Cuộc Đời Của Pi

(7 đánh giá của khách hàng)

Một cuốn sách hay, câu chuyện về cậu bé Pi kiên cường không chịu lùi bước trước số phận, cho dù trải qua bao bão giông nhưng với niềm khát khao được sống chú bé đã cho ta thấy giá trị của cuộc sống, sự may mắn khi ta được sinh ra và sống bình yên mỗi ngày. Cái cách chú giao tiếp và sống với Richard Parker cũng rất đặc biệt và ấn tượng.Đây là cuốn sách nên đọc trong đời.

Danh mục:

“Mọi việc ở đời có bao giờ diễn ra như ta vẫn tưởng, nhưng biết làm sao. Cuộc đời đem cho ta cái gì thì ta phải nhận cái đó và chỉ còn cách làm cho chúng tốt đẹp nhất mà thôi.”

Cuộc đời của Pi mở đầu với lời chào ấn tượng của tác giả, Yan Martel và hành trình tưởng như bế tắc khi ông mò mẫm đi tìm một câu chuyện cho sự nghiệp của mình. Lời chào ngắn ngủi ấy giúp người đọc hình dung được hoàn cảnh ra đời của cuốn sách và chẳng cần thắc mắc gì nhiều đến bối cảnh của câu chuyện. Và như thế, một Ấn Độ từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước sống dậy cùng Pi, cùng vườn thú Poddicherry và cùng những ngày thơ ấu rối rắm và kỳ lạ.

Piscine Molitor Patel, hay bị gọi nhầm thành Pissing cho đến khi cậu tự đặt cho mình biệt danh Pi – con số 3,14 huyền thoại. Ngẫu nhiên thay, cái tên ấy cùng những biến cố sau này đã biến cuộc đời Pi trở thành huyền thoại. Mà ngay cả nếu không phải huyền thoại thì Pi đã là một cậu bé kỳ lạ, đứa trẻ lớn lên cùng những người bạn trong vườn thú và có niềm tin mạnh mẽ vào Thượng đế. Chắc hẳn trên thế giới này, Pi là cậu bé duy nhất theo đến ba tôn giáo: Hindu, đạo Hồi và đạo Cơ đốc. Trong con người Pi, tôn giáo cũng như dân tộc, như quốc tịch và nếu như chúng ta đều tôn thờ Thượng đế thì tại sao lại không thể tin theo nhiều đạo.

Gandhi đã dạy, mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Tôn giáo là để giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình chứ không phải để hạ nhục nó.

Sự thật đã chứng minh rằng chính niềm tin tôn giáo có phần kỳ dị trong mắt người khác ấy của Pi đã giúp cậu sống sót và tồn tại mà vẫn giữ được sự tỉnh táo, thông minh và cứng rắn sau biến cố tưởng như có thể vắt kiệt mọi sinh mạng sống.

Piscine Molitor Patel, tên thường gọi là Pi, quốc tịch Ấn Độ, là người sống sót duy nhất trong vụ đắm tàu Tsimtsum ngày 2 tháng 7 năm 1977, đã lênh đênh trên biển suốt 227 ngày với xuồng cứu hộ và một con hổ Bengal tên là Richard Parker. Nói như Ravi – anh trai của Pi, thì là “Phiêu lưu đang vẫy gọi”, chỉ có điều 227 ngày phiêu lưu này cũng là 227 ngày đấu tranh và giành giật sự sống trên bề mặt mênh mông của Thái Bình Dương.

Cuộc Đời Của Pi là một cuốn sách nhỏ, không quá dày và không nổi bật với bìa sách màu xanh biển mênh mông có đàn cá làm nền cho chiếc xuồng cứu hộ. Pi và Richard Parker nằm trên hai đầu của chiếc xuồng ấy, lặng lẽ và tuyệt vọng với cái chết rình rập quanh mình.

“Lí do sự chết cứ bám riết lấy sự sống như vậy ko phải là vì nhu cầu sinh học – đó là sự ghen tị. Sự sống đẹp đến nỗi sự chết đã phải lòng nó, một mối tình tư vị đầy ghen tuông quắp chặt lấy bất cứ thứ gì nó có thể động đến.”

