Bên phía nhà Swann

(4 đánh giá của khách hàng)

Cách đây một trăm năm, trong lần xuất bản đầu tiên, nó từng là chủ đề tranh luận của mọi diễn đàn văn học. Một trăm năm sau, người ta vẫn không ngừng viết, nói, tranh luận về nó.

Danh mục:

“Rồi đột nhiên ký ức đó hiện ra. Mùi vị ấy chính là mùi vị mẩu bánh madeleine mà mỗi sáng chủ nhật ở Combray (vì ngày hôm ấy tôi không ra khỏi nhà trước giờ lễ mi xa), cô Léonie lại cho tôi sau khi đã chấm vào trà hoặc nước lá bồ đề, mỗi lần tôi đến chào cô trong phòng cô ở. Trước đây, khi chưa nếm vị của nó, tôi chẳng nhớ gì mỗi lần nhìn thấy cái bánh madeleine nhỏ[…] Nhưng khi, của một thời quá vãng đã chẳng còn lại một chút gì, khi người đã chết, sự vật đã bị hủy diệt, thì duy nhất vẫn còn lại đó, mỏng manh nhưng dai dẳng, không hình hài nhưng bền vững thủy chung, hương và vị vẫn còn ở đó rất lâu, như những linh hồn, để tưởng nhớ, chờ đợi và hy vọng, giữa cái hoang tàn của tất cả, và không hề nao núng, để mang trên cái giọt mong manh của chúng, cả dinh thự mênh mông của hoài niệm.”

Bên phía nhà Swann là tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của một trong những văn hào lớn nhất của nước Pháp và của thế giới, Marcel Proust. Cách đây một trăm năm, trong lần xuất bản đầu tiên, nó từng là chủ đề tranh luận của mọi diễn đàn văn học. Một trăm năm sau, người ta vẫn không ngừng viết, nói, tranh luận về nó. Đi tìm thời gian đã mất thực sự là một khởi thuỷ cho nền tiểu thuyết hiện đại, với bút pháp mới lạ, với những chủ đề được bàn luận sâu rộng và đầy chất thơ về nghệ thuật và triết học, về hồi ức và thời gian… Tác phẩm từ lâu đã là niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp, là một cuốn Kinh thánh văn chương cho mọi tác gia cũng như người đọc văn học.

4 đánh giá cho Bên phía nhà Swann

  1. Võ Trường Giang

    Thích sách từ cái bìa giản dị, và cũng có nghe phong thanh về cái hay của sách nên mình đã mua quyển sách này.
    “Bên phía nhà Swann” (mình chưa nhận xét cả bộ sách vì chỉ mới xuất bản được tập đầu của bộ này, và quả thật đây là một tác phẩm vĩ đại) thật ra cốt truyện rất đơn giản. Nhưng không phải vì cốt truyện đơn giản mà người đọc dễ hiểu. Nếu độc giả đã quá quen với những tác phẩm hinệ đại, với lối viết nhanh, tình tiết gây cấn dồn dập để đáp ứng đúng thị hiếu độc giả, thì “Bên phía nhà Swann” hẳn không dành cho bạn. Thoạt đầu, hẳn ai cũng nghĩ, là tác giả viết quá dài dòng (mình cũng từng nghĩ như vậy, nhưng vì muốn tìm hiuể xem ẩn sau cái “dài dòng” ấy có những gì nên kiên nhẫn đọc tiếp), nhưng càng về sau, chính lối viết dài dòng ấy mê hoặc mình. Ai cũng phải thừa nhận rằng sau khi đọc cuốn sách này, cách nhìn và cảm nhận thế giới này có đôi chút thay đổi: nhìn sự việc nhiều góc cạnh, tinh tế và đầy suy tư, liên tưởng – cũng chính là cái nhìn sự vật, sự việc của Swann vậy.
    Phải thừa nhận đây là cuốn sách mình đọc với tốc độ chậm nhất: mỗi ngày đọc 20 trang, và mất hơn 4 tháng để đọc hết cuốn (trong 4 tháng chỉ đọc một cuốn sách), phần vì tác giả có lối viết cắn đuôi nhau: từ sự vật sự việc này lại quay về hồi tưởng hoặc liên tưởng đến những sự vật sự việc khác, cũng như cách miêu tả chi tiết và ngôn từ lắt léo, khiến mình phải suy ngẫm nhiều để thấm ý của tác giả. Nếu có ai hỏi sau khi đọc xong sách, mình hiểu được những gì, thì: những gì thuộc về nội dung đều nằm ở cả phần giới thiệu đầu sách; còn những gì là tinh tuý của văn phẩm, muốn cảm nhận tốt thì e không chỉ đọc một lần là hiểu được.
    Tuy có nhiều tranh cãi xung quanh cách dịch tác phẩm, nhưng với tư cách là một người đọc và không hiểu một chút gì về tiếng Pháp, mình chấp nhận bản dịch này. Bản thân dịch giả bao giờ cũng phải chịu quá nhiều áp lực, huống gì cái “cung điện hồi ức” này lại quá bao la và rợn ngợp?
    Mong chúc các dịch giả luôn tràn đầy nhiệt huyết và sức khoẻ để đem trọn bộ sách hay này đến với độc giả Việt Nam, đề cùng Proust “đi tìm thời gian đã mất”.

