Đằng Sau Những Nụ Cười

(5 đánh giá của khách hàng)

Ai đó đã nói rằng hận thù là món ăn nguội, càng để lâu càng ngon. Cho phép tôi được đổi lại… sự yêu thương, lòng trân trọng thương tiếc là món ăn càng để nguội càng để lâu càng quý… Có đêm trời mưa, ngủ một mình và tôi khóc trong tiếng mưa rơi giữa đêm khuya lạnh lẽo. Anh à, bây giờ cũng là ngày cuối tháng ba, em nhớ tiếc những ngày có anh nhưng… “Lòng tôi có khi chợt như vắng ai. Nhiều khi muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà…”

Danh mục:

Giới thiệu

“Một hôm tôi hỏi Sơn: “Sống trong đời mình cần phải có gì? Làm gì?” Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: “Cần có một tấm lòng”. Tôi nhìn Sơn: “Một tấm lòng?”, ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn… Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. “Sống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để… gió cuốn đi”. Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gầy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu dội vào cõi u tối, ngu muội.”

(Khánh Ly)

Nhắc đến cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, người ta lập tức nhắc đến Khánh Ly, người mà đến giờ chưa ai có thể thay thế trong dòng nhạc Trịnh. Lần đầu tiên, một quãng đời được chị chia sẻ cùng độc giả, khán giả của mình qua cuốn sách Đằng sau những nụ cười. Đó là cả một quãng thời gian 50 năm đi hát cũng như bôn ba khắp bốn phương của chị, thấp thoáng bóng dáng những người đàn ông mà theo chị “nợ cả cuộc đời”. Và dù đi đâu, làm gì, trong tim chị vẫn thiết tha cháy bỏng ước muốn “mãi mãi làm một người Việt Nam nguyên vẹn hình hài”:

“Tôi muốn được mãi mãi làm một người VIỆT NAM… NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI… trong cái cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Một cộng đồng biết thương nhau bằng trái tim Việt Nam, thì tôi cũng sẽ không phải, không đến nỗi phải yêu thương cuộc đời bằng chính trái tim… của tôi. “MỖI NGÀY TÔI CHỌN NGỒI THẬT YÊN. NHÌN RÕ QUÊ HƯƠNG, NGỒI NGHĨ LẠI MÌNH. TÔI CHỢT BIẾT RẰNG VÌ SAO TÔI SỐNG, VÌ ĐẤT NƯỚC CẦN MỘT TRÁI TIM”. Tôi ở đây và tôi cũng cần một trái tim.”

Đọc thử

KHOẢNG TRỜI YÊU THƯƠNG

Mấy hôm rồi, một mình tôi ở nhà, một mình tôi hưởng cái lành lạnh buồn buồn, nhẩm lại bài hát mới “Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau, có những vực bờ chôn theo tình đầu. Có tiếng thở dài dưới gió thu đông. Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng.” Trời buồn, một mình buồn, bài hát buồn, tôi chợt thấy lênh đênh lãng đãng, tôi trôi dần về kỷ niệm.

Cuộc đời tôi, mỗi bước đi qua, mỗi kỷ niệm. Vui buồn hay thương đau cũng như nhau, cũng là kỷ niệm làm lòng mình ấm lại trong những ngày chớm thu. Tôi đang bước về khoảng trời yêu thương nhất của một thời, tình yêu còn mới như trang giấy, mới viết một chữ yêu. Đà Lạt của năm 1962. Bắt đầu cho tôi những ngày sống thần tiên. Tôi yêu cái thành phố – đi dăm phút lại gặp nhau, trên những con dốc, những mái nhà ngói nhỏ thấp thoáng cao thấp trên những sườn đồi. Con gái Đà Lạt má đỏ, môi hồng, da trắng tóc dài giản dị mà duyên dáng nhẹ nhàng như con gái Huế. Những chiều nắng vàng, tôi trốn bạn bè lên đồi Cù, nằm một mình dưới gốc thông, lắng nghe gió thổi mơn man trên tóc trên da, có lúc đi bộ vòng vòng trước vườm ươm cây cạnh hồ Xuân Hương, có lúc một mình ngồi uống ly café sữa nóng tại nhà thủy tạ đợi chiều xuống. Rồi lại một mình đón xe đò về nhà. Đi xe đò, xe lam ở Đà Lạt cũng là một cái thú. Dù đi một mình hay với bạn bè.

