Chiếc Lá Cuối Cùng

(5 đánh giá của khách hàng)

Chính cuộc sống của O.Henry đã thúc đẩy ông đi vào văn học và cũng chính cuộc sống đã đưa vào tác phẩm của ông những nhân vật mà ông đã từng quan sát, gần gụi, thông cảm, thân thiết trên những chặng đường ông trải qua.

Danh mục:

Giới thiệu

O.Henry là một trong những bậc thầy của thế giới về truyện ngắn. Ông không có cái thâm trầm sâu xa về mặt tư tưởng, không có tầm rộng lớn về mặt khái quát, điển hình hoặc tính sắc bén trong phê phán xã hội đương thời như hai văn hào Nga và Pháp. Nhưng tên tuổi và tác phẩm của ông vẫn tồn tại mãi trong sự ưa thích và mến chuộng của người đọc khắp nơi trên thế giới.

Vì niềm tin của ông vào con người và cuộc sống, vì cái nhìn vui vẻ và yêu đời của ông trước những thăng trầm của số phận con người, đặc biệt là những con người nghèo khổ, thất thế, bất hạnh.

Chính cuộc sống của O.Henry đã thúc đẩy ông đi vào văn học và cũng chính cuộc sống đã đưa vào tác phẩm của ông những nhân vật mà ông đã từng quan sát, gần gụi, thông cảm, thân thiết trên những chặng đường ông trải qua.

Và có lẽ chính những trải nghiệm thực đó, đã kết nối tâm hồn ông vào cuộc sống, hòa quyện vào văn học, tạo nên những tác phẩm bất hủ trong lòng đọc giả trong hàng thập kỷ.

Đọc thử

Món quà của các đạo sĩ

(The Gift of the Magi)

Một đô-la tám hào bảy xu. Tất cả chỉ có thế. Trong đó sáu hào là tiền xu. Những đồng xu dành dụm được bằng cách cò kè ráo riết với lão chủ hiệu tạp hóa, người bán rau, ông hàng thịt cho đến lúc má phải nóng rát lên vì thái độ thầm dè bỉu là keo kiệt do cái lối mặc cả quá chặt chẽ ấy gây ra. Đó là lần Della đếm đi đếm lại số tiền. Một đô-la tám hào bảy xu. Thế mà ngày mai đã là Noel rồi.

Rõ ràng là chẳng còn làm được gì khác ngoài việc gieo mình xuống chiếc giường nhỏ tồi tàn mà gào khóc. Và Della đã làm như vậy. Tình cảnh này khiến người ta phải triết lý rằng cuộc đời chỉ toàn là những tiếng nức nở, những tiếng khóc thét và những nụ cười, trong đó những tiếng thét chiếm nhiều hơn cả.

Trong lúc bà chủ nhà đang nguôi dần từ nức nở chuyển sang thút thít, mời bạn hãy ngó qua căn buồng. Một căn buồng thuê tám đô-la một tuần với cả đồ đạc. Đúng ra, không phải là không thể mô tả được căn buồng, nhưng chắc chắn là nó phải đề phòng đội cảnh sát bắt ăn mày đến kiểm soát.

Trong phòng đợi ở tầng dưới, có một hòm thư và một cái nút chuông, nhưng hòm thì chẳng bao giờ có lấy được một bức thư bỏ vào, còn chuông thì chẳng hề có ngón tay người ấn nút, réo chuông. Ở đấy còn có một tấm thiếp mang tên “Ông James Dillingham Young”.

Thời kỳ sung túc trước đây, khi chủ nó còn được trả ba mươi đô-la một tuần, tấm thiếp “Dillingham” đã theo gió bay đi khắp nơi. Bây giờ thu nhập co lại chỉ còn hai mươi đô-la thì những chữ Dillingham nom cũng mờ đi như thể thật sự muốn thu mình lại chỉ còn lại một chữ “Đ” khiêm tốn và nhũn nhặn. Nhưng mỗi khi ông James Dillingham Young về đến nhà, leo lên tới buồng mình trên gác, ông ta vẫn được bà James Dillingham Young – đã được giới thiệu với các bạn là Della, – ôm choàng lấy mà gọi là “Jim”[2]. Và như thế thật là hạnh phúc.

