Cơ Hội Chỉ Đến Với Người Có Chuẩn Bị

Người xưa có câu: “Phàm là việc gì có sự chuẩn bị trước thì thành công, còn không chuẩn bị trước tất sẽ thất bại.” Xét trên một mức độ nào đó thì mỗi lần thất bại hay sai sót đều do chuẩn bị không chu đáo gây nên, mỗi lần thành công đều là do chuẩn bị đầy đủ mà có được.

Danh mục:

Giới thiệu

Cuộc sống luôn luôn biến đông, vật đổi sao dời, thành công một con người cuối cũng thì do đâu mà có được. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, thành công của một người có quan hệ rất lớn đến thực lực của họ. Song chúng ta cũng thấy vai trò không hề nhỏ của cơ hội đối với sự thành công của họ.

Cơ hội chỉ mỉm cười với người có chuẩn bị. Nó dễ dàng mất đi, nó không tin vào những giọt nước mắt. Nó không có duyên với những người yếu đuối, lười nhác. Những người có con mắt nhạy bén, dung cảm quả quyết thường có được cơ hội. Cơ hội luôn bình đẳng với mọi người, bạn có nắm bắt được cơ hội hay không, quyền chủ động nằm trong tay bạn.

Đọc thử

Một hôm, Lưu Xuân Lệ vô tình bị thu hút bởi quả bóng nhựa mà lũ trẻ con đang chơi đùa. Cô nghĩ: Nếu bọc bên ngoài quả bóng nhựa một lớp xà bông, hay thiết kế ra một loại xà bông rỗng ruột, như vậy vừa có thể tăng thể tích của cục xà bông, để khách dễ cầm, dễ tắm rửa lại không làm tăng giá thành, thật nhất cử lưỡng tiện, loại xà bông này nhất định sẽ được cả khách hàng lẫn các khách sạn ưa thích.

Lưu Xuân Lệ đem ý tưởng của mình đến gặp một xưởng sản xuất xà bông trong thành phố. Giám đốc xưởng xà bông rất tán thưởng ý tưởng này, nhưng khi Lưu Xuân Lệ hỏi xưởng họ có thể sản xuất được loại xà bông này hay không thì vị giám đốc lấy làm tiếc mà nói với cô rằng, do công nghệ sản xuất loại xà bông này và công nghệ sản xuất xà bông truyền thống hoàn toàn khác nhau nên họ không có cách nào sản xuất được. Thế nhưng cuối cùng vị giám đốc nhiệt tình này đã động viên Lưu Xuân Lệ trước hết hãy đi đăng kí bản quyền cho loại sản phẩm này.

Ngày 16 tháng 4 năm 1998, cuối cùng thì Lưu Xuân Lệ đã đăng kí được bản quyền cho loại xà bông mới này. Năm 1999, loại xà bông mới của cô đã đạt đủ tiêu chuẩn để sản xuất với số lượng lớn. Thấy sáng kiến của mình cuối cùng đã trở thành sản phẩm, “tuôn chảy” ra từ máy sản xuất, Lưu Xuân Lệ đã thực sự cảm nhận được nỗi gian khổ và niềm vui khi lập nghiệp.

Sau khi Lưu Xuân Lệ đăng quảng cáo trên báo, rất nhiều nhà hàng khách sạn đã tới trực tiếp đặt hàng với cô. Một thời gian sau, phát minh độc quyền của Lưu Xuân Lệ – xà bông rỗng ruột đã cung không kịp cầu.

Lưu Xuân Lệ đã thành lập một công ty, từ một nữ nhân viên thất nghiệp, cô đã trở thành một nữ doanh nghiệp giàu có. Tuy là một cơ hội ngẫu nhiên, nếu xét bề ngoài thì nó không có ảnh hưởng lớn đến con người nó lại được gọi là “một bước đi nhỏ về phương hướng nhưng là một bước đi lớn trên đường đời”. Một dấu mốc trong cuộc đời của mỗi con người thường được quyết định bởi những bước đi quan trọng trên đường đời. Phương hướng cuộc đời của Vương Chí Hòa và Lưu Xuân Lệ ở mức độ nhất định nào đó đã được thay đổi do một cơ hội ngẫu nhiên và cuộc đời của họ cũng vì thế mà thay đổi rất nhiều.