Tôi yêu Đà Lạt như yêu Huế, yêu bờ sông Thạch Hãn. Rời Sài Gòn lên Đà Lạt, lúc đó tôi 16 tuổi. Quyết định một mình và ra đi một mình. Tôi bắt đầu hát trong night club ở Đà Lạt ngày 15-11-1962. Cái nhà hàng nằm ngay bên cạnh đường đi trại Hầm. Cũng từ ngày đó tôi tự coi tôi như người Đà Lạt, người của Đà Lạt. Không có một nơi nào của Đà Lạt mà tôi không đặt chân đến. Không có tiệm ăn nào, món ăn nào ở Đà Lạt mà tôi không nếm qua. Từ Mekong, Sanghai, đến tiệm Mì Quảng Ngọc Diệp có phòng tắm nước nóng, bà bún riêu, bán mắm cà chợ Hòa Bình, bao nhiêu năm sau dù đã rời xa Đà Lạt tôi vẫn ghé thăm mỗi khi trở lại. Phở Ngọc Lan, cơm thịt đông, dưa chua Bắc Hương, café Tùng… Gần như ngày nào tôi cũng có mặt. Cái thành phố lên cao xuống thấp, nhỏ như bàn tay, mọi người đều quen biết nhau. Bây giờ người đã chết, người còn sống với bao nhiêu trách nhiệm bổn phận của gia đình. Nhắc nhớ là một chuyện không nên. Dù lòng tôi, tận trong thâm tâm tôi, tôi không hề quên. Có điều tự nhủ. Số phận. Mỗi người một phần số. “Dòng đời trôi quanh co có khi xui người lỗi hẹn hò”. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm một thời, còn mãi những mộng mơ…

Giờ tuổi đã lớn, con cái đã lớn, có những chiều mưa buồn một mình như chiều hôm nay, tôi chợt thấy lại sống trong những kỷ niệm tôi đã đào sâu chôn cất bao nhiêu năm… Tôi đã tự nhủ với lòng rằng tất cả chỉ là định mệnh, trời đã cho ta thế, ta nhận thế. Tôi đã hài lòng, an phận với hạnh phúc gia đình đơn sơ như hôm nay.

Lẽ ra tôi không nên viết những điều này lên báo. Nhưng khổ nỗi, tôi chỉ có thể viết được những điều tôi nghĩ, không thể khác hơn… Có những lúc cơn nhớ nhà nổi lên bất tử. Đang ngồi tự nhiên la lớn… Trời ơi nhớ nhà quá, nhớ Đà Lạt quá, nhớ Huế quá…

Tôi ở Đà Lạt 5 năm, ai kêu ai rủ về Sài Gòn cũng lắc. Đà Lạt với tôi là nhất. Đà Lạt như chỗ ẩn náu thần tiên, người Đà Lạt thân thiết yêu thương tôi. Nhưng sau cùng tôi phải cắn răng bỏ Đà Lạt ra đi, để bước vào một định mệnh khác. Một hạnh phúc. Một bất hạnh khác. Sau đó nhiều lần tôi trở về thăm Đà Lạt như đứa con xa về nhà, không xa lạ như một người khách bất chợt trên đường ghé qua. Lần sau cùng tôi và một người của Đà Lạt về thăm nhà nhưng cây cầu La Ngà đã gãy, chúng tôi phải trở về. Từ đó tôi không bao giờ thấy lại người đó của Đà Lạt và cũng không bao giờ hy vọng về nhà nữa. Những đêm ngồi một mình đến 4 giờ sáng, nhiều lúc quạnh quẽ cô đơn, tôi nhớ Đà Lạt biết đến chừng nào. Nhất là café Tùng, bến xe đò Minh Trung và con đường hun hút thông reo qua hồ Than Thở đến trường Võ Bị. Từ ở đó, cuộc đời tôi qua nhiều khúc quanh, từ ở đó nơi đêm đêm tôi hát “Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui.” Nơi tôi khóc ngày mới đến, tôi khóc ngày ra đi, tôi đã tiếc nuối không được trở lại để sống cho niềm mơ ước của mình một lần.

