Bột Mì Vĩnh Cửu

(6 đánh giá của khách hàng)

Một câu chuyện ngắn- một ý nghĩa lớn. Một nhà khoa học lỗi lạc lúc tuổi về già, người đã dành ra gần cả đời mình để chế tạo ra thứ “bột mình vĩnh cửu” với mục đích cải thiện cuộc sống của người nghèo. Nhưng, lòng tham của con người là vô đáy, sự đói nghèo, lười biếng, thiếu hiểu biết và tham lam của những người dân ở hòn đảo đã “giết chết” họ. Một câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng nhìn rộng ra, ta có thể thấy được chính bản chất con người từ trong quá khứ đến hiện tại đã vì tham lam mà phí phạm, hủy hoại chính những thứ tài sản đã giúp nuôi sống họ như thế nào. Cuốn sách ngắn nhưng ý nghĩa.

Danh mục:

A.Beljaev được đánh giá là “một trong những người đặt nền móng cho loại truyện khoa học viễn tưởng Xô-viết”, với những tác phẩm như: Người bay Ariel, Người cá, Bột mì vĩnh cửu, Đầu giáo sư Dowel… Các tác phẩm đặc sắc của ông đều mang một nội dung xã hội sâu sắc, trong đó có cả tính khoa học, tính hấp dẫn và tính hài hước. Tác giả đã đề cập đến những vấn đề khoa học và kỹ thuật trong tương lai, chinh phục vũ trụ, sinh vật học, sinh lý học, y học ..v..v và có những dự kiến hết sức táo bạo.

Bột mì vĩnh cửu là sản phẩm “tự nở” bước ra từ phòng nghiên cứu của một nhà bác học đầy tâm huyết với quê hương. Để thử nghiệm, ông đưa cho một người đánh cá nghèo sử dụng với những lời căn dặn cẩn mật. Tuy nhiên, sáng chế chưa hoàn chỉnh của ông đã bị những người đánh cá nghèo sử dụng vô tội vạ, bị bọn đầu cơ trục lợi… và cuối cùng trở thành một thảm họa đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại. Nhà bác học phải đau đầu tìm cách hủy đi phát minh của mình, trong sự sục sôi căm hận của những người từng tung hô mình lên mây xanh…

6 đánh giá cho Bột Mì Vĩnh Cửu

  1. Lương Thanh Tùng

    Chắc chắn ai cũng biết, việc khoa học kĩ thuật phát triển sẽ dẫn theo nhiều biến đổi trong xã hội, cả tiêu cực lẫn tích cực. Trong “Bột mì vĩnh cửu” cũng vậy. “Bột mì vĩnh cửu” vốn được tạo ra với tấm lòng nhân đạo, thương người đáng quý của giáo sư Broie, có thể coi là một phát minh cực kì vĩ đại nếu hoàn chỉnh. Bản thân nó và giáo sư Broie không hề xấu. Tuy nhiên, cách con người sử dụng nó đã biến nó thành thảm họa toàn cầu, từ lão Hans hèn mọn, đến những người dân làng chài vốn yêu lao động nhưng kém hiểu biết, đến những tên tư sản giàu có tham lam, đến những kẻ tham quan vô trách nhiệm… Xoay quanh câu chuyện về một thứ bột mì huyền ảo là sự trần trụi của cuộc sống, là cái nhìn của tác giả về xã hội, con người. Chỉ trong 124 trang truyện ngắn ngủi, người đọc có thể học được bao bài học về bao dung, về chăm chỉ, về trung thực, … Tuy nhiên, chính vì số lượng câu chữ không nhiều nên người đọc sẽ có cảm giác diễn biến truyện trôi đi quá nhanh, quá nhiều sự kiện xảy ra trong một chương, làm mất đi sự hứng thú nơi bạn đọc. Dù sao đây cũng là một cuốn sách đáng mua.

  2. Centaurs Vizi

    Cuốn sách tuy không dày, nhưng chứa đựng bài học đắt giá. Về lòng tham của con người, đầu tiên là lão Hans, rồi tới từng người dân trong làng. Nhưng ta cũng phải nghĩ đến bối cảnh của ngôi làng. Rõ ràng ai nghèo đói, khi đã no đủ, họ luôn muốn thêm và thêm và thêm. Không thể nào thỏa mãn được ham muốn của một con người. Thế nhưng đáng buồn cho nhà bác học lại bị chính những kẻ mình ban ơn quay lại xử tệ, thậm chí vì chính lỗi của họ. Truyện viết trên nền tảng các kiến thức hoàn toàn có thật, nhưng lồng khép sự giả tưởng. Cái kết quá nhanh nên không gây được hứng thú cho người đọc. Đặc biệt chương cuối có vẻ hơi khó hiểu. Mình đọc mãi vẫn chưa kết luận được.

