Chuông Nguyện Hồn Ai

(3 đánh giá của khách hàng)

Chuông nguyện hồn ai quả thật là một tác phẩm hiện thực khô khan nhưng không hề nhạt nhẽo. Quyển sách rất dày nhưng câu chuyện chỉ diễn ra trong vỏn vẹn chưa đầy ba ngày, đủ thấy Earnest Hemingway đã viết một cách chân thực, đầy đủ như thế nào. Nói thật là mới ban đầu sẽ cảm thấy chán và nhạt, nhưng càng lúc mình càng bị cuốn hút vào tác phẩm và khi đã gấp sách lại vẫn còn thẩn thờ rất lâu mới lấy lại bình tĩnh. Hãy đọc và cảm nhận chiến tranh cùng nỗi đau nó mang lại cho con người!

Danh mục:

Nhà văn Mỹ lừng danh Ernest Hemingway, tên đầy đủ là Ernest Miller Hemingway, sinh năm 1899 tại Oak Park, bang Illinois, có bố là bác sĩ và mẹ là ca sĩ. E. Hemingway học hành dang dở, chưa qua trung học đã trốn nhà trốn trường bỏ đi kiếm sống, từ làm công ở trang trại, làm túi đấm ở lò quyền Anh đến làm thông tín viên cho tờ “Kansas City Star”… Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, E. Hemingway tình nguyện làm lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ ở vùng Bắc Italy và bị thương tại đó, mở đầu cho hàng trăm vết thương ông mang trên mình khi sống sót bước ra khỏi cuộc chiến.

Sau không mấy thành công với tập truyện ngắn “Trong thời đại của chúng ta” (In Our Time – 1925), E. Hemingway đã lần đầu tiên được người đọc Âu-Mỹ biết đến qua tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises – 1926). Ba năm sau, ông tung ra cuốn “Giã từ vũ khí” (A Farewell to Arms – 1929) làm say lòng bạn đọc trẻ tuổi bởi câu chuyện tình đẹp đẽ mà bi thảm của viên sỹ quan quân đội Đồng Minh và cô nữ cứu thương. Sau đó, bảy năm liền, hầu như ông không viết gì, chỉ mê mải với những trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha, săn sư tử ở châu Phi, câu cá kiếm ở Caribe…Chính là từ những “lang thang” đó, E. Hemingway đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ như “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (The Snows of Kilimanjaro – 1936), “Có và không có” (To Have and Have Not – 1937), “Chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls – 1940), “Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea – 1951). Đó chính là những cuốn tiểu thuyết làm nên cái tên Ernest Hemingway, đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý dành cho Văn học mang tên Nobel vào năm 1954. Khi đó ông đang ở một vùng chài lưới ven biển Cuba, đã không sang Thụy Điển dự lễ trao giải, chỉ gửi tới lời cảm ơn, nói rằng mình vô cùng sung sướng, vô cùng hãnh diện… rồi quần cộc, cởi trần, ông lên thuyền ra biển với bộ đồ nghề câu cá lớn. Phải, ông rất thích câu được những con cá lớn, còn mang được nó lên thuyền, chở được nó vào bờ hay không lại là chuyện ông không nghĩ tới.

Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).

3 đánh giá cho Chuông Nguyện Hồn Ai

  1. Thái Thị Mến

    “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway là một cuốn tiểu thuyết kinh điển, nổi tiếng thế giới và luôn nằm trong top tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. Câu chuyện vô cùng cảm động trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Nó cho tôi nhiều cảm xúc mạnh mẽ, bởi chiến tranh luôn là đề tài ám ảnh nhất với tôi. Tôi cảm nhận được những nỗi mất mác của những người lính, tình yêu Tổ quốc vĩ đại và cả tình yêu sâu đậm trong khói lửa chiến tranh. Lời văn uyển chuyển, sâu sắc, có sức ấn tượng.

