Để Em Khỏi Lạc Trong Khu Phố

(5 đánh giá của khách hàng)

Cùng Daragane bước vào cuộc lần tìm ấy, độc giả bị cuốn đi tới các cánh cửa của thời gian mà không sao dứt ra được, để rồi khi kết thúc, chỉ kịp nhận ra trên tay mình là một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn đến hoàn hảo, đôi khi khiến ta đau xé ruột, một cuốn tiểu thuyết suy cho cùng rất có thể chỉ là một cuốn truyện tình.

Danh mục:

Giới thiệu

Luôn né tránh quá khứ bởi sợ “nỗi u sầu sẽ lan truyền qua tháng năm tựa như lần theo một dây cháy chậm”, Jean Daragane bỗng bị thời xa xăm đớp ngoạm lấy vì một cái tên. Cái tên ấy hút lấy ông, đưa ông trở về với Paris những năm 1950, 1960, để lần theo dấu vết gần như đã bị xóa sạch của một người phụ nữ mang tên Annie Astrand.

Cùng Daragane bước vào cuộc lần tìm ấy, độc giả bị cuốn đi tới các cánh cửa của thời gian mà không sao dứt ra được, để rồi khi kết thúc, chỉ kịp nhận ra trên tay mình là một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn đến hoàn hảo, đôi khi khiến ta đau xé ruột, một cuốn tiểu thuyết suy cho cùng rất có thể chỉ là một cuốn truyện tình.

Đọc thử

Chương 1

Gần như không có gì. Tựa một vết chích côn trùng thoạt tiên tưởng rất nhẹ. Ít ra đó cũng là điều ta tự nhủ thầm để trấn an bản thân. Điện thoại nhà Jean Daragane đổ chuông vào khoảng bốn giờ chiều, trong căn phòng mà ông gọi là “văn phòng”. Ông đang thiu thiu trên chiếc tràng kỷ đặt ở góc phòng, khuất khỏi ánh mặt trời. Và những hồi chuông đã lâu lắm rồi ông mất thói quen nghe thấy cứ đổ mãi không thôi. Sao lại dai dẳng thế nhỉ? Ở bên kia đầu dây, chắc ai đó đã quên cúp máy. Rốt cuộc, ông đứng dậy đi về phía phòng nằm gần cửa sổ, nơi nắng chiếu gay gắt.

“Tôi muốn nói chuyện với ông Jean Daragane.”

Một giọng nói uể oải và đe dọa. Cảm giác đầu tiên trong ông là vậy.

“Ông Daragane ạ? Ông nghe tôi nói không đấy?”

Daragane muốn cúp máy. Nhưng ích gì chứ?

Chuông sẽ lại tiếp tục đổ mà chẳng bao giờ chịu ngừng. Trừ phi là, cắt đứt phăng dây điện thoại…

“Tôi đây.

— Là chuyện liên quan đến cuốn sổ địa chỉ của ông, thưa ông.”

Ông làm mất cuốn sổ đó hồi tháng trước, trên một chuyến tàu đưa ông đến Côte d’Azur. Mà đúng là chỉ có thể trên chuyến tàu ấy. Chắc cuốn sổ địa chỉ đã rơi khỏi túi áo vest lúc ông lấy vé từ đó ra để trình người soát vé.

“Tôi tìm được một cuốn sổ địa chỉ mang tên ông.”

Trên bìa sổ màu xám có ghi: TRONG TRƯỜNG HỢP THẤT LẠC, XIN TRẢ CUỐN SỔ VỀ. Và Daragane, một ngày nào đó, đã hết sức máy móc ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của mình lên.

“Tôi sẽ mang sổ đến tận nhà cho ông. Tùy ông chọn ngày giờ.”

Đúng, rõ ràng là một giọng nói uể oải và đe dọa. Thậm chí, Daragane nghĩ, là giọng của một kẻ tống tiền.

“Tôi thích ta gặp nhau bên ngoài hơn.”

Ông gắng kiềm chế cảm giác khó chịu. Nhưng giọng ông, dù những muốn tỏ ra thờ ơ, đột nhiên có vẻ dửng dưng thật.

“Tùy ông thôi thưa ông.”

Im lặng.

