai chữ “đạo lý” tuyệt đối không được bỏ qua, có điều là phải biết cách dùng nó.

Làm một con người, cho dù bạn thích hay không thích, trong quan hệ giao tiếp không thể không coi trọng nguyên tắc cơ bản của nghĩa lý chân tình trong cách cư xử. Có một số người già thường hay than thở, xã hội ngày nay “đâu còn nghĩa lý tình người?”. Tuy chỉ là cảm xúc bộc phát nhưng thực tế nếu như bỏ qua mọi nhân tình nghĩa lý mà có thể dễ dàng kết giao với người khác thì e rằng khó có được mấy người.

Trong quan hệ giao tiếp với bạn bè, có những tình huống không thể theo ý muốn chủ quan của bản thân mình được. Nhưng nếu như lấy tình người để cư xử thì mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trong tình bạn, nếu một bên đưa ra những yêu cầu bất hợp lý, có thể là do xuất phát từ đạo lý mà không tiện nhờ cậy thì những lần giao tiếp như vậy không được xem là những cuộc giao tiếp được thiết lập trên lợi ích thực sự. Còn vì bạn giúp đỡ họ xuất phát từ đạo nghĩa thì bạn cũng có thể yêu cầu họ báo đáp bằng đạo lý.

Tôi có quen một người, anh ta đang thất vọng, buồn chán vì thất nghiệp, anh bạn A của anh ta đã giới thiệu anh ta cho một người bạn B khác, anh B vốn không quen biết gì anh ta nhưng nhờ sự giới thiệu của A mà anh ta đã được B chấp nhận vào một dự án, cũng vì ý tốt của A mà anh ta đã bằng lòng tiếp nhận công việc. Đương nhiên, mối quan hệ trung gian này không có sự tồn tại của quan hệ được mất trực tiếp.

Qua hơn một tháng, công việc đã hoàn thành 90% khối lượng, anh chàng thất nghiệp muốn anh B trả đủ tiền công nhưng không dám yêu cầu trực tiếp mà nhờ anh A nói hộ, song anh A từ chối lời đề nghị. Thế là, anh chàng thất nghiệp cảm thấy trong lòng không vui, thái độ nói chuyện cũng hoàn toàn khác với trước kia.

Lúc này anh A rất áy náy, anh cho rằng công việc còn đang dang dở chưa hoàn thành mà đã tính toán đến chuyện công cán thì thật khó nghĩ, bao giờ dự án kết thúc thì hãy tính đến chuyện đó, làm sao lại thúc ép người ta như thế. Kết quả là anh chàng thất nghiệp đã tự ý quyết định yêu cầu anh B viết hoá đơn phiếu chi. Trước sự chứng kiến của A, anh B đã viết phiếu chi cho anh chàng thất nghiệp.

Trước khi nhận đủ số tiền công anh ta còn hứa đi hứa lại là sẽ hoàn thành công trình đúng thời hạn. Nhưng cuối cùng, anh ta đã không hoàn thành nổi. Quá tức giận với người bạn giả dối, anh A đã cắt đứt quan hệ bạn bè với anh chàng thất nghiệp.

Những người theo “chủ nghĩa tư lợi” luôn cho mình là trung tâm hay những người hoàn toàn không biết đến hai chữ “đạo nghĩa” chỉ nên giới hạn thế giới của mình trong phạm vi nhỏ bé. Bề ngoài là được lợi, nhưng thực tế không bao giờ có được “đạo nghĩa” và bạn bè.

Xin hãy giữ khoảng cách với những người này.

16. Lựa chọn những người bạn biết đầu tư thời gian cho bạn

Tình bạn xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau. Chữ “tình” ở đây là chỉ tâm tư, thái độ của đối phương. Không chỉ vậy, nó còn thể hiện dũng khí của sự hy sinh bản thân. Trong quan hệ bằng hữu, không thể nói ai nợ nhiều hơn ai, vì vậy việc giữ được tinh thần hy sinh cống hiến là điều vô cùng cần thiết.