Năm 18 tuổi, Jules Verne đến Paris để theo học ngành luật, nhưng anh không hề có hứng thú gì với môn luật này mà lại yêu thích văn học và nghệ thuật kịch. Một lần, Verne sớm rời khỏi một bữa tiệc, trên đường xuống cầu thang, đột nhiên muốn chơi đùa như khi còn nhỏ, anh bèn trượt xuống theo thanh vịn cầu thang, và vô tình va phải một quý ông to béo. Verne rất lấy làm xấu hổ, sau khi xin lỗi,anh bèn hỏi xem đối phương đã ăn tối chưa, người đó nói vừa mới ăn xong món trứng gà rán của Nantes. Verne nghe xong liền lắc đầu, tuyên bố rằng Paris không hề có món trứng gà rán Nantes chính cống, bởi anh chính là người Nantes, hơn nữa đây chính là món sở trường của anh. Quý ông to béo kia nghe thấy vậy thì hết sức vui mừng bèn chân thành mời Verne đến nhà mình để thể hiện tay nghề. Tình bạn giữa hai người cũng bắt đầu từ đó, họ cùng nhau viết kịch, tạo điều kiện thuận lợi cho Verne bước vào nghề sáng tác. Tên của quý ông to béo này chính là Alexandra Dumas (cha). Nhờ ảnh hưởng của Dumas, anh đã toàn tâm toàn ý tập trung vào việc sáng tác thơ ca và kịch. Ở Paris, anh đã sáng tác 20 vở kịch (chưa xuất bản) và một số bài thơ tràn ngập những tình cảm lãng mạn.

Về sau, Verne và Dumas đã hợp tác cùng sáng tác vở kịch “Những cọng rơm gầy”, vở kịch này sau đó đã được công diễn. Việc này đã đánh dấu thành công bước đầu mà Verne đạt được trong giới văn chương. Về sau, Verne trở thành “cha đẻ của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng”.

Có câu nói rằng: “Có người đi mòn cả giày sắt mà vẫn tìm không thấy, có người lại đạt được mà chẳng tốn chút công sức nào.” Con người ta không những phải biết cách nắm lấy những cơ hội nhìn thấy được, nghĩ tới được mà đồng thời cũng phải nắm chắc một vài cơ hội không ngờ tới. Chỉ như vậy mới có thể khiến bản thân mình tốt hơn.

2. Thành công thường bắt nguồn từ cơ hội

Quan điểm chủ đạo: Nếu chỉ dựa vào một số ưu thế được trời phú cho thì không thể tạo nên anh hùng, nó còn phải có cả vận may đi cùng nữa. Nếu không có cơ hội hoặc bỏ qua cơ hội thì bất kì một anh hùng vĩ đại nào cũng sẽ thất bại hoàn toàn.

Với bất kì người nào thì cơ hội đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhà văn La Rochefoucauld của Pháp đã từng nói: “Nếu chỉ dựa vào một số ưu thế được trời phú cho thì không thể tạo nên anh hùng, nó còn phải có cả vận may đi cùng nữa.”

Quả đúng vậy, cuộc đời con người ta có quá nhiều điều không thể xác định được, mà chỉ cần một cơ hội ngẫu nhiên là có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đời của một con người. Thiết nghĩ, nếu không có một Tiêu Hà giữa đêm khuya đuổi theo Hàn Tín thì làm sao Hàn Tín có được vũ đài để thể hiện tài năng xuất chúng của mình, chắc chắn sẽ bị nhấn chìm trong dòng sông lịch sử; nếu như không có quả táo rơi xuống trúng đầu Newton thì chắc Newton không thể nào nghĩ tới vấn đề “vì sao quả táo lại rơi xuống đất”, có lẽ ông sẽ không thể phát hiện ra “định luật vạn vật hấp dẫn” gây chấn động một thời.

