Carol

(3 đánh giá của khách hàng)

Đi ngược lại với những kết thúc buồn thảm trong các cuốn truyện cùng đề tài đương thời, Carol mang đến một cái kết hy vọng cho các cặp đôi đồng tính nữ. Xuất bản từ năm 1952, cho đến giờ, Carol vẫn được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển về đề tài này.

Danh mục:

Giới thiệu

Lần đầu tiên nhìn thấy Carol ở trung tâm mua sắm mà cô đang làm việc, Therese Belivet biết rằng mình đã yêu mặc dù lúc đó cô đang quen một anh chàng tên Richard. Đó là một tình yêu không cần cắt nghĩa, không cần lý giải, và cũng không cần trăn trở, nó đến với cô tự nhiên như nên thế.

Đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm 50, nơi bạn có thể nhận được tấm thiệp Giáng Sinh từ một người xa lạ, nơi bạn có thể mời một người mới quen đi uống cà phê, nơi mà tình yêu giữa hai con người cùng giới tính vẫn còn chịu nhiều điều tiếng, Carol là một câu chuyện tình vừa hiện thực lại vừa lãng mạn giữa Therese Belivet, một nhân viên thu ngân mơ làm nhà thiết kế sân khấu, và Carol, một người phụ nữ giàu có đang chuẩn bị ly dị chồng.

Đi ngược lại với những kết thúc buồn thảm trong các cuốn truyện cùng đề tài đương thời, Carol mang đến một cái kết hy vọng cho các cặp đôi đồng tính nữ. Xuất bản từ năm 1952, cho đến giờ, Carol vẫn được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển về đề tài này.

Đọc thử

Căng tin cho nhân viên ở trung tâm mua sắm Frankenberg vừa đến giờ cao điểm. Các bàn dài đều hết sạch chỗ và ngày một nhiều người đứng chờ ở sau bàn thu ngân bằng gỗ. Những người đã lấy được khay đồ ăn đi dọc giữa các bàn để tìm một chỗ có thể lách vào hoặc xem xem có người nào sắp ăn xong không, nhưng chẳng có chỗ trống nào hết. Tiếng bát đĩa, bàn ghế, nói chuyện, lê bước chân, và tiếng cửa sắt ken két vang vọng giữa những bức tường trống trơn như tiếng động cơ của một cỗ máy khổng lồ.

Therese bồn chồn ngồi ăn, dựa quyển hướng dẫn “Chào mừng tới Frankenberg” vào lọ đường trước mặt. Cô đã đọc xong quyển hướng dẫn dày cộp này từ ngày đầu tập huấn trong tuần trước, nhưng cô chẳng còn gì để đọc nữa, và trong nhà ăn của nhân viên, cô cảm thấy mình cần phải tập trung làm gì đó. Vì vậy, trong khi ăn món ăn nóng đặc biệt của ngày hôm đó – một miếng bò nướng xám xịt đi kèm với một chút khoai tây nghiền phủ nước sốt thịt màu nâu, một ít đỗ, và một cốc giấy nhỏ xíu đựng củ cải – cô ngồi đọc lại về chính sách nghỉ phép ở đây, những người đã làm việc mười lăm năm ở Frankenberg sẽ có ba tuần nghỉ dưỡng. Cô thử nghĩ xem cảm giác khi làm việc mười lăm năm ở Frankenberg là như thế nào, rồi nhận ra mình không thể tưởng tượng nổi. Quyển hướng dẫn nói “Những nhân viên làm việc hai mươi lăm năm” có bốn tuần nghỉ phép. Frankenberg cũng có chỗ cắm trại cho những người đi nghỉ mùa hè và mùa đông. Cô nghĩ họ còn cần có cả một nhà thờ và thêm cả bệnh viện cho phụ nữ sinh đẻ nữa. Trung tâm mua sắm này như một cái nhà tù vậy, thỉnh thoảng cô lại thấy hãi hùng khi nhận ra mình cũng là một phần của nó.

Cô lật trang thoăn thoắt, và nhìn thấy một dòng chữ lớn màu đen trải rộng hai trang giấy: “Bạn có thuộc về Frankenberg không?”

Cô liếc nhìn các ô cửa sổ ở bên kia phòng và cố nghĩ đến một chủ đề khác. Nhớ đến chiếc áo len Na-uy màu đỏ đen cô thấy ở Saks mà cô định mua cho Richard nhân dịp Giáng Sinh nếu không tìm được một cái ví nào đẹp hơn những cái có giá hai mươi đô mà cô đã ngắm. Rồi cô lại nghĩ xem Chủ nhật tới mình có nên lái xe cùng gia đình Kelly tới West Point để xem một trận đấu khúc côn cầu hay không. Ô cửa sổ vĩ đại ở bên kia phòng trông như một bức tranh được vẽ bởi… Ai nhỉ?

Mondrian. Một ô vuông nhỏ ở góc cửa sổ được mở, hướng ra bầu trời trắng xóa. Nhưng chẳng có chú chim nào bay qua. Chơi gì trong một trung tâm mua sắm cơ chứ? Rồi, cô lại quay về chủ đề này mất rồi.