Là bạn bè, biết đầu tư thời gian cho nhau là cực kỳ quan trọng. Khi giao du kết bạn việc tâm sự tìm hiểu nhau là điều quan trọng nhất. Vì vậy phải dành thời gian cho nhau, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của mối quan hệ bằng hữu. Chỉ cần người bạn của bạn có ý nguyện muốn dành thời gian nói chuyện với bạn thì như vậy cũng được xem là bạn bè rồi. Lúc này, nếu như người bạn lấy lý do không có thời gian rỗi để tiếp chuyện bạn thì điều đó chứng tỏ sự thiếu tình cảm chân thành trong mối quan hệ của hai người.

Đối với một con người trong xã hội thì công việc chiếm một khoảng thời gian khá lớn. Vì thế công việc luôn được mọi người ưu tiên hàng đầu, điều này cũng dễ hiểu và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu nói là không có chút thời gian rỗi để gặp gỡ nói chuyện với nhau thì e là có phần hơi thái quá và điều đó chứng minh sự thờ ơ, lạnh nhạt của ai đó đối với tình bạn. Họ thực sự không có ý định xây dựng, vun đắp cho tình bạn phát triển.

Bớt chút thời gian quí giá của mình để đổi lấy tình bạn thì cũng là điều nên làm lắm chứ. Còn nếu như không có cách nào khác thì cũng cần đưa ra một lý do thật thuyết phục để giải thích cho bạn bè hiểu, tuyệt đối tránh dùng từ “không có thời gian rỗi” làm cớ từ chối bạn bè.

Giao tiếp trên thương trường nên chọn trong giờ hành chính, tuy nhiên trong thời gian nghỉ trưa nếu thấy thực sự cần thiết thì cũng có thể vận dụng linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo giải quyết công việc gấp rút. “Có thời gian rỗi” ở đây là để chỉ những lúc ngoài giờ làm việc chính, khi bản thân thành tâm thành ý mời bạn bè mà đối phương từ chối vì có việc bận hay là vì một lý do nào đó quan trọng khác mà không thể gặp bạn được, thì có lẽ đây cũng là một cơ hội để bạn chấm dứt quan hệ bạn bè với người đó.

Khi bạn hẹn gặp bạn bè, nếu đối phương thường lấy lý do là vợ không đồng ý hay do nhà xa, do không có thời gian rỗi thì điều đó chứng tỏ người đó không có thành ý muốn kết bạn thâm giao với bạn. Bạn không cần thiết phải quan hệ giao du với những người này, bởi chỉ vì mất một chút thời gian mà họ còn không muốn thì như vậy còn gì là bạn bè nữa?.

17. Người không quân tử không thể là bạn bè được

Đời người “ba chìm bảy nổi”, dù ai đó được làm việc trong một cơ quan xí nghiệp lớn danh tiếng thì họ cũng khó mà đảm bảo được mọi sự bình an, thuận buồm xuôi gió trong cả cuộc đời được. Phàm là con người, trong lòng còn băn khoăn trăn trở, thân còn bị trói buộc thì chắc chắn vẫn còn buồn phiền, sầu não.

Tục ngữ có câu: “Đời người có 8, 9 phần 10 chuyện không được như ý muốn, cho nên chúng ta rất khó thoát khỏi bể khổ trầm luân của cuộc đời.

Hay nói cách khác, những biến cố bất ngờ, những dày vò, bất hạnh mà chúng ta gặp phải và thậm chí những tác động bên ngoài đều là những nguyên nhân gây nên đau khổ, buồn phiền cho con người, còn chúng tôi chỉ có thể nói những lời khuyên “nhìn thoáng một chút, mọi chuyện đều có cách giải quyết của nó” hay “đừng buồn phiền nữa, hãy lấy lại tinh thần đón nhận thử thách” để an ủi những người đang đau khổ.