  2. Hoàng Điệp

    Đây là quyển sách tôi phải đọc rất nhiều lần mới có thể hiểu được một đoạn, thậm chí là một câu. Có đôi lúc tôi phải dừng lại khá lâu đề tưởng tượng ra những cảnh mà tác giả miêu tả, những cảm nhận của tác giả, dù có những thứ hoàn toàn mới mẻ với tôi. Tôi nghĩ rằng nếu được tận mắt nhìn thấy nước Pháp, có lẽ tôi sẽ hiểu trọn vẹn hơn niềm tự hào thầm kín của Marcel đối với đất nước ông. Đó là điều thu hút tôi khi trong tác phẩm có quá nhiều mối quan hệ giữa người và người phức tạp…

  3. Minh Châu

    Có lẽ nếu những ai chỉ quen đọc truyện tranh hay đọc những quyển tiểu thuyết tình cảm – đại loại là những quyển sách không cần tư duy quá nhiều để hiểu được ý đồ tác giả – sẽ khó mà hiểu được “Bên phía nhà Swann”. BPNS là một quyển sách cực kì khó đọc. Có thể thấy từ hình thức của nó: sách dày, và mỗi trang sách lại dày đặc chữ. Một câu tác giả viết ra có thể kéo dài đến tận nửa trang hoặc thậm chí một trang sách, với hàng loạt dấu chấm, dấu phẩy, chấm phẩy, thậm chí là gạch đầu dòng. Câu từ khá là lan man, như việc suy ngẫm trước khi đi ngủ đã tốn hết bao nhiêu giấy mực. Đọc xong một câu có khi đã quên sạch câu trước nói gì.
    Nhưng mà, chính vì thế mà sách làm cho mình có thêm kiên nhẫn và quyết tâm để đọc. Đọc xong quyển này cũng mất tương đối nhiều thời gian, và thấm được toàn bộ sách lại mất nhiều thời gian hơn nữa. Từ câu chuyện về tuổi thơ của mình, tác giả lồng ghép được những chiêm nghiệm của bản thân. Cái nhìn sự việc mang tính chủ quan, nhưng chính vì thế mà người đọc thêm hiểu được người viết truyện.

  4. Bonny Mid

    Đây là một tác phẩm rất khó đọc bởi nhiều lý do.
    Thứ nhất có lẽ là cách chiêm nghiệm hơi lớn, nên bạn đọc trẻ tuổi thường cảm thấy khó nuốt. Tuổi đời không nhiều để thấu hết tất cả những gì tác giả viết.
    Thứ hai, có lẽ do câu cú. Phần lớn tác phẩm gồm rất nhiều câu phức. Mở sách ra thấy một rừng chữ là chuyện bình thường. Có trang còn không có một đoạn xuống dòng nào.
    Thứ ba, mạch truyện chậm, mở đầu có mỗi việc không ngủ được thôi mà đã mất hết hơn chục trang.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button