Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp

(7 đánh giá của khách hàng)

Với tiết tấu chậm chạp như hành trình của chú ốc sên , nhà văn dẫn người đọc vào một suy nghĩ không mới : khả năng tự khám phá bản thân , lòng dũng cảm , sự hi sinh dần dân đi theo mạch của câu chuyện . phác họa nên lí do chính đáng và tuyệt vời về sự chậm chạm của loài ôc sên , rằng mọi việc trong cuộc sống đều có lí do của nó cùng hành trình dũng cảm khám phá ra nguyên nhân của nó.

Danh mục:

Đây là câu chuyện về một bầy ốc sên sống tại Quê Hương Bồ Công Anh, dưới tán lá ô rô rậm rạp, vốn vẫn sống một cuộc đời chậm chạp, lặng lẽ, và chỉ gọi nhau đơn giản là “sên”, cho tới khi một con trong số chúng nghĩ rằng thật bất công khi không có một cái tên riêng và nhất là nó muốn biết được lý do tại sao loài sên lại chậm chạp đến thế. Bỏ ngoài tai mọi lời chế giễu của những đồng loại đã quá quen với cuộc sống chậm chạp và lặng lẽ vốn có, kẻ “nổi loạn” quyết chí rời xa gia trang ô rô, lên đường kiếm tìm cho mình một cái tên riêng cùng lời giải đáp cho thắc mắc bấy lâu. Trên hành trình ấy, nó gặp một bác rùa già, người đã đặt cho nó cái tên “Dũng Khí” và chỉ cho nó thấy tận mắt một hiểm họa lớn đối với mọi loài sinh vật của đồng cỏ: con người!

Chú ốc sên nhỏ quyết định quay về báo tin cho đồng loại, cùng với đó là cả nhà kiến, bọ hung, và chuột chũi… mà nó gặp trên đường. Chính nhờ sự chậm chạp và gan dạ, “Dũng Khí” đã giúp nhiều sinh vật thoát khỏi nguy hiểm, đồng thời dẫn dắt các anh em của mình vượt qua chặng đường gian khổ, tìm đến một Quê Hương Bồ Công Anh mới, an toàn và đầy hứa hẹn.

Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp là một trong số các tác phẩm thú vị của Luis Sepúlveda dành cho độc giả mọi lứa tuổi, ra đời từ một câu hỏi bất ngờ của cậu cháu trai Daniel trong lúc quan sát một con ốc sên trong vườn nhà: “Ông ơi, tại sao ốc sên lại chậm chạp đến vậy?” Và câu chuyện về “Dũng Khí” – một chú ốc sên trẻ tuổi với một hành trình lưu vong, những cuộc gặp gỡ và sự dấn thân dù đau đớn nhưng vô cùng ý nghĩa đã được dựng lên. Với giọng kể trong sáng, nhẹ nhàng, Luis Sepúlveda mở ra trước mắt chúng ta một thế giới thiên nhiên gần gũi, sinh động, ẩn chứa một câu chuyện ngụ ngôn mang triết lý sâu xa về cuộc sống, về bản chất mỗi loài, lòng dũng cảm, khát vọng và nhu cầu khẳng định cái tôi. Sẽ không bất ngờ khi tác phẩm mới nhất của nhà văn Chilê này sẽ chinh phục được trái tim của mọi độc giả trẻ em và người lớn.

7 đánh giá cho Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp

  1. Huỳnh Thị Thanh Nhân

    Tôi đọc cuốn sách trong vòng khoảng hơn tiếng đồng hồ và hầu như không nắm được giá trị những bài học trong cuốn sách. Tôi bắt đầu cảm thấy lạ vì đây là tác phẩm nổi tiếng được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ nhưng lại không đem lại cho tôi ấn tượng nào. Và vì tôi là một người chậm hiểu. Sau này, có những thứ diễn ra trong cuộc sống, những chuyện trong quá khứ gợi lại, tôi mới bắt đầu thấm dần tư tưởng mà cuốn sách truyền đạt. Bạn không cần phải nhanh nhẹn như một số người để có thể đáp ứng xu hướng hướng ngoại của xã hội bây giờ. Bạn chậm chạp không có nghĩa là bạn không có tài năng, bởi vì chính sự chậm chạp đó mới tạo nên con người của bạn bây giờ, tạo nên tất cả những thứ bạn có, bạn bè, mối quan hệ, kí ức và cả những bài học ngu ngốc mà mình từng nếm trải. Cũng như chú ốc sên, nếu chú không chậm thì làm sao gặp bác rùa và cả những chuyện kinh khủng sau đó, và nhờ vào tấm lòng tốt bụng, một tinh thần kiên định, chú ốc sên đã tự tạo nên một cuộc sống tuyệt vời cho bản thân và những người bạn đồng hành. Đó là GIÁ TRỊ CỦA SỰ CHẬM CHẠP trong cuộc sống mà tất cả chúng ta nên biết.

