Anna Karenina

(3 đánh giá của khách hàng)

Sự ám ảnh mà Anna Karenina để lại trong lòng bạn đọc vẫn cứ âm ỉ và dai dẳng. Vừa thương Anna vừa giận Anna. Nên người ta thường nói, Kẻ đáng giận tất có chỗ đáng thương. Đúng vậy, Anna chính là như thế. Sự khát khao yêu và được yêu đã vừa giam cầm Anna vừa giúp Anna thoát ra khỏi những định kiến xã hội. Nhưng trong cái xã hội phong kiến ấy, chỉ mình Anna chống lại thì làm sao có thể tồn tại như một con người bình thường được. Những ánh mắt, những lời bàn tán, những sự ghẻ lạnh, những áp lực mà một người phục nữ bé nhỏ phải gánh chịu khi muốn sống thực với tình yêu của mình đã giết chết họ trước khi họ chết. Thương Anna phải đấu tranh đơn độc, thương Anna phải gánh chịu những đớn đau không đáng có. Thương Anna phải chết trong đau đớn và uất hận. Khi đọc đến đoạn Anna phải nhảy vào đầu tàu tự vẫn, tôi chỉ có một ước muốn, ước gì Anna sống trong xã hội hiện đại này. Để Anna được một lần sống thực với con người nàng, được sống với tình yêu mà nàng khát khao, được làm người mẹ một cách đúng nghĩa và để Anna được hạnh phúc. Anna Karenian, một tiếng thét trong lòng mỗi con người.

Danh mục:

Anna Karenina là một trong những tác phẩm hay nhất 200 năm qua

Anna Karenina là tác phẩm có số phiếu bầu cao nhất trong danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại

Anna Karenina được xem như một đỉnh cao của tiểu thuyết lãng mạn

Bốn năm sau khi viết xong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, khoảng 19 tháng 03 năm 1873 Tolstoy bắt đầu viết Anna Karenina. Sau khi hoàn thành, cuốn tiểu thuyết này đã đưa nhà văn lên một địa vị mới trên văn đàn văn học Nga và thế giới. Anna Karenina lập tức được xem là một trong những tiểu thuyết hay nhất của nên văn học nhân loại.

Ý nghĩa xã hội và tác dụng nhận thức các vấn đề lớn do cuốn truyện đặt ra đã được thể hiện bằng một ngòi bút điêu luyện bậc thầy. Vượt ra ngoài khuôn khổ của một tấn thảm kịch ngoại tình. Anna Karenina đã trở thành một bộ Bách khoa thư về đời sống xã hội. Bạn đã yêu Leo Tolstoy qua Chiến tranh và hòa bình? Vậy hãy đọc Anna Karenina để một lần nữa thấy được tư tưởng cũng như tài năng văn chương của ông.

