Bỉ Vỏ

(5 đánh giá của khách hàng)

Bính phút chốc tan hẳn. Một ý nghĩ buồn tiếc thương nhớ và bao hình ảnh quê nhà, cha mẹ, chị em, chúng bạn thoáng qua tâm trí Bính như cơn gió lạnh. Bính thẫn thờ đưa mắt trông những ánh nắng thoi thóp còn lấp lánh trên khóm đào lá lăn tăn đằng góc vườn, tưởng tới bao nhiêu sự bấp bênh và cuộc đời cứ một ngày một âm u héo hắt, khó mà còn hy vọng thay đổi được…

Danh mục:

Tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng được viết trong những năm 1935 – 1936, xuất bản lần đầu năm 1938 là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán.

Nhân vật chính là Tám Bính – một cô gái chất phác của làng quê, bị lừa gạt trong tình yêu rồi bị tập quán hủ lậu xua đuổi, lên thành phố bị xô đẩy vào con đường tội lỗi. Từ chỗ phải làm nghề mại dâm Tám Bính đã trở thành kẻ cắp lành nghề – cuối cùng cả hai vợ chồng đều bị bắt giữa lúc Tám Bính hay tin đứa con duy nhất bị lưu lạc từ lâu vừa bị giết do chính tay người chồng sau của mình.

Bỉ Vỏ đã nêu được phần nào những mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị áp bức, là một lời tố cáo đanh thép chế độ xã hội cũ.

5 đánh giá cho Bỉ Vỏ

  1. Nguyễn Thảo Nguyên

    Bỉ vỏ là một câu chuyện thể hiện xã hội đương thời một cách hoàn toàn chân thực và trần trụi. Cốt truyện rất thật và mới: cô Bính từ một cô gái trong sáng, hiền lành, lương thiện, do những vấp váp trong đời, do hoàn cảnh sống mà trở thành một tay móc túi, vợ Năm Sài Gòn. Những sự chèn ép, áp bức, bóc lột, những đau đớn và cay đắng cô Bính phải chịu cũng chính là những gì người dân trong xã hội đương thời phải chịu. Một cách rất tài tình, Nguyên Hồng khiến cho người đọc cũng trở nên phẫn nộ, bức xúc xã hội và tiếc nuối cho cô Bính. Các tác phẩm của Nguyên Hồng bao giờ cũng mang một màu sắc rất riêng. Đây thực là một cuốn tiểu thuyết hay!

  2. Phạm Thành Trung

    Những tác phẩm của nhà văn Nguyên Hông luôn mang một màu sắc rất riêng biệt và mới mẻ. Truyện của ông được kể bằng giọng điệu trầm lắng, nhẹ nhàng, đôi khi là buồn thương, thể hiện những suy tư trăn trở của ông về những số phận bất hạnh trong đời. Tác phẩm tiêu biểu cho những giá trị nhân văn trong sự nghiệp sáng tác của ông là “Bỉ vỏ”. Tác giả đã để người phụ nữ trong truyện tự kể câu chuyện của chính mình, một câu chuyện buồn về cuộc đời, về tình yêu, một câu chuyện về những vấp ngã, lầm lỗi. Ngôn từ trong tác phẩm đẹp đến dung dị, giản đơn mà tinh tế chạm đến những xúc cảm của người đọc. Theo mình, tác phẩm này hơi khó đọc một chút, cần sự kiên nhẫn của người đọc để cảm nhận hết những điều tác giả truyển tải.

  3. Lý Ngọc Quý

    Tôi thường thấy tiếc khi văn học VN ngày nay chưa có ai làm nên những tác phẩm hay, bất hủ. Phải chăng chính cái hoàn cảnh xã hội éo le lúc bấy giờ mà cách nhà văn thời ấy đã viết nên những câu chuyện quá chua cay, hay mà sâu sắc. Nó như 1 vết cứa vào lòng của người đọc. Không lời lẽ chua ngoa, không chi tiết giật gân hay viết quá nhiều về cảm xúc, chỉ là 1 câu chuyện và nhiều phận người. Họ lặng lẽ bị cuốn đi theo dòng đời trôi nổi. Lương thiện, nhưng chẳng được sống đời thiện lương để rồi không còn cơ hội quay đầu được nữa. Bi kịch của tất cả mọi người!
    P.s: Giá tác phẩm văn học VN danh tác ngày xưa giờ quá rẻ mà vẫn còn quá ít người chịu bỏ tiền ra mua, cảm thấy xót vì điều này.

  4. Nguyễn Thị Hương Nguyên

    Mình rất thích cuốn Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, nó diễn tả một cách chân thực và sống động đến từng chi tiết về cuộc sống của người nông dân trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

    Mình thương chị Bính và cũng ghét chị Bính. Chị bị lừa, chị không chồng mà có con, đấy không phải lỗi của chị. Chị lên tỉnh, bị lừa lọc, hãm hại, bị sàm sỡ, bị đẩy vào nhà thổ rồi dần dần trở thành kẻ ăn cắp, đấy cũng không phải lỗi của chị. Đấy là lỗi của xã hội. Nhưng chị Bính thật nhẫn tâm khi để đứa con dứt ruột của mình ở lại chốn cũ…

    Những kẻ như Năm Sài Gòn có lẽ cũng không hẳn đã xấu. Kẻ xấu nhất chính là những gã quan sai, thực dân.