Della thôi không khóc nữa và lấy núm bông đánh phấn sửa sang lại đôi má. Cô đứng bên cửa sổ, ủ dột nhìn con mèo xám đang đi trên hàng rào màu xám trong cái sân cũng một màu xám xịt. Ngày mai đã là Noel rồi, thế mà cô chỉ có một đô-la tám hào bảy xu để mua quà tặng Jim. Cô đã hết sức dành dụm từng xu một hàng bao nhiêu tháng trời. Vậy mà kết quả chỉ được có thế. Hai mươi đô-la một tuần chẳng được mấy nỗi. Chi tiêu đã vượt quá mức cô dự tính. Bao giờ cũng vậy. Chỉ có một đô-la tám hào bảy xu để mua quà tặng Jim. Jim của cô. Cô đã bỏ ra không biết bao nhiêu giờ sung sướng dự tính mua một cái gì thật đẹp cho Jim. Một cái gì đẹp, hiếm, có giá trị thật sự, một cái gì có thể tạm xứng đáng với vinh dự được là của Jim.

Trong phòng giữa hai cửa sổ có gắn một tấm gương dài. Có lẽ các bạn đã từng trông thấy một cái gương dài gắn vào tường trong một căn buồng giá thuê tám đô-la một tuần. Một người thật mảnh dẻ và thật nhanh nhẹn, có thể có được một ý niệm khá chính xác về dung mạo của mình bằng cách ngắm bóng mình qua một loạt hình ảnh phản chiếu rất nhanh trên gương thành những vệt dài. Della thanh mảnh nên đã nắm vững được nghệ thuật soi gương ấy.

Bỗng cô rời cửa sổ quay ngoắt lại đến đứng trước gương. Mắt cô sáng lên long lanh, nhưng chỉ hai mươi giây sau, sắc mặt cô đã tái nhợt. Cô vội xổ tóc ra cho xõa xuống.

Xin nói rằng vợ chồng James Dillingham Young có hai vật sở hữu mà cả hai đều rất đỗi tự hào. Một là chiếc đồng hồ vàng của Jim đã từng là của cha và của ông nội anh. Hai là bộ tóc của Della. Giả sử như nữ hoàng xứ Sheba[3] sống ở căn phòng phía bên kia đường phố hẹp như một ống thông hơi thì có ngày Della sẽ xõa tóc hong khô trước cửa sổ để hạ giá trị tất cả châu báu, tặng phẩm của nữ hoàng. Ví thử, Solomon[4] là bác gác cửa, có kho tàng của cải chất đầy dưới hầm thì mỗi lần đi qua, Jim sẽ rút đồng hồ ra để được thấy nhà vua phải bứt râu vì ghen tị.

Cho nên lúc này bộ tóc đẹp của Della xõa xuống, gợn sóng và óng ả như một thác nước màu đen. Tóc dài tới quá đầu gối và hầu như tạo thành một chiếc áo dài cho cô vậy. Rồi Della lại run run cuốn vội tóc lên. Cô ngập ngừng trong giây lát và đứng im, một hai giọt nước mắt nhỏ xuống tấm thảm đỏ đã sờn.

Cô khoác vội chiếc áo cũ màu nâu, chụp vội chiếc mũ cũ màu nâu lên đầu. Tà váy tung lên, khóe mắt vẫn còn tia sáng long lanh, cô như bay ra khỏi phòng, bay xuống cầu thang, ra phố.

Nơi cô dừng lại có một tấm biển đề “Bà Sofronie. Hàng bằng tóc đủ các loại”. Della chạy một mạch lên cầu thang, rồi trấn tĩnh lại, thở hổn hển. Bà chủ to béo, trắng bệch, lạnh lùng, trông chẳng có vẻ gì giống cái tên “Sofronie”:

– Bà có mua tóc của tôi không? – Della hỏi.

– Tôi mua, – bà chủ đáp. – Chị bỏ mũ ra cho tôi xem tóc chị thế nào.

