Chuyện Nghề Của Thủy

(4 đánh giá của khách hàng)

“Trần Văn Thuỷ cũng là một con người, có những”hỷ nộ ái ố” như mọi người. Hắn lại là một nghệ sĩ, đã là nghệ sĩ thì cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều nhạy cảm, dễ rung động. Hắn kể lại chuyện đã qua như để nói chuyện với chính mình sau một chặng đường dài trên đường đời, mà như hắn nói, có quá nhiều những sự tình cờ, hên xui, may rủi. Nhưng tóm lại, vui thì ít, buồn thì nhiều.”

Danh mục:

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét về đạo diễn – NSND Trần Văn Thuỷ như sau: “Có thề nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thuỷ có một cái gì đó hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hoà quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”

Chuyện nghề của Thuỷ gồm 29 chương, là cuộc đời của Thuỷ từ lúc ấu thơ cho đến tuổi thất thập cổ lai hy qua lời kể của nhân vật chính và ghi chép của Lê Thanh Dũng, một người bạn tri kỷ. Nói như ông, “cuốn sách chỉ nói được một phần” vì “câu chuyện còn dài lắm”.

… Và cậu bé bắt đầu làm quen với “phim và ảnh” năm mười ba tuổi lớn lên thành chàng trai hai mươi lăm tuổi thất thểu từ Tây Bắc về, rón rén gõ cửa trường Điện ảnh, đến nay đã kịp để lại những dấu ấn cho ngành điện ảnh Việt Nam bằng hàng chục bộ phim đạt giải cao ở các Liên hoan phim Quốc gia và Quốc tế.

Với gia tài trên 20 phim, trong đó có các tác phẩm đoạt giải thưởng cao, phản ánh một cách gai góc hiện thực của lịch sử như:

– Những người dân quê tôi, phim đầu tay quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ Câu Bạc tại LHP Quốc Tế Leipzig (1970)

– Phản Bội, phim về chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979, đoạt giải vàng LHP Việt Nam 1980

– Hà Nội trong mắt ai, giải vàng LHP Việt Nam 1988

– Chuyện tử tế, nội dung về thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy, đoạt giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”. (1985)

– Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai 1999, giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 43.

– Chuyện từ một góc phố (2003), phim về những hậu quả của chất độc màu da cam để lại trong gia đình một cựu phóng viên chiến trường.

“Trần Văn Thuỷ cũng là một con người, có những”hỷ nộ ái ố” như mọi người. Hắn lại là một nghệ sĩ, đã là nghệ sĩ thì cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều nhạy cảm, dễ rung động. Hắn kể lại chuyện đã qua như để nói chuyện với chính mình sau một chặng đường dài trên đường đời, mà như hắn nói, có quá nhiều những sự tình cờ, hên xui, may rủi. Nhưng tóm lại, vui thì ít, buồn thì nhiều.”

“Mỗi người có thể có những cách nhìn khác nhau về những gì đã qua. Đó là chuyện bình thường; người ta thường nói “chín người mười ý” kia mà! Những điều bộc bạch trong cuốn sách này cũng là một cách nhìn. Và tôi nghĩ, đó là một cách nhìn thẳng thắn, thiện tâm và thành thật.”

(Lê Thanh Dũng)

4 đánh giá cho Chuyện Nghề Của Thủy

  1. Đặng Thái Hoàng

    Nhiều bạn trẻ có thể chưa biết đến đạo diễn Trần Văn Thủy, vậy thì các bạn càng nên mua quyển sách này. Một quyển sách chân thực khó tả, cảm giác rằng từng câu chữ tác giả nói ra đều thật, đều đúng như những gì ông nghĩ, ông làm. Bởi với một cuộc đời làm nghề tận tụy như của ông, còn gì nữa mà không nói thật.

