Cá Hồi

(5 đánh giá của khách hàng)

Được đánh giá là một truyện ngụ ngôn như tiểu-thuyết, đồng thời cũng là một tiểu thuyết như-ngụ-ngôn, Cá hồi viết về nỗi đau và ánh hào quang của sự trưởng thành, về tình yêu và ước mơ – những đích đến cao đẹp song đầy khó khăn cay đắng.

Danh mục:

Là cá hồi có nghĩa sẽ sinh ra từ sông, bơi ra biển, đến khi cứng cáp lại ngược về nguồn đẻ trứng, rồi tan biến vào dòng suối mẹ. Cá hồi Ánh Bạc biết điều đó, nhưng nó nghĩ hẳn phải còn lý do nào đó cho việc mình sống trên đời. Lý do đó có thể là nhìn ra thế giới trên mặt nước, đuổi theo cầu vồng hay một lẽ sống đặc biệt nào đó.

Trên đường trở về dòng sông Xanh cùng những người bạn đồng lứa, mỗi một trải nghiệm trong hành trình, mất đi cá hồi chị, thoát hiểm trong gang tấc, kết đôi với cá hồi Mắt Trong, hay trò chuyện cùng sông Xanh… đều giúp cá hồi Ánh Bạc tới gần hơn với đáp án cho lẽ sống mà nó tìm kiếm.

Được đánh giá là một truyện ngụ ngôn như tiểu-thuyết, đồng thời cũng là một tiểu thuyết như-ngụ-ngôn, Cá hồi viết về nỗi đau và ánh hào quang của sự trưởng thành, về tình yêu và ước mơ – những đích đến cao đẹp song đầy khó khăn cay đắng.

5 đánh giá cho Cá Hồi

  1. Nguyễn Ngọc Bảo Châu

    Khi bước vào hành trình của Cá Hồi tôi như được sống trong lòng đại dương, tự tưởng tượng bản thân là một chú cá hồi. Với dòng nước, tôi hòa mình và ngắm nhìn mặt trời, vị mặn của biển như trên đầu lưỡi.
    Đây là một hành trình không quá dài, sẽ không tốn nhiều thời gian để bạn hoàn thành. Nhưng tôi dám chắc dư vị mà nó để lại sẽ khiến bạn khó quên. Chú cá trung tâm trong tác phẩm là Ánh Bạc, một chú cá khác mọi chú cá khác bởi màu vẩy bạc toàn thân. Ánh Bạc bị xa lánh, chú như một cô đảo giữa biển, dù cố gắng làm bạn với những chú cá khác nhưng tất cả những gì chú nhận được là sự khinh miệt. Không ai tôn trọng chú, người duy nhất lắng nghe Ánh Bạc là cá chị, đáng buồn thay vì bảo vệ Ánh Bạc mà chị gái của chú đã bị ưng biển ăn thịt. Ánh Bạc trở nên hoang mang cùng cực, trong chính đồng loại chú không tìm ra nơi cho riêng mình. Ánh Bạc khao khát tự do, khao khát tìm hiểu mục tiêu đời mình. Nhưng ai cũng chửi chú điên rồ, không ai lắng nghe chú.
    Đọc Cá Hồi khiến tôi liên tưởng đến Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha) hay Nhà Giả Kim. Hay thậm chí là một chút Con Mèo Dạy Hải Âu Bay. Tất cả đều là hành trình tìm kiếm bản thân, tìm kiếm mục đích của cuộc đời. Cá Hồi là phiên bản ngụ ngôn, và ta dễ dàng bắt gặp bản thân trong trang sách. Chúng ta có phải là những kẻ lỗi thời trong chính thời đại này, chúng ta bày xích sự khác biệt. Và chấp nhận quỹ đạo chán òm của cuộc sống chỉ để thấy bình yên.
    Ánh Bạc chính là sự khác biệt ấy và liệu mấy ai có thể yêu thương kẻ khác mình? Chú không cam lòng khi được dạy rằng cuộc sống của một con cá hồi chỉ có đẻ trứng là quan trọng. Chú cảm thấy cuộc đời cần hơn thế, mục đích gì đó vĩ đại hơn. Chú trò chuyện với dòng sông, với cây lá đỏ, có rất nhiều câu hỏi không có câu trả lời.
    Ngày kia, chú gặp Mắt Trong, một cô cá kỳ lạ luôn quan tâm đến chú. Mắt Trong chẳng khác nào một tấm gương phản chiếu, nói hộ những gì chú nghĩ. Chính điều đó khiến tâm hồn Ánh Bạc rung động. Cả hai yêu nhau, một thời gian sau Mắt Trong có thai. Như mọi chú cá hồi khác, họ phải vượt thác để đẻ trứng và rồi chết bên nhau. Khung cảnh cả hai quyện vào nhau lúc sắp chết để cho ra những sinh linh mới đẹp đến mức rung động. Chính cái chết tạo ra sự sống, những con cá hồi hiểu như thế và chúng không hề sợ hãi.
    Ngoài Ánh Bạc và Mắt Trong tôi vô cùng ấn tượng với Lưng Cong, dù chỉ xuất hiện vài trang giấy nhưng Lưng Cong chẳng khác nào sự cảnh tỉnh cho loài người. Lưng Cong sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng vì chất thải của loài người khiến chú bị dị dạng cơ thể, thậm chí không thể nói chuyện. Một con cá hoàn toàn khỏe mạnh đã bị chính chúng ta làm cho tàn tật. Gần cuối truyện, khi Ánh Bạc vượt thác và gặp một bậc đá luôn bị con người dẫm để bước qua. Chú đã hỏi bậc đá có mệt mỏi không, bậc đá chỉ nhẹ nhàng bảo đó là lẽ sống của nó thì có gì để mệt. Ánh Bạc như sực tỉnh, sự tồn tại của nó nhẹ nhàng hơn bậc đá kia nhiều thì tại sao nó còn muộn phiền? Chính vì quá muộn phiền mà Ánh Bạc không nhìn ra được hạnh phúc ngay bên mình.
    Cá Hồi – sinh ra ở sông, sống ở biển rồi lại về sông để để trứng. Sau cùng chết để hòa mình cùng dòng nước mẹ.
    Tôi và nhà văn Shin Kyung Sook đều thấy lấp ló đâu đó trong Cá Hồi là chính câu truyện về chính con người. Cá hồi có con đường của cá hồi, con người cũng phải có đường của mình. Đường dễ đi không phải là đường, nó chỉ là sự yếu đuối và sợ hãi của ta. Vượt thác không chỉ là vượt thác, còn là hành trình vượt lên chính mình.