Nhưng em thì khác, Terry, Richard đã nói với cô như vậy. Em tin chắc rằng mình sẽ bỏ đi sau vài tuần còn những người khác thì không. Richard nói mùa hè tới cô có thể đến Pháp. Chắc chắn là thế. Richard muốn cô đi cùng, mà cũng chẳng có gì ngăn cản cô đi theo anh hết. Và anh bạn Phil McElroy của Richard đã viết thư cho anh nói rằng trong tháng tới anh ta có thể giúp cô tìm việc với một nhóm diễn viên. Therese chưa gặp Phil, nhưng cô chẳng mấy tin rằng anh ta có thể giúp mình tìm việc. Từ tháng Chín, cô đã lùng sục khắp New York, quay đi quay lại và lùng sục thêm vài lần nữa mà chẳng tìm được việc gì hết. Giữa mùa đông thế này, ai lại giao việc cho một nhà thiết kế sân khấu tập sự vừa bắt đầu thực tập cơ chứ? Cô cũng chẳng tin rằng mùa hè tới mình sẽ ở châu Âu với Richard, ngồi cạnh anh trong những quán cà phê ngoài vỉa hè, đi bộ cùng anh ở Aries, tìm kiếm những nơi mà Van Gogh đã vẽ tranh, rồi tìm thị trấn nào đó để nghỉ chân một thời gian và vẽ tranh. Kể từ khi làm việc ở trung tâm mua sắm này, cô càng thấy điều đó quá mơ mộng.

Cô biết điều gì khiến mình khó chịu ở nơi này. Đó là những điều mà cô chẳng buồn kể cho Richard. Nơi này khiến cho nỗi phiền não của cô ngày một mãnh liệt hơn. Những hoạt động buồn tẻ, những công việc vô nghĩa ngăn cô làm những gì mình muốn làm hoặc đáng lẽ đã có thể làm – lại còn quy trình thanh toán phức tạp, nhận tiền, kiểm tra quần áo, tính toán thời gian, những thứ cản trở hiệu suất làm việc của nhân viên hết mức có thể – cảm giác mọi người không thể giao tiếp được với nhau và không sống cùng trên một mặt phẳng nên mọi ý nghĩa của cuộc sống, mọi thông điệp, tình yêu, hay bất kỳ điều gì có trong cuộc đời đều không bao giờ được bộc lộ ra. Nó khiến cô nhớ tới những cuộc trò chuyện ở bàn ăn, ghế sô pha, với những người mà câu chuyện của họ chỉ xoay quanh những thứ vô nghĩa, nhàm chán, họ là những con người chẳng bao giờ có cảm xúc mãnh liệt. Và khi một người nào đó cố gắng thay đổi thì họ lại phải đối diện với những khuôn mặt luôn mang mặt nạ, và phải nghe những lời nhận xét nhạt nhẽo đến mức người ta không thể tin nổi sao lại có cái thái độ lảng tránh ấy. Hơn cả thế là cảm giác cô đơn khi ngày qua ngày phải nhìn những khuôn mặt không thay đổi mà rất có thể mình đã từng nói chuyện cùng, mà cũng rất có thể là chưa, và cũng có thể là chẳng bao giờ. Không giống những khuôn mặt trên những chiếc xe bus đi ngang qua, những khuôn mặt đầy lời muốn nói nhưng lại chỉ nhìn thấy một lần rồi biến mất mãi mãi.

Khi đứng xếp hàng chờ chấm công trong tầng hầm mỗi sáng, với ánh mắt lơ đãng phân loại nhân viên lâu năm và nhân viên thời vụ, cô lại tự hỏi vì sao mình lại xuất hiện ở đây – tất nhiên là vì cô đã nộp đơn qua một quảng cáo tìm việc, nhưng đó không phải định mệnh – rồi cô lại tự hỏi điều gì sẽ đến thay cho công việc thiết kế sân khấu. Cuộc đời cô là một chuỗi những đường ngoằn ngoèo. Ở tuổi mười chín, cô thấy lo lắng.

“Em phải học cách tin người, Therese. Nhớ nhé,” sơ Alicia thường khuyên cô như thế. Và cô cũng thường xuyên cố gắng áp dụng điều đó.

“Sơ Alicia,” Therese trân trọng thầm nhủ, âm tiết nhẹ nhàng ấy làm cô thấy được an ủi.

Therese ngồi thẳng dậy và cầm dĩa lên vì cậu bé dọn dẹp đang đi về phía cô.

Cô có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của sơ Alicia, xương xương và đỏ rực như một phiến đá hồng khi ánh nắng chiếu lên, bộ ngực căng tròn trắng như sứ. Dáng người mảnh khảnh của sơ Alicia vừa rẽ qua góc nhà, đi tới giữa những chiếc bàn sứ trắng bóng trong nhà ăn, sơ Alicia có thể xuất hiện ở hàng nghìn chỗ, đôi mắt xanh dương nhỏ luôn tìm ra cô giữa vô vàn những cô gái khác, Therese biết sơ coi trọng cô nhất, vậy nhưng đôi môi hồng mỏng của sơ vẫn giữ vẻ nghiêm nghị. Cô mường tượng lại cảnh sơ Alicia đưa cho cô đôi găng tay len màu lục được gói bằng giấy ăn, không cười mà cũng chẳng thèm nói một lời, chỉ đưa trực tiếp cho cô trong ngày sinh nhật tám tuổi của cô. Vẫn cái miệng nghiêm nghị ấy, sơ khuyên cô phải thi qua môn số học. Có ai khác thèm để ý liệu cô có qua môn số học hay không chứ? Therese đã cất đôi găng tay ấy ở đáy ngăn tủ khóa của mình ở trường suốt những năm sơ Alicia đi California. Chiếc khăn trắng đã trở nên hư hỏng và khô cong như một miếng vải cổ mà cô vẫn chưa hề đeo đôi găng tay ấy. Cuối cùng thì chúng quá nhỏ để đeo.

Có người dịch lọ đường sang một bên và quyển hướng dẫn rơi bẹp xuống.

