Đại Gia Gatsby

(6 đánh giá của khách hàng)

Đại gia Gatsby là quyển tiểu thuyết đem lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Tác giả khắc hoạ nhân vật Gatsby đầy lôi cuốn và đáng nhớ. Một con người đi lên từ đôi bàn tay trắng, vươn đến đỉnh vinh quang của cuộc đời rồi sau đó chợt tắt trong bi thảm. Quyển sách phác hoạ chân thực bối cảnh của nước Mĩ lúc bấy giờ: một nước Mĩ hào nhoáng, phồn thịnh, nhưng nào có ai ngờ, đó chỉ là 1 ảo ảnh với những con người vô tâm, hững hờ, chỉ màng danh lợi. Một cốt truyện đầy u uẩn và sầu khổ nhưng mê hoặc người đọc, đó chính là Đại gia Gatsby.

Danh mục:

“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”

Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 – 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt, tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi. Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những tưởng sẽ có tất cả – tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.

Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị” (như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.

6 đánh giá cho Đại Gia Gatsby

  1. Phạm Linh

    Biết đến “Đại gia Gatsby” là do xem phim từ trước. Và khi biết bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, thì mình đã tìm đọc.Tiểu thuyết Đại gia Gatsby của F. Scott Fitzgerald ghi lại tâm trạng mất mát và chán chường của những giấc mơ Mỹ của tuổi trẻ bị tan vỡ trong thất bại ở “thời đại nhạc Jazz”. Với mình, chiều sâu của tác phẩm nằm ở đoạn George Wilson, chồng Myrtle giết Gatsby và tự sát. Sau đó, đám tang của Gatsby vĩ đại chỉ do mình Nick lo liệu. Đây là tác phẩm văn học rất đáng để đọc, để cảm và để hiểu.

  2. Ông Thị Diệu Huyền

    Một tác phẩm hay về thời cuộc. Ban đầu đọc xong cảm thấy không thông hiểu lắm cho đến khi tìm hiểu kỹ về background của cuốn sách cũng như thời đại nhạc Jazz. Tôi từng coi qua phim nói đến sự điên cuồng của thời đại này như vở nhạc kịch Chicago. Gastby xem chừng là một gã thắng vận được thời còn Daisy cơ bản cả đời vẫn bị xô đẩy bởi bản chất nữ nhi thường tình.
    Sau khi xem xong bộ phim thành công vang dội “The great Gatsby”, tôi đã tìm đọc cuốn sách này. Đã có rất nhiều bộ phim về Gatsby nhưng thật sự tới nay vẫn chưa có bộ phim nào đạt được điều mà tác giả Scott Fitzgerald hướng đến. Phim ảnh thường mải tập trung vào cuộc tình của Gatsby và nàng Daisy kiều diễm chứ thật sự chưa thể hiện được bức tranh miêu tả nước Mỹ thời 1919-1929. Đọc truyện rồi ta mới nhận ra điều đó và có cái nhìn sâu sắc hơn về đại gia Gatsby cũng như cuộc đời đầy sóng gió của ông. Cuốn sách cũng để lại cho ta nhiều bài học sâu sắc về đạo đức và niềm khát khao, hoài bão cháy bỏng đời người.

  3. Nguyễn Thanh Quyên

    “Chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ”
    Như dịch giả Trịnh Lữ đã kết trong cuốn sách: Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gatsby mới thật sự vĩ đại. Trước hết nói 1 chút về thành viên của Lost Generation, F. Scott Fitzgerald. Kể từ khi đọc “Trên đường” của Jack Kerouac – thành viên của thế hệ Beat, mình mới có cùng kiểu cảm giác đờ đẫn và trăn trở này khi ngấu nghiến quyển “Đại gia Gatsby”. Không hiểu nó là gì, kiểu như khi người ta nghe nhạc Trịnh hoặc xem tranh của Picasso; đều mang cái gì đó cũ, u hoài và đậm nét huyền thoại. Đọc có nhiều đoạn tưởng như Fitzgerald phải “lên đồng” mới viết được, đặc biệt là những đoạn chiêm nghiệm của nhân vật, chúng rất đời thường, nhưng được viết theo một cách hoa mỹ chưa từng thấy. Những nghĩ suy đó được ông văn chương hoá thành các hình ảnh ẩn dụ, như việc Gatsby mù quáng nắm bắt cho bằng được ánh sáng màu xanh dù nó đã ở sau lưng ông tự bao giờ, hay khi Nick đang đứng trên sân thượng của một khách sạn, chết chìm trong hoan lạc của nhân loại, anh lại thấy hình ảnh chính mình dưới lề đường. Bản thể đó trố cặp mắt vừa ngạc nhiên vừa khinh miệt vào chính anh. Thật vậy. Đôi khi chúng ta vừa bị mê hoặc vừa thấy kinh tởm cái đa dạng khôn kiệt của cuộc đời.Theo một cách rất tinh tế cũng như phẫn nộ, Fitzgerald đã gián tiếp tố cáo thói sùng bái vật chất vô độ của người Mỹ ngày xưa, của “Giấc mơ Mỹ”.

  4. Huy Lưu

    Đại gia Gatsby là quyển tiểu thuyết đầu tiên mình được đọc và là cuốn đem lại cho mình nhiều cảm xúc nhất. Tác giả khắc hoạ nhân vật Gatsby đầy lôi cuốn và đáng nhớ. Một con người đi lên từ đôi bàn tay trắng, vươn đến đỉnh vinh quang của cuộc đời rồi sau đó chợt tắt trong bi thảm. Quyển sách phác hoạ chân thực bối cảnh của nước Mĩ lúc bấy giờ: một nước Mĩ hào nhoáng, phồn thịnh, nhưng nào có ai ngờ, đó chỉ là 1 ảo ảnh với những con người vô tâm, hững hờ, chỉ màng danh lợi. Một cốt truyện đầy u uẩn và sầu khổ nhưng mê hoặc người đọc, đó chính là Đại gia Gatsby.