Goethe đã từng nói: “Thời gian trong chớp mắt có thể thay đổi cuộc đời của một con người.” Từ đó có thể thấy, với mỗi một người, cơ hội có ảnh hưởng không thể coi thường.

Năm 1865, cuộc chiến tranh Nam Bắc nước Mỹ đã kết thúc, trong thành phố New York tràn ngập những người không tìm được việc làm. Chàng thanh niên 18 tuổi Joseph Pulitzer là một người trong số đó. Anh có thể nói được tiếng Hungary, tiếng Đức và tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh thì lại không tốt lắm, đây chính là trở ngại cho anh khi tìm việc ở New York. Cuối cùng anh quyết định đến thành phố Saint Louis, nơi có đông người Đức sinh sống, ở đó có lẽ anh sẽ tìm được việc làm. Trong mắt Pulizer khi đó thì thành phố Saint Louis chính là thành phố của hi vọng.

Dưới sự thôi thúc của hi vọng như vậy, Pulitzer đã đến Saint Louis. Nhưng ở đây cũng chẳng phải là thành phố của hi vọng như anh tưởng tượng, anh vẫn thất nghiệp triền miên. Anh đã lần lượt làm qua các công việc như bảo vệ trên thuyền, thủy thủ, bồi bàn… nhưng chưa làm được bao lâu thì lại bị đuổi, đành phải đi tìm công việc khác.

Có một lần, Pulitzer cùng với mấy chục người khác nộp 5 đô la để đi theo một người đã đồng ý giới thiệu họ tới làm việc tại đồn điền mía ở bang Louisiana. Họ bị nhồi lên một chiếc ca-nô nhỏ. Tới khi chiếc ca-nô đó đưa họ tới một nơi cách thành phố 48km rồi quay đầu bỏ về thì họ mới biết mình đã bị lừa. Pulitzer vô cùng tức giận bèn viết một bài báo vạch trần màn kịch lừa đảo này. Khi tờ báo “Bưu điện phương Tây” cho đăng bài viết này, anh đã hết sức vui mừng bởi đây là bài viết đầu tiên của mình được đăng báo. Từ đó về sau, Pulitzer thường xuyên viết bài cho một tờ báo của Đức, dần dần các bài viết của anh đã thu hút được sự chú ý của các nhà biên tập trong nghề báo.

Cuối năm 1868, tờ “Bưu điện phương Tây” cần tuyển một phóng viên, Pulitzer đã được nhận vào làm. Anh đã vui mừng như điên và đã miêu tả tâm trạng của mình khi đó là: “Tôi từ một kẻ vô danh tiểu tốt, không may mắn, giống như là một kẻ lang thang đã được nhận vào làm công việc này. Tất cả việc này đều giống như là một giấc mơ vậy.” Tài năng hơn người và những kiến thức về chính trị của Pulitzer đã nhanh chóng được bộc lộ.

Bốn năm sau, anh đã mua được cổ phần của tờ báo này, đồng thời không ngừng có những quyết định chính xác, dần dần trở thành chủ bút, cuối cùng ông đã mua được các tờ báo “Bưu điện phương Tây”, “Tin nhanh bưu điện Louisiana” và “Báo thế giới New York”, đồng thời tiến hành một loạt cải cách về báo chí, để chúng trở thành những tờ báo nổi tiếng nhất ở nước Mỹ lúc bấy giờ.

Trong nghề làm báo của mình, ông đã biến nghề báo trở thành một môn khoa học được xã hội công nhận. Cuộc đời của ông đã đánh dấu sự ra đời của bộ môn báo chí ở nước Mỹ và sự phát triển nhanh chóng của nghề làm báo. Ông đã từng bỏ ra 2 triệu đô la Mỹ để thành lập Học viện báo chí đầu tiên của nước Mỹ – đó chính là Học viện báo chí Colombia nổi tiếng thế giới. Sau khi Pulitzer qua đời, tên của ông đã được đặt cho giải thưởng Pulitzer, là giải thưởng cao nhất về báo chí ở Mỹ, được toàn thế giới ngưỡng mộ.