“Tiếc thật. Tôi ở ngay gần nhà ông. Tôi những muốn trao tận tay ông cuốn sổ.” Daragane tự hỏi liệu người đàn ông kia có đứng trước cửa tòa nhà và yên vị tại đó mà rình đợi lúc ông đi ra không. Phải thoát khỏi anh ta càng nhanh càng tốt.

“Chiều mai chúng ta gặp nhau, cuối cùng ông nói.

— Tùy ý ông. Mà thế thì gặp gần chỗ tôi làm việc nhé. Bên phía ga Saint-Lazare.”

Ông chực cúp máy, nhưng vẫn giữ bình tĩnh. “Ông biết phố Arcade chứ? Người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi. Chúng ta có thể gặp nhau trong một quán cà phê. Số 42 phố Arcade.”

Daragane ghi lại địa chỉ. Ông lấy hơi và nói: “Được rồi thưa anh. Số 42 phố Arcade, ngày mai, lúc năm giờ chiều.”

Rồi ông cúp máy mà không chờ người đối thoại với mình trả lời. Ông cảm thấy hối tiếc ngay lập tức vì đã cư xử thật thô lỗ, nhưng ông đổ lỗi cho cái nóng hầm hập khắp Paris từ vài ngày nay, một cái nóng bất thường đối với thời tiết tháng Chín. Nó khiến ông thêm cô đơn. Nó buộc ông nhốt mình trong căn phòng này cho tới tận lúc mặt trời lặn. Và rồi, hàng tháng nay điện thoại đâu còn đổ chuông nữa. Còn cái điện thoại di dộng trên bàn, ông tự hỏi lần cuối cùng mình động tới nó là khi nào. Ông mới biết cách sở dụng và thường bị nhầm mỗi lần nhấn nút.

Nếu người lạ mặt kia không gọi điện, hẳn ông đã vĩnh viễn quên việc mình bị mất cuốn sổ. Ông cố nhớ ra những cái tên có trong đó. Thậm chí tuần trước, ông còn tìm cách khôi phục lại cuốn sổ, và đã bắt đầu lập một danh sách trên một tờ giấy trắng. Sau một hồi, ông đã xé tờ giấy đi. Chẳng có cái tên nào thuộc về những người quan trọng trong đời ông, những người ông không bao giờ cần ghi lại địa chỉ cùng số điện thoại. Ông thuộc chúng nằm lòng. Trên cuốn sổ ấy, chỉ toàn là những mối quan hệ vốn được xếp vào “hàng công việc”, vài địa chỉ được cho là hữu ích, không quá ba mươi cái tên. Mà trong số đó, nhiều cái tên lẽ ra cần bỏ đi, vì chúng không còn giá trị pháp lý. Điều duy nhất khiến ông bận lòng khi bị mất cuốn sổ, ấy là đã viết tên cùng địa chỉ của mình lên đó. Dĩ nhiên, ông có thể lờ mọi chuyện đi và để mặc người đàn ông kia đợi chờ vô ích ở số 42 phố Arcade. Nhưng làm thế thì anh ta sẽ mãi là thứ gì đó lửng lơ, đe dọa. Ông từng có lúc thường mơ, vào quãng trống trải những buổi chiều đơn chiếc, điện thoại đổ chuông và một giọng nói dịu dàng cất lên hẹn gặp ông. Ông nhớ ra nhan đề cuốn tiểu thuyết từng đọc: Thời của những cuộc gặp gỡ.[1] Có lẽ cái thời ấy vẫn chưa kết thúc với ông. Nhưng giọng nói ban nãy thật không đáng tin cậy. Vừa uể oải lại vừa đe dọa, cái giọng đó. Đúng là thế.

***

Ông kêu tài xế taxi thả ông ở quảng trường Madeleine. Hôm nay không nóng như mấy hôm trước và có thể đi bộ được nếu chọn phía vỉa hè râm mát. Ông đi dọc phố Arcade, hoang vu và vắng lặng dưới ánh mặt trời.

Đã lâu lắm rồi ông không đến khu này. Ông nhớ mẹ ông từng diễn trong một nhà hát gần đây còn bố ông có một văn phòng ở tít cuối phố, phía bên trái, số 73, đại lộ Haussmann. Ông ngạc nhiên thấy mình còn nhớ con số 73 này. Nhưng theo thời gian, toàn bộ quá khứ ấy đã trở nên nhạt nhòa… tựa làn hơi tan biến dưới ánh mặt trời.