Có còn bao giờ không em. Còn có bao giờ không anh. Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng, có ai nghe thấy tiếng thổn thức đó chăng? Hay chỉ mình tôi, tôi nghe tiếng tôi thở dài trong đêm với Đà Lạt, với niềm mơ ước của tôi.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

8 sách hay về Trịnh Công Sơn thấm đẫm vào tâm hồn người đọc - 8 sách hay về Trịnh Công Sơn giúp người đọc hiểu hơn con người và hoàn cảnh ra đời của những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là sự chuyển hóa trong nhận thức của nhạc sĩ. Trịnh Công Sơn - Tôi Là Ai, Là Ai Tôi là ai gồm những bài viết… Đọc thêm
15 tựa sách âm nhạc hay khơi gợi những cảm xúc tinh tế nhất trong mỗi người - Âm nhạc có vị trí sâu đậm trong đời sống tinh thần của con người. Với 15 tựa sách âm nhạc này người đọc sẽ hiểu được những kiến thức cơ bản, sự hình thành cảm hứng sáng tác của người nghệ sĩ, lịch sử phát triển, các nguyên lí cơ bản, các xu hướng… Đọc thêm
10 quyển sách hồi ký phải đọc qua trong đời ! - Nếu ai hỏi tôi làm thế nào để sống một cuộc đời đáng sống thì tôi sẽ trả lời rằng :"Hãy đọc sách !". Sách là phương tiện, là ngôn ngữ, là toàn bộ tinh hoa , cảm xúc của một con người được kể qua những con chữ. Và hồi ký là một trong những… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Đằng Sau Những Nụ Cười

  1. Thiên Thiên

    Từ lúc còn nhỏ, bà tôi hay mở nhạc của cô Khánh Ly. Rất thích giọng hát trầm khàn của cô, một chất giọng buồn buồn, da diết. Khi biết cô viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình, bà tôi đã nhờ tôi đặt mua ngay. Cầm quyển tự truyện trên tay rất phấn khích, như được hiểu thêm nhiều điều về cô hơn. Về hình thức thì khỏi chê. Bìa sách cứng, giấy tốt, chữ in rõ ràng. Về nội dung cô viết về cuộc đời mình, trải qua từng giai đoạn, những trải nghiệm khó phai, trở thành một phần quan trọng trong kí ức của cô. Có kèm theo hình ảnh nữa. Mua quyển sách này về, mỗi ngày bà tôi chỉ đọc vài trang thôi. Hỏi bà vì sao, bà nói rằng, đọc nhiều sợ hết ^^ Bây giờ, quyển sách này lúc nào cũng ở trên đầu giường của bà. Nhân cách của cô Khánh Ly cũng đẹp như giọng hát của cô vậy. Một quyển sách đáng đọc với những ai hâm mộ danh ca này.