  3. Nguyen Tuan Minh

    Từ một giả thuyết rất đơn giản là thứ bột mì có thể “tự nở” từ nghiên cứu của một nhà bác học đầy tâm huyết với nhan loại, với mục đích giải quyết vấn đề thực phẩm cho thế giới. Và cũng không thể nói đây là thí nghiệm chưa hoàn thành của giáo sư Broie, mà bột mì vĩnh cửu thực sự là một phát minh đã hoàn thiện và vĩ đại vì có khả năng giải quyết được vấn đề thực phẩm như mong muốn của giáo sư Broie, cái chưa hoàn thiện ở đây chính là lòng người.
    Tác giả đã phản ánh lòng tham của con người rất hay và tinh tế. Bột mì Vĩnh cửu có thể nuôi sống con người cả đời mà không cần phải lao động gì cả, và mọi người tìm mọi cách để sở hữu thứ bột này, đến nỗi Fris đã giết chết người bạn thân chỉ vì anh này muốn trộm bột của Fris. Bột mì Vĩnh cửu cũng mang lại cuộc sống giàu có, xa hoa cho làng chài. Và tính chất của thứ bột này vẫn vậy, nhưng giá trị của nó lại đột nhiên thay đổi khi mọi người đều sở hữu thứ bột này, từ một món hàng có giá trị hàng ngàn Mac một cân đến một món hàng có giá trị âm. Và lại là Fris, lại là một án mạng, nhưng là do người này cố tình quăng bột qua nhà Fris, thật là một tình huống buồn cười!
    Cuối cùng, cuộc sống bình thường đã trở lại với làng chài, và sự giàu sang, trộm cướp, chém giết, rượu chè, bài bạc, đàng điếm….cũng trôi qua như một giấc mộng!
    Một câu truyện ngắn để lại nhiều suy nghĩ!

  4. Môi Cong

    Để có bột mì vĩnh cửu, người dân sẵn sàng ăn trộm, giết nhau; các nhà tư bản sẵn sàng ăn cắp phát minh, thay đổi ít thành phần, đưa vào sản xuất công nghiệp, bán với giá hời; chính quyền ra tay thao túng, giành quyền buôn bột độc quyền.
    Câu chuyện được tác giả dẫn dắt đến cao trào tột đỉnh khi người dân phải hứng chịu mọi hậu quả từ thứ bột vĩnh cữu đang giết dần họ, và họ đổ hết mọi tội lên ông giáo sư già, tập hợp để giết cho bằng được ông, các nhà tư bản đã kịp cao chạy xa bay ở các vùng núi an toàn, chính phủ thì ko chịu nhận trách nhiệm mà bỏ tù giáo sư.
    Lên án lòng tham con người, vì lợi ích cá nhân mà làm điều trái đạo, gây thiệt hại cho chính bản thân.

  5. lanlan meo

    tôi thì nhìn được một chân lý khá lạnh lùng nhưng luôn chính xác trong mọi thời đại kể từ khi con người phát minh ra tiền bạc, trong mọi hoàn cảnh của xã hội , tiên tiến văn minh hay lạc hậu, chiến tranh hay hòa bình, giới thương gia tầng lớp kinh doanh luôn có đất sống và luôn làm ra tiền. Vào lúc bột mì có giá trị thì tìm mọi quỷ kế chiếm đoạt, lúc bột mỳ trở thành tai họa gây chiến tranh cho các quốc gia thì sản xuất vũ khí để kiếm tiền, xin lỗi chúng tôi chẳng có gì ngoài mục đích kiếm tiền .

  6. sonclassic

    Quyển sách này mở đầu với viễn cảnh quá đỗi tuyệt vời : Một nhà khoa học sáng chế ra được một loại bột có thể ăn mãi không hết nhưng vẫn đảm bảo được những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
    Ông mang tặng loại bột này cho một ngư dân nghèo khổ với lời hứa là phải giữ bí mật tuyệt đối. Nhưng bản chất con người vốn hay thất hứa nên cũng không lạ gì bác ngư dân giới thiệu loại bột này sơ sơ vài chục người trong thị trấn biết.
    Từ những con người ngày tắt mặt tối bên lò rèn, phơi mình giữa biển cả, sông hồ nay ai nấy cũng đều có cái ăn mà chả cần lao động. Và tất nhiên nhàn cư vi bất thiện, ai cũng muốn tranh đoạt cái loại bột vốn dĩ ra đời với ý tốt là làm no cái bụng con người chứ không làm no cái lòng tham không đáy !
    Cốt truyện không có gì mới lạ với mô-típ của nền văn học thời kỳ Xô Viết nhưng lối văn phong vừa hài hước vừa châm biếm sâu sắc của Alexander Romanovich Belyaev sẽ không khỏi khiến người đọc tự vấn lại bản thân :”Liệu mình đã từng/ có những “góc tối” như thế” .
    Tôi khuyên bạn đọc “Bột mì vĩnh cửu” khoan vội dấn sâu vào chi tiết loại bột ăn mãi không hết ấy mà nên theo dõi lối diễn biến tâm lý và hành động của những con người trong tác phẩm này để hiểu rõ, sâu và thấm hơn một chân lý to lớn là loài người chưa bao giờ hết “điên” trong hàng triệu năm qua !

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button