Quán cà phê nằm ở góc giao giữa con phố và đại lộ Haussmann. Một căn phòng vắng tanh, một quầy dài với phía trên là các tầng giá, giống trong một quán ăn tự phục vụ hay một cửa hàng bán đồ ăn nhanh Wimpy xưa cũ. Daragane ngồi vào một trong số những cái bàn phía cuối. Liệu người lạ mặt kia có đến? Hai cánh cửa đều mở, một ra phố, một ra đại lộ, vì trời nóng. Phía bên kia phố là tòa nhà số 73 sừng sững… Ông tự hỏi liệu có cái cửa sổ nào trong văn phòng của bố ông nhìn xuống phía này không. Ở tầng mấy nhỉ? Nhưng dần dà, kỷ niệm cứ đào thoát khỏi ông, hệt như bong bóng xà phòng hay những mẩu giấc mơ tàn đi lúc tỉnh giấc. Hẳn trí nhớ của ông sẽ sống động hơn nếu đến quán cà phê trên phố Mathurins, trước nhà hát, nơi ông thường đợi mẹ, hoặc ở khu quanh ga Saint-Lazare, nơi ngày xưa ông từng lui tới thường xuyên. Nhưng không. Chắc chắn là không. Đâu còn là cùng thành phố ấy nữa.

“Ông Daragane ạ?”

Ông nhận ra giọng nói. Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi đang đứng trước mặt ông, cạnh anh ta là một cô gái trẻ hơn.

“Gilles Ottolini.”

Vẫn là giọng nói ấy, uể oải và đe dọa. Anh ta chỉ vào cô gái:

“Một người bạn… Chantal Grippay.”

Daragane vẫn ngồi trên băng ghế, bất động, thậm chí chẳng buồn chìa tay cho họ. Cả hai cùng ngồi xuống, đối diện ông.

“Xin lỗi… Chúng tôi đến hơi muộn…”

Anh ta lấy giọng mỉa mai, chắc để tỏ vẻ nọ kia hòng che đi bối rối. Đúng, vẫn là cái giọng ấy, hơi mang âm sắc miền Nam, nhẹ tới nỗi gần như khó nhận thấy, mà hôm trước qua điện thoại Daragane không phát hiện ra.

Da trắng ngà, mắt đen, mũi khoằm. Khuôn mặt mỏng quẹt, nhìn thẳng hay nhìn nghiêng đều sắc lẹm như nhau.

“Tài sản của ông đây,” anh ta nói với Daragane, vẫn giữ cái giọng mỉa mai dường như ẩn giấu chút bối rối nào đó. Rồi anh ta lấy từ túi áo vest ra cuốn sổ địa chỉ. Anh ta đặt nó lên bàn, bàn tay úp lên nó, các ngón tay xòe ra. Cứ như thể anh ta muốn ngăn Daragane cầm lấy nó.

Cô gái đứng hơi lùi về phía sau, như thể không muốn thu hút sự chú ý, một cô gái tóc nâu dài ngang lưng, chừng ba mươi tuổi. Cô mặc sơ mi và quần dài màu đen. Cô nhìn Daragane vẻ lo lắng. Chắc vì gò má và đôi mắt xếch của cô nên ông tự hỏi liệu có phải cô là người gốc Việt Nam – hay Trung Quốc.

“Anh tìm thấy cuốn sổ này ở đâu thế?

— Trên sàn, dưới gầm một băng ghế trong tiệm cà phê ở ga Lyon.”

Anh ta đưa cho ông cuốn sổ địa chỉ. Daragane nhét nó vào túi. Quả tình ông đã nhớ ra cái hôm đi Côte d’Azur ông đến ga Lyon sớm hơn giờ tàu nên có ngồi trên tiệm cà phê tầng hai.

“Ông muốn uống gì không?” người đàn ông tên Gilles Ottolini hỏi.

Daragane muốn chuồn khỏi họ. Nhưng ông lại đổi ý.

“Một lon Schweppes.

— Thử tìm ai đó để gọi đồ đi. Tôi thì tôi dùng cà phê,” Ottolini quay về phía cô gái nói.

Cô gái bèn đứng dậy ngay lập tức. Có vẻ cô đã quen vâng lời anh ta.