  2. Khưu Mỹ Cầm

    Cuộc sống luôn thật vội vã. Một giọt nước rơi, một cơn gió thổi, quãng đường chim bay… Tất cả đều quá đỗi nhanh chóng với chú ốc sên ấy. Vậy nên chú tự hỏi (trong khi không con ốc sên nào khác trong đàn đủ tinh tế để nhận ra vấn đề của chúng) rằng vì sao mình chậm chạp. Để rồi sau một cuộc hành trình, chú cuối cùng cũng hiểu những giá trị xuất phát từ sự chậm chạp của bản thân mình !!!

  3. Phạm Anh Thư

    Có lẽ trong 3 cuốn “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, “Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó” và “Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp” của Luis Sepulveda, mình thích cuốn này nhất.

    “Thế là rùa đi chậm lại và kể rằng mình từng đến sống hạnh phúc trong một ngôi nhà, nơi không bao giờ thiếu rau xà lách tươi ngon, cà chua chín mọng và nước xi rô dâu tây. Hồi ấy, có một cậu bé con người chăm sóc nó, cưng chiều nó, và người ta còn làm cho nó một cái giường rơm rất dễ chịu nơi góc vườn. Vào những ngày nắng to, khu vườn ấy là thế giới của nó, còn khi mưa lạnh khiến ngày ngắn lại, rồi khi tuyết rơi biến cái sân thành một nơi không ở nổi, các cậu bé đưa nó vào nhà và cho nó ngủ ở một góc ấm áp và thoải mái.
    – Có thể nói là hồi ấy ông sống đâu có tệ nhỉ, ốc sên nhận xét.
    – Ta chẳng… than vãn gì… nhưng con người lớn lên… và… họ quên đi, rùa thở dài và kể rằng, theo năm tháng, mấy cậu bé ấy càng lớn, thành thanh niên rồi trưởng thành, thì sự quan tâm càng ít dần, thức ăn cũng hao hụt, cho đến lúc người ta thấy sự hiện diện của nó quả là phiền phức khiến họ phải tránh xa, và cuối cùng họ mang bỏ nó ngoài đồng cỏ.
    (…)
    – Vậy con người có đặt tên cho ông không?
    – Có chứ… vì ta… chẳng bao giờ… quên đường đi… lối về… nên bọn họ… gọi ta là… Trí Nhớ… nhưng rồi… bọn họ lại lãng quên ta.”

  4. Đoàn Minh Tâm

    Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp
    Nếu như ở “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” mang đến một khát vọng được bay – bởi vì chính bản năng của một con chim hải âu luôn thôi thúc nó thì ở “Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp” lại thể hiện cái mong muốn vượt ngoài bản năng của một con ốc sên: con- ốc- sên- muốn- biết- tại- sao- nó- chậm- chạp, khác với lý lẽ của cụ sên già “Đời vốn thế chẳng việc gì phải khác đi”.
    Nếu như chúng ta đã quá quen với việc bay lượn, sống theo bản năng thì xin hãy dừng một chút để theo dõi cuộc hành trình của con- sên- muốn- biết- tại- sao- nó- chậm- chạp để biết đâu đó còn nhiều giá trị hơn khi sống chậm hơn một chút.
    Với giọng văn vẫn sống động nhưng trầm lắng hơn, mình tin rằng đây cũng sẽ là một cuốn sách thích hợp để đọc trong những ngày cuối tuần.
    Chúc các bạn đọc sách an lành!

  5. Đang Hoang Trang

    Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi mình đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lầm … Có thể nội dung của câu chuyện rất đơn giản và gần gũi đến mức nếu bắt tôi tóm tắt chắc chỉ vài dòng. Nhưng đọc thật chậm, bạn mới cảm thấy thật thấm, thấm đến từng câu chữ. Nó khiến tôi hiểu ra, đúng rồi dù kết quả rất quan trọng. Nhưng quá trình là thứ làm con người chúng ta.

