200 năm sau, một nghệ nhân làm đàn cổ cầm đã đột nhập vào ngôi mộ của hoàng đế và lấy gỗ từ ngôi mộ của ông làm nên một cây đàn cổ cầm huyền thoại. Khi tiếng đàn cất lên, nó đã đánh thức linh hồn của vị hoàng hậu năm xưa, và đưa mối tình đã ngủ sâu hai thế kỷ sống lại.
Cuốn tiểu thuyết Đàn cổ cầm khỏa thân của nữ tác giả người Pháp gốc Hoa Sơn Táp lấy bối cảnh Trung Hoa từ năm 420 – 585, trong thời kỳ hỗn loạn về chính trị. Đế quốc Trung Hoa và giới quý tộc bị đe dọa bởi các bộ lạc du mục dẫn đến nhà Hán bị lật đổ và sau đó là nhà Tấn. Trung Hoa bị chia làm hai, những quý tộc Trung Quốc lưu vong đoàn kết xung quanh một vị hoàng đế và định cư tai phía nam sông Dương Tử, khởi đầu cho thời kỳ phân tranh Nam Bắc.
Một cô gái thuộc tầng lớp quý tộc, từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, được bao quanh bởi nghệ thuật và thi ca đã bị bắt cóc và buộc phải kết hôn với một người lính của miền Nam. Cuộc hôn nhân đã tước đi của cô cuộc sống sung túc và đẩy cô vào sự khốc liệt của chiến tranh và thủ đoạn. Đi theo người lính đã bắt cóc mình, chứng kiến ông thăng tiến dần trong xã hội, cô gái quý tộc đã yêu ông và mang thai đứa con của ông. Họ cùng đến Tử Cấm Thành, vượt qua bao nhiêu khó khăn, anh lính năm xưa đã trở thành hoàng đế Trung Hoa, còn cô gái thành hoàng hậu.
200 năm sau, một nghệ nhân làm đàn cổ cầm đã đột nhập vào ngôi mộ của hoàng đế và lấy gỗ từ ngôi mộ của ông làm nên một cây đàn cổ cầm huyền thoại. Khi tiếng đàn cất lên, nó đã đánh thức linh hồn của vị hoàng hậu năm xưa, và đưa mối tình đã ngủ sâu hai thế kỷ sống lại.
Nguyễn Thị Thục Quyên –
Sơn Táp, như thường lệ, lại chọn chiến tranh làm nền cho một chuyện tình đẹp đẽ mà bi thương. Nàng, con gái một thợ đàn trong giới quý tộc, vì chiến loạn mà phải làm vợ một người lính, phải rời xa tất cả, chỉ còn một cây cổ cầm ở bên. Chàng, người của hai trăm năm sau, một người thợ làm đàn sống giữa một triều đại điêu tàn, thời thế đảo điên. Trong cuộc đời hai người, tiếng cổ cầm u buồn ngân nga dẫn chuyện. Họ gặp nhau bằng một kết nối huyền ảo, yêu nhau, rồi chia ly trong phút chốc. Dở dang, nhưng đẹp đến hoàn mỹ. Sơn Táp đã thành công khắc họa một bối cảnh loạn lạc, tàn khốc nhưng lại chìm trong bầu không khí thanh tĩnh như một bản nhạc được tấu lên bởi cây cổ cầm.
