Chàng Sumo Không Thể Béo

(5 đánh giá của khách hàng)

Nói về cuốn sách này, tờ Le Point của Pháp nhận định: “Cùng lúc đơn giản và phức tạp, cùng lúc sáng rõ và khiến người ta phải bối rối. Ai cũng có thể nhận ra mình trong đó”… còn Le Pèlerin thì bình “đúng chất” Eric-Emanuelle: “Đừng e ngại, cuốn sách này sẽ không khiến bạn béo ra mà chỉ khiến bạn lớn lên thôi”.

Danh mục:

Jun, cậu bé mới lớn bỏ nhà lên thủ đô kiếm sống bằng nghề bán tiểu thuyết-ảnh ở một góc ngã tư. Jun dị ứng với tất thảy, với con người, với cả những người ruột thịt gần nhất: người bố đã tự tử vì sức ép công việc quá lớn, người mẹ đã cư xử như một thiên thần với mọi người mà không dành cho cậu sự ưu ái nào. Jun sống trong nỗi tuyệt vọng đó cho đến ngày cậu gặp một ông lão cứ nhắc đi nhắc lại như đinh đóng cột: “Ta thấy một người to lớn trong cậu.” Câu thần chú ấy chính là một sự khởi đầu, để tạo nên một nhân vật hết sức đặc biệt: một chàng sumô không thể béo…

Với cuốn sách đậm chất ngụ ngôn này, Éric-Emmanuel Schmitt đã chứng tỏ một điều: sách mỏng không đồng nghĩa với sách nhẹ ký.

5 đánh giá cho Chàng Sumo Không Thể Béo

  1. Ngô Thanh Tùng

    Cuốn sách “Chàng sumo không thể béo” có ảnh bìa khá sặc sỡ và cái tên gây tò mò buộc bạn đọc phải cầm lên và tìm hiểu về nó. Cuốn sách khá mỏng, chỉ 100 trang, mỏng như thân hình của nhân vật chính trong truyện – cậu bé Jun 15 tuổi, nhưng tầng tầng lớp lớp nội dung ý nghĩa của nó lại vô cùng sâu sắc, cũng giống như lời nhận xét của ông lão mỗi khi nhìn thấy Jun lại nói: “Ta thấy một người to lớn trong cậu.” Từ câu chuyện của cậu bé Jub đã mở ra cho ta một xã hội Nhật Bản đang sống vội vàng, công nghiệp khiến con người ta trở nên trầm mặc, xa cách cùng những suy nghĩ u ám, tiêu cực. Nhưng những giá trị truyền thống chính là liều thuốc giúp họ vượt qua những khó khăn ấy. Từ một cậu nhóc gầy gò xanh xao và bất cần đời, Jun đã có được ý chí để trở thành một lực sĩ Sumo thực sự, vượt qua nỗi mặc cảm bản thân, vượt qua những suy nghĩ cay nghiệt về cuộc đời. Câu chuyện của cậu thật giản dị, đời thường nhưng đã đem đến cho chúng ta một bài học nhân văn sâu sắc. Hãy cùng nghiền ngẫm cuốn sách nhr này và rút ra những chiêm nghiệm cho chính bản thân mình bạn nhé.

  2. My Books

    Lúc đầu cầm sách lên, đọc tựa đề mình cứ nghĩ đây là câu chuyện được viết bởi một tác giả người Nhật, nhưng khi nhìn tên tác giả thì lại là một người ở phương Tây, thế nhưng giọng văn và cách thể hiện tâm trạng, suy nghĩ và cả những lời độc thoại nhân vật cũng vẫn mang phong cách như trong những tác phẩm của Nhật mình đã đọc. Có lẽ tác giả đã tìm hiểu rất kỹ về cuộc sống và cả tâm lý của người Nhật. Đây là một câu chuyện giống như truyện ngụ ngôn thời hiện đại, tuy ngắn nhưng đã truyền tải được một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Cậu bé Jun ngày nào nay đã tìm được chính mình, biết cách sống hạnh phúc và biết mình đang tìm kiếm điều gì. Đặc biệt là cậu tìm lại được tình yêu với người mẹ mà trước đây do hiểu nhầm mà cậu đã dứt bỏ.

