Ba Ơi Mình Đi Đâu

(5 đánh giá của khách hàng)

Với giọng văn lạ, không giống ai. Jean-Louis Fournier đã khiến tôi phải khóc, phải đồng cảm với tình huống trớ trêu của ông khi có tới hai đứa con tật nguyền – Mathieu và Thomas. Ông đã viết nó bằng những cảm xúc hết sức chân thực của mình dành cho họ, những đứa trẻ xinh xắn nhất.

Danh mục:

Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách khiến người đọc cảm thấy đau nhói mọi nơi song không vùi sâu trong ủy mị. Bởi đó là cách lựa chọn của Jean-Louis Fournier trong suốt cuộc đời làm cha của mình. Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay buồn bã… cũng không thể làm khác đi sự hiện diện của hai cậu bé luôn uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”. Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu “brừm, brừm”… Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào?

Ông, Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác. Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông nhìn thấy mình nhờ con được phóng những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai… Ông, Jean-Louis Fournier luôn cố mỉm cười khi kể câu chuyện về hai đứa con, dẫu nụ cười ấy thấm đẫm vị mặn chát.

Bằng thứ dư vị rất riêng ấy, ông, Jean-Louis Fournier, viết nên câu chuyện về hai đứa con tật nguyền. Thomas và Mathieu không bé nhỏ, không vô nghĩa bởi sự hiện diện của chúng buộc người cha ý thức về tình cảnh cuộc đời mình. Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ “Ba ơi, mình đi đâu?” lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu? Jean-Louis Fournier khiêm nhường trong câu chuyện của mình, không cố tô vẽ bản thân là một người cha mạnh mẽ. Ở cuối cuốn sách, đó là những lời tắc nghẹn “Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua”, “Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc”… Nhưng, giống như Thomas và Mathieu, cuốn sách và nỗi bất hạnh của ông lại mang tới những nghị lực để nâng đỡ nhiều người. Như lời nhận xét của Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina: “Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện”.

5 đánh giá cho Ba Ơi Mình Đi Đâu

  1. Mộng Thiệp

    “Ba ơi, mình đi đâu.” Thoạt đầu thu hút mình vì cái tên rất lạ. Cái tên mà trùng với một chương trình truyền hình khá nổi tiếng. Nhưng có lẽ đúng là số phận vẫn trêu ngươi tác giả khi ngay cả cái tên trùng cũng gây xót xa đến như vậy. 1 câu chuyện về một người cha có hai cậu con trai bị tật nguyền. Hoàn toàn chả có gì liên quan hay thậm chí đối lập vs những cô, cậu bé hoạt bát đáng yêu trong show truyền hình cùng tên kia.
    Ngay từ những trang đầu, việc người cha giới thiệu về 2 đứa trẻ đã khiến người đọc đau xót. Từng trang, từng trang, kể về quá trình sinh ra và trưởng thành của hai em. Mỗi một chương lại là 1 trò trào lộng của người cha, ông tự giễu chính mình, ông tự trách móc mình. Ta đọc thấy nỗi đau và sự xấu hổ, ta đọc đc cả sự thất vọng và cả những ý nghĩ ngông cuồng ko thèm che giấu. Đôi lúc ta lạnh cả người khi ông ấy muốn chết cùng hai đứa trẻ. Thế nhưng, một sự thật ẩn sâu trong tất cả mớ bi kịch tự ông dệt lên chồng chồng lớp lớp, một điều dù có che dấu xuống tận cùng đau khổ, vẫn ko thể ko nhìn ra : Tình yêu vô vàn của người cha dành cho con mình. Dẫu xấu hổ vs tất cả mọi người về 2 đứa con, dẫu luôn tránh nhắc đến chúng trong các cuộc chuyện trò. Điều đó không có nghĩa là ông phủ định sự tồn tại của chúng. Giây phút ng cha trở về nhà không thấy hai đứa trẻ đâu và vội vã đi tìm, còn trách móc cô giúp việc đã giúp mình nhận ra. À, thì ra sau những lời độc thoại đầy cay đắng và bi quan phủ lớp trào lộng chua xót đến tê tái ấy, ước vọng sâu thẳm của ông ko phải là mong chúng biến mất cho ông nhẹ gánh, mà là mong cho con mình có thể sống hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường khác, để ông cũng có thể làm một người cha bình thường nhu1 bao người cha khác.
    Những dòng văn cứ bình thản, cứ lặng lẽ, sự bình thản lặng lẽ đến khó hiểu. Để rồi tất cả chợt bung ra, vỡ òa khi đến đoạn đứa con trai đầu lòng qua đời.” Không nên nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như cái chết của một đứa trẻ bình thường vậy.” Dường như mọi dằn vặt day dứt đã dồn nén đến tận giây phút này, chứng minh cho chúng ta thấy, dù nói về 2 đứa con tật nguyền của ông như 1 sự tủi hổ, nhưng với ông, chúng vẫn là những đứa con ông yêu thương nhất.
    1 câu chuyện làm cả một buổi chiều của mình hóa thành 1 buổi chiều đẫm nước mắt. Thực sự mình ko dám đọc lại nó lần 2. Ko phải vì ko hay, mà là vì không dám. Hiện thực đau xót qua lời kể hài hước và có vẻ mơ ảo kì quái ấy lại khiến mọi thứ bi thương hơn gấp bội. Nào đã có ai dám viết về người tật nguyền như thế, hơn nữa là chính con mình như thế. Có lẽ trên cương vị 1 nhà văn, 1 nghệ sĩ và một người cha, Fournier có thể coi là một người vô cùng dũng cảm. Ở ông ta thấy cả sự ích kỷ tầm thuờng như bao người khác. Với những suy nghĩ mà chúng ta dù nghĩ tới cũng ko bao giờ dám nói ra hay dám nhận là mình nghĩ vì xấu hổ. Nhưng ở ông cũng có cả sự cao thượng và vĩ đại, với tình yêu vô bờ mà mọi bậc cha mẹ đều có. Giống như hai mặt của đồng xu, hai phần thiện ác của ông vẫn ko ngừng tranh đấu, để cuối cùng tình yêu thương vẫn thắng thế, và đó chính là giá trị nhân đạo cốt lõi của “một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tủy” này.
    Một câu chuyện thật, trần trụi đến xơ xác, nhưng dung dị đủ lay động trái tim của bất cứ ai.