“Hẳn ông phiền lòng lắm khi bị mất cuốn sổ…” Anh ta nở một nụ cười kỳ cục, Daragane cảm giác nụ cười ấy thật xấc xược. Nhưng có lẽ là do bản tính vụng về hoặc nhút nhát ở anh ta.

“Anh biết không, Daragane đáp lời, tôi gần như không còn dùng đến điện thoại nữa.”

Người đàn ông nhìn Daragane bằng ánh mắt ngạc nhiên. Cô gái đã quay trở lại bàn và ngồi vào chỗ.

“Giờ này họ không phục vụ nữa. Họ sắp đóng cửa rồi.”

Đây là lần đầu tiên Daragane nghe thấy giọng cô gái, chất giọng khàn khàn và không thoáng âm sắc miền Nam như người bạn đồng hành. Mà mang âm sắc Paris, nếu điều này còn chút ý nghĩa nào đó.

“Anh làm việc quanh đây à? Daragane hỏi.

— Trong một hãng quảng cáo, phố Pasquier. Hãng Sweerts.

— Cô cũng thế chứ?”

Ông quay sang cô gái.

“Không,” Ottolini trả lời, không để cô kịp lên tiếng. “Lúc này cô ấy chẳng làm gì cả.” Và lại nụ cười rúm ró ấy. Cô gái cũng khẽ mỉm cười.

Daragane nóng lòng muốn chào từ biệt. Nếu ông không làm thế ngay lúc này thì liệu ông có thoát nổi khỏi họ?

“Tôi sẽ nói thẳng với ông…” anh ta vươn người về phía Daragane, cao giọng hơn hẳn.

Daragane như thấy lại cảm giác hôm trước, lúc nghe điện thoại. Phải, người đàn ông này dai dẳng như côn trùng.

“Tôi đã tự ý xem qua cuốn sổ địa chỉ của ông… chỉ vì tò mò thôi…”

Cô gái quay đầu đi, như vờ tỏ ra không nghe thấy.

“Ông không trách tôi chứ?”

Daragane nhìn thẳng vào mắt anh ta. Người đàn ông này cũng chằm chằm nhìn lại.

“Tại sao tôi lại phải trách anh?”

Im lặng. Rốt cuộc người đàn ông cụp mắt xuống. Rồi lại cất lên vẫn cái giọng kim như thế:

“Tôi tìm thấy tên một người trong cuốn sổ địa chỉ của ông. Tôi muốn xin ông thông tin về người ấy…”

Giọng nói trở nên khiêm nhường hơn.

“Xin thứ lỗi cho sự khiếm nhã của tôi…

— Là ai vậy?” Daragane miễn cưỡng hỏi.

Đột nhiên ông cảm thấy nhu cầu được đứng dậy và bước thật nhanh về phía cánh cửa mở ra đại lộ Haussmann. Sau đó hít thở không khí ngoài trời.

“Một tay Guy Torstel nào đấy.”

Anh ta đánh vần họ tên, nhấn mạnh từng âm tiết, như để đánh thức trí nhớ ngủ quên của người đối thoại.

“Anh bảo sao cơ?

— Guy Torstel.”

Daragane lấy cuốn sổ địa chỉ ra khỏi túi và mở đến chữ T. Ông đọc họ, ở ngay phía đầu trang, nhưng cái tên Guy Torstel chẳng gợi cho ông điều gì.

“Tôi cũng không hiểu đó có thể là ai.

— Thật ư?”

Người kia có vẻ thất vọng.

“Có một số điện thoại bảy chữ số, Daragane nói. Chắc cũng phải cách đây ít nhất ba mươi năm rồi…”

Ông lật trang. Tất cả các số điện thoại còn lại đều là số hiện nay. Mười chữ số. Mà cuốn sổ địa chỉ này, ông cũng chỉ mới dùng từ năm năm nay.

“Cái tên ấy không nói lên điều gì với ông sao?

— Không.”

Vài năm trước đây, hẳn ông sẽ tỏ ra bặt thiệp như mọi người vẫn từng nhận xét về ông. Hẳn ông sẽ nói: “Cho tôi chút thời gian, tôi sẽ làm sáng tỏ bí ẩn này…” Nhưng giờ thì từ ngữ đã vắng bóng.