Therese nhìn đôi tay trước mặt mình, đôi bàn tay mập mạp, già nua của một người phụ nữ đang khuấy cốc cà phê, hăm hở xé nửa miếng bánh mì, tham lam chấm vào nước sốt nâu sền sệt giống hệt đĩa của Therese. Bàn tay nứt nẻ, đất bám song song với nếp gấp của các đốt ngón tay, nhưng bàn tay bên phải đeo một bộ nhẫn bạc nổi bật có mặt đá xanh trong suốt, tay trái đeo một chiếc nhẫn cưới vàng, và ở đầu móng tay vẫn còn vệt sơn đỏ. Therese quan sát đôi tay ấy múc lên một nhúm đậu và không cần nhìn cô cũng biết khuôn mặt ấy ra sao. Nó cũng sẽ như mọi khuôn mặt phụ nữ tuổi năm mươi khác làm việc ở Frankenberg, hằn sâu vẻ mệt mỏi và hãi hùng vô tận, đôi mắt biến dạng sau cặp kính có thể làm nó to lên hoặc cũng có thể làm nó nhỏ đi, đôi má lấm tấm đốm đỏ không hề tô điểm thêm cho màu sắc xám xịt bên dưới. Therese không dám nhìn nữa.

“Cô là nhân viên mới phải không?” Giọng nói nheo nhéo vang lên rõ ràng giữa những âm thanh hỗn loạn xung quanh, một giọng nói tương đối ngọt ngào.

“Phải,” Therese nói và ngẩng đầu lên. Cô nhận ra khuôn mặt này. Chính vẻ kiệt sức trên khuôn mặt ấy đã khiến cô phải nhìn kỹ mọi khuôn mặt khác. Một tối nọ, Therese đã bắt gặp bà lê bước từ chiếu nghỉ xuống cầu thang bằng đá cẩm thạch lúc sáu rưỡi tối khi trung tâm mua sắm đã trống trơn, bà trượt tay dọc lan can bằng đá cẩm thạch để đỡ bớt trọng lượng hộ đôi chân sưng phù. Therese đã nhủ thầm rằng bà không ốm, cũng chẳng phải là ăn xin, chỉ đơn giản là bà làm việc ở đây.

“Cháu quen rồi chứ?”

Và người phụ nữ này đang cười với cô, vẫn những nếp nhăn kinh khủng dưới mắt và quanh miệng. Thật ra thì giờ mắt bà đang sáng rực rỡ, khá là trìu mến.

“Cháu quen rồi chứ?” Người phụ nữ hỏi lại, vì tiếng bát đĩa và nói chuyện vang lên ầm ĩ hơn xung quanh họ.

Therese thấm ướt môi. “Rồi ạ, cảm ơn cô.” “Cháu có thích chỗ này không?”

Therese gật đầu.

“Xong rồi hả?” Một chàng trai trẻ đeo tạp dề trắng nắm lấy đĩa của bà ta với vẻ hối thúc.

Người phụ nữ run run ra hiệu đuổi anh ta đi. Bà kéo chiếc đĩa đựng vài miếng đào đóng hộp về phía mình. Những miếng đào trông như những múi cam nhỏ nhớt nhát, chúng trượt ra khỏi mép thìa mỗi lần cái thìa được đưa lên, chỉ còn sót lại miếng mà bà ăn.

“Tôi làm việc ở tầng ba trong khu đồ len. Nếu cháu muốn hỏi tôi bất kỳ điều gì” – bà nói với vẻ lo lắng, không chắc chắn, như thể đang cố truyền một thông điệp gì đó trước khi họ bị cắt lời hoặc tách ra – “thì thỉnh thoảng hãy lên nói chuyện với ta nhé. Tên ta là Robichek, Ruby Robichek, mã số năm bốn bốn.”

“Rất cảm ơn cô,” Therese nói. Và đột nhiên vẻ xấu xí của người phụ nữ biến mất, bởi vì đôi mắt màu nâu đỏ quạch sau cặp mắt kính của bà hết sức dịu dàng và yêu quý cô. Therese có thể cảm thấy tim mình đập thình thịch, như vừa sống dậy. Cô nhìn bà rời khỏi bàn, cơ thể thấp lùn đầy đặn di chuyển cho tới khi chìm trong đám đông chờ sau rào chắn.

Therese không đi gặp bà Robichek, nhưng cô tìm kiếm bà mỗi sáng khi các nhân viên đi vào trong tòa nhà lúc chín giờ kém, trong thang máy và trong nhà ăn. Cô không bao giờ nhìn thấy bà, nhưng cảm giác tìm kiếm một người thật là dễ chịu. Nó thay đổi cả thế giới.

Gần như sáng nào khi lên tầng bảy làm việc, Therese cũng sẽ dừng lại trong giây lát để ngắm một đoàn tàu đồ chơi. Đoàn tàu được đặt riêng trên một chiếc bàn gần thang máy. Nó không phải là một đoàn tàu đẹp đẽ, to vĩ đại như chiếc chạy trên sàn nhà ở khu đồ chơi, nhưng động cơ nhỏ xíu của nó ẩn chứa một sự điên cuồng mà những đoàn tàu lớn hơn không có. Sự hung hăng của nó trên đường ray vòng cung khép kín khiến Therese mê mẩn.

Gào! Nó gầm lên khi nhắm mắt lao vào đường hầm bằng giấy bồi. Và Gào! khi thoát ra.

