Biên niên ký chim vặn dây cót

(6 đánh giá của khách hàng)

Biên niên ký chim vặn dây cót khiến tôi cảm thấy khắc khoải trong những cảm xúc dàn trải mênh mông không biết đâu là tận cùng của những cảm xúc ấy. Truyện mang đậm phong cách của Haruki ở cách khai thác tâm lý con người. Ông chú trọng và khai thác mặt sâu bên trong tâm hồn – một thế giới hoàn toàn khác biệt với cuộc sống bên ngoài của mỗi nhân vật. Tình tiết truyện cuốn hút và làm người đọc như bị cuốn sâu và tận cùng trang sách. Truyện mang nhiều tầng lớp ý nghĩa. Cho chúng ta một bài học về sức sống và vươn lên mãnh liệt giống như anh chàng nhân vật chính. Đôi khi – chúng ta cứ sống trong dòng chảy thời gian mà không để ý đến rằng chúng ta thực sự chẳng để ý đến một cái gì. Ảo và thực – nó mong manh và cũng rất rõ ràng. Mỗi người khi đối diện với những cảm xúc ấy, cần phải tìm ra điểm bắt đầu để thoát ra khỏi cuộc sống nội tâm phức tạp. Giống như lên dây cót.

Danh mục:

Giới thiệu

Tiếng hót của con chim vặn giây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín, hay khoảnh khắc thấu suốt cảm giác về Định mệnh; tiếng chim tiên báo những thảm hoạ khốc liệt khơi nguồn từ chính con người, cũng là tiếng thúc giục âm thầm của khát vọng đi tìm chân lý. Tiếng hót của chim vặn giây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim giây cót xuyên suốt cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami.

Câu chuyện đưa ta đến nước Nhật thời hiện đại, với những thân phận con người bé nhỏ, lạ lùng. Những cô bé 15 tuổi, như Kasahara May, ngồi sau xe môtô phóng với tốc độ kinh hoàng, vươn tay bịt mắt bạn trai phía trước. Sau tai nạn, bạn trai qua đời, chỉ còn lại mình cô với nỗi day dứt khôn nguôi: “Chính vì có cái chết, người ta mới phải băn khoăn nhiều đến thế về sự sống.” Những thiếu nữ, như Kano Kreta, tự kết liễu đời mình để giải thoát những cơn đau triền miên có thể gặp phải bất cứ lúc nào, vì bất cứ điều gì nhưng không thành. Phải trả nợ một khoản tiền lớn cho hãng bảo hiểm, không do dự, cô đi làm gái điếm. Những Dân biểu nghị viên như Wataya Noburu, leo cao trong danh vọng nhờ tài lừa dối đám đông và khả năng khơi dậy những bản năng sa đoạ ở người khác… Trong thế giới ấy, nhân vật chính của Biên niên ký chim vặn giây cót, Okada Toru, chàng trai giản dị và chân thành, phải đối mặt với biến cố lạ lùng: Kumiko, người vợ yêu dấu của anh bỗng nhiên biến mất không một lời nhắn gửi. Sự kiện phi lý này khơi nguồn cho sự thức tỉnh trong Okada, thúc đẩy anh ngắm nhìn, chứng nghiệm lại thế giới tràn đầy cái phi lý chung quanh mình, bằng con mắt bản thể. Với Murakami, thế giới đầy những điều bất thường, phi lý trở thành động lực để con người lên đường trở lại với bản thể chính mình.Cũng tại thời điểm này, Toru Okada nghe thấy tiếng hót của con chim vặn giây cót, như tiếng vọng của bản ngã chính anh. Watanabe bắt đầu cuộc hành trình nhận thức, cuộc hành trình tràn đầy những xúc cảm mãnh liệt khám phá lại cuộc sống và tình yêu đã qua, cuộc sống đang diễn ra, của chính mình và những người xung quanh. Với Okada, từ đây cũng mở ra một thế giới siêu thực với những giấc mơ đầy ám ảnh tính dục, những căn phòng tối đen ngào ngạt phấn hoa cất giấu bí mật về sự lệ thuộc và nô dịch, bóng tối thẳm sâu của bản ngã và xa rời bản ngã, Thiền, và những năng lực tâm linh siêu hình. Trong những mối quan hệ đầy cảm thông và gần gũi với những phụ nữ khác, Kasahara May, mẹ con nhà tạo mẫu Akasaka Nhục đậu khấu, hay Kano Kreta…, Okada dần dần hiểu ra bản chất của cuộc sống con người, không phải một mắt xích của thế giới vật chất cơ giới từ bên ngoài, mà chính là những năng lực tưởng tượng sáng tạo của nội giới, những ám ảnh tinh thần truyền từ người nọ sang người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác

Okada cũng nối lại trong mình sợi dây liên kết bí ẩn mà mạch lạc với quá khứ xa xăm, nhờ những câu chuyện của các chiến binh xưa và nhân chứng sống như Akasaka. Một thế giới khác, giấc mộng bá chủ không thành của quân đội Thiên hoàng trên cao nguyên Nội Mông, trận Normohan, Trân Châu Cảng, những cuộc tàn sát man rợ trong và sau Thế chiến 2, khi con người từng rơi vào vực thẳm bởi chính sự tàn ác và lầm lạc của chính mình. Okada đã giác ngộ, không còn cách nào khác, chỉ có cương quyết diệt trừ cái ác, bắt đầu từ trong chính những – giấc – mơ của con người, đấu tranh chống lại nó trong chính thực tại hôm nay. Đó cũng là con đường để giải thoát cho người vợ thân yêu của anh đang bị giam cầm trong vết thương tinh thần như một ác mộng khủng khiếp về con quỷ Râu xanh, do chính người anh vợ, chính khách Wataya Noburu gây nên.

Okada và Watanabe của Rừng Nauy, là loại nhân vật quen thuộc của Murakami. Chân thành và giản dị, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ khuôn mẫu xã hội nào, sống và yêu thương với bản tính tự nhiên và hiện sinh, đồng thời lắng nghe, cảm thông, kết nối con người với nhau – các nhân vật thể hiện trọn vẹn và sâu sắc tinh thần nhân đạo của Murakami.

Bạo lực và tình dục, những yếu tố thịnh hành của thể loại tiểu thuyết đen phổ biến trên thế giới, xuất hiện trong tác phẩm của Murakami chỉ như một trong những phương diện miêu tả và khám phá đời sống. Vẻ đẹp tràn đầy tác phẩm là sự tinh tế và mãnh liệt của tinh thần và bản ngã con người, đủ để đưa Murakami đứng vào hàng các tác gia vĩ đại trên thế giới.

Đọc thử

Khi điện thoại reo, tôi đang nấu dở món spaghetti trong bếp, mồm huýt sáo theo bản overture Chim ác là ăn cắp của Rossini phát qua đài FM. Vừa nấu spaghetti vừa nghe bản nhạc này thì còn gì bằng.

Tôi muốn lờ cuộc gọi đi, không chỉ vì món spaghetti sắp chín mà còn bởi Claudio Abbado đang đưa dàn nhạc Giao hưởng Luân Đôn lên đến cao trào âm nhạc. Nhưng rốt cuộc tôi chịu thua. Nhỡ ai đó đang muốn gặp tôi về chuyện việc làm thì sao. Tôi vặn nhỏ bếp gas, đi ra phòng khách, nhắc ống nghe.

– Cho tôi xin mười phút, – giọng nữ ở đầu bên kia nói.

Tôi vốn có trí nhớ tốt về giọng người, nhưng giọng này tôi không quen.

– Xin lỗi? Chị muốn gặp ai?

– Dĩ nhiên là gặp anh. Tôi chỉ xin mười phút thôi, thế là đủ để chúng ta có thể hiểu nhau, – giọng cô ta trầm trầm, mềm mại, nhưng thật khó phân biệt.

– Hiểu nhau?

– Hiểu cảm xúc của nhau.

Tôi cúi xuống nhìn qua khe cửa bếp. Nồi spaghetti đang sôi sùng sục, Claudia Abbo vẫn đang điều khiển bản Chim ác là ăn cắp.

– Xin lỗi, chả là tôi đang nấu dở nồi spaghetti. Chị gọi lại sau được không?

– Spaghetti á? Ai lại đi nấu mì spaghetti lúc 10 rưỡi sáng kia chứ?

– Đấy không phải việc của cô, – tôi nói, hơi nổi cáu. – Tôi muốn ăn cái gì, ăn lúc nào là quyền của tôi.

– Thôi được, tôi sẽ gọi lại sau, – cô ta nói, giọng cô ta giờ khô khan, vô cảm. Thật lạ, một thay đổi nhỏ trong tâm trạng cũng có thể ảnh hưởng đến giọng nói người ta đến thế.