Cái thác nước màu nâu đổ xuống gợn sóng.

– Hai mươi đô-la, – bà chủ vừa nói vừa nâng mớ tóc lên với một bàn tay thành thạo.

– Bà đưa tiền đây cho tôi nhanh lên, – Della nói.

Ôi, hai tiếng đồng hồ sau đó đã trôi qua trên đôi cánh màu hồng. Xin các bạn hãy bỏ quá cho cái lối ví von lộn xộn ấy. Cô sục sạo các cửa hàng để tìm quà mua tặng Jim.

Cuối cùng, cô đã tìm thấy. Rõ ràng là người ta đã làm ra nó để dành cho Jim chứ không phải một ai khác. Không có gì sánh được với nó ở bất cứ một cửa hàng nào. Mà cô thì đã lục lọi tanh bành tất cả các cửa hàng rồi. Đó là một chiếc dây đeo đồng hồ bằng bạch kim, kiểu giản dị và thanh nhã, tự thực chất của nó thôi cũng đã nói lên đầy đủ giá trị của nó rồi, chứ không phải vì cái lối trang sức hào nhoáng bên ngoài, mọi vật quý đều phải như thế. Ngay cả với chiếc đồng hồ của Jim nó cũng xứng đáng. Vừa nhìn thấy nó, cô biết ngay rằng nó phải là của Jim. Nó cũng giống như Jim, trầm tĩnh và quý giá. Sự mô tả này hợp với cả hai. Cô đã phải trả mất hai mươi mốt đô-la, rồi hối hả trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại. Có chiếc dây này móc vào đồng hồ, Jim có thể đàng hoàng xem giờ trước bất kỳ một ai. Chiếc đồng hồ quý giá là thế, vậy mà nhiều khi anh ấy cũng phải len lén xem giờ vì không có dây, anh phải dùng một mẩu dây da cũ.

Khi Della về đến nhà thì cảm giác say sưa của cô đã phần nào nhường chỗ cho dè dặt và lý trí. Cô lấy cái cặp uốn tóc ra, đốt bếp hơi lên rồi bắt tay vào việc sang sửa lại những tàn phá do lòng rộng rãi cộng với tình yêu đã gây ra. Việc này bao giờ cũng là một công việc to tát, các bạn ạ, một công việc khổng lồ.

Bốn mươi phút sau, đầu cô đã như đầy những món tóc loăn xoăn vào nhau, khiến cô trông giống hệt một cậu học trò lười hay trốn học. Cô nhìn bóng mình trong gương một hồi lâu, chăm chú và xét nét.

“Nếu Jim không giết mình trước khi nhìn lại mình lần thứ hai, – cô tự nhủ, – thì anh ấy sẽ bảo là mình giống một cô gái của đội hợp xướng ở Đảo Coney[5]. Nhưng mình làm gì được, ôi, mình có thể làm gì được với một đô-la tám hào bảy.”

Đến bảy giờ cà phê đã pha xong, chảo đã đặt lên lò, đã nóng và sẵn sàng để rán món sườn.

Jim không bao giờ về chậm. Della gập chiếc dây đeo đồng hồ trong lòng bàn tay và ngồi vào góc bàn, chỗ gần cửa mà Jim thường vẫn đi vào. Rồi còn nghe thấy tiếng chân anh ở tầng dưới, trên cầu thang thứ nhất và trong giây lát, mặt cô tái nhợt. Cô thường có thói quen cầu nguyện thầm về những việc đơn giản nhất hàng ngày và lúc này cô thì thầm: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy làm cho anh ấy nghĩ rằng con vẫn đẹp”.

Cửa mở, Jim bước vào rồi đóng cửa lại, trông anh gầy gò và rất nghiêm trang. Tội nghiệp, mới có hai mươi hai tuổi đầu mà anh đã phải nặng gánh gia đình. Anh cần một chiếc áo khoác mới, lại găng tay nữa anh cũng không có.