Đoàn tàu nhỏ ấy luôn chạy xình xịch khi cô bước ra khỏi thang máy mỗi sáng và khi cô xong việc mỗi tối. Cô có cảm giác nó đang nguyền rủa bàn tay hằng ngày vẫn bật công tắc của nó lên. Điều đó thể hiện khi nó giật nảy đầu khi vòng qua khúc cua. Khi nó lao vun vút trên những đoạn đường thẳng. Ở đó, cô nhìn thấy sự theo đuổi hung dữ và phù phiếm của một bạo chúa. Nó kéo theo ba chiếc xe Pullman chứa những hình người nhỏ xíu ngồi nghiêng sau ô cửa sổ, sau đó là một toa chở gỗ thật nhỏ xíu, một toa chở than đá giả, và cuối cùng là một toa bếp dính chặt lấy đoàn tàu đang phóng xình xịch khi ngoặt qua khúc cua như đứa trẻ bám váy mẹ. Đoàn tàu ấy như một con thú đang phát điên vì bị giam giữ, một thứ đã chết và sẽ chẳng bao giờ kiệt sức, như những con cáo xinh xắn nhún nhảy trong vườn thú trung tâm, chúng lặp đi lặp lại những động tác đảo chân phức tạp khi đi vòng quanh chuồng.

Sáng nay, Therese vội vã rời xa đoàn tàu và đi về khu búp bê mà cô làm việc.

Chín giờ năm, cả khu đồ chơi khổng lồ như sống dậy. Những tấm vải phủ màu xanh được lật ra khỏi những chiếc bàn dài. Những món đồ chơi có động cơ tung hứng những trái bóng trên không, các khu bắn súng nổ ầm ầm và các tấm bia hoán đổi vị trí. Khu vườn gia súc trên bàn kêu quang quác, cục tác, và be be. Sau lưng Therese, tiếng gõ chân cộp cộp cộp mỏi mệt vang lên, đó là nhịp chân của chú lính thiếc khổng lồ đứng đối diện thang máy và giậm chân cả ngày. Bàn đồ thủ công mỹ nghệ tỏa mùi đất sét mới, gợi nhớ tới căn phòng mỹ thuật ở trường hồi cô còn bé xíu, nó cũng làm cô nhớ tới một cái cổng vòm ở sân trường, nghe đồn đó thực sự là một ngôi mộ của ai đó mà cô từng cố gắng tìm hiểu qua những song sắt.

Bà Hendrickson, trưởng bộ phận búp bê, đang kéo lê búp bê từ trên giá xuống và cho chúng ngồi dạng chân trên mặt kính.

Therese chào Martucci, người đứng ở quầy, đang đếm tiền trong bao đựng tiền, chị tập trung đến nỗi chỉ gật đầu chào Therese nhiệt tình hơn chút xíu so với nhịp điệu gật đầu quen thuộc thường thấy. Therese đếm được hai mươi tám đồng năm mươi xu trong túi mình, cô ghi lại vào một mảnh giấy nhỏ màu trắng trong phong bì bán hàng và phân loại tiền vào từng khay trong máy tính tiền.

Đến giờ, các khách hàng đầu tiên đã ra khỏi thang máy, họ ngập ngừng trong giây lát với vẻ bối rối, có phần giật mình mà người ta luôn đeo trên mặt khi vừa vào khu đồ chơi, rồi họ bắt đầu đi loanh quanh.

“Cô có loại búp bê biết đi tiểu không?” Một người phụ nữ hỏi cô.

“Tôi thích con búp bê này nhưng phải có váy vàng cơ,” một người phụ nữ nói, đẩy một con búp bê về phía cô, và Therese quay lại lấy từ trên giá xuống con búp bê mà bà ta muốn.

Therese nhận thấy bà ta có khuôn miệng và má giống như mẹ cô, đôi má hơi phồng lên dưới những đốm hồng sẫm màu, ở giữa là một cái miệng mỏng quẹt đỏ rực đầy nếp nhăn.

“Búp bê Drinksy-Wetsy nào cũng thế này à?”

Chẳng cần có nghệ thuật bán hàng. Ai cũng muốn một con búp bê, một con bất kỳ nào cũng được, để tặng dịp Giáng Sinh. Chỉ cần cúi xuống, lôi từng chiếc hộp ra để tìm một con búp bê mắt nâu thay vì mắt xanh, nhờ bà Hendrickson mở cửa tủ trưng bày bằng chìa khóa của bà, việc mà bà ta sẽ miễn cưỡng làm nếu tin là con búp bê đó không còn trong kho hàng. Chỉ cần lách người qua lối đi ra sau quầy tính tiền để đặt một con búp bê đã được trả tiền lên trên đống hộp ở khu gói quà đông đúc, lúc nào cũng rơi đồ, bất kể anh chàng chuyển hàng có thường xuyên đến chuyển các gói quà đi bao nhiêu chăng nữa. Hầu như không có trẻ con ở đây. Ông già Tuyết có nhiệm vụ mang những con búp bê đến, ông già Tuyết được đóng vai bởi những khuôn mặt điên cuồng và những bàn tay bấu chặt đồ. Vậy nhưng, Therese nghĩ rằng vẫn có lòng tốt nhất định ở trong họ, đằng sau những khuôn mặt lạnh lùng đầy phấn của những người phụ nữ khoác áo da chồn, hay tỏ ra hợm hĩnh, vội vàng mua những con búp bê lớn nhất và đắt tiền nhất có tóc thật và có quần áo để thay đổi. Và chắc chắn tình yêu vẫn tồn tại trong những người nghèo, những người vẫn chờ đến lượt và nhỏ nhẹ hỏi giá của một con búp bê, rồi tiếc nuối lắc đầu và quay đi. Mười ba đô năm mươi xu cho một con búp bê chỉ cao có hai mươi lăm phân.

“Cứ cầm lấy nó đi,” Therese chỉ muốn nói với họ như vậy. “Nó đúng là đắt thật, nhưng tôi sẽ tặng nó cho chị. Frankenberg có thiếu đâu.”

