Đảo

(5 đánh giá của khách hàng)

– “Là tô đậm nỗi cô đơn của con người bằng nhiều vết mực khác nhau. Là tiếng thét câm của những con người không được nhìn thấy nghe thấy…”-

Danh mục:

Giới thiệu

Hơn một nửa của Đảo là những truyện ngắn dưới 2000 chữ, nội dung xoay quanh chuyện mất mát, tổn thương và những cuộc tìm kiếm niềm vui đơn giản trong cuộc sống: yêu thương, thỏa mãn những mong ước và nhu cầu được tỏa sáng.

Đọc Đảo của Nguyễn Ngọc Tư hay còn được gọi bằng cái tên thân quen – chị Tư, bạn đọc sẽ đau vì nỗi đau của những cuộc sống không lối thoát, sẽ đau vì thấy đó những “số phận” không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời mà không tìm thấy lối ra. Kết thúc mỗi câu chuyện như những dấu chấm hỏi về số phận đời người sẽ đi về đâu giữa lênh đênh dòng đời, buông cuốn sách rồi mà lòng vẫn còn khắc khoải một nỗi đau không thể thành lời.

– “Là tô đậm nỗi cô đơn của con người bằng nhiều vết mực khác nhau. Là tiếng thét câm của những con người không được nhìn thấy nghe thấy…”-

Đọc và cảm nhận, biết đâu, trong những lời tâm sự đó, có đâu đó nỗi lòng của chúng ta, cũng đang quẩn quanh trong những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi rộng lớn mà vẫn chưa tìm thấy đáp số của cuộc đời mình.

Đọc thử

Biến mất ở Thư Viên

Lúc đó Sinh đứng chỗ kệ sách văn học, người Sinh cao nên Hảo vẫn nhìn rất rõ mấy cục xương bén ngót của vai anh đội lên khỏi áo. Từ kệ sách nấu ăn chị nói vóng qua người ta bày cách làm món cá trứng về kho gừng coi bộ ngon quá chừng nè, Sinh ừ nhưng không ngước lên, chị không biết anh mải mê coi sách hay nhìn điện thoại. Khi Hảo rướn cổ ngó qua lần nữa thì Sinh đã biến mất.

“Bữa đó có mưa không ?”, tôi hỏi như đang rất quan tâm câu chuyện được nghe kể hàng trăm lần, trong lúc ngoáy một lọn tóc nhỏ của Hảo, nghe đầu ngón tay mát lành như chạm vào mảnh lụa đen nhức, nuột nà. Hỏi, để nhìn nét mặt chị lung linh, “có, mưa lớn nên tụi Hảo mới tạt vô nhà sách để trốn mưa. Chớ tụi này ít học, nuốt chữ đâu có nổi…”.

– Bữa đó mà nắng thì tụi này về nhà luôn, biết đâu Sinh không đi mất…

Tôi cũng thuộc lòng cái ngữ điệu của câu nói đó, thuộc vẻ ngơ ngác thường ngày bắt đầu tuôn từ trên tóc xuống, lan nhanh cả khuôn mặt xương xương, vẻ ngơ ngác mà khi nhìn thấy lần đầu ở Thư Viên tôi đã yêu liền, bất chấp Hảo lạ huơ lạ hoắc, bất chấp chị đang lơ ngơ cầm trên tay loại sách mà tôi cực ghét “cẩm nang chăm sóc gia đình”.

Sau này mới biết lúc ấy Hảo cứ cầm sách trên tay cho vui, cho hết những buổi tối Thư Viên dài dằng dặc. Chị không có gia đình, không có riêng một người đàn ông nào để thực hành những thứ ngớ ngẩn kiểu như “đừng quên nhìn sâu vào mắt chàng”, hoặc “hãy đánh thức tình yêu của chàng bằng một món ăn ngon” mà sách dạy. Thứ tư tuần nào Hảo cũng tới Thư Viên, rảo một vòng, nấn ná giữa hai kệ sách văn học một lúc, thử hình dung từ chỗ này Sinh đi đâu mất biệt. Sinh vòng qua chỗ sách từ điển hay rẽ sang khu sách kỹ năng sống để bước về phía cửa, gần chỗ chị đứng. Nếu vậy sao chị không có một cảm giác gờn gợn nào, không nghe thoáng mùi mồ hôi quen thuộc lúc người đó lướt qua? Hay Sinh đi thẳng vào vách tường vôi trắng như người ta vạch một cái rèm, bóng khuất sau tiếng lao xao.