  2. Lê Trang

    Mình tình cờ đọc được một vài đoạn trích trong cuốn tự truyện của cô Khánh Ly trên báo Thanh Niên và rất tò mò. Cô là một trong những ca sĩ mà gia đình mình yêu mến. Từ giọng ca đến nhân cách sống và thái độ của cô đối với những biến cố trong cuộc đời. Ẩn sâu trong con người có vẻ mong manh là cả một tâm hồn mạnh mẽ, kiên cường, tràn đầy tình yêu thương và nhiệt huyết với nghề. Mình kính trọng và yêu thích những trang viết về cuộc đời cô nên đã mua thử quyển sách này. Tuy nhiên mình cũng phải công nhận đây là một quyển sách kén người đọc và giá thành cũng khá đắt. Nhưng với những ai yêu thích và muốn tìm hiểu thêm về cô thì đây là quyển sách đáng mua, đáng đọc.

  3. Le Ngoc Tram

    Mình là dân 9X nhưng đã quá quen thuộc với tiếng hát Khánh Ly từ khi nằm trong bụng mẹ. Nhà mình luôn tràn ngập tiếng nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… đã ba thế hệ vẫn không hề thay đổi. Qua những cuốn nhạc thì mình hình dung Khánh Ly không chỉ là một trong những giọng ca xuất sắc nhất nền tân nhạc Việt Nam mà còn là người nghệ sĩ rất thông minh và giỏi việc ứng khẩu trước đám đông. Nhưng đến khi đọc sách thì không ngờ bà lại hài hước đến vậy, và ẩn sau tiếng cười chua chát ấy là nỗi thương nhớ quê nhà “muốn được làm một người Việt Nam nguyên vẹn hình hài”, là một “tình yêu” của đôi bạn trong âm nhạc với Trịnh Công Sơn, là cuộc sống không như “giấc mơ Mỹ” nơi xứ người đất khách. Có lẽ ở những người nghệ sĩ hát nhạc trữ tình buồn như Khánh Ly, Ngọc Lan, Lệ Thu, cuộc đời họ cũng nhiều buồn đau không kém gì những bản nhạc ấy và họ đã mang nỗi sầu gửi vào âm nhạc, nỗi buồn ấy giờ đã có triệu người sẻ chia.

  4. Tony Nguyễn

    Là một danh ca gắn liền với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Khánh Ly yêu và gắn bó với nghề đã 50 năm! Quyển sách như một dòng nhật kí mà bà hồi tưởng lại về quá khứ và cuộc đời của một người nghệ sĩ từ lúc mới bước chân vào sân khấu đến tuổi đời như bây giờ! Những câu chuyện xoay quanh các bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly! Những câu chuyện chưa bao giờ bật mí, những tình cảm đồng nghiệp, những trăn trở và khó khăn trong suốt nữa thế kỉ tuổi nghề!
    Bìa sách rất ấn tượng và người nghệ sĩ đó rất đẹp! Dù tuổi đã cao! Mình rất thích quyển sách này!

  5. Nguyen An

    Mình đã nhận được cuốn sách này vài ngày trước. Mình rất hài lòng về nó. Trước hết là hình thức, sách dc in ấn đẹp, bìa cứng, lớp áo bìa dc in dập chữ nổi rất ấn tượng, bìa bên trong được tạo hình hệt như một… phiến gỗ! Cầm lên rất chắc chắn và độc đáo.

    Thứ hai là về nội dung. Hẳn là độc giả sẽ chờ đợi những dòng chữ xoay quanh mối quan hệ của bà với cố nhạc sĩ họ Trịnh. Và chúng ta sẽ không thất vọng! Những mẩu chuyện, những suy tư, trăn trở, được bà giãi bày với văn phong mạch lạc, chi tiết và nhiều lúc đượm buồn. Bên cạnh đó, trong sách còn nhắc đến gia đình và nhiều mối quan hệ của bà với các nhạc sĩ, bạn bè trong giới nghệ thuật. Bên cạnh đó, quyển sách này còn có thêm mấy chục trang ảnh, được in màu trên giấy bóng láng.

    Những ai yêu Trịnh Công Sơn và yêu Khánh Ly, chắc chắn không thể bỏ qua hồi ký này!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button