Nhưng khi ấy, những người phụ nữ mặc những bộ cánh rẻ tiền, người đàn ông rụt rè co rúm mình trong những cái khăn choàng sờn rách đã đi mất, họ khao khát liếc nhìn những quầy hàng khác khi quay lại thang máy. Nếu người ta đến mua búp bê thì người ta chẳng còn muốn gì nữa. Búp bê là quà Giáng Sinh đặc biệt, có giá trị thực tiễn chỉ sau một đứa trẻ.

Hầu như chẳng có trẻ em, nhưng thỉnh thoảng sẽ có một đứa xuất hiện, thường là bé gái đang nắm chặt tay của ba mẹ, hiếm lắm thì có một đứa bé trai, Therese sẽ cho cô bé xem những con búp bê mà cô nghĩ là đứa bé sẽ thích. Cô sẽ hết sức kiên nhẫn, và cuối cùng thì một con búp bê nào đó sẽ mang lại sự thay đổi trên khuôn mặt của đứa trẻ, phản ứng đó là mục đích cuối cùng của người bán hàng, và thường thì đứa trẻ sẽ đi về cùng con búp bê ấy.

Rồi một tối sau ca làm việc, Therese nhìn thấy bà Robichek trong cửa hàng bán cà phê và bánh doughnut bên kia đường. Therese thường ghé vào đó để mua một cốc cà phê trước khi về nhà. Bà Robichek ở tít tận bên trong cùng của cửa hàng, ngồi cuối mặt bàn dài uốn lượn, đang chấm một miếng doughnut vào cốc cà phê.

Therese tiến về phía bà, cố lách qua những cô gái đang cầm cốc cà phê và bánh doughnut. Khi đến bên cạnh bà Robichek, cô hổn hển nói, “Xin chào,” và quay về phía quầy bán hàng, như thể cô chỉ đang đi mua cà phê mà thôi.

“Xin chào,” bà Robichek nói lạnh nhạt đến mức Therese co rúm người lại.

Therese không dám nhìn bà Robichek lần nữa. Vậy nhưng vai họ đang bị ép chặt vào nhau! Therese đã uống được nửa cốc cà phê thì bà Robichek nói giọng ảm đảm, “Tôi sẽ đi tuyến tàu điện ngầm Independence. Tôi tự hỏi mình có thoát ra khỏi đây được hay không.” Giọng bà u ám chứ không như lúc ở trong nhà ăn. Giờ thì bà cũng giống như người phụ nữ già lụ khụ đang bước xuống cầu thang mà Therese đã thấy.

“Chúng ta sẽ ra được thôi,” Therese trấn an.

Therese tạo một lối đi ra cửa cho cả hai người họ. Cô cũng đi tuyến Independence. Cô và bà Robichek hòa vào đám đông mệt mỏi ở lối vào tàu điện ngầm, và dần dần bị đẩy xuống cầu thang, như một miếng rác trôi trong mương. Họ phát hiện ra cả hai cùng xuống ở đường Lexington, dù bà Robichek sống ở đường Năm Mươi Lăm, ngay phía đông đại lộ số Ba. Therese đi cùng bà Robichek vào hàng đồ ăn sẵn để bà mua thứ gì đó cho bữa tối. Therese cũng định mua đồ cho bữa tối của mình, nhưng không hiểu sao cô không làm được khi có mặt bà Robichek.

“Nhà cháu có đồ ăn chưa?”

“Chưa ạ, tí nữa cháu sẽ mua tạm thứ gì đấy.”

“Sao cháu không đến ăn cùng ta nhỉ? Ta chỉ sống một mình thôi. Đi nào.” Bà Robichek nhún vai khi nói xong, có vẻ việc đó đỡ tốn sức hơn là mỉm cười.

Ý định từ chối một cách lịch sự của Therese chỉ kéo dài một giây. “Cảm ơn. Cháu rất hân hạnh.” Rồi cô nhìn thấy một chiếc bánh bọc giấy bóng kính trên kệ, một chiếc bánh trái cây trông như một viên gạch màu nâu to đùng được phủ sơ-ri, và cô mua nó để tặng cho bà Robichek.

Ngôi nhà của bà cũng giống nơi Therese sống, chỉ là nó có màu gạch nâu và trông tối tăm ảm đạm hơn nhiều. Hoàn toàn không có đèn trong hành lang, và khi bà Robichek bật đèn ở hành lang tầng ba, Therese nhận thấy căn nhà không được sạch sẽ lắm. Phòng của bà Robichek cũng chẳng gọn gàng hơn và giường vẫn còn lộn xộn. Therese tự hỏi có phải khi tỉnh dậy bà vẫn mệt như khi chìm vào giấc ngủ hay không. Therese bị bỏ lại giữa phòng trong khi bà Robichek lê chân vào phòng bếp và mang theo túi thực phẩm lấy từ tay Therese. Cô cảm thấy rằng chỉ khi ở nhà bà mới cho phép mình trông mệt mỏi.

Therese không nhớ mọi chuyện bắt đầu như thế nào. Cô không nhớ nổi cuộc trò chuyện giữa họ, mà tất nhiên là nó cũng không quan trọng. Chuyện là bà Robichek xa cách một cách lạ lùng, như thể bà đang bị mê sảng, rồi đột nhiên, bà lẩm bẩm một mình thay vì nói chuyện với cô rồi nằm xuống trên chiếc giường lộn xộn. Cô không thể tập trung lắng nghe được gì trong tiếng lẩm bẩm liên miên, nụ cười hối lỗi nhợt nhạt, sự xấu xí khủng khiếp của cơ thể thấp lùn nặng nề với cái bụng phình to, và cái đầu nghiêng nghiêng hối lỗi đang nhìn cô một cách lịch sự.

