Bà Bovary

(4 đánh giá của khách hàng)

Bà Bovary khai thác một chủ đề tương đối nhạy cảm trong văn chương: ngoại tình; chủ đề đôi khi bị đánh đồng với sự trụy lạc và suy đồi. Cũng chính vì vậy nên kết thúc của truyện phải là bi kịch (để thỏa mãn các nhà đạo đức học, chứ ngoại tình thì làm sao mà có được “hạnh phúc mãi mãi về sau”). Nhưng Bà Bovary không chỉ nói về một câu chuyện tình yêu, mà còn là một ẩn dụ về những khao khát của con người đối với những gì đẹp đẽ, xa hoa và phù phiếm: tiền bạc, danh vọng. Câu chuyện kết thúc rồi, nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc một dư vị xót xa.

Danh mục:

“Bà Bovary” (Madame Bovary, 1856) là cuốn tiểu thuyết cỡ lớn, mô tả các nhân vật tầm thường mà không thể quên được. Tác phẩm kể về nàng Emma Bovary, con một nông dân khá giả chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lãng mạn nên ước mơ một cuộc sống phóng khoáng, phong lưu nhưng cuối cùng nàng lấy phải một anh chồng đần độn và nàng bị giam hãm vào cuộc sống tư sản chật hẹp, buồn tẻ tầm thường nơi tỉnh nhỏ. Để đạt được ước mơ Emma không tránh khỏi con đường ngoại tình rồi cuối cùng bị lừa gạt, mang công mắc nợ và nàng phải tự tử.

Sau khi cuốn tiểu thuyết này được phổ biến, nhà văn Flaubert đã bị đưa ra tòa vì xúc phạm vào nền luân lý công cộng do vấn đề liên quan tới phong tục và các chi tiết thẳng thắn, nhưng rồi về sau, ông đã được tha bổng. Qua tác phẩm này, người đọc có thể nhận ra nơi các nhân vật các đặc tính tầm thường, đôi khi ngu xuẩn (stupidity) và tác giả hầu như muốn nói rằng Thượng Đế không ở trên thế gian. Tác giả đã dùng thể văn gián tiếp tự do (free indirect style) qua đó các tư tưởng của nhân vật được thuật lại bằng người kể chuyện rành mạch và khách quan.

Đọc “Bà Bovary” người đọc sẽ thấy được xã hội tư sản Pháp lúc bấy giờ và tư tưởng của Flaubert. Tác phẩm này với cái tên Bovary thậm chí đã đi vào ngôn ngữ Pháp đẻ ra danh từ chung “Chủ nghĩa Bovary”…

Đây là một tác phẩm văn học độc đáo, đặc sắc rất có ích cho những người yêu văn học.

4 đánh giá cho Bà Bovary

  1. Nguyễn Thị Vy

    Gustave Flaubert đã tạo nên một tác phẩm kinh điển mà ở đó không chỉ có cái bất hạnh của một người phụ nữ bất hạnh, mà còn là cả sự bất hạnh của một thời kỳ, một đất nước, một xã hội. “Bà Bovary” là sự phản chiếu của bi kịch cá nhân lên toàn thể giai cấp thời kỳ đó. Emma Bovary, một phụ nữ bình thường, thậm chí là tầm thường theo miêu tả của tác giả, không chịu bó mình trong cuộc sống nhàm chán với người chồng, mà chỉ khát khao một tình yêu lãng mạn và đẹp đẽ như cổ tích. Chỉ có điều nàng đã đi quá xa, đến mức quên mất mình là ai để rồi nhận lại một thảm kịch. Đọc truyện mình chỉ thấy thương cho chồng của Emma, và giận Emma vô cùng vì sự vô tâm và có phần độc ác của nàng. Và cả cái xã hội nơi Emma sống, cũng có vô số những kẻ ham mê danh vọng, giàu sang hào nhoáng, theo một cách nào đó họ cũng đã chết như Emma.
    Truyện cảm động và nhiều tình tiết bất ngờ. Tuy nhiên, điểm trừ là trong lời giới thiệu mở đầu, ban biên tập đã làm tiết lộ hết các tình tiết trong cuốn sách. Điều này thực sự làm mất đi phần nào sự thích thú khi đọc. Đáng nhẽ nên để phần này ở cuối thì hơn.

  2. Victoria

    Thế kỉ 19 đã để lại quá nhiều những tác phẩm văn học lãng mạn kinh điển, làm say lòng các cô gái. “Bà Bovary” không phải là một trong số đó vì nó quá trần trụi, các nhân vật quá tầm thường và ích kỉ với lời văn hết sức tinh tế, trau chuốt và cũng đầy trào phúng Nhưng tôi thích điều đó, tác giả đã lột trần cái mặt trái của xã hội, sự suy tàn đạo đức của con người được phơi bày. Emma cũng chỉ là một cô gái như bao người, xinh đẹp hay mơ mộng, yêu cái lãng mạn của văn học. Chỉ là những tính cách đó của cô thái quá đã mở màn cho bi kịch đời cô và cả gia đình. Tôi không đồng ý khi có nhận định cho rằng Emma đáng thương vì cô là một sản phẩm của xã hội tư sản, ngay từ khi là thiếu nữ, ở cô đã có mầm mống của sự nổi loạn và mơ mộng quá đà, rồi bị tiếp nối bởi ảo mộng giàu sang phù phiếm nơi thượng lưu để sa ngã. Điều buồn cười ở chỗ, cô chạy theo hai gã tình nhân mà cô mê mệt, ruồng bỏ gã chồng đần độn, nhưng chính hắn ta lại là người yêu cô thực sự so với 2 tên đạo đức giả chỉ cho cô thấy tình yêu lãng mạn giả dối, đó chính là bản chất muôn thuở của ngoại tình.

  3. Tran Ngoc Duyen

    Nghe danh Flaubert đã lâu nhưng đến khi đọc “Bà Bovary” mới thấy được độ ác và sự kĩ tính của ông đạt đến mức nào. Những ước mơ, những hi vọng hão huyền không có chỗ tồn tại trong tác phẩm này, bởi tôn chỉ của Flaubert là phải đập tan mọi ảo tưởng về cuộc đời cho bằng hết, bởi ông là một tác gia thuộc loại bi quan nhất nhưng cũng vĩ đại nhất thế kỉ 20. “Bà Bovary” không chỉ đẹp ở câu chữ, ở hình ảnh mà Flaubert viết ra, mà nó còn khơi dậy sự đồng cảm từ nhiều thế hệ bạn đọc trên khắp thế giới. Có lẽ vì thế nên nó trở thành tác phẩm kinh điển dù đã hơn một thế kỉ trôi qua chăng? Câu trả lời nằm ở cảm nhận của bạn đọc.

  4. Van Duyen

    Flaubert đã tạo ra nhân vật trong một bối cảnh nhỏ, những con người từ làng quê bước ra từ thành thị để sinh sống rồi bị vùi dập bởi đồng tiền. Emma là một người vì sống trong những khát vọng xa hoa, vượt lên chính mình, nhưng lại bị chính những khát vọng đó đưa đẩy số phận cô đến bi kịch. Một người đàn bà đáng thương hơn là đáng trách, trong khi đó ông chồng thì lại quá nhu nhược, những con người xung quanh họ lại quá tính toán, lừa lọc. Hiện thực là “đồng tiền” bao giờ cũng có quyền lực. Đúng là một tác phẩm có giá trị!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button