    Không hề ngoa nếu gọi ông là đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất Việt Nam. Cuốn sách kể lại cuộc đời làm phim của ông từ ngày lên Tây Bắc, đi Liên Xô, vào chiến trường miền Nam, công tác tại Hãng phim Nhà nước. Mỗi chặng đường có những khó khăn của nó, không nói được cái nào nguy hiểm hơn cái nào. Vào chiến trường thì mưa bom bão đạn nhưng chưa chắc đã khổ tâm bằng bị công an theo dõi ngay tại nhà trong hòa bình. Vượt qua tất cả, với sự giúp đỡ của bè bạn cả Tây và ta, như ông nói là may mắn của Trời cho mà những bộ phim của ông đã đến được với công chúng, đã mang về những giải thưởng quốc tế danh giá mà đến bây giờ Điện ảnh Việt Nam vẫn không có được cái thứ hai. Phim của ông gây tranh cãi đến mức Thủ Tướng Phạm Văn Đồng phải yêu cầu được xem riêng đủ biết giá trị của nó ra sao. Chương trình “Ngày trở về” 2014 của VTV đã lấy tên một bộ phim của ông làm tiêu đề: “Nếu đi hết biển”.

    Dù là người học làm phim hay một người bình thường thì chúng ta cũng cần xem phim của bác Thủy, nó không chỉ đơn thuần là phim mà còn là lịch sử, là sự dũng cảm của một nghệ sĩ yêu nghề mà không phải ai cũng từng làm được.

  2. Thư Nhã

    Có thể bạn không phải là một người trong “nghề”, cũng không hẳn là một người đã am tường về cuộc đời tác giả nhưng đọc quyển sách này, ít nhiều vẫn giống như được xem cuốn phim quay chậm. Những mẩu chuyện riêng rẽ, kết nối với nhau bằng cảm xúc của tác giả và sự đồng điệu của người đọc.

    Tôi đã đọc một mach, bằng sự ngỡ ngàng về chuyện nghề và sự chiêm nghiệm trong chuyện đời. Tuy nhiên, điều đọng lại mạnh mẽ nhất không phải là “hậu trường” sau mỗi cuốn phim mà chính ở sự khách quan của người kể. Đằng sau giọng điệu sắc sảo là những trải nghiệm rất riêng mà mỗi độc giả sẽ tự cảm nhận. Riêng tôi, vẫn thấy đâu đó một con người bản lĩnh, có chút “quái” và yêu nghề cực độ trong mỗi trang viết

  3. Tuyen Thanh

    Đây là một trong những cuốn sách tuyệt vời nhất về những cuộc đời, những câu chuyện thật mà tôi từng được đọc. Người đọc cùng trải nghiệm, cùng chiêm nghiệm, cùng theo sát những diễn biến với những câu chuyện làm nghề của bác Trần Văn Thủy, trải qua bao khó khăn, trắc trở, sóng gió để rồi người đọc luôn thỏa mãn và khoái chí với một kết cục như mong đợi, như những điều kì diệu chiến thắng mọi cái ác trong truyện cổ tích.
    Bác dám nói thẳng ra những suy nghĩ của mình, những sự thật về những vị lãnh đạo, cầm quyền ở một số tổ chức, đoàn thể ở Việt Nam, những từ ngữ châm biếm bằng một ngôn từ rất đơn giản, vui, nhẹ nhàng nhưng cũng rất tinh tế và sâu sắc, uyên thâm.
    Bác là một tấm gương lớn cho các thế hệ bạn trẻ noi theo. Một con người luôn thành công với công việc làm phim Tài Liệu của mình, chỉ đơn giản là vì “Yêu và đam mê với nghề”
    Rất cảm phục và nể trọng bác Trần Văn Thủy.

  4. Đoàn Thị Thái Hà

    Tôi đọc bài giới thiệu về đạo diễn Trần Văn Thuỷ trên báo Tuổi trẻ và ngay lập tức đã tìm xem bộ phim “Chuyện tử tế” và tìm đọc cuốn sách này. Đó là một cuốn sách miêu tả rõ nét cuộc sống và quá trình làm nghề của đạo diễn qua bao biến chuyển của thời cuộc, điều mà thế hệ chúng tôi chưa được biết đến. Điều làm tôi xúc động nhất chính là tấm lòng của ông đối với con người và dân tộc. Phim tài liệu là một thể loại không phải dễ xem và thu hút khán giả nhưng chính nhờ tài năng và cái tấm lòng ấy của ông mà các bộ phim ông làm đều có sức hút lớn. Tấm lòng tử tế ấy của ông đánh thức sự tử tế và trách nhiệm của mỗi người khi đọc xong cuốn sách này.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button