Cánh Cửa

(5 đánh giá của khách hàng)

Cánh cửa, tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất của Szabó Magda, đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng, cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc Hungary say mê, là niềm tự hào của văn học đương đại Hungary.

Danh mục:

Khép kín cực độ, hành vi dị thường, Szeredás Emerenc, người đàn bà kiếm sống nhờ quét dọn, nấu nướng, quản gia, bằng cách nào đó đã bước vào cuộc đời của nữ nhà văn Szabó Magda trong một vai kỳ lạ.

Tình bạn của hai tính cách khó tương đồng ấy cứ nghiêng ngả giữa đôi bờ thương yêu sùng kính, bực tức lồng lộn, đôi khi còn căm hận. Phải chăng là bởi Emerenc vẫn luôn đặt giữa họ, hoặc giữa bà với thế giới con người, một cánh cửa đóng chặt? Và khi cánh cửa đó hé lộ thoáng nhìn vào quá khứ thương tổn, soi thấu tâm hồn và số phận một con người giữa những trang sử bi thương của Hungary, nỗi day dứt lại càng trở nên ám ảnh.

Cánh cửa, tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất của Szabó Magda, đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng, cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc Hungary say mê, là niềm tự hào của văn học đương đại Hungary.

“Tài liệu quý giá về một mối quan hệ sống.”

(Guardian)

5 đánh giá cho Cánh Cửa

  1. Nguyễn Ngọc Bảo Châu

    Bạn có tin là có người khép kín đến độ dù bệnh săp lìa đời vẫn không mở cửa để bác sĩ vào chữa bệnh?
    Bạn có tin có một người dị thường đến độ dù tuyết rơi lạnh lẽo vẫn cầm chổi quét dọn ngoài sân?
    Đấy chính là Szeredas Emerenc, một người đàn bà luôn giấu kỹ tóc dưới khăn che đầu. Và là người giúp việc cho nữ nhà văn Szabo Magda, một người là nhà văn tính tình ôn hòa, sống tình cảm, trái với bà, Emerenc có phần lạnh lùng, quái đản, với sở thích sưu tầm các đồ vật hỏng. Quanh Emerenc luôn gợi cho người đọc một hình ảnh cánh cửa luôn đóng kín, và dẫu cho đến hết cuốn sách thì các mảnh rời rạc của bà giúp việc ấy có rõ ràng hơn thì đó vẫn là một bí ẩn. Nói tác phẩm là một bản khỏa cứu nhân sinh không sai, tuy nhân vật trong sách không nhiều, nhưng nó xoáy vào góc khuất mà mọi người luôn quan tâm nhất. Là cô đơn, thứ ai cũng sở hữu nhưng không ai muốn chia sẽ. Tôi nhớ mãi bà lão Dobri Polett khi tự sát đã để lại bức thư:

    “Tôi Dobri Polett, cô quả, tự ý tôi kết liễu cuộc đời, vì bệnh tật, vì tuổi già, cái chính là vì cô độc.”

    Tiếp đến là hình ảnh hai người lính chiến đấu cho hai chiến tuyến khác biệt, khi bị thương nặng họ nằm kề bên nhau, tận hưởng nỗi đau của chiến tranh. Thật sự xúc động với tôi. Cánh Cửa không chỉ nói về mối quan hệ giữa hai người đàn bà, mà từ đó tác giả Szabo Magda còn đưa vào vô số hình mẫu xã hội hiện đại. Các xung đột trong chính quốc gia Hungary của bà, với một nỗi đau con người tổn thương, nhưng một nỗi đau quá lớn sẽ thành ám ảnh. Nhân vật bà quản gia Emerenc với tôi là một người phụ nữ bị ám ảnh bởi nhiều thứ, trong tâm trí bà chỉ có hai dạng người, người quét rác và người không quét rác, đơn giản như thế nhưng không đơn giản chút nào. Bà yêu lao động, bà ghét những kẻ đưa ra ảo tưởng, bà thực tế đến trần trụi, vì đã trải qua quá nhiều nỗi đau. Cuộc đời bà dường như trải dài theo trang sử Hungary, ở đó bà chứng kiến cái chết, bất hạnh, đau khổ.
    Với tôi, cô đơn là một dạng hạnh phúc, mà khó ai tận hưởng được và hiểu được nó hạnh phúc ra sao. Emerenc hiểu được nó, bà tận hưởng cô đơn như cô đơn là một dạng hạnh phúc, bà chưa bao giờ than vãn về việc chỉ có một mình. Bà như luôn chấp nhận thứ gì đến sẽ đến, kể cả cái chết. Thứ duy nhất là không chấp nhận là mở cánh cửa của bản thân.