– Đợi một chút, – tôi nói trước khi cô ta gác máy. – Nếu có muốn chào hàng chào hiếc gì đó thì đừng gọi lại mất công. Tôi đang thất nghiệp nên không thể mua sắm gì đâu.

– Đừng lo, tôi biết.

– Cô biết? Cô biết cái gì?

– Rằng anh đang thất nghiệp. Tôi biết. Đi mà nấu cho xong món spaghetti quý giá của anh đi.

– Nhưng mà… Cô này! – nhưng cô ta đã cúp máy.

Tức anh ách mà không biết xả vào đâu, tôi nhìn trân trân một lúc cái ống nghe đang cầm trong tay rồi mới sực nhớ tới món spaghetti. Tôi xuống bếp, tắt gas rồi trút chỗ mì trong nồi ra cái chao cho ráo nước. Vì cuộc gọi vừa rồi mà món spaghetti hơi bị chín quá, nhưng cũng không đến nỗi chết ai. Tôi vừa ăn vừa ngẫm nghĩ.

Hiểu nhau? Hiểu cảm xúc của nhau trong vòng mười phút? Cô ta nói năng cái gì vậy? Có lẽ chỉ là gọi để chơi xỏ thôi. Hay là lại một chiêu tiếp thị bán hàng gì đó. Gì thì gì, chẳng liên quan đến tôi.

Ăn trưa xong, tôi lên phòng khách, ngồi trên sofa đọc cuốn sách mượn của thư viên, chốc chốc lại liếc nhìn điện thoại. Làm sao có thể hiểu nhau trong vòng mười phút cơ chứ? Hai con người có thể hiểu gì về nhau trong vòng mười phút? Thử nghĩ mà xem: cô ta dường như tin chắc một cách quái lạ vào cái mười phút ấy: chẳng phải đó là câu đầu tiên cô tá thốt ra đấy sao. Cứ như thể chín phút thì quá ít còn mười một phút lại quá nhiều. Chính xác từng phút một, cũng như nấu món spaghetti vừa chín tới.

Tôi không đọc được nữa, bèn bỏ đấy đi là áo sơ mi. Tôi luôn luôn đi là quần áo mỗi khi trong lòng bứt rứt bực bõ. Một thói quen có từ lâu. Tôi chia việc là áo thành mười hai công đoạn. Đầu tiên là cổ cồn (mặt ngoài), cuối cùng là măng sét tay trái. Trật tự này bất di bất dịch, tôi vừa là vừa đếm ngược từng công đoạn. Nếu không thì sẽ rối tung lên cả.

Tôi là ba chiếc sơ mi, kiểm tra xem còn chỗ ngăn nào không rồi treo lên mắc áo. Sau khi tắt bàn là rồi cất vào tủ cùng cái giá là quần áo, đầu tôi thấy minh mẫn hẳn ra.

Tôi quay xuống bếp định rót một cốc nước thì điện thoại lại reo. Tôi chần chừ một giây rồi quyết định trả lời. Nếu cũng lại người đàn bà kia, tôi sẽ bảo là đang bận là quần áo rối cúp máy.

Lần này là Kumiko. Đồng hồ chỉ 11 rưỡi.

– Anh thế nào? – nàng hỏi.

– Ổn cả, – tôi đáp, nhẹ cả người khi nghe giọng vợ.

– Anh đang làm gì đấy?

– Mới là quần áo xong.

– Có chuyện gì vậy? – giọng nàng nhuốm chút căng thẳng. Nàng biết, thường chỉ trong tâm trạng thế nào đó tôi mới đi là quần áo thôi.

– Có gì đâu. Anh là mấy cái áo sơ mi thôi mà. – Tôi ngồi xuống, chuyển ống nghe từ tay trái sang tay phải. – Em gọi có chuyện gì?

– Anh có biết làm thơ không? – nàng hỏi.

– Thơ!?

Thơ ấy à? Nàng có ý gì vậy… thơ ư?

– Em có người quen ở một tạp chí chuyên đăng truyện cho các thiếu nữ. Họ đang tìm một người chuyên lựa chọn và chỉnh lý các bài thơ do độc giả gửi tới. Nhưng trước hết người đó hàng tháng phải viết một bài thơ ngắn. Lương họ trả cao mà viêc thì nhàn. Với lại chỉ làm bán thời gian thôi. Nhưng họ có thể giao thêm một ít việc biên tập nêu người đó…

– Việc nhàn ư? – tôi cắt ngang. – Đợi đã. Anh tìm là tìm việc trong ngành luật, chứ không phải thơ với thẩn.