Jim dừng lại bên cửa, đứng im không nhúc nhích như một con chó săn khi đánh hơi thấy chim cun cút. Mắt anh nhìn Della chằm chằm, làm cô hoảng sợ, không phải giận dữ, hay ngạc nhiên, hay chê trách, cũng chẳng phải là kinh tởm hay bất cứ một thứ tình cảm nào mà cô đã chuẩn bị chờ đón. Anh chỉ giương mắt nhìn cô trừng trừng với cái vẻ mặt lạ lùng ấy.

Della vùng dậy rời khỏi bàn, đến bên chồng.

– Jim, anh yêu quý, – cô kêu lên, – đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc bán rồi, vì em không thể nào sống qua được Noel mà không có chút quà gì để tặng anh. Rồi tóc em sẽ mọc lại, anh đừng giận em, anh nhé! Em buộc lòng phải làm thế. Tóc em mọc nhanh lắm. Thôi, Jim, anh hãy nói “Chúc mừng Noel” đi, và chúng ta hãy vui lên. Anh biết không, em đã mua tặng anh một món quà rất tuyệt, một món quà rất đẹp, rất tuyệt.

– Em đã cắt tóc mất rồi à? – Jim hỏi như rặn ra từng lời, tựa hồ anh vẫn chưa nắm được sự việc hiển nhiên ấy ngay cả sau khi đã suy nghĩ rất vất vả.

– Đã cắt tóc và đã bán rồi, – Della nói. – Dẫu sao anh vẫn yêu em chứ? Không còn tóc thì em vẫn là em kia mà, phải không anh?

Jim nhìn quanh phòng một lát lạ lùng.

– Em bảo là em đã bán tóc đi rồi à? – anh hỏi vẻ gần như ngớ ngẩn.

– Anh tìm làm gì, – Della nói. – Bán rồi, em đã nói với anh là bán mất rồi mà. Đêm nay là đêm Noel anh ạ. Hãy yêu em vì em bán tóc đi là vì anh đấy. – Rồi cô nói tiếp, giọng bỗng nhiên nghiêm trang và dịu dàng. – Tóc trên đầu em họa chăng có thể đếm được, nhưng không ai có thể đếm được tình yêu của em đối với anh. Jim, em đi rán sườn nhé!

Jim như mau chóng tỉnh khỏi cơn mê. Anh ôm lấy Della của anh, trong mười giây đồng hồ, chúng ta hãy kín đáo quay đi phía khác xem xét một vật gì đó không quan trọng mấy. Tám đô-la một tuần hay một triệu một năm, có gì là khác nhau kia chứ? Một nhà toán học hoặc một nhà thông thái sẽ cho bạn một câu trả lời sai. Các đạo sĩ đã đem những món quà quý tới, nhưng trong số đó không có món quà ấy. Điều khẳng định tối mò này sẽ được làm sáng tỏ dưới đây.

Jim lấy trong túi áo khoác ra một gói nhỏ, ném lên bàn và hỏi:

– Không, Della ạ, đừng hiểu lầm về anh. Anh không hề có ý nghĩ cho rằng một kiểu cắt tóc, một kiểu cạo hay một kiểu gội có thể làm anh bớt yêu em của anh đi một chút nào. Nhưng nếu em mở cái gói này ra em sẽ thấy tại sao lúc đầu em làm anh sững sờ như thế.

Những ngón tay trắng trẻo nhanh nhẹn cắt đứt sợi dây buộc và xé giấy gói. Tiếp theo là một tiếng rú vui mừng đến cực độ, rồi hỡi ôi, sau đó là một sự biến đổi mau lẹ vốn dĩ của nữ giới chuyển sang những giọt nước mắt xúc động và những tiếng rên rỉ, đòi hỏi vị chủ nhà phải sử dụng ngay tất cả mọi khả năng an ủi, dỗ dành của mình.