  2. Cát Tường

    Câu chuyện về cá hồi đó cũng đồng thời là câu chuyện của con người. Câu chuyện ngụ ngôn mượn loài cá hồi làm điểm cất cánh cho trí tưởng tượng và cả chất thơ được kể một cách giản dị bằng lời văn súc tích, cô đọng và giàu biểu tượng. Cá hồi là một câu truyện thiết nhi nhưng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nó cho ta thấy được tình yêu và sự hy vọng tiềm tàng trong chú cá hồi, cũng như những bài học về cuộc sống

  3. Phan Thanh Toàn

    Cá Hồi là một câu chuyện thiếu nhi dễ thương, kể về hai cô cậu cá hồi Ánh Bạc và Mắt Trong trên hành trình lội ngược dòng về nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Câu chuyện vô cùng giản dị, với những khó khăn mà đàn cá hồi phải vượt qua, những vướng mắc về thế giới quan xung quanh, tình cảm thuần khiết nảy nở giữa Ánh Bạc và Mắt Trong làm bật lên nhiều bài học và giá trị sống thấm đẫm. Các bậc người lớn có thể để cho trẻ tự đọc và khám phá cuốn sách này, như một cách định hình thái độ và tình cảm đúng đắn với cuộc sống muôn màu, hoặc cũng có thể tự mình đọc lấy để thêm một lần nữa chiêm nghiệm lại những bài học mà chúng ta đã được ông bà cha mẹ dạy từ thuở còn thơ.

  4. Nguyen Phuong

    Đọc cuốn sách này dường như tôi thấy bản thân cũng đang đắm chìm vào thế giới ẩn chứa những dòng ánh sáng. “Cá Hồi” thể hiện một cuộc phiêu lưu vượt qua số phận, một cuộc hành trình vốn dĩ của cá hồi khi đến tuổi trưởng thành mang sức nóng thiêu đốt của tình yêu. Ngày đêm bơi lên bề mặt của nước, nhìn các ngôi sao và cầu vồng – tự hỏi về thế giới rộng lớn, vì nó – chính nó là một phần nhỏ của thế giới này. Đó là cuộc hành trình của Ánh Bạc tung hoành nơi biển khơi,cố gắng để hiểu được vị trí của mình ở đâu trên thế giới. Đó là một câu chuyện về sự lớn lên, về nỗi đau và sự nhiệt huyết trong tình yêu. Chú Cá hồi Ánh Bạc ấy có vẻ như được khoác tấm áo danh dự để trở thành người, suy nghĩ về cuộc sống, tình yêu, môi trường và các vấn đề “con người” khác.Tuy nhiên, đây là chuyến phiêu lưu của một cá nhân, con Cá hồi vảy bạc – điều đó khác biệt với những cá thể khác, nó hiện thân cho những ai dám nhảy vượt ra ngoài số phận định sẵn của mình. Ánh Bạc bơi ngược dòng có nghĩa là theo đuổi một cái gì đó nó không thể nhìn thấy: như giấc mơ vô định. Cá hồi ấy có nhiều ước mơ, nhưng tuyệt vời nhất là điều nó muốn sống một cuộc sống cho riêng mình, sống là để vượt qua, và nó sống cho tình yêu, thế là đủ.

  5. Nguyễn Trọng Lâm

    “Biết nguyên lý và vẻ đẹp của tự nhiên cũng tức là biết bản thân là một phần của tự nhiên. Duy có loài người trên mặt đất cho dù là một phần của tự nhiên song lại xem thường tự nhiên, là vẫn đang mù mơ không biết đến sự thật quan trọng này. Dòng sông từ bao lâu đến giờ vẫn tội nghiệp cho loài người về chuyện ấy.”
    Biết được nguyên lí của cuộc sống có thể cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng hẳn là bạn sẽ không có được những trải nghiệm thú vị khi đứng lên từ thất bại, từ đau thương mất mát. Nó cũng giống như những dấu son trong cuộc đời mỗi người. Thứ mà ta không thể nào quên bởi nó luôn sống mãi cùng với sức trẻ của tuổi thanh xuân 🙂

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button