“Tôi từng có một cửa hàng quần áo riêng ở phố Queens. Một cửa hàng rất lớn,” bà Robichek nói, và Therese thấy có dấu hiệu khoe khoang nên bắt đầu tập trung lắng nghe dù thâm tâm cô rất ghét. “Cháu biết đấy, những chiếc váy chiết eo và hàng khuy nhỏ chạy dọc thân. Cháu biết đấy, khoảng ba đến năm năm trước…” Bà Robichek xòe đôi bàn tay cứng đơ ra trước eo một cách vụng về. Bàn tay ngắn cũn không đủ sức che được hết nửa người trước của bà. Bà trông hết sức già nua dưới ánh đèn mờ ảo và khiến cho quầng thâm dưới đôi mắt của bà càng đen hơn. “Họ gọi đó là váy Caterina. Cháu có nhớ không? Tôi đã thiết kế chúng đấy. Chúng đến từ cửa hàng của tôi ở phố Queens. Chúng nổi tiếng lắm!”

Bà Robichek ra khỏi giường và đi tới chỗ một cái hòm nhỏ đặt cạnh tường. Bà mở nó ra, suốt lúc đó vẫn nói liên hồi, và bắt đầu kéo những cái váy tối màu làm bằng một chất vải nặng nề ra khỏi rương, để mặc thân váy quét trên sàn. Bà Robichek giơ lên một cái váy nhung màu đỏ thẫm, cổ trắng và có một hàng khuy trắng nhỏ xíu chạy dọc thân trước.

“Thấy chưa, tôi có nhiều lắm. Tôi đã thiết kế ra chúng. Các cửa hàng khác sao chép lại.” Bà Robichek kẹp cằm vào cổ váy, cái đầu xấu xí nghiêng nghiêng một cách kỳ cục. “Cháu thích chứ? Tôi sẽ tặng cháu một cái. Lại đây. Lại đây, thử một cái đi.”

Therese khó chịu trước ý nghĩ mặc thử một trong những chiếc váy đó. Cô ước gì bà Robichek nằm xuống nghỉ ngơi, nhưng rồi cô vẫn ngoan ngoãn đứng dậy như thể không có ý chí và đi về phía bà.

Bà Robichek ấn một cái váy nhung đen vào người Therese với đôi bàn tay run rẩy và thúc bách, và đột nhiên, cô hiểu được cách bà vẫn đứng chờ khách hàng như thế nào, hẳn là đẩy đống áo len về phía họ một cách hỗn loạn, vì hành động này đã thành quán tính. Therese nhớ rằng bà nói mình đã làm việc ở Frankenberg được bốn năm.

“Cháu thích cái váy màu xanh hơn à? Thế thì thử nó đi.” Và trong một giây khi Therese đang do dự, bà đã thả nó xuống và nhặt một chiếc khác lên, chiếc váy màu đỏ sậm. “Tôi đã bán năm chiếc thế này ở cửa hàng, nhưng sẽ tặng cháu một cái. Đồ thừa, nhưng vẫn còn hợp mốt lắm. Cháu thích chiếc này không?”

Therese thích chiếc màu đỏ hơn. Cô thích màu đỏ, đặc biệt là đỏ thẫm, và cực thích màu đỏ nhung. Bà Robichek đẩy cô về góc nhà nơi cô có thể cởi đồ và vắt lên tay vịn ghế. Nhưng cô không muốn chiếc váy này, cô không muốn được tặng quà. Nó làm cô nhớ tới cảnh được trao những bộ đồ cũ đã qua sử dụng ở Nhà Tình Thương, bởi vì thực tế là cô cũng được xem như một đứa trẻ mồ côi, nhóm trẻ chiếm nửa số học sinh trong trường, không bao giờ có quà từ bên ngoài. Therese cởi áo len ra và cô cảm thấy hoàn toàn trần trụi. Cô ôm lấy hai khuỷu tay, da thịt của cô cảm thấy lạnh lẽo và mất dần cảm giác.

“Tôi đã may chúng,” bà Robichek kể lể mê say, “may miệt mài từ sáng tới tối! Phục vụ được cả bốn vị khách. Nhưng rồi mắt tôi xấu đi. Một bên bị mù, bên này này. Mặc váy vào đi.” Bà kể cho Therese về việc phẫu thuật mắt. Nó không bị mù hẳn mà chỉ mờ đi. Nhưng phẫu thuật rất đau. Bệnh tăng nhãn áp. Lưng bà cũng bị đau. Cả chân nữa. Bị sưng ngón cái.

Therese nhận ra bà đang móc nối toàn bộ những rắc rối và vận đen của mình lại để Therese hiểu được vì sao bà lại thê thảm đến mức phải làm việc ở trung tâm mua sắm.

“Vừa phải không?” Bà Robichek hỏi một cách tự tin. Therese nhìn vào tấm gương ở cửa tủ. Trên đó hiện lên một cơ thể cao gầy với phần đầu nhỏ nhắn dường như được phủ một vầng sáng, một ngọn lửa vàng rực rỡ chạy dọc xuống bờ vai đỏ rực. Chiếc váy có nếp gấp kéo dài xuống tận cổ chân của cô. Nó là bộ váy dành cho những nữ hoàng trong truyện cổ tích, màu đỏ thẫm chứ không phải đỏ tươi. Cô bước lùi lại và túm phần váy rộng ra sau lưng khiến nó ôm gọn lấy xương sườn và eo, và cô nhìn vào đôi mắt màu hạt dẻ sẫm của mình trong gương. Nhìn vào bản thân mình. Đây là cô, chứ không phải cô gái mặc váy kẻ sọc và áo len màu be ảm đạm, cũng không phải cô gái làm việc ở khu búp bê ở Frankenberg.

“Cháu thích chứ?” Bà Robichek hỏi.