3 đánh giá cho Anna Karenina

  1. Nguyễn Thị Vy

    Sau khi đọc xong cuốn này thì mình thấy có nhiều điều phải băn khoăn, và một chút tiếc nuối. Tại sao Leo Tolstoy lại đặt tên tác phẩm này là “Anna Karenina”? Vì đây là nhân vật chính? Nếu vậy thì thật khó hiểu, vì sự xuất hiện của Anna giống như kiểu một nhân vật phụ, một gia vị cho câu chuyện này thêm đậm đà. Leo Tolstoy viết quá là nhiều về nhân vật Levin, phân tích cặn kẽ tâm tư, trăn trở của anh chàng này, rồi miêu tả về công việc, mối quan hệ xã hội, thậm chí mấy cuộc đi săn…con chim gì đó cũng phải kể lể dông dài. Lại còn chuyện Levin với vợ là Kitty toàn kiểu giận dỗi trẻ con mà cứ nói mãi. Đến tận đoạn kết Levin vẫn cứ là hình ảnh nổi bật, chủ đạo, lúc này Tolstoy còn chuyển sang nói về niềm tin tôn giáo của chàng ta. Mà câu chuyện của Levin thực ra phần lớn chẳng liên quan đến Anna Karenina. Những gì mình thấy ở Anna chủ yếu là một phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ, có hiểu biết, rời bỏ chồng con để đi theo tiếng gọi của tình yêu để rồi phải nhận kết cục bi thảm. Tác giả nói chán chê về Levin rồi mới đi kể về Anna, rồi được vài chương lại nói tiếp về Levin. Vậy thì chắc là do Anna là nhân vật có số phân bi đát nhất truyện nên mới được lấy tên làm tiêu đề tác phẩm.
    Anna Karenina trong cuốn sách này có hai bi kịch: một là quá say đắm với tình yêu, bị dục vọng và vẻ ngoài hòa nhoáng của Vronsky che mờ cả lý trí đến mức phát điên; và hai là…bị chính cha đẻ, Leo Tolstoy bỏ bê trong câu chuyện mà đáng lẽ nàng lên là trung tâm. Hình ảnh Anna thật sự nên được chăm chút tỉ mỉ hơn: một người phụ nữ lúc nào cũng phải đứng giữa lằn ranh của đúng và sai, tốt đẹp và xấu xa, khát khao và tội lỗi, hy vọng và tuyệt vọng, đến cuối cùng là sự sống và cái chết. Một người quý phái, thông minh nhường ấy, khiến đàn ông phải mê mẩn, lại có lúc ngu ngốc và khờ dại trong tình yêu. Bao nhiều góc cạnh của Anna không được Tolstoy khai thác sâu, làm nàng có vẻ hơi mờ nhạt trong suốt cả câu chuyện, nên đoạn Anna tự vẫn đã không gây cho mình sự xúc động như mong đợi. Những chi tiết xoay quanh ba nhân vật Anna, Vronsky và Alexei Alexandrovich, chồng Anna là điểm thu hút mình nhất, chỉ tiếc là nó không được nổi bật lắm.
    Đúng là không thể bắt Leo Tolstoy viết một câu chuyện lãng mạn diễm tình kiểu “Kiêu hãnh và định kiến” hay “Jane Eyre”, vì ông ý có phong cách riêng. Nhưng mình vẫn nghĩ cuốn sách nên ngắn lại, chỉ cần khoảng 600 trang thôi, bớt viết về Levin rồi những thứ râu ria đi, tập trung nhiều hơn vào Anna Karenina và chuyện tình của nàng. Hình ảnh về xã hội Nga vì thế cũng có thể được đặt dưới góc nhìn của Anna. Đây chỉ là ý kiến riêng.
    Nhưng dù sao mình vẫn thích tác phẩm này, lời văn cũng khá hấp dẫn, dễ đọc hơn mình tưởng lúc đầu rất nhiều nên mới có thể hoàn thành trong chưa đến 2 tuần. Thích nàng Anna Karenina, đây không phải là một nhân vật để người ta tôn vinh, mà là để hoặc xót thương hoặc căm ghét hoặc cả hai cảm xúc đó. Nhưng ẩn sau một người phụ nữ tưởng chừng như một ả lẳng lơ băng hoại đạo đức, Anna cũng chỉ là một kẻ đáng thương, một người đàn bà muốn được yêu, được hạnh phúc giữa một xã hội còn quá nhiều định kiến và luật lệ khắt khe.

  2. Lê Minh Tuấn

    Trước đây, khi được biết một tiểu thuyết “lãng mạn” như Anna Karenina có số phiếu bầu cao nhất trong danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại (từ các nhà văn và phê bình), mình đã lấy làm khó hiểu. Nhất là với định kiến một thời là tiểu thuyết lãng mạn chỉ để đọc cho vui chứ chả bao giờ làm nên trò trống gì.

    Nhưng Tolstoy đã không làm mình thất vọng. Trong nền văn học Nga, có lẽ ông không mang nhiều dữ dội như Dostoevsky, luôn bừng sáng như Puskin hay điềm tĩnh và tinh tế như Chekhov, nhưng Tolstoy có một biệt tài không ai vượt qua được, đó chính là tạo dựng và tái hiện lịch sử.

    Một thế giới thượng lưu hoa lệ mà phù phiếm, một bước chuyển xã hội với vô số con người và số phận, sự sáng tạo-giữ gìn và phá hủy trong cơn lốc của thời gian. Anna Karenina là tên một trong hai nhân vật chính. Nhưng nhân vật chính đích thực lại là Lịch Sử.

    Cái chết bi kịch của Anna Karenina, những tư tưởng có mạnh mẽ nhưng có phần ngây thơ của Levin rất dễ trở thành một yếu tố làm chúng ta đánh giá thấp đi thiên tài của Tolstoy. Những triết thuyết của ông, do hạn chế của thời đại có thể siêu hình và không thực tế. Nhưng vượt hết, ông vẫn là một người kể chuyện vĩ đại.

    Leo Tolstoy vĩ đại như chính lịch sử. Lịch sử đến, lịch sử chứng kiến. Lịch sử không bao giờ sai cả.

  3. Trần Thanh Tân

    Cuốn sách đứng đầu trong danh sách những cuốn sách hay nhất trong suốt 2 thế kỉ như thế này xứng đáng được mọi người tìm đọc, nó giống kiểu quá sức đối với một đứa mù tịt về triết học hay thời thế như mình, nhưng ngôn từ thì thật đẹp, đọc mãi đọc mãi không dứt ra được, câu chuyện xoay quanh Anna karenina thôi mà cả một xã hội được tác giả mô tả đằng sau đó, cái xã hội phức tạp, người chồng cố chấp đang ghìm chân, trói buộc nàng trên con đường tìm kiếm ngọn lửa tình yêu với chàng trai đẹp mã nhưng nông nổi. Có người nói giận Anna nhưng mình chỉ thương nàng mà thôi, nàng đẹp, thông minh, dù có sai lầm, mù quáng thì mình vẫn đứng về phía nàng

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button