Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế

(5 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách này trình bày những vấn đề liên quan đến kinh doanh và kiến quốc. Trong xã hội ngày nay, một số cá nhân và tập thể ngày càng mưu mẹo, toan tính với mục đích chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân. Thì cuốn sách như là kim chỉ nam cho những người muốn đi theo con đường chính đạo, vì sự phát triển chung, đem lại lợi ích cho người khác. Thành công mà nếu như chỉ nghĩ đến cá nhân, dùng các mưu mô, toan tính thì chỉ là thành công nhất thời, không thể kéo dài lâu được.

Danh mục:

Đây là một cuốn sách “2 trong 1”, bạn đọc sẽ được tìm hiểu cùng một lúc, triết lý kinh doanh của một nhà kinh doanh tài ba hàng đầu Nhật Bản hiện đại – Inamori Kazuo, và tư tưởng làm người mẫu mực của một võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân – Saigo Takamori.

Tình đồng hương, lòng ngưỡng mộ của Inamori dành cho người samurai chân chính Saigo được bộc lộ rõ trong sách nhưng nó không phải là những lời tán dương sáo rỗng mà là những lý giải đầy tâm tư của chính tác giả với những kinh nghiệm của bản thân. Và quan trọng hơn cả, hai nội dung trong sách đều xuất phát từ những ưu tư của những công dân yêu nước tột cùng. Saigo Takamori trăn trở trước những thay đổi của xã hội Nhật đương thời khi đương đầu với văn minh Âu – Mỹ, Inamori Kazuo trăn trở trước những nhiễu nhương của xã hội Nhật Bản hiện đại trên đường chạy gìn giữ vị trí cường quốc kinh tế. Vậy mà lạ thay, hai xã hội Nhật Bản ở cả hai thời đại khác nhau xa hàng trăm năm đấy đều là hai xã hội, hai thời kỳ mà người Việt Nam ta đang ngưỡng mộ, đang khao khát vươn đến.

Đọc Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế, bạn sẽ nhận ra chúng ta yêu nước bằng cách ngưỡng mộ hình mẫu, khao khát vươn lên không thôi chưa đủ, mà phải ngay lập tức, từ bây giờ, mỗi người chúng ta phải thay đổi, dám dấn thân trên con đường đầy chông gai của cuộc đời bởi “hưng suy của một quốc gia đồng nhất với trạng thái tâm hồn của quốc dân” (Inamori Kazuo). Có như vậy, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn.

5 đánh giá cho Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế

  1. Đỗ Thúy An

    Khi đọc tựa sách, tôi bị cuốn hút ngay với ba từ “Sự tử tế”! Rất khó tin, tôi nghĩ như thế, bởi vì tôi chưa từng biết đến một con đường nào đến với sự thành công, dù là thương trường hay chính trị, mà không dùng đến thủ đoạn hoặc thứ gì đó nhẫn tâm với người khác! Tôi rất nể phục samurai vì tư tưởng nhân cách làm người của họ vô cùng chính nghĩa và bất khuất, can trường, cho nên tôi yêu thích cuốn sách này, có lẽ đối với một số người, nó không đáng tin bởi vì nội dung quá lý tưởng trong một thời đại mạnh được yếu thua như hiện nay. Nhưng tôi cảm thấy nó đáng tin, cần nên tin, một phần những gì tác giả nói không chỉ là lý thuyết suông mà còn gồm những câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại làm chứng minh… Và đặc biệt hơn cả, cuốn sách có thể là kim chỉ nam cho những ai đang đấu tranh với sự biến chất của mình trước xã hội này!

  2. Lyl Tgs

    Không phải tự nhiên mà có rất nhiều người ngưỡng mộ con người Nhật Bản, trải qua bao khó khăn gian khổ nhưng vẫn đứng lên và chiếm được những vị trí cao trên trường quốc tế. Chính tinh thần Samurai của họ làm nên tất cả. Cuốn sách viết về kinh doanh và kiến quốc thể hiện những mặt nổi và mặt chìm trong thương trường có kẻ thắng người thua, kẻ mạnh người yếu. Chung quy cũng vì công cuộc phát triển. Tuy nhiên ít ai có thể giữ vững tinh thần Samurai kiên định như ông Keigo. Cuônd sách cũng là những bài học thiết thực