Pi và Richard Parker tồn tại bên nhau, duy trì sự sống cho nhau và khuất phục nhau. Pi cho Richard Parker đồ ăn, thức uống để sống. Richard Parker cho Pi lý do để không buông mình tuyệt vọng nhưng cũng chẳng hề hi vọng (thật khó để giữ cho mình hy vọng sau chuỗi ngày dài cô đơn trên biển cả mờ mịt). Cứ thế, cặp đôi đồng hành lăn qua lăn lại giữa lằn ranh sống chết, quật qua quăng lại giữa bão biển và những cơn đói mặn chát… để trở về và chia ly không một lời từ biệt.

Cuộc Đời Của Pi, hay đúng hơn, là câu chuyện Pi Patel tự thuật về cuộc đời mình và Yan Martel là người ghi lại cảm xúc, hành động, khát vọng sống,… Trong câu chuyện ấy không có phép lạ, không có điều kỳ diệu, Pi chỉ có đức tin và lời cầu nguyện để giữ lại cái phần người cho chính mình.

“Khi chính cuộc sống của ta bị đe dọa, ý thức thương cảm bị cùn đi bởi một thèm khát sống đầy ích kỷ”. Và, trong một phiên bản nhân hóa đáng tin hơn thì câu chuyện của Pi kỳ lạ, hoang đường, trần trụi đến tàn khốc khi mô tả bản năng của con người qua hình ảnh những con vật. Nhân hóa ấy hợp nhất Pi – một cậu bé ăn chay 16 tuổi với đức tin vào Thượng đế, cầu nguyện ba lần một ngày – với Richard Parker – một con hổ Bengal nặng 450 pound mạnh mẽ, tàn bạo và hoang dã.

Khi trang sách khép lại, những gì còn lại cho người đọc hẳn không nhiều, bởi, câu chuyện về sinh tồn trong tuyệt vọng vốn không còn xa lạ trong phim ảnh, sách báo nữa. Yan Martel đã hoàn thành trọng trách của một người kể chuyện, còn Pi – đã trưởng thành và sống hạnh phúc cùng gia đình nhỏ của mình – không còn là huyền thoại xa vời mà chỉ như một dấu ấn mờ mịt trong muôn ngàn sinh mạng đang tồn tại trên thế giới này. Đến cuối cùng, đâu là thực, đâu là ảo giác? – Chắc chẳng quan trọng nữa rồi. Pi vẫn sống cùng niềm tin đa tôn giáo, cùng triết lý kỳ lạ về con người và sự sống, cùng gia đình nhỏ bên người vợ xinh đẹp và hai đứa con – Một cái kết có hậu cho người đã mất đi tất cả trong cuộc phiêu lưu đáng sợ nhất đời mình.

***

Giải thưởng: Giải Man Booker năm 2002. Giải thưởng văn học dịch Hội Nhà văn Hà Nội. Giải thưởng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam

Sau vụ đắm tàu bi thảm, Pi, cậu bé 16 tuổi con một giám đốc sở thú cùng gia đình đi Canada, thấy mình là kẻ sống sót duy nhất trên một chiếc xuồng cứu nạn nhỏ bé dập dềnh giữa Thái Bình Dương. Cùng với một con ngựa vằn đau khổ (gẫy một chân), một con linh cẩu lông đốm độc ác liên tục kêu yip yip, một con đười ươi cái nôn ọe vì say sóng và đặc biệt một con hổ Bengal nặng 450 pound, Pi đã lang thang trên đại dương suốt 227 ngày, hy vọng rồi tuyệt vọng, trải qua những điều hài hước nhất, kinh khủng nhất, hoang tưởng nhất, đáng sợ nhất…mà một con người có thể gặp trong đời. Trí tưởng tượng không giới hạn, vốn hiểu biết dày dặn, sự trải nghiệm sâu rộng, nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, đó là những yếu tố đã giúp Yann Martel viết nên một trong những cuốn sách đáng đọc nhất của văn học thế giới đương đại.