Cho đến nay trong lòng của mỗi người, Joseph Pulitzer chính là một nhân vật vĩ đại trong nghề báo, dường như ông ở vị trí cao hơn tất cả mọi người. Nhưng khi hồi tưởng lại quá trình trưởng thành của Pu¬litzer, thì có thể thấy Pulitzer vốn chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trắng tay mà thôi. Cho đến khi được tờ “Bưu điện phương Tây” tuyển vào làm phóng viên thì cuộc đời Pulitzer đã rẽ sang một hướng khác – chính là cơ hội đã tạo nên Pulitzer sau này.

Napoleon đã từng nói: “Những tài năng nổi trội nếu như không có cơ hội thì cũng sẽ đánh mất đi giá trị của nó.” Những người có tài nếu gặp được cơ hội tốt sẽ có thể thỏa sức vẫy vùng; những người sống một cuộc đời bình lặng, nếu gặp được cơ hội tốt cũng có thể làm nên chuyện lớn; nhưng nếu không có cơ hội hoặc bỏ lỡ cơ hội thì bất cứ anh hùng vĩ đại nào cũng sẽ chẳng làm được chuyện gì.

Năm 16 tuổi Maxwell tới Cambridge, với cậu ta,tất cả mọi thứ đều vô cùng mới mẻ. Trong thời gian này, cậu chuyên tâm vào môn số học, đọc một số lượng lớn các giáo trình chuyên ngành. Thế nhưng khi đọc sách, cậu ta không chú ý lắm tới tính hệ thống. Có lúc để tìm hiểu về một vấn đề nào đó, cậu chẳng làm bất cứ việc gì khác trong vòng nhiều tuần lễ; có lúc cậu lại thấy cái gì thì đọc cái nấy, lan man không giới hạn.

Chàng thanh niên có khả năng học tập và tư duy xuất sắc này cần một người thầy giỏi để dẫn dắt mới có thể tỏa sáng được. May mắn thay, trong một lần tình cờ Maxwell quả nhiên đã gặp được một người thầy giỏi, đó chính là Hopkins. Hopkins là một giáo sư số học của Đại học Cambridge. Một hôm ông tới thư viện để mượn sách, một quyển sách chuyên ngành số học mà ông muốn mượn không may lại bị một sinh viên mượn trước rồi. Quyển sách đó thông thường sinh viên đọc không thể hiểu được, bởi vậy giáo sư cảm thấy hơi kì lạ. Ông bèn hỏi tên của người mượn sách, người quản lý thư viện trả lời là “Maxwell”. Giáo sư bèn tìm gặp Maxwell, nhìn thấy cậu thanh niên đang vùi đầu vào nghiên cứu, trên sổ ghi chép dày đặc những điều mà cậu ghi chú lại, chẳng có đầu có đuôi, trong phòng cũng hết sức bừa bộn. Hopkins không thể không hứng thú với cậu sinh viên này bèn hài hước nói: “Chàng trai, nếu cậu không thể sống gọn gàng ngăn nắp thì cậu sẽ chẳng bao giờ trở thành một nhà số học xuất sắc cả.” Từ đó trở đi, Hop¬kins đã trở thành giáo sư hướng dẫn của Maxwell.

Hopkins là một người có kiến thức rất sâu rộng, đã từng đào tạo nên không ít nhân tài. Dưới sự hướng dẫn của ông, Maxwell trước tiên đã khắc phục được cách học linh tinh không có thứ tự của mình. Hopkins đòi hỏi hết sức nghiêm khắc đối với mỗi tiên đề, mỗi bước tính toán của cậu. Hopkins còn giới thiệu Maxwell vào học lớp chọn của trường Cambridge. Nhờ có sự hướng dẫn của nhà số học xuất sắc này, Maxwell đã tiến bộ nhanh chóng, cuối cùng đã trở thành một nhà khoa học lỗi lạc thời bấy giờ.