  6. Phạm Thị Thúy Hậu

    Với tiết tấu chậm chạp như hành trình của chú ốc sên , nhà văn dẫn người đọc vào một suy nghĩ không mới : khả năng tự khám phá bản thân , lòng dũng cảm , sự hi sinh dần dân đi theo mạch của câu chuyện . phác họa nên lí do chính đáng và tuyệt vời về sự chậm chạm của loài ôc sên , rằng mọi việc trong cuộc sống đều có lí do của nó cùng hành trình dũng cảm khám phá ra nguyên nhân của no :))

  7. Snow

    Một đàn ốc sên sống chậm chạp và lặng lẽ, quanh quẩn ở cánh đồng mà chúng gọi là Xứ sở Bồ Công Anh. Tất cả chúng đều gọi nhau chung một cái tên là “sên”. Trong số chúng có một con ốc sên, dù đã chấp nhận cuộc sống chậm chạp và lặng lẽ, vẫn muốn tìm hiểu nguyên nhân của sự chậm chạp ấy và muốn có một cái tên riêng.
    Những lời mỉa mai, doạ nạt của các con ốc sên khác trong đàn khiến ước muốn của con ốc sên muốn biết vì sao mình chậm chạp càng trở nên mãnh liệt hơn, sục sôi trong tâm trí nó.
    Đôi khi chúng ta cũng giống những con ốc sên kia. Chúng ta quen sống trong vùng an toàn, giống như những con ốc sên chỉ quanh quẩn dưới tán cây ô rô – nơi chúng coi là “nhà” và không muốn đi ra ngoài. Cuộc chu du của chú ốc sên muốn biết vì sao mình chậm chạp như lời thôi thúc chúng ta “Hãy đi và khám phá thế giới”. Hãy có dũng khí để làm những việc mình muốn, đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Dũng khí không phải là không sợ hãi mà dũng khí là biết chế ngự nỗi sợ của mình.
    Mỗi người sinh ra hãy biết tận dụng những thứ mình có để trở nên đặc biệt. Tôi đã đọc được ở đâu đó: “những việc anh làm sẽ định nghĩa con người anh”. Chú ốc sên đã làm những việc có dũng khí nên chú đã được bác rùa già đặt tên là “Dũng Khí”. Ốc sên Dũng Khí đã sống đúng với cái tên của nó. Sự chậm chạp mà tự nhiên ban tặng cho loài ốc sên đã giúp chú cứu biết bao loài sinh vật ở cánh đồng. “Nếu không thay đổi được hoàn cảnh hãy thay đổi thái độ sống” – đó chính là cách chúng ta biến nhược điểm thành thế mạnh của mình. Ví dụ những người khiếm thị, họ không nhìn thấy nên họ phải sờ nhiều hơn, phải lắng nghe và cảm nhận nhiều hơn, nhờ thế tuy thị giác của họ kém nhưng các giác quan khác của họ lại rất tinh tế.
    Tôi thấy ấn tượng với cách giải thích của bác cú về sự chậm chạp của ốc sên. “Cháu chậm vì cháu phải vác nặng”. (Thiết nghĩ nếu chúng ta cũng vác theo nhà đi khắp nơi chắc còn chậm chạp hơn cả ốc sên). Đoạn sau giống như nói về con người chúng ta, sự đè nặng về cảm xúc. Những thứ ta nếm trải, cay đắng và ngọt bùi, quá khứ và nỗi nhớ…tất cả đè nặng lên thân hình nhỏ bé khiến cuộc sống trở nên nặng nề. Phải biết buông bỏ và đơn giản hoá cảm xúc.
    Những ước vọng mạnh mẽ đã giúp ốc sên Dũng Khí đưa các bạn của mình thoát khỏi nguy hiểm, đến một vùng Xứ sở Bồ Công Anh mới. Chúng ta ai cũng có ước mơ và điều chúng ta cần là niềm tin và quyết tâm thực hiện ước mơ ấy, hành động kiên định để biến ước mơ thành hiện thực.
    Một quyển sách mỏng, chỉ chưa đầy 100 trang nhưng là một tác phẩm thú vị và đầy ý nghĩ; một câu chuyện nhẹ nhàng mà hấp dẫn.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button