Câu Lạc Bộ Số 7

(3 đánh giá của khách hàng)

Một cuốn tiểu thuyết lãng mạn trẻ trung đẫm đầy ly kỳ, được viết dưới một chủ đề còn khá lạ ở ta. Những tội ác mang màu sắc nghi lễ tôn giáo, cho dù đấy chỉ là một tà giáo.

Danh mục:

Câu lạc bộ số 7 là tiểu thuyết trinh thám thứ 2 của Di Li sau “Trại hoa đỏ”, tiếp nối những câu chuyện điều tra của cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách – sự trở lại đầy ấn tượng với những hành động, cách phá án táo bạo để đưa sự thật ra ánh sáng.

Với cuốn tiểu thuyết 540 trang, như thường lệ, Di Li thách đố độc giả đi tìm lời giải “Ai là thủ phạm?” và bí mật chỉ được hé lộ ở chương áp cuối. Câu lạc bộ số 7 tập trung vào đề tài chưa từng được đề cập đến trong văn học: Giới tính thứ tư. Cuốn tiểu thuyết dẫn dụ người đọc qua những câu đố thắt tim khi lần lượt chứng kiến năm vụ án mạng tưởng chừng chỉ là những tai nạn thông thường nếu như nạn nhân là các thiếu nữ xinh đẹp không có cùng một điểm chung là trước khi chết đều bước chân lên chiếc taxi mang thương hiệu Hoa Sen. Cả phòng cảnh sát hình sự, trong đó có Phan Đăng Bách và Mai Thanh (nhân vật chính của “Trại Hoa Đỏ”) đau đầu vì không tìm thấy bất cứ dấu vết sinh học, tang chứng nào để lại hiện trường, cũng như không thể tìm ra động cơ của những vụ giết người. Đối tượng tình nghi hàng đầu là Vũ Phương Đăng, con trai của một giám đốc ngân hàng, cũng là bạn trai của nạn nhân Lê Hoàng Mai. Nhưng những gì mà các cảnh sát hình sự lần lượt phát hiện ra đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Câu lạc bộ số 7 còn là một chuyện tình bi thương và đau lòng.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Di Li có một phẩm chất vô cùng quan trọng trong sáng tạo thể loại trinh thám, đó là sự kiên nhẫn hay khả năng mai phục. Kiên nhẫn gieo những chi tiết quan trọng một cách tưởng vô tình và rải rác trong từng trang sách nhưng với một ý đồ rõ ràng và thông minh. Chính điều đó làm nên hiệu quả là diễn biến của vụ án hoàn toàn diễn ra như chính nó ở ngoài đời chứ không phải sự sắp đặt của tác giả. Yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và hồi hộp cho tác phẩm.”

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng nhận xét: “Văn chương trinh thám của người Việt vốn đã khẳng định được chân diện của mình. Với Câu lạc bộ số 7, sự xác tín đó càng rõ nét. Một cuốn tiểu thuyết lãng mạn trẻ trung đẫm đầy ly kỳ, được viết dưới một chủ đề còn khá lạ ở ta. Những tội ác mang màu sắc nghi lễ tôn giáo, cho dù đấy chỉ là một tà giáo. Sau Trại Hoa Đỏ, Di Li đích thực là một khuôn mặt hiếm hoi của thể loại tâm lý hình sự xã hội Việt Nam.”

Còn đạo diễn Quốc Trọng thì bình luận: “Câu chuyện khiến người đọc bị cuốn theo một cách mê mụ bởi các chi tiết và tình huống. Chính sự đan cài khéo léo các tình tiết tưởng chừng như vô nghĩa đã khiến độc giả luôn bị nhầm lẫn trong việc đoán định câu chuyện. Tội ác, một khi được nhào nặn với đức tin bệnh hoạn và mù quáng, sẽ trở thành thảm họa của cộng đồng. Căng thẳng. Hồi hộp. Trộn lẫn không khí đôi phần ma mị dường như vẫn là phong cách mang đậm chất Di Li trong Câu lạc bộ số 7”.

3 đánh giá cho Câu Lạc Bộ Số 7

  1. LiNhi

    Sách hay, hội đủ các yếu tố tiêu chuẩn của một tác phẩm trinh thám: gay cấn, hồi hộp, khơi gợi sự tò mò và tạo điều kiện cho đọc giả suy luận phán đoán.
    *
    Di Li viết chắc tay, trí tưởng tượng phong phú, thắt nút và mở nút rất logic. Truyện có yếu tố bất ngờ, nhiều khi chắc mẫm là mình đoán được hung thủ rồi; ai dè lật qua trang sau thì hung thủ tưởng tượng đó lăn đùng ra chết 😀 Có nhiều đoạn tác giả diễn đạt hay làm mình đọc mà sợ rợn rợn người, nhất là chương ‘trên tầng áp mái’.
    *
    Sách trinh thám của Di Li cũng phảng phất cái ma quái theo phong cách của Quỷ Cổ Nữ. Hai chương cuối thì có tí đuối so với toàn bộ mạch truyện, nhưng nói chung đây vẫn là tác phẩm đáng để đọc.

  2. Nguyễn Thị Thúy Ngân

    “Câu lạc bộ số 7” của nhà văn Di Li là một cuốn truyện trinh thám vô cùng thú vị. Nếu nói đến truyện trinh thám, chúng ta ít khi nghĩ đến truyện của Việt Nam nhưng cuốn “Câu lạc bộ số 7” thực sự đã làm tôi phải thay đổi suy nghĩ. Quyển truyện gồm những câu truyện hết sức hấp dẫn với những tình tiết vô cùng gay cấn.Các chi tiết gắn kết với nhau logic mà đầy bất ngờ. Cuốn sách đã gây lên cho người đọc rất nhiều hứng thú. Đây quả là một cuốn sách tuyệt vời.

  3. Nguyễn Hoàng Nhã Thy

    Mình ít khi đọc truyện trinh thám, truyện Việt Nam thì càng ít hơn. Nhưng lúc nhìn thấy bìa sách và nội dung tóm tắt thì mình đã quyết định mua ngay vì tò mò. Truyện phản ánh rất thật về xã hội Việt Nam với quan tham và những cuộc vui trác táng của giới nhà giàu. Mình thích cách miêu tả tâm lí nhân vật của chị Di Li, khiến mình như là chính nhân vật Bách trong câu chuyện. Những tình tiết thắt nút mở nút bất ngờ, hung thủ và động cơ gây án đều nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. Tuy nhiên kết thúc làm mình hoang mang quá, không biết sau cuộc gọi đó Bách có bị giết không, Lord là người như thế nào, Mỹ Lâm thật sự đã chết chưa,… mong tác giả sẽ viết tiếp phần 2

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button