Với người thờ ơ, bàng quan với mọi việc thì vấn đề nào cũng đều có khả năng giải quyết, còn đối với những người trong cuộc, những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn thực sự thì mọi thứ như đang bị bưng bít trong một chiếc trống vậy, không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Vì vậy, rơi vào hoàn cảnh đau khổ, phiền muộn cũng là lẽ thường tình. Khi bạn thấy người bạn của mình đau khổ, bạn thường nói những câu dạo đầu như: “Chẳng lẽ mình không phải là bạn của cậu sao? Có chuyện gì nói cho mình biết xem nào!”.

“Mình chẳng phải là bạn cậu sao?” Câu nói này hàm ẩn sự đồng cảm và thể hiện tình hữu nghị, người đang buồn rầu có thể vui lên vì câu nói chứa chan tình cảm này, mọi nỗi buồn sẽ tan biến hết. Tuy nhiên, người nói ra câu này chưa chắc đã là thật lòng, có thể chỉ là tiện miệng nói ra mà thôi, cho nên muốn xác định sự thật giả trong đó không phải là chuyện dễ dàng.

Khi nói câu này phải thực lòng mong muốn hy sinh, cống hiến vì bạn bè còn nếu nói xong mà không thực hiện thì chỉ khiến cho đối phương thêm phật ý và oán hận mà thôi.

Dù là an ủi bạn bè, thể hiện tình cảm bằng hữu cũng không nên giả tạo, bởi nếu như không thật lòng thì câu nói này sẽ có ý gian dối và lương thiện giả tạo.

Khi một người đạo đức giả nói với bạn: “Chúng ta chẳng phải là bạn hay sao?” thì luôn luôn họ sẽ làm những việc “chẳng phải là bạn hay sao?”, do đó chúng ta nên cảnh giác với những kẻ “miệng nam mô bụng bồ dao găm” này.

18. Cảnh giác với người quá xông xáo, nhiệt tình

Có một số người không từ lao tâm khổ tứ để giúp đỡ người khác, họ cũng là những người luôn làm việc thiện hay là người có trái tim nghĩa hiệp. Chỉ cần người khác nhờ cậy, bất kể là tiêu bao nhiêu tiền hay mất bao nhiêu thời gian cũng chẳng cần biết công việc khó khăn như thế nào họ đều không chối từ, thậm chí có lúc họ còn sẵn sàng giúp đỡ cả những người đã từng quay lưng, phản bội mình mà không hề đắn đo, tính toán. Người ta gọi những người này là những người tốt bụng và đáng tin cậy. Vì vậy, dạng người này có nhiều bạn bè tri kỷ và trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười đùa của bạn bè thân thích, do sự khảng khái và rộng lượng của người đó nên những người bình thường rất mong muốn được làm quen kết bạn với họ, còn những người chịu ơn họ thì không ngớt lời khen ngợi và ca tụng.

Loại người này lúc nào cũng chạy đôn chạy đáo, lo lắng sốt sắng phục vụ người khác, do đó họ luôn được mọi người thừa nhận là người bạn tốt. Nhưng thực tế khi bạn gặp phải vấn đề ngoài ý muốn, dù rằng bạn có quan hệ sâu sắc với họ cũng chưa chắc đã nhận được sự giúp đỡ của họ. Đương nhiên, họ có thể thể hiện sự giúp đỡ bằng lời nói, còn ngoài ra đừng hy vọng họ sẽ hết lòng vì bạn.

Tại sao vậy? Lý do là:

1. Người đó hy vọng thay đổi vị trí hiện tại của mình. Do mọi người luôn tôn sùng họ, xuất phát từ sự tôn sùng ưu việt nên họ cảm thấy mình sẽ thu được cả danh và lợi.

2. Để thể hiện năng lực của mình. Đồng thời với việc giúp đỡ người khác, có thể thể hiện năng lực riêng của mình, đó cũng chính là sự cám dỗ về tiền bạc và quyền lực ẩn đằng sau sự quan tâm chăm sóc của họ đối với người khác. Vì vậy, hạng người này thường dễ thay đổi, lật lọng như trở bàn tay. Do đó, bạn cần cảnh giác với những người luôn luôn tỏ ra thân thiết, xông xáo giúp đỡ người khác. Quan hệ với hạng người này, tốt nhất là thể hiện sự tôn trọng và phép lịch sự dừng lại ở mức độ phù hợp. Hạng người này thích trung thành với người khác, đây chính là mục đích sống chủ yếu của họ nhưng sâu thẳm trong thâm tâm chắc chắn còn điều gì khác khiến người đó quan tâm hơn.