“Cuộc đời của Pi là hắc ảo thuật song hành cùng hiện thực, một ngụ ngôn tinh tế và công phu về đức tin dưới nhiều tầng lớp” – Irish Time

“Nếu thế kỷ này sản sinh ra một tác phẩm kinh điển để lại cho hậu thế, Martel là một ứng cử viên nặng ký” – The Nation

“Những người nào tin rằng nghệ thuật hư cấu đang hấp hối hãy để họ đọc Yann Martel cho họ mở rõ con mắt” – Canongate

“Có một chút gì như là truyện biển, lướt nhẹ qua chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, còn lại tràn đầy là thiên tài kể chuyện đã làm nên tiểu thuyết của Martel”

7 đánh giá cho Cuộc Đời Của Pi

  1. Đặng Đỗ Thiên Thanh

    Không chỉ là một quyển sách phiêu lưu thông thường, Cuộc đời của Pi là một tổng thể bao gồm các kiến thức về động vật học, những chiêm nghiệm triết học, sự lãng đãng hồi tưởng về tuổi thơ xen lẫn với những tình tiết sống động và chi tiết đến mức ám ảnh về một cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu.
    Chuyến hải trình trên biển của Pi không mang vẻ đẹp lãng mạn của những tác phẩm kiểu Jules Verne, nơi những khó khăn được thi vị hóa thành chủ nghĩa anh hùng. Đây là một cuộc vật lộn khắc nghiệt và sinh tử, nơi mọi giới hạn về đạo đức và tính người bị mang ra thách thức, nơi ranh giới giữa loài vật và con người trở nên mong manh. Người đọc không khỏi ngưỡng mộ kiến thức của tác giả, nhưng trên tất cả là thán phục trí tưởng tượng của ông. Dưới ngòi bút của Yann Marten, tác phẩm đã trở thành một bộ phim HD nơi bạn có thể hình dung rõ nét đến từng chi tiết như đang chứng kiến ngay trước mắt, và cùng với nó là sức ám ảnh mãnh liệt như thể chính bạn là nhân vật chính của câu chuyện. Có lẽ chính điều đó đã khiến cho cuốn sách này được yêu thích đến thế.

  2. La Vie

    Phải nói là mình cực ấn tượng với nội dung của cuốn sách, cốt truyện cực lạ. Làm sao tác giả lại có thể tưởng tượng và xây dựng nên một cuốn sách có nội dung hoàn hảo đến như vậy? Khi xem phim mọi thứ có vẻ diễn ra khá nhanh so với xem sách nhưng vẫn truyền tải được hết vẻ đẹp được miêu tả trong sách.
    Nhân vật Pi trong chuyện có tư tưởng chán chường và muốn có một sự kiện nào đó xảy ra để kéo cuộc đời mình ra khỏi cuộc sống nhàm chán đó. Và thế là chính cái đêm đắm tàu đã kéo theo mong muốn của anh ta. Tư tưởng của anh chàng này khá giống với hiện trạng của mình lúc bây giờ, chán nản với cuộc sống nhàm chán và muốn có được một sự kiện nào đó diễn ra trong đời sống để lại ấn tượng trong cuộc đời mình. Thế nên khi đọc sách mình rất nhập tâm, và đặt chính bản thân mình vào hoàn cảnh của nhân vật Pi. Nhưng có lẽ nếu mình ở vào hoàn cảnh của anh ấy thật có lẽ mình đã chết từ lâu vì mình không biết bơi, hơn hết lại có một con hổ to như thế trên tàu.
    Mình rất thích những tác phẩm có nội dung lạ kỳ và huyền ảo nhưng cũng chân thật như cuốn “Cuộc đời của Pi” này. Có những tư tưởng của nhân vật Pi trùng khớp với suy nghĩ của mình, ví dụ như tin vào việc: Mọi giống loài đều có tâm hồn. Và rằng chuyện con hổ sẽ không ăn thịt mình là chuyện có thể xảy ra. Con hổ có thể hiểu được điều mình nói với nó,… Không biết có phải thật trẻ con khi tin vào điều đó không. Nhưng mình nghĩ cuộc sống luôn có những điều kì lạ mà con người không bao giờ có thể giải thích được. Mình luôn nghĩ loài vật sẽ không bao giờ tấn công con người trước trừ khi chúng làm điều đó vì tự vệ. Mình đã luôn nghĩ như vậy, và thật kỳ lạ là suy nghĩ của mình lại trùng khớp với nhân vật Pi trong câu chuyện này.
    Rất ít cuốn sách có thể cho mình cảm xúc mạnh mẽ đến như vậy. Diễn tả đúng tâm trạng mình đến như vậy. Tin vào Thượng Đế. Cuốn sách cho mình niếm tin mạnh mẽ hơn vào Thượng Đế, đúng như vậy. Thật kì lạ là khi xem xong một cuốn sách có thể làm cho mình có thêm niềm tin vào Thượng Đế nhưng điều đó là đúng nếu bản thân bạn là người có tâm trạng và hoàn cảnh giống như nhân vật Pi.

