Cát Bụi Chân Ai

(5 đánh giá của khách hàng)

Cuộc đời dấn thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tới nay hiện lên sinh động với tất cả những gì bình dị và thân thương nhất…

Danh mục:

Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua… (Hoàng Khởi Phong)

Tô Hoài đã khắc họa thành công các hình tượng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một thời đại văn học. Đặc biệt Tô Hoài không tô vẽ cầu kỳ, không thiêng liêng hóa hình tượng Nguyễn Tuân nhưng chân dung Nguyễn Tuân không vì thế mà mất đi vẻ khả ái, đẹp đẽ và ấn tượng. Chỉ điểm xuyết về con người Nguyễn Tuân trong giai đoạn tiền chiến, rồi đi ngược lại mãi về một thời rất xa, cứ thế cuộc đời dấn thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tới nay hiện lên sinh động với tất cả những gì bình dị và thân thương nhất…

5 đánh giá cho Cát Bụi Chân Ai

  1. Nguyễn Vỹ

    Cuốn sách này viết về một thời kì đen tối mông muội của dân tộc ta khi nhiều chính sách điều hành đất nước đều bị nước ngoài khống chế, xã hội khó khăn nền văn học bị chèn ép các cuộc khủng bố, đấu tố, phê bình học tập diễn ra liên miên. Tôi xúc động nhất khi đọc đoạn nhà văn Nguyên Hồng vừa khóc vừa bảo vệ các tác phẩm in trên báo của ông, khi ông chấp nhận bỏ việc về quê chứ không chịu đấu tố đồng nghiệp, tôi còn biết được độ ngầu, chất và tính “ngông” của cụ Nguyễn Tuân. Bên cạnh đó cuốn sách này còn có nhiều chi tiết thú vị về đời sống các nhà văn như các mánh trốn bắt rượu của Nguyên Hồng, rồi chuyện cụ Nguyên Hồng tán tỉnh bà bán bia rồi bị vợ gen, rồi chuyện cụ Nguyễn Tuân say rượu trèo lên nóc nhà. Đọc cuốn sách này tôi thêm khâm phục cụ Tô Hoài khi đã dũng cảm viết một tác phẩm “đụng chạm” như thế này

  2. Quỳnh Mai

    Đọc cát bụi chân ai tôi mới hiểu hơn về cuộc sống của các nhà văn, nhà thơ. Nó không phải hào nhoáng và sung sướng như tôi vẫn tưởng. Hoá ra bên ngoài những trang thiên truyện ta vẫn biết thì đằng sau đó là những nỗi cực trong đời sống riêng tư? Tôi có chút xót, chút thương cho kiếp “đời trai” của Xuân Diệu. Và người đặc biệt có số phận bất hạnh là Nguyễn Bính. Tôi tự hỏi liệu bao giờ ông trời mới cho Nguyễn Bính thấy được con trai thất lạc của mình. Có lẽ đó là nỗi trăn trở mà suốt cuộc đời Nguyễn Bính không thôi suy nghĩ. Xin một phép màu nhiệm đến với nhà thơ.

  3. Nguyen Phuong

    Ngày xưa đi học mình đã nghe rất nhiều chuyện “phong phanh” xung quanh quyển sách này, nên cái tên rất hiền, rất thơ nhưng cũng gợi nhiều suy tưởng của nó mình vẫn luôn nhớ kỹ. Bẵng đi một thời gian mới có thể cầm cả quyển sách trên tay. CBCA đúng là những hồi tưởng dịu dàng và đẹp mà Tô Hoài đã viết, đã kể lại những câu chuyện của giới văn nghệ sĩ, tiêu biểu có Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, v.v. trước những năm 45 đến thời kháng chiến. Dù ai nói gì đi nữa thì mình vẫn thấy nó vừa giống như tự sự, vừa như hồi ký của Tô Hoài, rất thanh thoát, trong sáng, tinh tế và sâu sắc. Nói CBCA như một bức tranh buồn cũng đúng, mà là bức hí họa của các nhà văn, nhà thơ trong thời kỳ gian khổ đau thương ấy cũng đúng. Mà có lẽ không ai viết được như Tô Hoài —phải hiểu và cảm thông lắm với họ thì mới có thể chia sẻ những gì riêng tư thầm kín nhất như vậy.

  4. Truong My Linh

    “Cát bụi chân ai” là một trong những tác phẩm với nội dung vô cùng hiếm có và ấn tượng mà cá nhân tôi may mắn được đọc. Với cá nhân tôi, Tô Hoài đã thực sự tạo ra một quyển sách ảnh với tập hợp những chân dung của những đồng chí, anh em, những người làm cùng nghề, cùng kề vai sát cánh bên nhau trên cả mặt trận lẫn văn đàn hết sức sinh động và chân thực. Dẫu cho những cái ông viết về có lẽ ta không thể đọc được trong sách giáo khoa, hay hiếm khi tìm được ở những nguồn tư liệu chính thống khác, thì giọng văn ông luôn mang lại một màu sắc rất thật, như là dẫn dắt người đọc về với thuở hăng say sáng tác của những tên tuổi xuất sắc, rồi từng tầng từng lớp giới thiệu về họ cho ta bằng một cách rất khác so với phần lớn chúng ta thường đọc, bằng cách mà mỗi một nhân vật đọng lại trong ta những màu sắc rất riêng. Ở “Cát bụi chân ai” ta thấy những Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu,.. không chỉ bên bước đường sự nghiệp mà còn với những khía cạnh tâm tư tình cảm, những mảng đời rất riêng của những hồn văn, hồn thơ xuất chúng. Tô Hoài viết nên “Cát bụi chân ai” bằng giọng trần thuật, trầm lắng nền nã lại cũng rất tinh tế, như một người đi trước, kể chuyện cho thế hệ sau bằng từng con chữ, để lưu giữ lại những chân dung vốn đôi khi sẽ không được thể hiện trọn vẹn. Không chỉ riêng những người trót yêu mến chuyến phiêu lưu của Dế Mèn thân thương, mà nếu đã tâm đắc với những “Vang bóng một thời”, “Bỉ vỏ”, hay một số lời tình nào trong kho tàng của Ông hoàng thơ tình thì cũng hãy trải nghiệm “Cát bụi chân ai”, một tác phẩm viết nên những điều ít ai dám viết, ít ai có thể viết!

  5. Đào Diễm Quỳnh

    Những câu chuyện về ngày xưa, về Hà Nội xưa, về người xưa luôn khiến tớ hứng thú. Tuy nhiên cuốn sách này còn khiến tớ… rụng rời bởi nhiều chuyện hay ho (mà vốn lúc trước với tâm hồn trong sáng tớ hẳn không tin) lại được kể toẹt ra không nao núng, chẳng xấu hổ.
    Hồi còn đi học, văn học Việt Nam đối với tớ là những gì được gói gọn trong sách giáo khoa :D. Sau này tìm đọc ra nhiều hơn mới thấy, văn chương xưa Việt Nam hay và đa dạng hơn rất nhiều so với những gì mình từng học. Chỉ ước sao thầy Cát vẫn còn để về nghe thầy giảng những bài ngoài cuốn sách giáo khoa gò bó.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button