  2. Trần Phạm Nguyễn Khoa

    Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
    Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…”

    Thật vậy, cha mẹ, và gia đình luôn là nguồn năng lượng không vơi cạn của mỗi người. Dù ta có là ai, hay sẽ trở thành ai trong cuộc đời này, mẹ cha sẽ luôn dõi theo và chở che… Với cha, cha luôn thâm trầm, kiệm lời, lặng lẽ quan sát và chở che cho con trước những cơn sóng, ngọn gió ập đến trong đời. Những nỗi buồn, nỗi mất mát chỉ có thể khiến cha mạnh mẽ hơn và ôm chặt các con hơn trong cánh tay người. Tôi cho rằng Fournier là một người cha như vậy.

    Trong cuộc đời, không ai mong đợi những điều không may mắn, xảy đến với bản thân mình hay với những người xung quanh. Nhưng theo một lẽ thường tình và không thể đoán biết trước, những “ngày tận thế” vẫn cứ xảy đến. Fournier đã chọn cách chấp nhận và đối diện với nó. Với ông, Mathieu và Thomas chẳng thể làm cho cha tự hào như bao đứa trẻ khác, nhưng tình yêu ông dành cho chúng không vì thế mà ít đi, thậm chí càng thêm chứa chan, đong đầy và để lại nhiều day dứt.

    “Ba ơi, mình đi đâu?” – Chúng ta sẽ đi về nơi yêu thương sẽ hàn gắn mọi nỗi đau và ngọn nến hy vọng mãi được thắp sáng mãi.

  3. Lương Thành Nhân

    Một tác phẩm ngắn đáng để dành thời gian đọc. Mình vẫn đang còn là sinh viên, và chưa có con. Nhưng tác phẩm giúp mình hiểu rõ hơn tình yêu thương của người cha dành cho con cái là cực hạn. Khi số phận trêu đùa ông mà theo tác giả là ông đã chơi xố số di truyền và đã thua cuộc, chứng kiến 2 người con trai của mình sống qua mỗi ngày là những cảm xúc thăng trầm cảm xúc đi từ bi lụy, cực đoan cho đến cách ông tìm niềm vui nhỏ nhoi trong cách suy nghĩ của mình… Thật sự nó rất cảm động. Nhưng tác giả đã kết thúc câu chuyện của mình bằng một từ “bế tắc”. Nó làm mình suy nghĩ khá nhiều.

  4. Linh Lee

    “Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc.”

    Số phận trêu ngươi, nếu người khác có những đứa con khoẻ mạnh, hạnh phúc, thì tác giả lại có những 2 đứa con tật nguyền. Ông yêu chúng, tự hào về chúng, hy vọng về chúng, nhưng chúng đều làm ông thất vọng. Ông hụt hẫng, ghét chúng, nhiều lúc dường như đã đến mức bế tắc, nhưng có lẽ nhờ tình thương, tình máu mủ, ông đã vượt qua được và chăm bẵm chúng suốt hàng chục năm. Có ra đi, có mất mát, có những bước lùi. Nhưng tất cả qua đi, ông – hay chính là hiện thân của những người ba – vẫn gắn bó bên con. Nỗi đau âm ĩ qua từng con chữ, nhưng lại khiên người ta vẫn cố đọc tiếp, vì tình yêu, cũng là vì hy vọng những đứa trẻ ấy và ông bố vĩ đại của chúng có thể có kỳ tích xuất hiện, dù đến lúc kết thúc, không có ánh sáng hạnh phúc xuất hiện, soi sáng lên cõi lòng của họ.

    Tác giả là nhà trào phúng đen, bởi vậy giữa một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… thì tác giả lại thắp lên cho cuộc sống nhưng tiếng cười châm biếm đến đau xót cõi lòng qua từng câu chữ. Ông tự châm biếm mình, châm biếm con nhưng thực chất chính là tình yêu con sâu sắc của cha.

    Một cuốn sách rất mỏng và ngắn nhưng có thể vừa làm bạn khóc vừa làm bạn cười!

  5. Dương Thị Thùy Trang

    Câu chuyện của họ rất cao cả. Khi đọc tác phẩm này, cảm xúc hầu hết chiếm lĩnh mình là: buồn, xót thương. Phải nói là có xót thươn, dù mình chưa từng chứng kiến hay từng trải chuyện này. Ít ra là từ khía cạnh đứa con thôi, thật tội cho chính bản thân đứa trẻ, chứ đừng nói là những người làm cha, mẹ ấy. Câu chuyện của cha con họ là điều mình quan tâm nhất hơn là một tác phẩm hay.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button