  2. Phạm Hương

    Tác phẩm kinh điển đã cứu sống lấy những mảnh đời bất hạnh , trái tim cứu rỗi lấy mọi điểm nhỏ bé của con người sống với chiến tranh , đánh đổi lấy hạnh phúc của cả nhân loại để tìm về cho đất nước giá trị làm thay đổi lòng người mạnh mẽ , quyết liệt dứt bỏ nó trở về miền hoang dã , bức tranh thật tuyệt vời làm ta sống không biết chán ghét cái thứ nhàn nhã đến thực tại còn bất ngờ hơn , tuyệt đối phẳng lặng không tham chiến và nhân cách bị mờ đi sau thời gian tàn khốc

  3. Nguyễn Chi

    Chuông nguyện hồn ai viết về ba ngày cuối cùng của Robert Jordan – một chiến sĩ phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha những năm 1936-1939. Jordan là một người Mỹ yêu tự do, tự nguyện tham gia chiến đấu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít tại mảnh đất Tây Ban Nha mà anh tự coi là có duyên nợ. Ba ngày, trải dài trong gần 500 trang giấy. Trong ba ngày ấy, anh đã sống cả một cuộc đời: Chiến đấu, yêu đương, và sẵn sàng hy sinh vì những gì mình thương mến.

    Thật khó để nói tôi thích lối viết của Hemingway. Nhưng không khó chút nào nếu diễn đạt theo cách này: Khi đọc Chuông nguyện hồn ai, tôi đã rùng mình liên tục, vì những hình ảnh quá trần trụi thực tế, vì những câu thoại quá xuất sắc, vì những triết lý nhân sinh đẹp cứ tự nhiên mà thốt ra bất kể từ miệng một người nông dân, một người đàn bà xấu xí, một ông cụ, hay một anh lính, mà lại hoàn toàn tự nhiên và nhuần nhuyễn. Cả một cuốn tiểu thuyết, câu chữ căng như dây đàn, không một chút dư thừa hay rông dài kể lể. Như thể nhà văn đã rất rất tỉnh táo và lạnh lùng, không bao giờ quên nhiệm vụ của một người kể chuyện.

    Không có kết thúc hào hùng, người trở về trong hoa mừng và nước mắt đâu. Không có cả “máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Không có cái lãng mạn, anh hùng cao đẹp kiểu “chân lý thuộc về ta”. Chiến tranh hiện ra với đầy đủ bộ mặt tàn khốc của nó, ở cả hai bên chiến tuyến: Giết chóc, hành hình, hãm hiếp, cuộc sống chui lủi, thiếu thốn, những cuộc tấn công biết trước sẽ thất bại đẫm máu, những cái “ngày mai” ai cũng biết chỉ là huyễn tưởng… Để chiến thắng thì một trong hai bên phải chết, chết vì bom đạn, hay chết vì đòn gánh trong tay hàng trăm người bu quanh, thì cũng vậy.

    Thế nhưng chính trong cái tàn bạo vô nhân tính đó của chiến tranh, hình ảnh Con Người hiện lên lại đẹp hơn bao giờ hết. Con Người đó có thể học rộng biết nhiều, từng đi đây đó, như Jordan. Cũng có thể chỉ là một mụ đàn bà nanh nọc ít học như Pilar. Có thể là một ông cụ già nua trực tính thích săn bắn và ghét giết người như cụ Anselmo, cũng có thể lươn lẹo láu cá như anh chàng gypsy Rafael. Có thể ngây thơ mộng mơ như Maria, cũng có thể lõi đời tinh quái như El Sordo… dù hiện thân trong nhân vật nào, Con Người ấy cũng rất lý tưởng: trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, không hão huyền mơ ước, họ tiến lên vì niềm tin của họ, như định mệnh của họ phải thế, như một viên đạn bắn ra khỏi nòng súng, căng vút đến hồng tâm của đời mình.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button