Therese quan sát khuôn miệng bình yên một cách đáng kinh ngạc của mình, cô có thể nhìn thấy hình dạng của nó một cách rõ ràng dù chẳng tô chút son môi nào, như thể có người vừa hôn cô vậy. Cô ước gì mình có thể hôn cô gái trong gương và biến cô ta thành người thực, vậy nhưng cô vẫn đứng im như một bức tượng được tô màu.

“Nếu cháu thích thì lấy đi,” bà Robichek nóng nẩy thúc giục, quan sát từ xa, núp mình sau tủ như một nhân viên bán hàng núp mình trong khi khách thử hết bộ váy này tới bộ váy khác trước các tấm gương trong tiệm.

Nhưng Therese biết rõ phép màu chẳng kéo dài lâu. Chỉ cần cô cử động thôi là nó sẽ tan biến. Dù cô có giữ bộ váy lại đi nữa thì nó vẫn biến mất, bởi vì nó chỉ tồn tại trong giây phút này đây. Cô không muốn chiếc váy này. Cô thử nghĩ đến cảnh nó được đặt trong tủ đồ của mình ở nhà, giữa những bộ đồ khác của cô và trông chẳng ra gì hết. Cô bắt đầu tháo từng cái khuy một để cởi cổ áo ra.

“Cháu thích nó đúng không?” Bà Robichek hỏi một cách tự tin.

“Vâng,” Therese thẳng thắn thú nhận.

Cô không thể cởi cái móc đằng sau cổ áo. Bà Robichek phải giúp cô còn cô thì chẳng còn chút kiên nhẫn nào. Cô cảm giác như đang bị bóp cổ. Cô đang làm gì ở đây thế này? Sao cô lại mặc cái váy kiểu này cơ chứ? Đột nhiên, bà Robichek và căn hộ của bà như một cơn ác mộng mà cô vừa nằm mơ thấy. Bà Robichek là người quản ngục gù lưng. Và cô bị đưa tới đây để dụ dỗ.

“Có chuyện gì thế? Cháu bị ghim đâm à?”

Therese mở miệng định nói, nhưng tâm trí cô đã chu du quá xa. Tâm trí cô đang ở một nơi khác, trong một cơn lốc xoáy được tạo nên trong căn phòng sáng lờ mờ, đáng sợ, nơi mà dường như hai người họ đang có một trận chiến tuyệt vọng. Và ở đó, cô biết rằng chính sự vô vọng chứ chẳng phải điều gì khác làm cô hãi hùng. Sự vô vọng đến từ cơ thể uể oải và công việc của bà Robichek ở trung tâm mua sắm, từ đống váy vóc trong rương, từ sự xấu xí của bà, sự vô vọng cũng chứa đựng trọn vẹn cái kết của cuộc đời bà. Và sự vô vọng của chính cô, của việc chẳng bao giờ được trở thành con người mà cô mong muốn hay làm những việc mà con người ấy mong muốn. Không lẽ, cuộc đời cô chẳng là gì ngoài một giấc mơ, thế còn cảnh tượng này là thật hay giả? Sự vô vọng này khiến cô hoảng sợ đến mức chỉ muốn xé toạc cái váy đi và bỏ trốn trước khi quá muộn, trước khi gông xích khóa chặt lấy cô.

Mà có thể đã quá muộn rồi. Therese đứng giữa phòng như chìm trong cơn ác mộng, chỉ mặc váy lót, cả người run rẩy, không thể di chuyển.

“Có chuyện gì thế? Cháu lạnh à? Phòng nóng mà.” Phòng rất nóng. Lò sưởi kêu rin rít. Cả căn phòng có mùi tỏi, mùi ẩm mốc, mùi thuốc và mùi kim loại khó chịu của chính bà Robichek. Therese muốn nằm gục xuống cái ghế đang đặt váy và áo len của cô. Cô nghĩ, có lẽ, nếu mình nằm lên quần áo của chính mình thì mọi chuyện chẳng còn quan trọng nữa. Nhưng cô không nên nằm xuống. Nếu làm vậy thì cô sẽ lạc lối hoàn toàn. Sợi xích sẽ khóa lại và cô sẽ trở thành người quản ngục gù lưng.

Therese run rẩy dữ dội. Đột nhiên cô mất kiểm soát. Đó là cảm giác ớn lạnh chứ không phải chỉ sợ hãi hay mệt mỏi.

“Ngồi xuống đi,” giọng bà Robichek vọng tới từ xa, và với vẻ dửng dưng và ngán ngẩm đáng sợ, như thể đã quen cảnh các cô gái trẻ ngất trong phòng mình, những ngón tay khô, chai sạn của bà ấn vào cánh tay của Therese.

Therese kháng cự lại chiếc ghế, nhưng biết rõ mình sẽ thua, và thậm chí còn nhận ra mình bị thu hút về phía nó bởi chính lý do đấy. Cô ngồi phịch xuống ghế, cảm nhận được bà Robichek kéo cái váy của cô từ dưới người cô ra, nhưng cô lại không thể ép mình di chuyển. Cô vẫn có ý thức, vẫn có thể suy nghĩ, dù bị hai tay vịn sẫm màu bao lấy.

Bà Robichek đang nói, “Cháu đã đứng ở cửa hàng quá lâu đấy. Mùa Giáng Sinh vất vả lắm. Tôi đã trải qua bốn lần rồi. Cháu phải học cách tự cứu lấy mình thôi.”

Cô bám lấy tay vịn để lê bước xuống cầu thang. Cứu lấy mình bằng cách ăn trưa ở quán cà phê. Cởi giày khỏi đôi chân sưng tấy như nhóm phụ nữ ngồi trên lò sưởi trong phòng nghỉ, giành giật một ít lò sưởi để đặt tờ báo lên và ngồi đó trong năm phút.

