Căn Phòng Khóa

(1 đánh giá của khách hàng)

Cuốn tiểu thuyết Căn phòng khóa của nữ tác giả Emma Donoghue được lấy cảm hứng từ câu chuyện từng gây rúng động trên thế giới bởi nạn nhân và thủ phạm lại chính là cha con ruột. Người cha đã bắt cóc, giam cầm và hãm hiếp chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm, khiến cô sinh 7 đứa con.

Danh mục:

“Căn Phòng Khóa” là một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật từng gây rúng động thế giới về một người đàn ông ở Áo đã từng bắt cóc, giam cầm và hãm hiếp chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm, khiến cô sinh 7 đứa con.

Jack, cậu bé 5 tuổi được sinh ra và lớn lên trong một căn phòng bị khóa kín cùng với mẹ. Jack tuy nhỏ bé, tinh nghịch nhưng rất thông minh và mạnh mẽ. Ở trong căn phòng không lối thoát, nạn nhân của cuộc bắt cóc – mẹ Jack, dù phải đối mặt với bạo hành, cưỡng hiếp… từng ngày, vẫn luôn đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng cho con. Và, để đeo đuổi giấc mơ đào thoát.

Chìa khóa của giấc mơ ấy, là một kế hoạch liều lĩnh. Bằng lối kể chuyện thông qua lăng kính của một đứa trẻ khác thường, do chỉ được giáo dục trong môi trường đóng kín là căn phòng, tác giả Emma Donoghue đã đưa người đọc vào một hành trình hấp dẫn, li kì và hồi hộp đến nghẹt thở. Bạn đọc được đưa vào căn phòng của hai mẹ con để thấy thế giới trong đó không chỉ giới hạn trong những thông số mét vuông mà mở ra bất tận bằng ngôn từ của người mẹ, bằng khả năng tưởng tượng của người con.

Nếu hành trình trốn chạy để đưa mẹ ra khỏi địa ngục trần gian của Jack làm độc giả không thể dừng lại vì quá hồi hộp thì quá trình tái hòa nhập với cuộc sống thực tế của hai mẹ con cũng đầy khủng hoảng. Không gian quá rộng lớn bên ngoài so với cuộc sống trong căn phòng khóa khiến Jack nhiều phen hoảng loạn. Nỗi lo lắng của Jack được miêu tả tinh tế bằng ngôn ngữ của trẻ thơ. Người đọc vì thế mà hiểu hơn, cảm phục hơn những tố chất tốt đẹp của cậu bé này. Từ đó, càng thấy vai trò người mẹ to lớn thế nào với sự phát triển của con trẻ. Chỉ cần dành thời gian, chỉ cần kiên nhẫn, người mẹ có thể vượt mọi trở ngại về không gian, địa lý để mang đến cho con cả một bầu trời lẫn sức mạnh để làm nên những điều tưởng chừng bất khả.

Hiện thực đầy ám ảnh của một cô gái người Áo, dưới ngòi bút của Emma Donoghue không quá khốc liệt nhưng vẫn chạm đến trái tim người đọc. Trong cái cách nói về khái niệm thời gian cô gái ấy bị hại, có thể thấy được sự điềm tĩnh lạ lùng: “Đó là vào cuối tháng Giêng. Tôi vừa đi học lại được vài tuần…”. Sở thích bệnh hoạn đã khiến cô nữ sinh trong sáng bất ngờ thành một thứ đồ chơi, thành thú cưng cho một tên biến thái. Tưởng sẽ buông xuôi, tưởng chừng không gượng nổi…Vậy mà, cô gái ấy vẫn kiên trì, vẫn thúc giục bản thân phải nỗ lực hàng ngày. Thế mới biết, nghịch cảnh, có thể đổ ập xuống bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Vấn đề là làm thế nào để vượt qua được con sóng dữ ấy, tìm đến bến bờ bình yên.

Chạm đến xúc cảm người đọc, không khó hiểu khi cuốn sách đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ, được tạp chí The New York Times đánh giá là một trong 6 cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất trong năm 2010 và Washington Post đưa vào Top 10 tiểu thuyết đáng đọc nhất thế giới. 7 năm sau khi Căn Phòng Khóa càn quét các nhà sách quốc tế, tiểu thuyết này đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Thiết kế tinh tế, sách in trang trọng bằng giấy cao cấp, không làm mỏi tay người đọc dù dung lượng của nó tròm trèm 500 trang.

1 đánh giá cho Căn Phòng Khóa

  1. Gấu Bắc Cực

    Một câu chuyện về một cuộc giải cứu, và về tình mẹ con, dựa trên một câu chuyện có thật. Có lẽ do quá kì vọng với những lời giới thiệu nên tôi hơi thất vọng với nội dung quyển sách và thấy nó có phần hơi nhạt. Cậu bé năm tuổi sống cùng mẹ trong căn phòng khép kín, hay nói chính xác hơn là bị giam giữ, do mẹ cậu bị bắt cóc và hãm hiếp suốt nhiều năm trời. Có lẽ cuốn sách phần nhiều không phải kể về cuộc giải cứu như tôi đã tưởng, vì hai mẹ con đã thoát được ra bên ngoài khi mới hết 1/3 câu chuyện. Phần nhiều được đề cập ở đây là tình mẫu tử, tình mẹ con thiêng liêng đã giúp cho hai nhân vật được giải cứu khỏi sự giam cầm trong cả thể xác lẫn tâm hồn. Sự tái hòa nhập cuộc sống của cậu bé 5 tuổi hẳn sẽ không thể làm được nếu đi bàn tay của người mẹ ấy.
    Đoạn cuối quyển sách, theo tôi là ý nghĩa nhất. Hai mẹ con quay trở lại căn phòng, nơi đã giam cầm 9 năm tuổi thanh xuân đẹp đẽ của người mẹ trong tăm tối. Quay lại và không hề sợ hãi, quay lại để tạm biệt những gì đã qua. Ta không trốn chạy quá khứ, không hoảng sợ khi nghĩ về những kí ức tồi tệ. Ta dám nhìn vào, để bước qua, để coi đó là những bài học, để xây dựng cuộc sống tốt hơn. Đi qua là để nhìn lại, đau thương là để tạm biệt và vững tiếp. Đừng run sợ trước những điều mới mẻ và đừng bao bọc mình trong những cái an toàn cũ kĩ. Như cậu bé, những tưởng căn phòng là nơi thân thuộc và an toàn nhất. Nhưng càng an toàn, nó mới càng nguy hiểm như thế.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button