Người ta thường nói: “Tạo hóa tạo nên con người.” Trong cuộc sống, một số người có thể do một cơ hội ngẫu nhiên nào đó mà thay đổi cả cuộc đời, một số người khác lại có thể do thiếu cơ hội mà đến cuối đời vẫn chẳng làm nên công trạng gì.

Trước kia ở Lạc Dương có một người muốn được làm quan, nhưng suốt cả đời chẳng gặp được một cơ hội nào để có thể làm quan . Thời gian trôi qua như nước chảy, mấy chục năm trời chẳng mấy chốc đã trôi qua. Khi thấy tóc trên đầu mình đã bạc, tuổi tác đã cao rồi, người này không thể không đau lòng. Một hôm đang đi trên đường, không thể cầm lòng được, nước mắt ông rơi lã chã.

Nhìn thấy bộ dạng của ông, có người thấy lạ bèn đi tới hỏi : “Ông ơi, có phải ông đang có chuyện gì đau lòng phải không?”

Ông bèn đáp: “Cả đời tôi chỉ mong được làm quan, vậy mà chẳng hề có một cơ hội nào hết. Thấy mình đã già rồi mà vẫn chưa được mặc quan phục, chắc không thể có cơ hội để làm quan nữa rồi, bởi vậy tôi đau lòng quá nên mới khóc.”

Người vừa hỏi ông cụ liền nói: “Biết bao người muốn làm quan đều đã làm được, vậy tại sao ông ngay cả một cơ hội cũng không có thế?”

Ông đáp : “Khi còn trẻ tôi cũng đã học thuộc làu kinh sử, khi tôi học hành đã thành tài muốn ra làm quan lại gặp đúng lúc nhà vua thích sử dụng những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm. Tôi đợi biết bao nhiêu năm, đợi đến tận sau khi vị vua thích dùng những người lớn tuổi đó qua đời rồi thì mới lại ra xin làm quan. Ai ngờ được vị vua kế vị lại thích dùng quan võ, tôi lại một lần nữa không gặp thời. Vậy là tôi bèn thay đổi ý định, bỏ văn theo võ. Đợi đến khi tôi học võ thành tài thì vị vua yêu thích võ nghệ đó cũng lại qua đời. Vị vua bây giờ kế vị là một người trẻ tuổi, bởi vậy ông thích cho những người trẻ tuổi ra làm quan, nhưng tôi thì đã không còn trẻ nữa rồi. Mấy chục năm cuộc đời của tôi đã trôi qua như thế, cả một đời không gặp thời, không có được một cơ hội để làm quan, đây lẽ nào không phải là một chuyện hết sức đau lòng hay sao?” Nói xong ông lại khóc rống lên.

Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng “là vàng thật thì sớm muộn cũng sẽ phát sáng”, đúng vậy, tài năng chính là mấu chốt để thành công, nhưng nếu không có cơ hội, không gặp được người biết đánh giá đúng khả năng của mình thì chắc chắn sẽ giống như ông cụ trong đoạn văn trên, sinh ra không gặp thời thì chẳng thể làm được gì.

Beveridge đã từng nói: “Lịch sử đã cho thấy cơ hội đóng một vai trò vô cùng quan trọng.” Trong cuộc sống thực tế, chúng ta cũng rất khó có thể thấy được một người nào đạt được thành công mà lại tách rời khỏi cơ hội. Thành công của một người thường được bắt đầu từ một cơ hội nào đó…

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

19 sách kỹ năng sống hay thay đổi cuộc sống của bạn - 19 sách kỹ năng sống hay được viết bằng một phong cách gần gũi và dí dỏm sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình. Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác Bạn có dễ bị tác động bởi cách hành… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Cơ Hội Chỉ Đến Với Người Có Chuẩn Bị”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button