Lâm Thị Hạnh –
…Chàng nghệ nhân làm đàn cổ cầm giúp bạn là một người phàm trần có tiền để trốn đi cùng với người yêu là một nữ tu đã đào mộ Hoàng hậu Trung Hoa thời Tống để tìm châu báu. Rốt cục họ chỉ tìm được mảnh gỗ quan tài cổ. Để mảnh gổ này biến thành cây đàn cổ cầm có thể bán được thành tiền chàng nghệ nhân phải mất hàng năm trời…Trong khi chàng nghệ nhân Thẩm Phong ám ảnh, huyễn hoặc hạnh phúc với linh hồn của vị Hoàng Hậu ẩn chứa cùng mảnh gỗ- Đàn cổ cầm kia thì đôi tình nhân phàm trần và nữ tu bị hành hình…
Nếu ai đã đọc ” Thiếu nữ đánh cờ vây” sẽ không thể bỏ qua cuốn sách này của Sơn Táp.Một câu chuyện huyễn hoặc nhưng không phi lý bới nó được gắn chặt vào lịch sử, bởi những kiến thức về lịch sử dân tộc mình của tác giả.Lịch sử, âm nhạc, hội họa hòa quyện trong thanh âm của cuộc sống, của chiến tranh tạo nên một bối cảnh khắc nghiệt buộc con người phải lựa chọn giữa cái thiện và ác trong chính mình.
Linh Linh –
Đây là lần đầu tiên tôi biết đến Sơn Táp, nhưng sự thật là cuốn sách ấy, nhà văn ấy đã hớp hồn tôi mất rồi. Phải nói rằng “Đàn cổ cầm khỏa thân” là một tác phẩm khá kỳ lạ, kỳ lạ từ nhan đề đến nội dung, giọng văn bên trong. Một người phụ nữ và một người đàn ông, một người là hoàng hậu, một người chỉ là thợ đánh đàn hết sức bình thường, sống cách nhau tới ba thời đại, thế nhưng chỉ cần tình yêu đối với âm nhạc, nhất là đối với đàn cổ cầm, đã đủ khiến trái tim họ xích lại bên nhau. Chuyện tình đẹp đẽ ấy dù ngắn ngủi nhưng vẫn để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tim tôi. Rất thích giọng văn Sơn Táp trong truyện này, nhẹ nhàng mà sâu lắng, tinh tế và đầy chất thơ.
Lê Linh –
Tôi bị thu hút bởi nhan đề sách – “đàn cổ cầm khỏa thân” – một nhan đề khá lạ và đem đến cảm giác gì đó vừa dữ dội, vừa xót xa. Mối tình được Sơn Táp khắc họa là một mối tình đầy đau đớn giữa hai con người không những địa vị khác xa nhau mà đến cả triều đại cũng cách biệt, thế nhưng chỉ cần hai trái tim cùng hướng đến âm nhạc, cùng hướng đến đàn cổ thanh cao không vướng bụi trần thì chúng đã có chung nhịp đập rồi. Mối tình của hoàng hậu vốn không hạnh phúc và chàng trai đánh đàn khiến tôi cảm thấy mắt cay cay, nhưng chí ít, họ đã tìm thấy tình yêu cho mình, đúng không? Văn phong của tác giả cũng khiến tôi rất ấn tượng, vừa dịu nhẹ, vừa ấm áp, lại mang một nét buồn mang mác, nói chung là rất khó hình dung, nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
Đan –
Rất thích giọng văn lãng đãng, chậm rãi, ngôn từ đầy nghệ thuật và chất thơ của Sơn Táp. Đọc những tiểu thuyết trước đây của Sơn Táp như “Thiếu nữ đánh cờ vây”, “Bốn kiếp thùy liễu” đều có cảm giác man mác đầy mộng ảo, rồi lại có gì đó u buồn không rõ. Còn “Đàn cổ cầm khỏa thân” là câu chuyện về tình yêu xuyên thời gian vài trăm năm giữa 1 nữ quý tộc sa sút thời loạn biết chơi đàn cổ cầm và người nghệ nhân chế tác nó. Dù cuộc sống của họ đầy thăng trầm nhưng tình yêu với đàn cổ cầm và âm nhạc mang họ đến với nhạu tạo thành tình yêu đẹp bất chấp trăm năm cách trở. Sâu trong cốt cách, thấm đẫm từng trang truyện, câu chữ, nhân vật của Sơn Táp là bóng hình của một Trung Hoa ngàn năm, không thể bị chìm lấp giữa dòng ngôn tình Trung Quốc hay lai căng với dòng văn học tình cảm Âu Mỹ hiện nay.