Chúa Ruồi

(5 đánh giá của khách hàng)

Quyển sách là một câu chuyện về một đám trẻ bị lạc ở đảo hoang, nơi mà chúng phải tìm cách mà sống và sinh tồn. Những tranh cãi, mâu thuẫn dần đẩy lên cao trào và tiến gần đến bạo lực. Bạn sẽ lặng đi ở trang sách cuối cùng. Hãy suy ngẫm về điều đó!

Danh mục:

Trong một cuộc chiến tranh nguyên tử, mấy chục đứa trẻ chưa đến tuổi thiếu niên “may mắn” sống sót trên một hoang đảo sau khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn. Chúng tập họp dưới bầu trời Nam Thái Bình Dương nắng gắt, chia sẻ gánh nặng và đặt niềm tin vào thủ lĩnh. Nhưng rồi, cái đói và thiên nhiên khắc nghiệt từng bước vắt kiệt bọn trẻ. Bản năng sinh tồn đã dần bóp nghẹt sự ngây thơ – từ đây thực tại của chúng tan hòa vào ác mộng. Một câu truyện ngụ ngôn đau đớn và hãi hùng, ngập tràn những tư tưởng ẩn sâu dưới hàng hàng lớp lớp ẩn dụ và biểu tượng.

Với Chúa ruồi, một câu chuyện phiêu lưu đầy ám ảnh, một kiệt tác văn học kinh điển, William Golding đã khiến các nhà phê bình văn học hao tổn giấy mực chỉ để tranh luận về một vấn đề: Có thực “nhân chi sơ tính bản thiện” hay chăng là… ngược lại?

Tác phẩm xuất sắc này đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel năm 1983.

5 đánh giá cho Chúa Ruồi

  1. Nguyễn Thiên Tường

    Một đám trẻ trai Anh Quốc gặp tai nạn máy bay nhưng may mắn thoát chết khi máy bay rơi xuống một hoang đảo ở Nam Thái Bình Dương. Ralph, một trong hai đứa lớn nhất, được bầu làm sếp nhờ sở hữu chiếc tù và vỏ ốc.
    Nhưng rồi trật tự trong thế giới trẻ con ấy nhanh chóng bị lung lay. Mong muốn duy trì ngọn lửa và khói hiệu (lời cầu cứu thế giới) của Ralph bắt đầu mâu thuẫn với công cuộc săn heo kiếm thịt của Jack. Và một cuộc chiến nổ ra.
    Chúa Ruồi quả đúng là một câu chuyện ngụ ngôn rúng động về sự lộng hành của Cái Ác. Một tác phẩm đáng đọc (và không quá khó đọc của một tác giả Nobel).

  2. Trương Vi

    câu truyện bắt đầu một cách nhẹ nhàng, tươi tắn, một không gian không có người lớn, không phải lo nghĩ, tham hồ vui tươi là thứ mà đứa trẻ nào cũng mong muốn. Nhưng dần dần khi những lề luật biến mất, việc cư xử biến mất thay vào đó là sự nuông chiều thân xác làm cho mọi thứ tệ đi, những đứa trẻ dần trở thành “mọi rợ” và thích thú với việc chuyển mình đó mà không phải đắn đó suy nghĩ. Việc chuyển mình cứ từ từ chầm chậm đầu tiên chỉ đơn giản là vẽ mặt, nhảy múa, đốt lửa nhưng từ từ nó phát triển lên việc giết người mà không một chút ân hận.
    Chúa Ruồi mặc dù kết chuyện có hậu nhưng nội dung làm cho người ta suy ngẫm liệu có phải bản chất của còn người là độc ác, mọi rợ.

  3. Nguyen Thuy

    Chúa ruồi là một tác phẩm đã khiến tôi dẹp bỏ định kiến đối với những tác phẩm kinh điển. Bởi cái triết lý về sống còn dường như còn quá rõ ràng để có thể được gọi là quá cũ, để có thể bị lãng quên vào thời gian. William Golding khéo léo cho một câu truyện rùng rợn (hay nói đúng hơn là một tấn bi kịch) thành một vở kịch giữa những cậu bé nhí nhố, chưa biết gì về sự đời. Tôi chợt nghĩ về bản thân mình, về cuộc sống xung quanh. Bởi có lẽ, đâu đó trên con đường đời, tôi cũng đã đâm chết, cũng đã giẫm nát một ai đó. Thật ớn lạnh xương sống!

  4. Dương Diệu Huyền

    Ấn tượng đầu tiên của tôi về Chúa Ruồi là câu hỏi ấy. Mặc dù không hiểu rõ lắm nhưng không hiểu tại sao câu hỏi đó cứ vang mãi trong đầu. Khi nghe được bất kỳ câu nói nào về bản tính con người trong đầu tôi đều hiện lên câu hỏi đó.

    Đây là cuốn sách đầu tiên khiến tôi như lao vào internet tìm về “nhân chi sơ” rồi ngồi thừ ra suy nghĩ về nó.

    Có quá tàn nhẫn không khi gán ghép cái bản tính độc ác đó cho những đứa trẻ sơ sinh chưa hề biết gì? Vậy thì thiện là nhờ ai và ác là do đâu? Quá mâu thuẫn. Tại sao tội phạm và những hành vi vô đạo đức ngày một tăng trong cái xã hội ngày một tiến bộ này? Tại sao đời sống ngày một nâng cao mà tội phạm lại không hề giảm? Tại sao một người được nuôi nâng đàng hoàng lại có thể bất chấp tất cả, thậm chí là giết người đốt nhà… chỉ để thõa mãn bản thân?

    Đọc, suy ngẫm, có quá nhiều câu hỏi, không ai trả lời được sao? Thành ra tự vấn mình, rồi bỏ dở ở đó…
    Nếu thực sự là ‘nhân chi sơ tính bổn ác’ thì có nói gì cũng chẳng thay đổi được điều đó. Duy chỉ có điều ta đang làm đây là ‘hướng thiện’ hay ‘hướng ác’? Đó mới là câu trả lời.

    Đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên của một tác giả đạt giải Nobel tôi có thể đọc một cách trơn tru đến vậy.

  5. Tăng Long

    Cuốn sách là một phép thử. Khi ta đem một đám trẻ con lên một đảo hoang và xem chúng sẽ đi theo hướng nào? Sẽ cư xử theo những bản năng cơ bản nhất hay tiếp tục theo cái cách mà chúng đã được giáo dục trước đây? Cần phải nói thêm, đối tượng của phép thử ở đây là những đứa trẻ đã đủ lớn để có thể tự xây dựng một xã hội cơ bản nhưng chưa hoàn toàn trưởng thành để những gì chúng được giáo dục trước đây có thể bám rễ sâu, rộng.
    Cuối cùng thì bản năng dường như đã thắng khi mà phần lớn chúng đều bất chấp mọi cách để thỏa mãn nhu cầu của mình, thậm chí các cách ấy có gây hại cho những đứa khác.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button