– Có khi nào Sinh đi vô trong mấy cuốn sách kia không ta?

Một bữa Hảo chợt hỏi tôi, mắt lấp lánh bởi ý nghĩ mới mẻ vừa nảy ra trong đầu. Nó khiến chị bắt đầu cầm những cuốn sách lên ngấu nghiến, dù trước đó chị hay trề môi bảo nuốt chữ mắc nghẹn chết, bảo cứ cầm lên buồn ngủ, cho cuốn sách thà cho củ khoai thích hơn.

Đó là năm thứ bảy Sinh đi và là năm thứ ba tôi đưa đón Hảo tới nhà sách Thư Viên vào mỗi tối. Từ trường về, không kịp thở hơi nào dài được một lóng tay, tôi xấp xãi tắm táp để kịp chạy đi đón chị. Tôi tới muộn Hảo sẽ tới nhà sách bằng xe buýt, những chuyến xe chiều luôn đông nghẹt người, chị phải đứng suốt mười một cây số đến trung tâm thành phố, đôi khi xuống xe thì bị móc túi lấy sạch tiền, chân sưng. Tôi xót lắm nên thường để cái đầu tóc còn nhỏ nước ròng ròng hớt hải chạy tới chị. Và má tôi chỉ biết ngó theo, thở dài.

Những hậm hực, cằn nhằn, sự thất vọng của má, sau ba năm tôi yêu Hảo, giờ teo quắt lại thành những tiếng thở dài. “Đời mày rồi không biết tới đâu…”, má tôi thường nói vậy. Chắc là không người mẹ nào hân hoan khi thấy thằng con trai nheo nhẻo của mình yêu con đàn bà lớn hơn nó tám tuổi, con nhỏ từng sống thử với người khác như vợ chồng, từng có bầu, từng đẻ non.

Rả rích thu lượm, má tôi lần dò được khá nhiều chi tiết cuộc đời Hảo, cả chuyện chị từng được nuôi dạy trong nhà mở. Hồi đầu bà đấm ngực kêu trời trong lúc tôi tỉnh bơ nói: “Có sao đâu. Nhằm nhò gì”. Tức mình bà tới tận nhà trọ của Hảo để xin người ta tha cho thằng nhỏ con bà, nhưng nhìn thấy chị thì bà lẳng lặng về. Gương mặt và cặp mắt lơ ngơ cứu Hảo khỏi những lời nặng nhẹ. Vừa có vẻ đói khát vừa mệt mỏi, vừa tìm kiếm vừa hẫng hụt, vừa hi vọng vừa vô vọng, như má tôi miêu tả, mặt con nhỏ đó như chó con đi lạc.

Ý nghĩ Sinh biến mất vào trang sách phả một sức sống lạ lùng vào Hảo, làm chị tươi tắn, rạo rực hơn. Như đang đói gặp được củ khoai lùi. Chị nói có thể Sinh đã đổi tên là Long trong cuốn Ruồng rẫy, hoặc là Trọng hóa sói trong Lốt thú, là Vũ trong Đánh mất mặt người hay vẫn chính là Sinh họ Phúc trong Vân Kiều truyện. Cuộc tìm kiếm ngày càng mênh mông vô tận, và đôi lúc đang hôn nhau Hảo nhắc tới một cuốn sách nào đó mà con mọt sách như tôi còn nghe xa lạ.

– “Đòn kết liễu” của Marguerite Yourcenar có thằng đại úy nhẫn tâm kinh khủng.

Tôi thấy hơi khó chịu, không phải vì cách phát âm ma ri rít sai bét của cô công nhân may giày, cũng không phải vì con muỗi đang bay vo ve từ nãy giờ. Đập rát cả tay mà nó không chết, tôi hậm hực “người không ra gì mà nhớ hoài…”.

Hảo nói đâu có nhớ. Chỉ tìm Sinh để hỏi cho rõ sao biến mất kỳ vậy, nếu chán nhau rồi thì nói thẳng, từ giã rồi đường ai nấy đi, sao lại phải âm thầm chạy trốn. Không nhớ đâu, tìm Sinh chỉ để cho hay Hảo đã chuyển thuê nhà khác rồi, không nấn ná được vì chỗ cũ bị giải tỏa, Sinh khỏi về lấy quần áo mắc công. Mắc gì mà nhớ, tìm Sinh để báo tin đứa con tên Nguyện mà Sinh đã đặt tên hồi còn chưa biết là trai hay gái, em bé đó đã hóa thành chất lỏng trôi tuột khỏi người chị sau một cú trượt chân ngoài thềm ướt. Hơi đâu mà nhớ, tìm Sinh để nói cho hay là có thằng con trai mới lớn thua Hảo tám tuổi, tức là tôi, đang mê chị. “Đeo dai như đỉa vậy”, chị véo mũi tôi, cười.