“Là vì một tin rao vặt, tôi đã sưu tầm được không ít tài liệu liên quan, người kia tiếp tục. Cái tên được nêu trong đó. Thế đấy…”

Đột nhiên anh ta có vẻ đề phòng.

“Loại tin rao vặt nào thế?”

Daragane máy móc hỏi, như thể ông đã tìm lại được những phản ứng lịch thiệp xưa cũ của mình.

“Một tin rao vặt rất cũ… Tôi muốn viết một bài về nó… Trước đây tôi từng theo nghiệp báo, ông biết đấy…”

Nhưng Daragane dãn dần sự chú ý. Ông thực sự phải chuồn khỏi họ càng nhanh càng tốt, nếu không người đàn ông kia sẽ kể chuyện đời mình cho ông nghe mất.

“Tôi rất lấy làm tiếc, ông nói. Tôi quên tay Torstel đó rồi… Ở tuổi tôi, người ta thường quên cái nọ cái kia… Không may là giờ tôi phải từ biệt anh chị…”

Ông đứng dậy và bắt tay cả hai người. Ottolini nhìn ông bằng ánh mắt khắc nghiệt, như thể Daragane đã phỉ báng anh ta và anh ta sẵn sàng đáp trả một cách thô bạo. Về phần mình, cô gái chỉ cụp mắt xuống.

Ông đi về phía cánh cửa kính mở toang nhìn ra đại lộ Haussmann, hy vọng người kia không ngáng đường mình. Ra tới ngoài, ông hít một hơi căng buồng phổi. Ý tưởng hẹn hò với người đàn ông xa lạ kia mới kỳ cục làm sao, ông vốn không gặp gỡ ai suốt ba tháng nay và cũng không vì thế mà thấy tệ đi… Ngược lại là đằng khác. Trong cảnh cô đơn ấy, chưa bao giờ ông cảm thấy nhẹ nhõm đến thế, với những khoảnh khắc hứng khởi kỳ lạ khi thì vào buổi sáng lúc thì vào buổi tối, như thể mọi chuyện đều còn có thể và như nhan đề một bộ phim cũ, cuộc phiêu lưu vẫn ở đâu đó quanh đây… Chưa bao giờ, ngay cả suốt những mùa hè thời trai trẻ, cuộc sống trong mắt ông lại trút bỏ được gánh nặng như từ hồi đầu mùa hè năm nay. Nhưng mùa hè, mọi thứ đều lơ lửng – một mùa “siêu hình”, như Maurice Caveing, thầy giáo triết học của ông ngày xưa vẫn nói. Buồn cười thật, ông nhớ ra cái họ “Caveing” mà lại không biết tay Torstel kia là ai nữa.

Trời vẫn nắng, một cơn gió nhẹ tràn về làm dịu cái nóng. Vào giờ này, đại lộ Haussmann vắng hoe.

Năm mươi năm qua, ông thường xuyên đi qua đây, cả hồi còn nhỏ cũng vậy, khi mẹ ông đưa ông đến cửa hàng Printemps rộng lớn, nằm chếch phía trên đại lộ một chút. Nhưng chiều tối nay, thành phố này với ông thật xa lạ. Ông đã buông mọi sợi dây còn có thể kết nối ông với nó, hoặc chính nó đã đào thải ông.

Ông ngồi xuống một băng ghế và lấy cuốn sổ địa chỉ ra khỏi túi. Ông sẵn sàng xé tan cuốn sổ và ném đống giấy vụn vào cái thùng rác bằng nhựa màu xanh ve bên cạnh ghế băng. Nhưng ông lưỡng lự. Không, chốc nữa ở nhà, khi đã hoàn toàn yên tĩnh, ông sẽ làm việc đó. Ông lơ đẵng lật giở cuốn sổ. Chẳng có bất kỳ số nào trong những số điện thoại kia khiến ông muốn bấm máy gọi. Vả lại, có hai hay ba số bị thiếu, những số quan trọng với ông và ông vẫn thuộc nằm lòng, nhưng sẽ không còn hồi đáp nữa.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Để Em Khỏi Lạc Trong Khu Phố