Vì rằng nằm trên bàn kia là những chiếc lược. Một bộ lược dùng để cài hai bên và đằng sau, mà Della đã say mê từ lâu trong một cửa hàng ở Broadway. Những chiếc lược tuyệt đẹp, bằng đồi mồi thật, viền nạm đá quý, đúng là thứ để cài trên bộ tóc đẹp đã mất. Đó là những chiếc lược rất đắt tiền. Della biết vậy và cô chỉ dám tơ tưởng, ao ước trong lòng mà không hề có một chút hy vọng nào có được những chiếc lược ấy. Và giờ đây, chúng đã là của cô, nhưng những bím tóc đáng lẽ được trang điểm bằng những đồ trang sức hằng khao khát ấy thì lại không còn nữa.

Nhưng Della vẫn ôm lấy những chiếc lược vào lòng và mãi về sau cô mới ngước đôi mắt mờ lệ nhìn lên và mỉm cười nói:

– Tóc em mọc nhanh lắm, anh Jim ạ!

Bỗng cô choàng bật dậy như một con mèo phải bỏng kêu to “Ôi, ôi!”

Jim vẫn chưa được trông thấy món quà tuyệt đẹp tặng anh. Cô bỗng xòe rộng bàn tay chìa ra chất kim loại mờ mờ quý giá như được nhiệt tình rạng rỡ và sôi nổi của cô rọi vào, sáng lóe lên.

– Trông đẹp đấy chứ, có phải không Jim? Em đã đi lùng khắp thành phố mới tìm được đấy. Từ nay anh sẽ phải xem giờ mỗi ngày một trăm lần đấy nhé. Anh đưa đồng hồ đây cho em. Em muốn xem đeo sợi dây này vào, nó sẽ ra thế nào?

Jim không làm theo lời Della mà lại nằm lăn ra giường, chắp hai tay vào sau gáy, mỉm cười bảo:

– Della, ta hãy dẹp những món quà Noel của chúng ta lại, để chúng đấy một thời gian. Những món quà ấy đẹp quá chưa thể dùng ngay bây giờ được. Anh đã bán chiếc đồng hồ để lấy tiền mua lược cho em rồi. Nào, bây giờ thì em hãy rán sườn đi, được không?

Như các bạn đều biết, các vị đạo sĩ là những con người khôn ngoan, khôn ngoan tuyệt vời, đã mang quà đến tặng đức chúa hài đồng nằm trong máng lừa. Các vị ấy đã phát minh ra nghệ thuật tặng quà Noel. Các vị ấy là những con người khôn ngoan, cho nên nhất định là quà của các vị ấy cũng khôn ngoan, đem sao chép lại còn có thể có ưu điểm là đổi chác được. Ở đây, tôi đã kể lại một cách vụng về cho các bạn nghe câu chuyện không có gì lấy làm ly kỳ về hai đứa trẻ ngốc nghếch sống trong một căn buồng nhỏ, đã hy sinh cho nhau một cách chẳng khôn ngoan tí nào những của cải quý giá nhất trong nhà. Nhưng để nói một lời chót với các kẻ khôn ngoan thời buổi ngày nay, ta hãy khẳng định rằng trong số tất cả những người tặng quà thì hai người ấy là những người khôn ngoan nhất. Trong số tất cả những người tặng và nhận quà, những người như họ cũng là những người khôn ngoan nhất. Ở bất cứ đâu họ cũng là những người khôn ngoan nhất. Chính họ là những đạo sĩ.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Chiếc Lá Cuối Cùng

  1. Pham Thị Nhung

    Ô Hen-ry quả thực là bậc thầy về truyện ngắn. Có trong tay cuốn tuyển tập truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của ông là một lựa chọn tuyệt vời. Mình thấy truyện của ông cốt truyện dung dị nhưng dưới ngòi bút tài hoa chúng hiện lên chân thực, đẹp đẽ đến không ngờ và đặc biệt phong cách kết bất ngờ khiến chính mình phải ngạc nhiên, nhiều khi là buồn nhiều hơn vui, nói chung rất thú vị. Nhưng đây là cuốn sách hay, một lăng kính đẹp. Tuy không hướng đến thị hiếu đọc người trẻ nhưng cuốn sách này có rất nhiều truyện ngắn khá hài hước và thú vị, rất đáng đọc!