  3. Tran Thi Phan

    Inamori Kazuo là người sáng lập công ty Kyocera và công ty KDDI, nguyên chủ tịch của Japan Airlines. Trong cuốn này, ông chia sẻ triết lý về chiến lược, điều hành, và quản trị (trong chính trị và kinh doanh) của ông, lấy nền tảng là tư tưởng làm người mẫu mực của một võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân – đó là Saigo Takamori – người ông luôn tôn kính và thần tượng. Cuốn sách chia sẻ chi tiết về 41 điều di huấn của Saigo. Ví dụ:
    Điều di huấn thứ 1: “Điều hành chính phủ quốc gia tức “thay trời hành đạo” phải thuận theo tự nhiên, đất trời, nên không được xen lẫn tư lợi dù chỉ một chút. Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, phải giữ trái tim công bằng, đi con đường đúng đắn, tuyển lựa người hiền minh khắp nơi, trao chính quyền cho những con người chấp hành nhiệm vụ một cách trung thực thì mới đạt “thiên ý”, tức đạt được trái tim thần thánh. Vì vậy nếu tìm được người hiền minh phù hợp thì ngay lập tức nhường lại chức vụ của mình cho người ấy. Ngược lại, dựa vào công trạng đối với đất nước để khen thưởng bằng cách đặt người không thích hợp vào chức quan là việc tồi tệ nhất. Nên nhớ, chức quan là thứ để tuyển người chứ không phải là phần thưởng để chu cấp cho người có thành tích.”
    Sống trong một giai đoạn xã hội có quá nhiều thông tin đa chiều, khuynh hướng khác nhau, mâu thuẫn quan điểm, chỉ trích lẫn nhau v.v dễ làm cho một cá nhân bấn loạn trong định hướng những chuẩn mực về đạo đức làm người cho mình. Cuốn sách giúp chúng ta sốc lại, nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi mà một nhà lãnh đạo (trong kinh doanh hay chính trị), hay một thành viên trưởng thành bất kỳ nào trong một xã hội nên hướng tới để làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

  4. Vinh Khoa

    Công bằng mà nói thì tư tưởng trong cuốn sách được nhắc đến một cách cứng rắn và khắc khổ. Cảm giác đọc quyển này cũng tựa như khi đọc Khuyến học của ngài Yukichi. Biết là đúng đấy, nhưng quả thật với những người đã quen với thói quen thỏa hiệp, mềm mỏng, thì dễ gây tác dụng đụng chạm đến tự ái và từ chối tiếp nhận.
    Tôi có một lời khuyên chân thành là chỉ những ai thực sự muốn hạnh phúc và no ấm cho người khác, thì mới nên đọc quyển này. Con đường để đến được với đạo là đơn độc, không cần phải cầu danh cầu lợi. Một thành quả vĩ đại không thể có được với những động cơ nhỏ lẻ như lợi danh quyền vị.
    Một gợi ý nhỏ là nên mua cuốn này cùng với Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie để gối đầu giường mà đọc hàng tháng, hẳn sẽ có ích. Bởi vì đây là cuốn để ta thiết lập con đường ta sẽ đi, còn Đắc nhân tâm hướng dẫn ta cách đi như thế nào trên từng chặng đường sẽ bước qua đấy.

  5. Nguyễn Minh Đức

    Nếu gặp phải người thích chỉ trích và quen ngụy biện, có lẽ cuốn sách này sẽ bị cho là lý tưởng hóa quá, vĩ mô quá. Nhưng với tôi thì nó thật tuyệt. Nó là cuốn sách truyền cảm hứng để cho những ai vẫn đang phải vật lộn đi trên “chính đạo” hiểu rằng việc đi đó có thể gặp nhiều trắc trở, khó khăn nhưng cái quả của nó sẽ ngọt và bền vững.
    Chính những con người như ông Inamori đây đã giúp tôi hiểu rằng vì sao có một nước Nhật hưng thịnh và phát triển tới vậy sau chiến tranh hoang tàn.

    Xét tới xã hội Việt Nam ngày nay, khi con người ta vì ngắn hạn tạo ra đủ thứ chộp giật, cơ hội nhằm vơ vét kiếm tiền, những cuốn sách như cuốn này hay “Khuyến học” của Yukichi Fukuzawa nên được tôn lên làm các cuốn sách gối đầu giường cho thanh niên Việt Nam.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button