Tâm trí của Therese vẫn đang hết sức tỉnh táo. Cô biết rằng mình chỉ đang nhìn đờ đẫn vào khoảng không trước mắt, và không thể cử động dù có muốn hay không, cô thấy sửng sốt trước đầu óc minh mẫn của mình.

Một câu nói từ vở Eliot của Richard xuất hiện trong đầu Therese. Đây hoàn toàn không phải là điều tôi muốn. Hoàn toàn không phải. Cô muốn nói ra nhưng không thể ép môi mình cử động. Một thứ gì đó ngòn ngọt và nóng rực đang thiêu đốt miệng cô. Bà Robichek đang đứng trước mặt cô, rót một cái gì đó ra từ chai rồi nhét thìa vào giữa môi cô. Therese nuốt xuống một cách ngoan ngoãn, không quan tâm liệu nó có phải là chất độc hay không. Giờ thì cô đã có thể cử động môi, đứng dậy khỏi ghế, nhưng cô không muốn cử động. Cuối cùng, cô nằm lại xuống ghế, để bà Robichek đắp chăn cho và giả vờ đã ngủ. Nhưng suốt lúc ấy, cô nhìn bóng dáng gù gù của bà di chuyển quanh phòng, dọn đồ trên bàn, cởi đồ để đi ngủ. Cô nhìn thấy bà ta cởi một cái áo coóc xê ren to đùng, sợi dây nịt quấn quanh vai và dọc xuống lưng. Therese nhắm chặt mắt lại một cách hãi hùng cho tới khi tiếng lò xo ken két và tiếng thở dài rên rỉ cho cô biết rằng bà Robichek đã về giường. Nhưng thế vẫn chưa xong. Bà Robichek với tay lấy đồng hồ báo thức và vặn dây cót, cố đặt nó lên cái ghế cạnh giường mà không thèm nhỏm đầu dậy. Trong bóng tối, Therese chỉ lờ mờ thấy cánh tay bà ta đưa lên hạ xuống bốn lần trước khi đồng hồ được đặt lên ghế.

Therese thầm nghĩ mình sẽ đợi mười lăm phút cho tới khi bà ta đã ngủ hẳn rồi mới đi.

Và vì quá mệt mỏi, cô căng người lên để ngăn cảm giác co giật đột ngột xảy đến như thể đang ngã nhào xuống, thứ cảm giác luôn xuất hiện trước giấc ngủ, điềm báo giấc ngủ đang đến. Nhưng nó không đến. Sau khi áng chừng đã được mười lăm phút, Therese mặc đồ và lặng lẽ ra cửa. Rốt cục thì việc đó cũng thật dễ dàng, chỉ cần mở cửa ra và bỏ trốn. Dễ dàng bởi vì thật ra cô có trốn được đi đâu đâu.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

3 đánh giá cho Carol

  1. Nga Nguyễn

    Mình quyết định mua cuốn sách này vì quá say mê diễn xuất của Cate Blanchett trong phim. Phim và truyện bổ sung cho nhau một cách hợp lý và hài hoà. Một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, mà cũng say đắm giữa 2 cô gái thật sự làm người ta mê đắm. Nếu so sánh có lẽ bộ phim mang lại cho mình nhiều cảm xúc hơn, nhưng sở hữu phiên bản gốc của nó là cuốn truyện này cũng là một điều rất tuyệt vời.

  2. Trần Mỹ Ngân

    Carol là 1 cuốn tiểu thuyết mà mình nghĩ nó rất hợp với mình. Bản thân câu truyện đã là 1 bản tình ca rất hay về tình yêu, sự chóng vánh của một Carol thiếu thốn về tình yêu nhưng trong lòng đầy sự ấm áp và một Therese trẻ trung và tâm lí nhưng cũng không kém phần Carol.
    Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên và được sự góp mặt của 2 nữ diễn viên quen thuộc như Cate Blanchett và Rooney Mara. Phim đã được đề cử Oscar 2016 và mang về cho Rooney Mara giải nữ diễn viên xuất sắc nhất.
    Được đánh giá cao về cốt truyện và cả về phim ảnh.

  3. Nguyễn Thị Ái Quỳnh

    Mình đã xem phim Carol rất nhiều lần vì say mê diễn xuất của Cate Blanchatte, đó là một bộ phim rất tinh tế và giàu cảm xúc, vì vậy mà mình cực kì mong đợi quyển tiểu thuyết này. Song, ngoại trừ nhân vật và bối cảnh, thì cốt truyện gần như khác hoàn toàn với phim. Kể cả bức thư mà Carol viết cho Therese như trong phim cũng không được đề cập với ý nghĩa như vậy (mình rất thích lá thư trong phim vì nó cực kì ý nghĩa). Thêm nữa là truyện kể trên góc nhìn của Therese nên mình luôn cảm thấy mọi thứ quá mơ hồ, suy nghĩ của cô ấy khá phức tạp và mông lung. Đặc biệt ở kết truyện, mình không cảm nhận được sự trưởng thành trong suy nghĩ của Therese. Cốt truyện khá dàn trải, tác giả tập trung quá nhiều đoạn đầu để rồi kết thúc vội vàng khi biến cố được giải quyết xong. Có thể một phần là vì mình đã quá ấn tượng với phim nên quyển sách này không đáp ứng được kì vọng. Nhưng có một điều tuyệt vời là nhân vật Carol vẫn luôn quyến rũ và thu hút kể cả trong phim hay truyện, đó cũng là một lý do để bạn thử tìm đọc quyển sách này và đắm mình trong chuyện tình của họ!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button