– Em cứ tưởng anh từng viết lách hồi còn đi học cơ mà.

– Ừ thì viết cho báo tường: thi đấu bóng đá đội nào thắng, hay thầy dạy lý ngã cầu thang nằm viện – đại loại thế. Nhưng thơ thì không. Anh không biết làm thơ.

– Hẳn rồi, nhưng em không nói chuyện thơ thứ thiệt, mà chỉ là ba thứ nhăng nhít cho mấy cô nữ sinh thôi. Có ai bắt thơ của anh phải đi vào văn học sử đâu. Nhắm mắt anh cũng làm được. Anh không hiểu à?

– Nghe đây: anh không biết làm thơ, nhắm hay mở mắt cũng vậy thôi. Anh chưa bao giờ làm thơ và sẽ không làm đâu.

– Thì thôi, – Kumiko nói, giọng buồn buồn. – Nhưng tìm việc làm trong ngành luật khó lắm.

– Anh biết. Chính vì vậy anh mới phải đi gõ đến ngần ấy cửa. Tuần này chắc sẽ có thư trả lời. Nếu không được, anh sẽ tính cách khác.

– Thôi được, cứ cho là vậy. À, hôm nay thứ mấy?

Tôi nghĩ một chút rồi đáp:

– Thứ Ba.

– Vậy anh chạy ra ngân hàng trả tiền gas và điện thoại nhé?

– Ừ, đằng nào anh cũng phải ra ngoài mua đồ ăn tối.

– Anh định làm món gì?

– Anh chưa biết. Đến cửa hàng rồi sẽ tính.

Nàng ngừng một chút.

– Anh nghĩ kĩ đi, – nàng nói, giọng trở nên nghiêm trang.- Anh chẳng việc gì phải hối hả tìm việc làm như vậy đâu.

Câu nói đó khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. “Tạo sao?”, tôi hỏi. Phải chăng toàn thể phụ nữ trên thế giới đã chọn chính ngày hôm nay để làm tôi ngạc nhiên qua điện thoại?

– Sớm muộn gì trợ cấp thất nghiệp của anh cũng sẽ cạn. Anh không thể ngồi không mãi được.

– Đúng thế, nhưng em vừa được tăng lương, thi thoảng có việc làm thêm, lại còn tiền tiết kiệm của chúng mình nữa, nếu biết dè xẻn thì vẫn sống được. thật ra có gì là nước sôi lửa bỏng đâu. Hay anh không thích ở nhà làm nội trợ như thế này? Sống như vậy anh bứt rứt khó chịu lắm à?

– Anh không biết, – tôi đáp rất chân thành. Quả thực là tôi không biết.

– Thôi, anh cứ từ từ suy nghĩ, – nàng nói. – À, thế con mèo đã về chưa?

Con mèo. cả buổi sáng nay tôi không hề nghĩ tới con mèo.

– Không, – tôi nói. – Chưa về.

– Anh thử tìm quanh khu hàng xóm xem. Nó đi cả tuần nay rồi.

Tôi ừ hử, chẳng ra đồng ý cũng chẳng ra không rồi chuyển ống nghe sang tay trái. Nàng nói tiếp:

– Em tin chắc là nó lảng vãng chỗ căn nhà không người ở đằng cuối ngõ ấy. Căn nhà mà trước sân có cái tượng chim ấy. Em vẫn hay thấy nó ở đó mà.

– Cái ngõ? Em tới cái ngõ ấy từ hồi nào vậy? Em chưa hề nói gì về…

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

10 quyển sách hay về bản ngã giúp bạn thấu hiểu tâm hồn mình - 10 quyển sách hay về bản ngã giúp bạn vun bồi sự vững chải, khả năng trầm lắng ở tâm hồn, giúp bạn vượt qua những tình huống thử thách trong đời sống cá nhân và tiếp xúc được với một chiều không gian yên tĩnh và an bình ở bên trong. Lời Bộc Bạch… Đọc thêm
17 tựa sách hay ở Nhật Bản làm say lòng bạn đọc - Haruki Murakami, Kazuo Ishiguro, Fukuzawa Yukichi hay Higashino Keigo là những cái tên nổi bật trong làng văn học Nhật Bản. Những tác phẩm của các tác giả này luôn có số lượng bán ra khổng lồ và được nhiều bạn đọc yêu mến. Hãy cùng điểm qua 17 tựa sách hay ở Nhật Bản nói riêng và… Đọc thêm
7 cuốn sách được yêu thích nhất của nhà văn Haruki Murakami - Nếu là một người yêu sách hoặc đơn giản là thích những yếu tố huyền ảo, kỳ bí hòa quyện giữa thực và mơ nhưng vẫn là những góc nhìn rất thực tế thì bạn không nên bỏ qua những cuốn sách của một tiểu thuyết gia Nhật Bản, người có tầm ảnh hưởng lớn… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

