Chuyện Người Tuỳ Nữ

(5 đánh giá của khách hàng)

“Sức mạnh của tác phẩm rốt cuộc ít nằm ở những triết lý hơn là ở tính chân thực đầy thuyết phục: nó không chỉ khám phá những cơ cấu làm nên sự áp bức tuyệt đối với đàn bà trong Cộng hòa Gilead, mà sống động hơn và tỉ mỉ hơn nữa, là cảnh áp bức ấy đè trĩu lên các giác quan đến thế nào.” – Washington Monthly

Danh mục:

Tôi có chồng và con gái. Có mèo. Có mẹ, có bạn gái thân thiết. Có việc làm và một cái tên.

Tôi tỉnh dậy sau một cơn chính biến, một cuộc đào thoát bất thành và một cơn mê để thấy mình đã mất cho đến tận cái tên, chỉ còn là Tùy nữ – một trong những “cỗ tử cung có chân” của chính quyền Gilead.

Giữa Nước Cộng hòa Gilead – nhà nước thần quyền cực đoan dựng lên trên nền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xưa, nơi các Martha cặm cụi việc nhà, các Dì rao giảng đạo đức chính thống, các Phu nhân khóc ròng mỗi đêm Lễ tháng, các Tùy nữ tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải ra quét chất thải phóng xạ trên đảo hoang, và không ai biết lúc nào tới lượt mình được “cứu chuộc” trên dây treo cổ – có một người đàn bà vừa tìm cách bám lấy sự sống nhờ mưu mẹo sắc bén và những hồi ức vỗ về từ “thời trước”, vừa cố gắng khám phá để kể lại chuyện mình cho các thế hệ về sau.

Cuốn tiểu thuyết phản-địa đàng (dystopia) này là một câu chuyện cảnh tỉnh để trả lời làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ ở nước Mỹ những năm 1980, nhưng trên hết là một cuốn sách viết sắc sảo và lôi cuốn đã được ấn hành ở gần 30 quốc gia. Đây là một trong năm tiểu thuyết đề cử Booker của nữ tiểu thuyết gia Canada danh tiếng Margaret Atwood và là cuốn sách đầu tiên của bà được giới thiệu ở Việt Nam.

“Danh tiếng của tác phẩm suy cho cùng là nhờ đã thành công trong việc cân bằng giữa tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ với nghệ thuật văn chương tinh vi.” – Jeffrey Canton

“Sức mạnh của tác phẩm rốt cuộc ít nằm ở những triết lý hơn là ở tính chân thực đầy thuyết phục: nó không chỉ khám phá những cơ cấu làm nên sự áp bức tuyệt đối với đàn bà trong Cộng hòa Gilead, mà sống động hơn và tỉ mỉ hơn nữa, là cảnh áp bức ấy đè trĩu lên các giác quan đến thế nào.” – Washington Monthly

5 đánh giá cho Chuyện Người Tuỳ Nữ

  1. Nguyễn Thị Thu Cúc

    Xuyên suốt câu chuyện là cuộc sống ảm đạm, tù túng của người tùy nữ gọi Offred hay Of–Fred (của Fred). Cô mất hết tất cả gia đình, chồng con, cuộc sống, quyền tự do thậm chí là tên của mình, trở thành 1 cỗ tử cung biết đi. Tôi đã đọc và không thể tin được xã hội đó tồn tại, huyễn hoặc người dân bằng lời Chúa, bác bỏ mọi ham muốn tối thiểu của con người, một xã hội thối nát tới tận gốc rễ. Cuối câu chuyện là một kết thúc mở, không ai biết Offred sẽ ra sao, cô được cứu thoát hay bị bắt, tra tấn hay treo cổ vì đã phản lại đức tin. Đọc và cảm thấy bản thân thật may mắn biết chừng nào

