Buồn Làm Sao Buông

(5 đánh giá của khách hàng)

Đây là cuốn sách đầu tiên của Anh Khang mà mình đọc, và mình đã mê ngay giọng văn của tác giả. Ngay từ phần mở đầu của cuốn sách ta đã cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật, ôn lại những kỉ niệm với ” người lạ đã từng quen” và luôn dõi theo họ. Nhưng dần dần, càng đi về sau các nhân vật cũng dần nhận ra rằng “Ai rồi cũng sẽ đi” vì vậy nên buông tay để họ sống hạnh phúc hơn và trên hết là ” Tự thương lấy mình”.

Danh mục:

Cuộc đời vốn nhiều nỗi buồn, hẳn vậy. Có điều, tôi lại dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều – là Tình yêu. Nghe qua có vẻ vị kỷ, bởi ngoài kia còn biết bao điều đáng để chùng chân, nặng lòng và nghe nước mắt lưng tròng rơi, tại sao cứ phải cố chấp vì tình yêu đã cũ mà tự làm mòn xói đi cảm xúc của mình? Chắc bởi vì có những ký ức dù đã hao gầy cách mấy nhưng giống như không khí vậy, cứ phải nhắc đi nhắc lại, tựa hơi thở một phút phải đủ chừng ấy lần. Chỉ cần thiếu mất sẽ không thở được, thậm chí phải ngừng nhịp tim đi.

Thế nên, chừng nào còn thở là chừng ấy còn nhớ và buồn. Đều đặn. Bình lặng. Kiên tâm. Ký ức sở dĩ không thể mất mát là bởi chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm, những ngày đã qua xem ra ít ỏi lắm nếu so với con đường còn dài trước mắt. Vì lẽ đó mà những lần đầu tiên chạm ngõ ký ức luôn để lại trong lòng những xốn xang, bần thần và khắc sâu hơn cả.

Cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, người thương đầu tiên… nghiễm nhiên trở thành không khí tiếp thở cho ta mỗi ngày. Dẫu rằng chuyện hai đứa mình ngày xưa ấy, nhắc lại bây giờ chỉ thấy toàn những đổi thay. Có buồn đến thế, có thở dài nhiêu khê, thì chuyện cũ – người xưa của khoảng thanh xuân đầu tiên sẽ luôn được trí nhớ gọi về. Vậy thì liệu bạn có thể đọc những dòng viết dưới đây bằng tất cả sự vị tha của mình – như một người-chớm-già vị tha cho đôi sợi tóc bạc len lén mọc trên mái đầu xanh? Bởi trước khi kịp già, hẳn ai trong chúng ta cũng phải trải qua dăm ba ngày trẻ như thế, chỉ thấy bản thân một mình bầu bạn với nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi cự tuyệt…

Tất cả đều bắt nguồn từ lúc người ấy bỏ đi, để lại riêng ta cùng với miên trường niềm thương thân vị kỷ. Xin hãy hiểu cho đỉnh điểm cao nhất của cô đơn không phải là một mình, mà là trong tim đã có sẵn một người nhưng bên cạnh thì trăm ngàn người không ai giống vậy. Chúng ta đều biết ơn đời sống đã thi ân quá nhiều cho phần số của mỗi người. Được sống, đã là một ơn may, nhưng đôi khi trong bản vẽ phước phận cũng chệch tay khiến đọng lại những vết lem tựa nước mắt rơi phải làm nhòe. Bởi thế, cuộc đời – về cơ bản – không hề buồn, nhưng từ khi người xuất hiện, nó mới buồn miên mải. Có điều thiên hạ cứ suốt ngày bảo “chán đời” xong vẫn phải sống tiếp đó thôi. Vậy thì mạnh miệng nói “chán người” cũng có buông bỏ được người đâu?

Câu hỏi ấy tôi đã từng tự hỏi trong suốt những ngày mà lòng còn hướng về riêng-duy-nhất-một người. Rồi chợt nhận ra, có những kỷ niệm xứng đáng cho chúng ta phải tranh đấu không ngừng với thời gian, với lòng người, với sân si thương giận… để nắm giữ nó đến trời cùng đất tận. Nhưng, trời cùng đất tận, rốt cục cũng không đáng sợ bằng một chữ – Quên. Thế nên, cũng phải đến một lúc nào đó, lòng bỗng thấy nhẹ tênh như nắng chiều la đà sắp rớt và thấy từ xa có bóng người khuất dần vào hoàng hôn chuyển tối. Tắt ngóm. Tắt lòng. Thế là cũng xong. Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỷ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những con người ta đắm say cách mấy, cũng phải đến ngày học cách buông tay. Vì bạn biết đó, chúng ta chỉ có hai tay, nếu cứ dùng dằng níu kéo những điều đã mất thì còn sức lực nào nữa để nắm thật chặt thật chắc hạnh phúc?

Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới…

Bởi buồn hay vui, buông hay giữ, đều do ở lòng mình!

5 đánh giá cho Buồn Làm Sao Buông

  1. Ngoc Bích

    Cuốn sách với những tản văn sâu sắc của Anh Khang đã khiến tôi phải suy ngẫm. Dường như tác giả đang muốn nói với chúng ta rằng phải học cách buông bỏ nỗi buồn thì niềm vui mới đến và muốn buông bỏ nó hay tiếp tục đau khổ cùng với nó la do lòng minh thôi. Nếu phần đầu người đọc cùng trải nghiệm với tác giả chính là những kí ức buồn đau cùng với đó là chiều sâu cảm xúc của chính tác giả thì phần hai là phần khiến chúng ta phải học cách buông bỏ cái kí ức buồn đó để đón nhận những điều vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất dành cho bản thân bạn. Một cuốn sách đầy giá trị.

  2. Thoa Nguyễn Thị Kim

    Cuốn “Buồn làm sao buông” của Anh Khang là cuốn sách hay. Đây là cuốn tản văn với nỗi buồn man mác của tác giả, là dòng tâm sự tiếp nối của 2 cuốn sách đã ra mắt trước đó, là những trang viết dành cho những người sắp qua những ngày trẻ và dành cho một người bước hoài chẳng qua nổi nhau.
    “Vì bạn biết đó, chúng ta chỉ có hai tay, nếu cứ dùng dằng níu kéo những điều đã mất thì còn sức lực nào nữa để nắm thật chặt thật chắc hạnh phúc? Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới…”

  3. Hằng Nguyễn Nhật

    Lần đầu tiên đọc Văn của Anh Khang và bắt đầu hóng những tác phẩm tiếp theo của anh. Giọng văn của anh có một cái gì đó rất riêng: nhẹ nhàng, sâu lắng, không ào ạt như dòng thác mà chầm chậm len lỏi vào tim người đọc như một dòng suối nhỏ mát lành. Và đến khi khép sách lại, lòng ta vẫn cứ vương vấn một chút gì đó mãi không thôi.
    Đây đúng là cuốn sách dành cho những ai đã từng trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau của tình yêu. A.K như nói thay lời, rất đúng tâm trạng của tất cả những ai đã từng mơ mộng, chìm đắm trong vị ngọt si mê của tình yêu nhưng sau tất cả, không phải là một kết thúc viên mãn như trong truyện cổ tích mà chỉ còn lại những con tim tan vỡ, những mảnh vụn kí ức và mãi quẩn quanh trong hoài niệm.
    Kết ngôn từ của A.K, quá đắt, và cả mạch văn khiến ta phải dừng mắt lại ở một trang để ngẫm và ngấm hết cái ý nghĩa, ý tứ cô đọng trong từng câu chữ đó.

  4. Trang Anh

    Trong những cuốn tản văn của Anh Khang, tôi thích nhất là cuốn sách này. Thích từ tiêu đề đến bìa sách và nội dung.
    “Buồn làm sao buông” vừa là một câu nói, một câu hỏi. Với một mối quan hệ cứ kéo dài, cứ đầy những tổn thương…bản thân ta luôn buồn, nhưng lại không biết cách để buông tay…
    Anh Khang đã thông qua những câu chuyện nhỏ, và cả những dòng viết chẳng đầu chẳng cuối truyền tải cho chúng ta cách để buông một bàn tay không muốn nắm lấy tay mình, buông bỏ để có thể tránh đau thương.
    Lời văn nhẹ nhàng, da diết và cũng man mác buồn chính là một dư vị tuyệt vời cho cuốn sách này.

  5. Hoàng Huy

    “Buồn làm sao buông’’ của tác giả trẻ Anh Khang cuốn hút mình ngay từ cái tên của nó. Sách viết về tình yêu, Anh Khang đã bộc bạch ra những lời đi vào lòng người ta, thấm thía vào lòng những người “đồng cảnh ngộ’’. Bởi vì yêu, dẫu có mỏi gối muốn ngừng chân, nhưng năm tháng vội vã, nào chờ đợi bất cứ ai, ta lạc nhau giữa thành phố cả triệu người. Nặng lòng với những ngày cũ, đan xen muôn vàn cảm xúc có nồng nàn, có dịu dàng, có biết mấy thương yêu, và hanh hao dáng hình của những ngày đã cũ

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button