Tôi sướng lắm, cứ nhìn thấy Hảo cười là tôi sướng. Nằm gối đầu lên bắp đùi chắc lẳn của Hảo và tưởng tượng ra nét mặt ngượng ngập của gã đàn ông kia, khi Hảo vênh mặt kể với hắn rằng tôi thường cắt giũa móng chân cho chị. Tối nào tôi cũng xoa bóp đôi vai mỏi nhừ của chị đến khi tay tôi mỏi nhừ. Áo mưa che chung tôi luôn giành Hảo phần ướt. Tôi còn đọc sách nữ công gia chánh, gạn hỏi má tôi cách nào thịt bò không dai để nấu vài món cho chị bồi bổ những hôm tăng ca. Tôi còn rủ Hảo bao giờ tôi ra trường, xin được việc sẽ làm đám cưới. Tôi không muốn Hảo chờ tôi lớn thêm nữa, vì muộn quá chị sẽ khó sinh con.

Trong lúc tôi phổng mũi la đà thêu dệt thì Hảo di di ngón tay lên vành tai tôi, nói nhân vật Barrow bảnh trai trong Những mối tình câm lặng cũng biến mất khi ngồi thổi bong bóng, như thể bong bóng đem anh ta bay lên trời vậy. Tôi day qua úp mặt vào bụng Hảo, nghe ruột chị cồn lên trong đó, để giấu mấy giọt nước mắt ủy mị của thằng con trai mới lớn vì ý nghĩ Hảo không thèm dòm ngó, đếm xỉa gì tôi.

Cuối năm tôi hai mươi bốn tuổi, cái đám cưới mà tôi vẽ ra trong tưởng tượng đã đầy đủ những chi tiết cần thiết, tự dưng tôi thấy bồn chồn. Những tối ở nhà sách Thư Viên, tôi đứng ở một kệ sách nào đó và ngó về phía Hảo trong lúc chị nép giữa những kệ sách văn học, say sưa đọc. Sức sống rực lên ở Hảo khi chị cắm cúi vào rừng chữ, như chưa từng mệt mỏi sau một ngày làm việc với những cái máy may đầy kim nhọn. Đứng lâu mỏi chân chị la cà ở gian sách khác nhưng mắt luôn ngó về nơi gã đàn ông xưa từng đứng. Tôi kêu trong câm lặng, Hảo ơi nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi. Không âm thanh, nhưng cổ họng thì như bể nát. Nhưng buổi tối ở Thư Viên, từ lúc đặt chân vào đó cho đến khi nhà sách rung chuông đóng cửa, Hảo không một lần đưa mắt tìm tôi.

Một bữa đứng ở kệ sách tôn giáo, tôi giơ một cuốn lên vẫy vẫy gọi Hảo, cuốn này có nói về nghệ thuật buông bỏ nè. Hảo ngẩng lên, hơi ngạc nhiên rồi quay lại với cuốn sách đọc dở trên tay, tìm kiếm trong đó một gã xấu xa nào hao hao một người đàn ông biền biệt từ lâu lắm. Hảo không biết đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy tôi. Hôm ấy tôi mặc áo kẻ màu xanh xám, tóc cắt cao. Biến mất như một phụ diễn trong màn ảo thuật, tôi đi vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong suốt, với ý nghĩ chỉ khi biến mất mình mới được tìm.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Những quyển sách hay nhất của Nguyễn Ngọc Tư - Đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư, người ta khó lòng ngăn cản được nỗi buồn, mà cũng không muốn ngăn cản nỗi buồn bởi cuối dòng chảy cảm xúc ấy là sự đồng cảm, hy vọng và cả dỗ dành.. Cánh Đồng Bất Tận Nếu bạn mong chờ một sự giải trí đơn thuần hay… Đọc thêm

Nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 99k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 149k tại các tỉnh thành khác. Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 150k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

TỚI NƠI BÁN

5 đánh giá cho Đảo

  1. Hoàng Uyên Thi

    Nói đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, những người ham đọc sách có lẽ sẽ chẳng còn cảm thấy xa lạ. Tôi cũng đã gặp gỡ tâm hồn của tác giả qua những trang viết của “Ngày mai của những ngày mai” và cả “Cánh đồng bất tận”. Thật lòng mà nói, sách của nhà văn cực kì kén người đọc. Mỗi một tác phẩm, lại có nhiều người khen nhưng cũng không ít người chê. Cuốn “Đảo” cũng vậy, tôi đã đọc nó nhiều lần, và mỗi lần mở trang sách ra, tôi lại thấy những bài học mới và cả những bài học chưa bao giờ là cũ. Cuốn sách khá mỏng nhưng bài học lớn. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, rất rất nhiều!