  2. Luong Le

    Cánh cửa là câu chuyện về tình bạn của hai người phụ nữ ở hai tầng lớp khác nhau: nữ nhà văn Szabo Magda và người phụ nữ quét rác Szeredas Emerenc. Emerenc có một cánh cửa không bao giờ mở ở ngôi nhà và cả trái tim mình. Bà sống lạnh lùng, cô độc, chăm chỉ làm tốt công việc của mình , kiêu hãnh và đầy lòng tự trọng. Cánh cửa là nơi che giấu cuộc sống thầm kín, cũng là nơi cất giữ sự cô đơn và nỗi đau quá khứ của Emerenc. Khi cánh cửa mở ra, khi những bí mật và nỗi niềm muốn che đậy đã bị người khác dòm ngó thì lòng tự trọng và danh dự của Emerenc cũng bị chôn vùi. Rất đáng đọc!

  3. Ngô Nhung

    Mình đã đọc nhiều câu chuyện về tình bạn, họ cùng nhau trải qua khó khăn, cùng nhau vượt qua gian nan thử thách, nhờ đó mà họ trở nên gắn bó, thân thiết với nhau, nhưng tình bạn trong cánh cửa thật lạ, lúc gần mà khi lại xa cách. Mình rất thích tên tác phẩm bởi nó thể hiện rất đúng nội dung của quyển sách, đồng thời đây còn là hình ảnh mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Cánh cửa giống như một thanh chắn giữa ta và mọi người, ta có thể khép kín nó cũng có thể mở nó ra. Ta có thể chọn cách sống khép kín, hoặc hòa đồng với mọi người. Mỗi cách sống đều có một lý do khiến người ta chọn nó, như bà Szeredás Emerenc, với lý do là chạm vào trang sử bi thương của Hungary. Một quyển sách hay, và kỳ lạ.

  4. Hoàng Thủy Tiên

    Cuốn sách chứa đựng đầy những bất ngờ. Phải nói là tôi bị ấn tượng mạnh bởi nhân vật Emerence, người đàn bà mà trìu mến là tình nguyện và một niềm đam mê đông đầy bởi hiểm nguy. Emerence vừa khó ưa và đáng phục, bà đã tặng cho chúng ta một bài học về lòng can đảm, tính liêm khiết và khiến ta ngẫm nghĩ hoài về câu nói của Malraux : Cho một người tự do, chính là đưa cho họ cái lý do để chống lại nỗi đau của riêng họ. Một câu chuyện đáng đọc.

  5. Nguyễn Phương Thảo

    Cánh cửa là câu truyện về tình bạn giữa hai người phụ nữ khác nhau trong thời hậu chiến Hungary. Nó đượm một bầu không khí ảm đạm và tuyệt vọng. Nó bi kịch, xuất sắc, và buồn. Một tác phẩm nắm bắt được bản chất của sự riêng tư và những quan niệm sai lầm của chúng ta về người khác. Và, để đọc cuốn sách, bạn sẽ cần nhấm nháp từ từ để thưởng thức những tầng phức tạp dần hé lộ, đầy chất suy tư…
    Đây quả là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của nền văn học đất nước nơi lòng Địa Trung Hải.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button