  3. Phạm Thành Trung

    Mình đã chọn mua cuốn sách này vì cái tên nghe quá ấn tượng: “Chàng Sumo không thể béo”. Đây là một câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, chan chứa tình yêu thương, được tác giả thể hiện một cách ngắn gọn, đơn giản, súc tích và tinh tế. Mình cảm thấy rất đồng cảm với Jun, cậu bé gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, nhưng luôn cố gắng bước đi trên chính đôi chân mình. Hình ảnh “chàng Sumo không thể béo” như một ẩn dụ mà tác giả gửi gắm, rằng bên trong mỗi con người nhỏ bé chúng ta đều có một con người khác to lớn, mạnh mẽ, kiên cường, chỉ chờ chúng ta đến khám phá và khơi dậy.
    Cuốn sách này làm mình xúc động và rất yêu thích!

  4. Angelina Borrison

    Tôi được một người bạn giới thiệu cho cuốn sách này. Con bé bảo: “Người tự kỉ như chị nên dùng quyển sách này gối đầu giường”.
    Và tôi tìm mua nó.
    Thoạt đầu, tôi không hiểu cuốn sách mỏng như vậy có thể nói lên được điều gì nhưng càng đọc, tôi càng bị nó cuốn hút.
    Tôi thích cách viết của Éric Emmanuel Schmitt: tinh tế, nhẹ nhàng, súc tích, nhấn ở chỗ cần nhấn và ẩn sau những câu chữ giản đơn, nhẹ nhàng là cả một bài học quý giá, nhất là đối với tôi, một kẻ dị ứng với tất cả mọi thứ vì những đau buồn đã qua, sống khép mình, cứ mặc kệ số phận nhưng lại luôn buồn rầu vì nó thay vì cố gắng thoát ra khỏi mớ bòng bong đang vây lấy mình.
    Tôi đồng cảm với Jun, người luôn biết rằng cuộc sống của mình vô cùng thảm hại, thảm hại tới nỗi phải tự hỏi mình có xấu hổ không khi phải sống như thế nhưng lại không tìm cách thay đổi nó mà cứ làm như thể nó là chuyện đương nhiên… Rồi sư phụ Shomintsu đến: ông nghiêm khắc vừa đủ, lắng nghe vừa đủ, khích lệ vừa đủ, tĩnh tâm một cách lạ kì. Ông không đưa tay kéo Jun ra khỏi những rắc rối của cậu mà dạy cậu cách tự đứng lên trên chính đôi chân của mình. Một người thầy hết sức tuyệt vời.
    Qua câu chuyện của Jun, tôi đã học được cách dựa vào chính bản thân mình, không đổ lỗi cũng như không đầu hàng số phận như một ai đó đã từng nói: “người chơi đàn ko nên chê đàn hỏng, nông dân mất mùa đừng đổ tại nắng mưa”
    Giờ thì cuốn sách này đã thực sự là cuốn sách gối đầu giường của tôi và tôi đã có thể mỉm cười mà nói rằng : “tôi nhìn thấy một con người to lớn trong tôi.
    Cám ơn Éric Emmanuel Schmitt rất nhiều.

  5. Trần Thị Bích Ngọc

    Quyển sách này rất ngắn. Nó giống một câu truyện ngụ ngôn với đầy những triết lý của thời hiện đại. Có lẽ nội dung cũng dễ đoán thôi nhưng lại hay ở những câu văn đầy xác đáng rõ ràng, có chút hài hước mà cũng có chút đắng cay, những lời độc thoại của Jun. Hay những câu nói đầy triết lý của ông già dở người chủ một lò vật nhưng lại Thiền, ông Shomitsu. Chất phương Đông hòa quyện trong từng trang sách, khó mà nhận thấy người viết lại đến từ một nền văn hóa khác. Mạch truyện ngắn nên vì thế cũng nhanh, đọc mà cảm giác hơi tiêc tiếc…

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button