  3. Nguyễn Quỳnh Mai

    Tôi yêu cuốn sách này. Và bởi vì quá nhiều người nhắc đến nó như một cuộc phiêu lưu tuyệt vời – vì nó đúng là như thế – cho nên tôi sẽ nói về một điểm khác mà tôi cũng rất thích. Đó là về mặt tôn giáo. Tôi không theo Đạo, cũng chẳng tin vào Thượng Đế, đấng sáng thế, Chúa hay bất cứ tượng thần gì gì… Tôi bị thuyết phục bởi đức tin của Pi, đức tin mãnh liệt của cậu bảo tôi rằng thế giới này sinh ra là tốt đẹp. Rằng mọi thứ rồi sẽ về đúng chỗ của nó. Rằng bạn hãy làm điều mà bạn thấy đúng. Rằng chẳng có gì quan trọng khi bạn theo đạo nào, khi bạn cầu nguyện bằng tiếng gì. Bởi vì chỉ có một Thượng đế mà thôi, và bạn chỉ cần yêu Thượng đế bằng cả trái tim, như Pi, thì những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.

  4. Minh Tân

    “Cuộc đời của Pi” là một câu chuyện không những hay về mặt nội dung và còn cực kì sâu sắc về mặt tư tưởng. Đó là ngọn lửa cùng niềm tin mãnh liệt vào nghị lực, sức sống kiên cường của con người khi phải đương đầu với cái chết. Một người đắm tàu trôi dạt trên biển với một giống loài ăn thịt dữ tợn, đừng nói đến thủy thủ, nhà thám hiểm, tất cả có lẽ không ai chịu đựng nổi một bi kịch như thế: tuyệt vọng, không có ngày mai.
    Vậy mà Pi đã kinh qua tất cả, thật phi thường, cuốn hút từng chi tiết. Pi có lẽ chính là hình ảnh tác giả dựng lên như chính niềm tin vào sức mạnh vô biên của con người. Cảnh tượng được miêu tả trong sách đẹp không tưởng nổi, một thế giới xa xăm, một chốn thần tiên nơi biển cả. Nếu bạn xem phim, sẽ thấy tất cả chân thực, ám ảnh, choáng ngợp hơn đến mức nào.

  5. Trang Bùi

    Qua cuộc đấu tranh sinh tồn của Pi giữa đại đương, người đọc không chỉ cảm nhận cái khát vọng sống lớn lao của con người, mà còn là cuộc đấu tranh nội tâm giữa rất nhiều khía cạnh tâm lý khác. Những chiêm nghiệm, suy ngẫm của một người đang ở giữa sự sống và cái chết luôn mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Với lối kể chuyện phong phú và giọng văn biến hóa sinh động, câu chuyện những tưởng sẽ nhàm chán bởi những lời độc thoại nội tâm và những triết lý triền miên lại trở nên vô cùng cuốn hút và thú vị. Đây thực sự là một cuốn sách đáng đọc, một câu chuyện rất nhân văn và đề cao giá trị con người.

  6. DT TX

    Quyển này đúng la khiến người đọc hơi hoang mang. Có thể là những kiến thức về bản năng sinh tồn, về sự lạc quan và niềm hy vọng khiến người đọc cảm thấy hứng thú và truyền cảm hứng lớn lao, nhưng lồng vào đó là những triết lý có vẻ hơi trừu tượng và khó hiểu. Nhưng điều mình thích vẫn là sự sống động trong thế giới nội tâm của cậu bé Pi, dù có phải lênh đênh trên biển 1 mình thì cậu vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan và sự suy nghĩ sang suốt trong mọi trường hợp, đây cũng là điểm mà ta nên học hỏi.

  7. Y Thanh

    Cuốn sách làm nhiều người không thể tin được bởi nó gần như là không tưởng. Nhưng quan trọng chắc không nằm ở vấn đề là nó viết về sự thật hay không. mà quan trọng là nó cho ta những góc nhìn mới về thế giới xung quanh, về vườn thú, về tôn giáo, về nghị lực, và khả năng sinh tồn. Nên mới thấy những gì chúng ta biết vẫn còn hạn hẹp thôi, đâu đó trong một thành phố biết đâu có một con hổ, và đâu đó trong cuộc sống có những cuộc đời thật ấn tượng như Cuộc đời của Pi

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button