  2. Thanh Thủy

    Chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm hết sức ý nghĩa và mang đầy tính nhân văn. Người họa sĩ già đã không ngại mưa gió để vẽ nên một kiệt tác đó chính là chiếc lá cuối cùng trên cành cây trên bức tường đối diện với căn phòng Giônxi_ cô gái bị bệnh nặng. Cong người ấy với trái tim đầy lòng thương cảm đã vực dậy, đã làm sống lại một con người tưởng chừng như đang gục ngã dưới bệnh tật. Chính vì lòng thương cảm mà cụ Bơ men đã làm nên một kiệt tác mang đầy tính nhân văn và nó sống mãi với thời gian.

  3. Hà Thảo

    Chiếc lá cuối cùng của O’Henry là một tác phẩm đầy tính nhân văn. Truyện kể về cuộc sống của những người nghệ sĩ nghèo trong đó có cả Sue, Johnsy và cụ Berhman. Mọi thứ bắt đầu kể từ khi Johnsy mắc phải chứng bệnh sưng phổi nặng. Bệnh tật, nghèo khó, tất cả mọi thứ tạo thành sự tuyệt vọng khiến cô mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cô nghĩ cuộc sống của cô cũng sẽ giống như những chiếc lá thường xuân ngoài kia, khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống thì cuộc sống của cô cũng sẽ chấm hết. Nhưng cụ Berhman đã không để điều đó xảy ra, vào đêm mà chiếc là thường xuân cuối cùng ấy đáng lẽ phải rơi thì ông đã vẽ một chiếc lá khác thay thế vào đó. Cho dù việc làm này phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Cũng chính sự hy sinh đó đã tiếp thêm nghị lực sống cho Johnsy, để cô có thể hoàn cảnh tuyệt vọng của bản thân

  4. Tú Ly

    Câu chuyện về những tâm hồn đẹp giữa cuộc sống đầy nghiệt ngã, tình yêu thương, niềm tin giữa con người với con người hay chính là bức thông điệp khẳng định sứ mạng và sức mạnh của nghệ thuật chân chính đó là những gì “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry đem đến. Với “chiếc lá cuối cùng”- kiệt tác duy nhất của đời mình, cụ Bơ-men đã giành lại Giôn-xi từ tay thần chết. Cụ Bơ-men đã vẽ chiếc lá đó bằng cả trái tim, người hoạ sĩ già khốn khổ ấy không có quyền năng tối thượng của Thượng đế, nhưng ông có một trái tim giàu lòng thương cảm. Một câu chuyện đầy ý nghĩa! Người hoạ sĩ già Bơ-men là hiện thân của sự cao thượng, lòng vị tha, đức hy sinh của một con người chân chính đã làm bùng lên sự sống tưởng như đã tắt trong tâm hồn một cô gái trẻ, làm thế nào để cô thôi không bị ám ảnh bởi quy luật lạnh lùng của tạo hoá, để rồi vươn lên giữa cuộc đời bằng chính sức sống tiềm tàng trong tâm hồn cô. Đó là lúc người hoạ sĩ già ấy hiểu thấu sứ mạng vinh quang và cao cả của nghệ thuật: hướng về con người chứ không phải là nhằm tạo chút danh tiếng hão huyền, nghệ thuật chỉ thật sự bắt đầu khi sáng tạo của người nghệ sĩ giúp ích cho đời.

  5. Trương Trần Trung Hiếu

    Thật khó để nhận xét cả tập truyện ngắn này vì tôi chỉ được tiếp xúc với truyện chủ đề trong tập sách, Chiếc lá cuối cùng, qua chương trình ngữ văn trong nhà trường. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Truyện của O. Henry ngắn gọn và dung dị, nhưng sau sự đơn giản ấy, cả một thực tế xã hội được vẽ ra đậm nét. Truyện của ông giàu tính nhân văn, đầy cảm hứng, mang lại tình yêu cuộc sống cho người đọc. Sự hy sinh, lòng vị tha và sự trân trọng từng phút giây cuộc sống là những gì tôi nhận ra từ trang viết của ông.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button