  2. Phạm Thành Trung

    Trong “Đảo”, ta có thể thấy Nguyễn Ngọc Tư rất kiệm lời, và đó lại là cách tuyệt vời nhất để kể những câu chuyện như thế này. Những câu chuyện về cuộc đời, về nỗi đau, mất mát, về những điều mà chẳng ai có thể phán xét đúng sai. Mỗi câu chuyện đều rất ngắn, nhưng tác giả biết cách chắt lọc, sắp xếp tình tiết và câu từ khiến cho nó trở nên khá hấp dẫn và thú vị. Mỗi câu chuyện là một lát cắt về những số phận nhỏ bé giữa dòng đời, lời văn giản dị đến thế nhưng có thể nói được biết bao nhiêu điều khiến ta phải suy nghĩ. Gây ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh kết thúc của truyện “Tro tàn rực rỡ”, vừa tỏa sáng, vừa ghê rợn vừa giàu triết lý. Nguyễn Ngọc Tư đi tìm cái đau đớn trong niềm hạnh phúc, tìm nỗi vui trong những giọt nước mắt chan chứa. Một tài năng đặc biệt đáng ngưỡng mộ.

  3. Tran Dung

    Chị Tư ơi chị Tư sao truyện nào của chị cũng buồn da diết, mỗi câu truyện của chị mang nỗi buồn miên man, càng đọc càng thấy thấm, lẩn khuất đâu đó những con người, những số phận giống như con chim lạc bầy. Mỗi nhân vật trong câu chuyện cứ như đang sống trong 1 ốc đảo của chính mình, xa cách với những người xung quang, sống 1 cách biệt lập, đi tìm kiếm những điều vô vọng để rồi vô tình đánh mất chính hạnh phúc của mình, chính điều mà mình đang tìm kiếm. Nếu như truyện cánh đồng bất tận mang đến cho ta nhưng con người đang phẫn nộ với số phận, những con người đang vô vọng, thì Đảo cho ta thấy những con người đang trốn vào cái kén của chính mình rồi tự mình lạc mất chính mình

  4. Thái Phong

    “Đảo” là tập hợp tất cả những gì ngọt, ngon, dịu dàng của người dân vùng sông nước. “Những truyện ngắn hông thể ngắn hơn” đã gột tả hết những khía cạnh của cuộc sống trôi nổi như gia đình, nghèo, hạnh phúc,… Không giống như những câu truyện thần tiên cổ tích mà chúng ta đã đọc với cái kết là hạnh phúc viên mãn giữa kẻ ở hiền và sự thất bại thảm hại của kẻ độc ác, những câu chuyện trong “Đảo” thường là kết thúc bỏ lửng, bâng quơ như chính cuộc đời của nhân vật-không biết trôi về đâu, không biết đậu bến nào khiến cho độc giả rùng mình. Đó là cảm nhận của tôi, còn bạn thì sao?

  5. Thịnh Trúc

    Những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư phải nói rằng đã lột tả một cách chân thực cuộc sống của những người con vùng sông nước. Nội dung truyện xoay quanh chuyện mất mát, tổn thương và những cuộc tìm kiếm niềm vui đơn giản trong cuộc sống: yêu thương, thỏa mãn những mong ước và nhu cầu được tỏa sáng. Với những cái kết lưng chừng khiến người đọc phải suy nghĩ, nhìn lại chính mình. Đâu đó trong câu chuyện còn mang cả nỗi niềm và thân phận của người phụ nữ, với khát khao được sống yêu thương hạnh phúc cho dù cuộc đời họ còn lắm ưu tư sầu muộn. Tuy nhiên, trong truyện có những chi tiết ẩn sâu trong lời văn mà đôi khi phải đọc lại nhiều lần mới hiểu được. Dù vậy, phải nói rằng quyển sách này như một món ăn tinh thần mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button