6 đánh giá cho Biên niên ký chim vặn dây cót

  1. Lê Đức Minh

    Đọc đến trang cuối truyện mà tôi cũng không biết là nó đã kết thúc. Tôi kô hiểu cái kết tác giả muốn nói gì. Cả câu chuyện vẫn là những thế giới quái đản với những con người kỳ lạ, giống như trong Rừng Na uy và Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời. Những con người cô đơn, với những hoàn cảnh đặc biệt, sống rất nhiều trong thế giới nội tâm của chính họ, với những suy nghĩ kỳ lạ về mình và về thế giới xung quanh. Về hồn, xác, cái chết, tình dục.

    Đọc xong câu chuyện này điều làm tôi cảm thấy thú vị có lẽ chỉ là cách nhìn về hồn và xác một số nhân vật. Khi họ cảm thấy xác của họ chỉ còn là vỏ rỗng, còn hồn của họ thì đã biến mất hay chết ở đâu đó. Và cũng vì như thế mà họ có thể điều khiển được nỗi đau, để nó không chạm được vào họ. Ông trung úy không thể chết dù có muốn chết, và thế là cũng chẳng biết sợ, cô gái không biết đau coi chuyện đi làm điếm là chuyện bình thường vì cơ thể cô lúc đó không còn thuộc về cô. Cô vợ Kumiko ngủ với rất nhiều người nhưng không có ý nghĩ là phản bội chộng, etc. Trong suy nghĩ của họ hồn và xác là hai phần tách biệt như hai thực thể hoàn toàn riêng biệt. Tình dục vì thế mà được diễn tả tự nhiên chỉ như một hành động bản năng, không hơn. Và có thể chẳng là gì cả, chẳng là cảm xúc, sung sướng hay đau đớn, nếu như ta chỉ là một cái vỏ rỗng.

    Ngoại trừ chi tiết đó và câu chuyện lột da, những chi tiết còn lại tôi cảm thấy đã nhìn thấy trong Rừng Na Uy và Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời. Luôn là thế giới nội tâm của những con người ít nhiều cô lập với thế giới còn lại, họ đi tìm chính mình trong nội tâm của họ họ hành động mà chính họ cũng chẳng biết tại sao, một chàng trai được bao quanh bời nhiều cô gái, rồi những cô gái đó biến mất, thường là đột ngột. Hình như Murakami bị ám ảnh bởi chi tiết này

    Những thế giới riêng biệt đó có thể khiến ta tò mò, những suy nghĩ kỳ lạ có thể khiến ta thích thú, vì nó cho ta những cái nhìn mới. Nhưng sau khi đọc ba truyện này tôi thấy bắt đầu nhàm vì những điều lặp lại, cộng thêm cách viết, chính xác hơn là cách dịch vì không đọc được bản gốc, có những từ ngữ tối nghĩa.
    Đọng lại là cảm giác mệt mỏi khó hiểu nhiều hơn là thích thú. Có thể, vì đó là cách viết của người Nhật. Với tôi, người Nhật luôn là những người có cách nghĩ kỳ lạ

  2. Tran Vy

    Một xã hội phức tạp, rối ren đến ngạt thở. Một xã hội với những con người khủng hoảng với chính mình, bất hạnh đổ ập lên họ từ khi còn bé tí. Ban đầu, Okada không hề bất hạnh, nhưng một chuỗi những biến cố đen tối, kì lạ, dị thường bỗng xoáy sâu vào cuộc sống vốn êm đềm của anh. Haruki rất tài tình trong việc đào đúng vào điểm yếu của tâm lí con người, những con người bất hạnh, khủng hoảng. Ông còn tái hiện lại quá khứ Nhật Bản trong chiến tranh một cách ghê rợn : lột da sống, tra tấn bằng những trò man dại, giết những con thú vô tội một cách dã man không thương xót… Một tác phẩm hiện thực đầy xuất sắc, xứng đáng cho những ai yêu văn học, lịch sử, tâm lí học nghiên cứu!