    Đọc truyện, mình xúc động ghê gớm. Mình đã bật khóc khi đọc đoạn chị Bính biết cái thằng cu người đầy vàng mới tắt thở kia chính là con chị. Đấy là một bi kịch không thể trốn tránh của thời đại! Cuốn tiểu thuyết đã vạch trần bộ mặt đểu giả của xã hội đương thời.

    Mình rất thích đọc văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng, và Bỉ vỏ là một trong vài quyển mình thích nhất.

  5. John Vu

    Bỉ Vỏ là áng văn chương tiêu biểu của Nguyên Hồng nói về thân phận con người trong xã hội đầy cám dỗ và lắm bất công thời Pháp thuộc.

    Bính – nhân vật chính của tác phẩm đại diện cho tầng lớp phụ nữ lúc bấy giờ phải chịu đựng nhiều bất công và áp bức từ trong lẫn ngoài.

    Ở tuổi đôi mươi, Bính khao khát được yêu thương nhưng hiện thực nghiệt ngã vùi dập, chà đạp nhẫn tâm cuộc đời Bính. Khởi đầu cho chuỗi bất hạnh ấy là cái bào thai vô thừa nhận mà tham Chung dành tặng cho Bính. Là nỗi ê chề bị ruồng bỏ của cô gái trẻ trước sự trở mặt của tình nhân, là cái khổ nhục giày xéo từ chính bố mẹ vì lỡ mang tiếng chưa chồng mà lại chửa hoang.

    Rồi liên tiếp đời Bính chìm vào ngõ tối. Từ án oan cướp chồng cho đến bị đày đọa ở chốn lầu xanh mua vui cho tứ bể. Rồi Bính hạnh ngộ cùng Năm Sài Gòn và dòng đời đưa đẩy thành “bỉ vỏ” nức tiếng ở đất Bắc. Đôi tay làm đồng chẻ củi đã hết vết chai, kẽ sạn , nay nhanh nhẹn, tráo trở đã khoắn biết bao là túi bạc, túi vàng.

    Từ một cô gái quê chất phác, hiền lành được đời gọt dũa, Bính trở thành người đàn bà mà dân “khoắng”, dân “thó” phải kiêng nể tài nghệ. Từ kinh sợ những đồng tiền dính máu, Bính giờ yêu nó như thể nó là lẽ sống của Bính. “Mó” tiền lão hàng thịt, “thó” túi bạc gánh vải rồi cả cướp cả tiền dành dụm bao năm của ông cháu đáng thương trên chuyến tàu Nam Bắc,..chẳng việc gì mà Bính kiêng sợ.

    Cũng có lúc Bính chán kiếp sống phong trần, tanh tưởi mùi máu này. Bính một lần nữa khao khát hạnh phúc, một mái nhà nho nhỏ, sáng gánh rau chiều cơm nước quây quần với chồng con. Nhưng “ai cho Bính lương thiện” khi tay Năm Sài Gòn đã dính quá nhiều máu, tâm hồn đã mục ruỗng nào biết hai chữ quay đầu là gì. Và ai sẽ rửa nỗi oan cho cu Tun, cho thầy u vụ lén bỏ thuốc phiện ở vạ lúa sau nhà nếu Bính không chạy vạy cho được 100 đồng bạc từ người chồng mật thám bất đắc dĩ sau này của Bính.

    Đọc “Bỉ vỏ”, vừa đáng thương vừa đáng trách Bính. Thương Bính bị chính bố mẹ ruột ruồng bỏ, thương Bính chịu đựng miệng đời thiên hà dè bỉu, vùi dập Bính từ chốn phong trần cho đến đầu làng xó chợ. Trách Bính dễ sa ngã vào cạm bẫy, đã có lúc tìm ra ánh sáng nhưng lại quay đầu về ngõ tối rồi mãi mãi chìm trong đau khổ.

    Soi chiếu đời Bính, người đọc như cảm thấu tầng lớp phụ nữ Việt Nam từ xã hội cũ cho đến tận bây giờ, đâu đó vẫn tồn tại những bất công, góc khuất đầy nghiệt ngã. Những định kiến xã hội và dục vọng đê hèn của không ít người vẫn còn mãi len lỏi, gieo rắc nổi đau khổ, tuyệt vọng và cướp đi lẽ sống của bao con người lương thiện.

    Có thể nói đây là một trong những tác phẩm để đời của Nguyên Hông, đã phản ánh thực tế thân phận và kiếp sống của con người dưới hai ách thực dân Pháp và chế độ phong kiến cũ đã phải chịu giày vò và chèn ép đến cùng cực. Có người cam chịu, có người tha hóa để rồi đi vào ngõ cụt..

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button