Đằng sau những lời nói nhân nghĩa đạo đức, ít nhiều chúng ta có thể thấy được nguyên do của hành vi lương thiện giả tạo ở họ.

19. Lấy lời nói dối và hư vinh làm sức mạnh của sự tiến bộ

“Nói dối cũng chỉ là giải pháp tạm thời”, đó là lời châm ngôn của Phật Thích ca Mầu ni. Nó thực sự là lời khuyên răn vừa hàm súc ý nghĩa vừa phù hợp. Tuy nhiên vận dụng một cách hiệu quả việc nói dối để giành được quyền lợi cần phải có kinh nghiệm tương đối.

Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy số người nói dối để lấn lướt người khác dường như còn nhiều hơn so với số người vì quyền lợi mà phải bất đắc dĩ nói dối. Ngoài ra, số người sợ mất thể diện sau khi nói ra sự thật mà phải nói dối cũng không phải là ít.

Nói dối vì mưu cầu quyền lợi, vì những tính toán khác, lợi dụng nói dối người ta có thể giải quyết một vấn đề nào đó. Nhưng thực tế thì những lời nói dối làm hại đến người khác lại nhiều hơn những lời nói dối vì tính toán tới quyền lợi. Điều này khiến cho mọi người cảm thấy ớn lạnh.

Có người bạn lúc nào cũng thích tỏ vẻ hiểu biết và thường đưa ra khá nhiều ý kiến của bản thân. Ban đầu, một số bạn bè không thể phân biệt được sự thật giả trong lời nói của người đó nên đều chấp nhận nghe theo ý kiến của họ, kết quả cực kỳ thảm hại. Bởi sự giả tạo và dối trá của họ hoàn toàn không giúp được gì cho bạn bè cả.

Khi mới làm quen hoặc quen biết chưa được bao lâu với những người này, hầu hết mọi người đều rất tôn trọng và chấp nhận ý kiến của họ. Nhưng lâu dần, mọi người sẽ phẫn nộ mà rời xa họ. Bởi vì mọi người đã biết được quyền uy và chuyên môn của người đó chẳng qua là sản vật trong trí tưởng tượng, còn ý kiến này ý kiến nọ mà người đó đưa ra cũng chỉ là sự cóp nhặt của người khác mà thôi, hoàn toàn không có gì thuộc về bản thân người đó cả.

Điều khiến mọi người lo ngại nhất là bản thân người đó lại hoàn toàn tin tưởng vào sự giả tạo và gian dối của mình. Tôi có một người bạn học, anh ta là người luôn tin tưởng vào những lời mình nói. Đặc biệt là trong công việc, anh ta luôn tin ý kiến của mình là đúng mà không quan tâm đến suy nghĩ, quan điểm của người khác, thậm chí còn phản bác lại họ. Do những lời nói ban đầu đã là những lời nói dối nên đương nhiên những lời tiếp theo cũng chỉ là những lời dối trá. Vì vậy, bạn bè đã đặt cho anh chàng này biệt hiệu là “vua nói dối” trong nhóm bạn chơi.

Nói chung, nói dối nảy sinh do sự theo đuổi hư vinh. Do tôn sùng hư vinh cho nên dù không hiểu hay không đủ khả năng thực hiện người ta cũng dùng đến những lời dối trá để che giấu đi. Còn khi chiếc vỏ ngoài của lời nói dối bị dỡ bỏ, “cái kim trong bọc” sẽ tự lòi ra.

Hư vinh và dối trá là liều thuốc bôi trơn của cuộc sống con người và nó không hẳn đều là tiêu cực, phản diện. Điều quan trọng là có thể chuyển hoá chúng thành động lực thúc đẩy người ta tiến lên hay không mà thôi? Nếu có suy nghĩ như thế thì những người này lại đáng để chúng ta kết bạn./.