  2. Nguyễn Thị Vy

    Một cuốn sách tuyệt vời của nhà văn Margaret Atwood, khiến mình hoàn toàn bất ngờ với sức mạnh của trí tưởng tượng và ngôn từ của tác giả. “Chuyện người tùy nữ” không phải là một tiểu thuyết bình thường, mà là một câu chuyện đặc sắc vẽ nên một viễn cảnh tương lai ít thấy trong văn học đương đại. Lấy hình ảnh người phụ nữ làm trung tâm, ở đây là những người tùy nữ bị ép buộc trở thành những “cỗ máy sinh đẻ” để phục vụ những mục đích đen tối. Họ bị tước đoạt sự tự do, quyền làm chủ cuộc sống, số phận của họ bị giao phó cho những kẻ cầm quyền độc ác. Thế giới trong câu chuyện quá khủng khiếp, dù là giả tưởng nhưng qua sự miêu tả của Atwood lại trở nên chân thật. Đau đớn, tuyệt vọng, và cả những khát khao thay đổi, từng nhân vật trong câu chuyện cứ hiện lên với tất cả sự sống động và những cung bậc cảm xúc được đẩy lên đến tột độ. Tình tiết truyện nhiều khi hơi khó hiểu, nhưng một khi đã đọc, đã cảm nhận, sẽ khó có thể nào quên sự tuyệt vời của tác phẩm này.
    Văn phong của Atwood cũng không lẫn vào đâu. Chỉ cần những câu ngắn, có khi rất ngắn, bà đã lột tả được hết những gì sâu kín nhất trong tâm can nhân vật. Tác phẩm này, giống như một bản cáo trạng lên án tội ác của loài người khi đã đẩy những người phụ nữ đáng thương đến những ngõ cụt không lối thoát. Thực sự là một tuyệt tác!

  3. Trần Phượng

    Không đơn thuần chỉ là tiểu thuyết, vì tác phẩm đã bóc trần một khía cạnh tối của xã hội Mỹ – bất bình đẳng giới, phân hóa xã hội, sự kỳ thị phụ nữ.
    Không khô khan như một chuỗi phong sự, bởi tác phẩm đã chạm đến tim người đọc, lay động tình cảm và sự xót thương, nhất là bạn đọc nữ.
    Chuyện người tùy nữ là sự kết hợp hài hòa khéo léo và tinh tế giữa văn học và những vấn đề xã hội. Đưa cuộc sống hiện thực vào văn chương và nhờ văn chương bóc trần một mảng hiện thực cuộc sống, Chuyện người tùy nữ đã khẳng định giá trị nhân văn của tác phẩm và là tiếng kêu cứu về nạn bất bình đẳng giới ngay trong xã hội của một quốc gia hiện đại. Thân phận người phụ nữ hiện lên không có một cái tên riêng biệt, mà là “một người tùy nữ” – trong xã hội ấy có rất nhiều những người “tùy nữ” như vậy. Và, cũng vì thế, “chuyện người tùy nữ” không phải là chuyện của riêng một bất kỳ ai!

  4. Pham Quynh Huong

    Mình khá là bất ngờ khi đọc cuốn sách này bởi sức tưởng tượng của tác giả, bối cảnh của truyện là khi nước Mỹ không còn nền dân chủ mà thay vào đó là một chế độ khác với tên gọi mới là Cộng Hoà Gilead. Đây là địa ngục của phụ nữ, tác dụng duy nhất của họ là sinh con, nếu không thể sẽ có một tuỳ nữ- cô gái mang thân phận thấp hèn vì dám chống trả đảm nhiệm nhiệm vụ sinh con – tức là giống như đẻ thuê có điều cô ấy không được nhận lợi lộc gì.
    Câu truyện phát triển theo xu hướng càng ngày càng u ám khiến cho mỗi lần đọc nó mình cảm giác như con tim bị bóp nghẹt lại không sao chịu nổi mọi người phụ nữ đều bị coi là đồ vật để chà đạp.
    Các cô gái tuỳ nữ đã chống trả, làm cách mạng và cuối cùng thì bị bắt… Câu truyện kết thúc với đoạn vĩ thanh gián tiếp thông báo cho ta biết số phận của các cô gái làm tuỳ nữ là được giải thoát nhưng dư âm của nó thì cứ vang vọng trong tâm trí mình.
    Giá trị tác phẩm trước đây là về bình đẳng giới còn bây giờ nó vẫn mang trong mình sứ mệnh ấy nhưng bớt cấp thiết hơn bởi ngày nay nơi duy nhất cần bình đẳng giới là thế giới đạo Hồi.

  5. Phạm Thành Trung

    Mình thích câu chuyện này, trong cách tác giả diễn giải tâm lý, trong lời kể đầy tính nghệ thuật và trong những ý nghĩ được ẩn chứa sâu xa. Từ một bối cảnh lịch sử có thật, từ những hình ảnh nhân vật là những người phụ nữ nhỏ bé, từ những suy tư chất chồng, câu chuyện đem đến cảm giác chênh vênh, khó đoán định của một tương lai, của một xã hội đang chịu quá nhiều biến động khôn lường. Với những câu văn tinh tế những đầy cảm xúc mạnh mẽ, tác giả đã đem đến một câu chuyện chân thực, một tiếng nói bảo vệ nữ quyền, cũng như một khám phá độc đáo về tâm hồn người phụ nữ mọi thời đại.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button