  3. Truong Quang Nhat

    Đây là cuốn đầu tiên mình đọc của Haruki Murakami, thú thực là nó khá nặng nề, u uất bởi tính kì ảo, hư hư thực thực của nó. Nhưng phải công nhận là nó khá hay, cũng bởi tính siêu thực của nó.
    Cuốn sách miêu tả cuộc sống của nước Nhật hiện đại, đồng thời nó cũng gắn liền với cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, với cái nhìn của tác giả về cuộc chiến.
    Trong truyện này mình đặc biệt thích tính cách của nhân vật Kasahara May, mình thích cách cảm nhận cuộc sống của cô, thích những quan điểm của cô trong những lá thư viết cho Okada Toru. Có thể nói cô giống như một lăng kính trong suốt, một cái nhìn rất mới cho độc giả.
    Nói về nhân vật chính Okada Toru, mình rất khâm phục niềm tin của anh về người vợ, về cách anh cố cứu vợ ra khỏi vũng bùn do chính người anh rể tạo nên.
    Đây là một cuốn chuyện hay và lôi cuốn nhưng có lẽ nó không phù hợp với những ai thích sự đơn giản, nhẹ nhàng trong văn chương.Thân ^^

  4. Đào Diễm Quỳnh

    Có đôi lúc cảm thấy đây là một cuốn tiểu thuyết dài bất tận của Haruki. Thực sự thì trong lúc đọc, tớ đã nghĩ cuốn sách này chắc có thể sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời mình mất ! Đối với tớ, đây là tác phẩm kì lạ nhất của ông, vì không giống như những bí ẩn mọi khi, gần như mọi thắc mắc (mà tớ đã sẵn sàng tâm lý rằng chúng sẽ k được giải quyết), thì đều được lý giải một cách tỉ mẩn và rõ ràng !
    Nhân tiện, từ lúc đọc cuốn 2 sang cuốn 3, thực sự tớ đã có cảm giác bị tách làm đôi @.@. Bởi vì có một thế lực vô hình mách bảo tớ là hết cuốn 2 câu chuyện đã kết thúc. Nên tớ đã đọc cả cuốn 3 như một cái xác vô hồn. Nếu các bạn đã đọc truyện thì có thể hình dung là linh hồn tớ đã bị chết ở tít dưới cái giếng sâu hoắm trên sa mạc ngay từ khi kết thúc cuốn 2 rồi !

  5. Itaky Shiro

    Nếu so với Rừng Nauy, có lẽ tôi sẽ chọn cuốn sách này. Hơn tất cả những tác phẩm trước đây của Murakami, đây có lẽ là cuốn sách tiêu biểu nhất cho sự nghiệp văn học vốn đã đồ sộ của ông. Một xã hội Nhật Bản phức tạp và gai góc, những câu chuyện của nhiều cuộc đời đan xen vào nhau, những nỗi đau, những bí mật được chôn giấu dưới tầng lớp bóng tối đen đúa được đưa lên, những giấc mơ về quả tim đang đập từng hồi trên đôi tay đứa trẻ, chiến tranh tàn khốc, tâm lý con người, những tâm hồn đáng thương, tất cả đều hòa trộn vào nhau rất nhiều, rất nhiều, khiến người ta phải ngộp thở trong những dòng chữ được viết dưới bàn tay tài hoa, của một nhà văn của thế kỉ
    Đây là một cuốn sách mà bạn không thể đọc nhanh, dù có muốn, và là cuốn sách khiến bạn đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn còn nguyên vẹn vẻ lôi cuốn, vẻ bí ẩn và những tầng nghĩa để tìm kiếm. Bản thân tôi cũng đang tìm kiếm nó, và để tìm kiếm những giấc mơ xa xưa từng có trong cuộc đời mình.

  6. Haruki

    Bạn có thể sẽ dễ dàng bị lạc vào mê cung mà Haruki Murakami đã giăng sẵn ra trong “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Câu chuyện lan man giữa mơ và thực trong cuộc hành trình đi tìm lại bản thân và đấu tranh cho hạnh phúc của riêng mình.
    Tôi thực sự thích Toru và Kasahara May. Hai mẫu nhân vật này cũng rất giống những mẫu nhân vật trong các tác phẩm khác của ông như Naoko, Midori, Wantanabe trong “Rừng Nauy”, Tazaki trong “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”, Hajime trong “Phía nam biên giới phía tây mặt trời”, Miu và Sumire trong”người tình Sputnik”, tất cả họ đều rất cô đơn. Và chính cái chất cô đơn đó là thứ khiến tôi mê mệt

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button