20. Không nên để mất dần khả năng “phát hiện”.

Cuộc sống được tạo thành từ những chuỗi “phát hiện”. Hàng ngày trong khoảng thời gian từ lúc tỉnh giấc đến trước lúc đi ngủ, không biết chúng ta bắt gặp bao nhiêu sự việc mà mình chưa biết, phát hiện ra bao nhiêu sự vật mới mẻ, lý thú.

Để chuẩn bị đầy đủ năng lực “phát hiện” cần phải có một khả năng quan sát nhạy cảm và lối tư duy rõ ràng. Sống một cách mù quáng thì không thể có sự phát hiện nào, thiếu hụt tinh thần lại càng không phát hiện được gì. Mỗi một ngày của tuổi trẻ đều mới mẻ và kỳ lạ, mọi thời điểm đều có những phát hiện khác nhau, khả năng thẩm mỹ và sức sống tuổi thanh xuân luôn muốn khám phá thế giới còn nhiều bí ẩn.

Nhưng một khi đã tham gia vào hoạt động xã hội, năng lực theo đó cũng dần dần bị thoái hoá, con người ta luôn cảm thấy bất lực và thiếu tinh thần mạo hiểm. Tuổi tác càng cao thì tình trạng tâm lý này càng biểu hiện rõ, tuy rằng dựa vào kinh nghiệm và quá trình công tác có thể tránh được phạm phải sai lầm nhưng nó lại bắt đầu mất dần đi khả năng “phát hiện”.

Nói cách khác, tính hiếu kỳ mạo hiểm mới là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Con người cần có tính mạo hiểm, làm bạn với những người dám đương đầu với thử thách tương lai sẽ có thể giúp bạn bù đắp những thiếu hụt, hạn chế và giúp tái tạo khả năng “phát hiện” của con người. Chính sự hiếu kỳ và ý tưởng kỳ lạ đối với vạn vật xung quanh sẽ dẫn đến hành vi “phát hiện”.

Lòng nhiệt huyết và sự năng động đối với sinh mệnh của những con người này đủ để làm cất lên tiếng đàn đồng điệu của bạn và nó.

Những người bảo thủ, không dám vượt qua lẽ thường hay những người dễ dàng sống hoà thuận với người khác, có tinh thần trách nhiệm nhưng không thể tránh khỏi việc trôi theo dòng chảy của cuộc đời trần tục, không có chút thi vị gì.

Ngược lại, nếu là một người say mê khám phá thế giới nhiều bí ẩn, thích giao du đi đây đi đó, dám đối đầu với mạo hiểm, không ngừng thưởng thức sự vật mới mẻ, trí tưởng tượng bay cao thì chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú, bổ ích.

Nếu bạn không thể thoát ra khỏi “ốc đảo” của mình, vượt lên trên mọi trói buộc vô hình thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên buồn tẻ và đơn điệu.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

4 cuốn sách hay về cách đối nhân xử thế - Ai trong số chúng ta khi lớn lên cũng cần giao tiếp với mọi người và cũng có nhiều mối quan hệ xã hội ràng buộc qua lại lẫn nhau bao gồm các mối quan hệ về gia đình, quan hệ bạn bè quan hệ đồng nghiệp công ty... quan hệ xã hội phức tạp,… Đọc thêm
10 quyển sách giúp ăn nói khéo léo - Ăn nói từ lâu đã được xem trọng trong cách dạy bảo một con người, không chỉ giúp họ trở thành một người tốt, có ích mà còn giúp họ thành công và đạt được những điều mình mong muốn chỉ qua lời nói. 10 quyển sách giúp ăn nói khéo léo giúp bạn phân… Đọc thêm
Nghệ thuật giao tiếp: 10 quyển sách khuyên đọc - Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với nhiều người, với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau. Và chính sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới một nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp. 10 quyển… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “81 Quy Tắc Hay Trong Giao Tiếp”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button