  5. Ngọc Trâm

    Đây là một quyển sách khó đọc. Mình đã nhận định như vậy khi đọc được vài trang đầu và đến khi đã đọc đến 1/3 quyển mình vẫn ko hiểu được nội dung chính mà quyển sách đang đề cập tới là gì. Tất cả những gì mình thấy chỉ là cuộc sống xa hoa, hoang phí của giới thượng lưu lúc bấy giờ, những quý bà, quý ông khoác lên mình bộ cánh lộng lẫy bước vào những bữa tiệc để rồi say khước khi ra về. Và việc ngoại tình được đề cập đến như là một thú vui tiêu cực chứ ko phải là việc làm trái đạo đức nữa. Khi quá khứ của Gatsby được tiết lộ thì mình dần hiểu ra và mọi thứ như được sáng tỏa. Nhân vật Daisy là nhân vật ban đầu khiến mình cảm thấy rất khó hiểu vì qua sự miêu tả của người kể chuyện và của Gatsby thì Daisy là một cô nàng luôn sống trong nhung lụa nhưng là một cô gái vui vẻ, nhiệt tình và hoàn toàn vô hại. Nhưng thực tế lại ngược hoàn toàn, Daisy là một cô ả chỉ biết đến vật chất, hờ hững và vô tình đến cùng cực, điều này thể hiện rõ ràng qua cái cách cô rời bỏ Gatsby và biến mất sau đó. Có trách cũng chỉ có thể trách Gatsby vì đã quá mù quáng khi luôn muốn quay lại quá khứ để rồi ko nhìn ra được hiện thực đã vô tình như thế nào. Sự thực rằng ông đã luôn cô đơn và không có gì ngoài cái mác đại gia.

  6. Nguyễn Chi

    Đại gia Gatsby xoay quanh Jay Gatsby, từ khi còn là cậu thiếu niên mười bảy tuổi nhiều tham vọng, cho đến khi cuộc đời kết thúc trong một lễ tang quạnh vắng. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Gatsby đã tận tâm tận sức để yêu, để làm giàu. Đó có lẽ sẽ là một câu chuyện đẹp về một thanh niên có tâm hồn lãng mạn và cầu tiến, nếu nó không xảy ra trong bối cảnh một xã hội chạy theo vật chất, tôn thờ vật chất, sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được một cuộc sống xa hoa nhung lụa.

    Những con người trong xã hội đó được tác giả xây dựng ở tận cùng của sự phù phiếm: từ nàng Daisy xinh đẹp và bồng bềnh như một đám mây trong những váy áo trắng toát, đến Myrtle tham lam phản trắc, từ Tom Buchanan khệnh khạng giàu có đến lão Wilson khổ sở tận tụy phục vụ tình yêu mù quáng. Họ – hoặc là sinh ra trong dư dả vật chất để sống cả đời dửng dưng, vờ vĩnh như giọng nói lên bổng xuống trầm, hấp dẫn mà vô nghĩa của Daisy, hoặc là sống trong thiếu thốn chật vật để phải đánh đổi mọi thứ lấy một chút dư thừa – họ là những linh hồn phù phiếm… Cả một xã hội thu nhỏ hiện lên ở sân trước nhà Gatsby: Họ thèm khát những thứ lấp lánh phù hoa, họ lao đến xa hoa như những con thiêu thân lao vào ánh đèn… Phù phiếm, nhẹ dạ, và ác độc – cái cách mà họ phơi hồn mình trước tiền tài, danh vọng, địa vị.

    Giữa xã hội nhốn nháo đó, là Gatsby. Gatsby không phải một tấm gương về đức hạnh, càng không phải một kiểu nhân vật chán đời trước thời cuộc rối ren. Gatsby là kẻ có tâm hồn, và trong nhận thức về cái suy đồi nghiệt ngã của xã hội, Gatsby đã tuyệt vọng bán rẻ tâm hồn cho một giấc mơ hoang đường, một ảo vọng xa vời như đốm sáng xanh phía bên kia vịnh mà chàng vẫn say đắm ngắm nhìn.

    Gatsby yêu Daisy bằng một tình yêu được đắp xây từ nhiều huyễn hoặc của chính bản thân chàng. Nhưng không phải Daisy – cùng cái thứ bồng bột, hời hợt mà nàng gọi là yêu – đã phá hủy Gatsby. Chính Gatsby đã tự hủy hoại mình. Cả câu chuyện là một cuộc chơi cá cược lớn, trong đó Gatsby đã thua đau, khi dùng tất cả những gì mình có, từ trong ra ngoài, để cố với bắt những phù hoa vô nghĩa.

    F. Scott Fitzgerald đã sống một phần cuộc đời tương tự như Gatsby, chết cái chết tương tự như Gatsby, không phải ở hoàn cảnh hay cách thức, mà ở ý nghĩa: Dùng trọn vẹn những gì mình có để đuổi theo những mộng tưởng họ cho là xứng đáng, những mộng tưởng mà đây đó người ta gọi dưới cái tên “Giấc mơ Mỹ”. Nghĩa là nhà văn đã dùng chất liệu chân thực nhất, đau đớn nhất để viết nên tác phẩm của mình.

    The Great Gatsby nhiều khi được dịch là Gatsby vĩ đại. Nhưng đọc tác phẩm của Fitzgerald ta mới nhận rõ, Gatsby không hề vĩ đại. Đúng như dịch giả Trịnh Lữ nhận xét: “Gatsby chỉ là đại gia. Người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại”.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button