  1. Mindy Lâm

    Văn học Pháp đối với mình luôn để lại dư vị sau mỗi lần chiêm nghiệm tác phẩm. Tác phẩm này có nội dung rất nhẹ nhàng , hành trình giữa quá khứ và hiện tại như hai sợi dây liên kết . Lúc cô đơn , lúc ám ảnh . Cuốn sách như gợi ra liên tưởng đến những hàng dãy ghế cafe vỉa hè ở Paris , ánh đèn lấp lánh huyền ảo , thi vị mang lại chút ấm áp . Cuốn sách giúp mình biết trân trọng quá khứ và hiện tại để có thể sống trọn mỗi ngày. Cảm ơn người biên dịch đã hoàn thành rất tốt vai trò dịch thuật , mang đến cho cuốn sách linh hồn và giọng văn tinh tế , nhẹ nhàng.

  2. Lê Trần Đức

    Vượt qua mọi rào cản về mặt không gian và có lẽ là cả thời gian, tác giả đã đưa chúng ta lang thang khắp mọi con ngõ của Paris. Cái ranh giới của kí ức đã ngăn đôi hai miền: quá khứ và hiện thực, mờ ảo và lặng lẽ đơn độc theo bước chân của nhân vật. Vài ánh đèn lờ mờ trên tầng gác nhỏ, qua ô cửa sổ, hay trong một quán cà phê… làm mờ đi mọi yếu tố ngoại cảnh, chỉ còn lại những con người đang chìm vào hư vô. Họ đang cố tình lãng quên cái quá khứ của mình nhưng cuối cùng lại đi tìm cái thời gian quý giá ấy. Một sự mâu thuẫn gắt gao để đi tìm lại mình.
    Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy đằm thắm, len lõi tận sâu thẳm trái tim mỗi người, một khúc ca buồn cho những hoài niệm hạnh phúc.

  3. Nguyễn Thanh Quyên

    Mình đã yêu thích tiểu thuyết của Modiano từ cuốn đầu tiên mình đọc “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”.Truyện của ông rất buồn, mô-típ nhân vật luôn là kiểu “mơ hồ”, nhưng không hiểu sao mỗi lần đọc là một lần mê mẩn tiểu thuyết của ông, không bao giờ thấy chán, không bao giờ thấy mệt mỏi vì cách viết đan xen giữa quá khứ và hiện tại rất ư là rắc rối của ông. Thậm chí, nếu suy nghĩ kĩ, mình còn thấy cách viết đan xen này rất tự nhiên, như kiểu ta vô tình nhìn thấy vật gì đó quen thuộc, rồi hình cảm đó khiến ta nhớ lại một việc, hay một người mà ta đã tạm quên. Nhân vật Jean trong tác phẩm này cũng thế, ông luôn cố tẩy những cái tên trong cuộc đời cũ cũa mình ra khỏi tâm trí, thậm chí ông ko dám nhìn thẳng vào mắt ai trên phố; sợ nhận ra người quen, sợ nhớ lại điều ko nên nhớ. Tuy vậy, một cái tên đã bất ngờ đớp ngoạm lấy ông, kéo ông vào chuyến du hành về tuổi thơ, khi ông mang lòng yêu sâu đậm, một tình yêu vong ân bội nghĩa và tuyệt vọng, với người phụ nữ sẽ không thể nào thuộc về ông. “Để em khỏi lạc trong khu phố” lại là bước cải tiến trong văn phong của Modiano, vì ở tiểu thuyết này, mình thấy ông viết đơn giản và gần gũi hơn, vẫn phong cách đan xen quá khứ và hiện tại song được thể hiện tự nhiên hơn, và đặc biệt, truyện lần này có yếu tố bất ngờ ở ngôi xưng hô và tựa đề tiểu thuyết.
    Ôi, mình yêu Modiano, yêu những tàn dư lãng đãng của những ngày ở quá khứ do ông vẽ nên ấy.

  4. Ngan Le

    đọc gần cuối truyện có plot twist, rất bất ngờ nhưng cũng rất dễ thương, tác giả vẫn luôn úp mở về cái tình cảm của mình xuyên suốt bộ truyện nhưng sự ấm áp của người cũ, tình cũ vẫn luôn vương lại ở từng trang giấy một cách thật nhẹ nhàng. không kể nhiều về chuyện tình cảm mà lời nhẹ tựa hoa vẫn luôn nhắc nhở về kí ức tuổi thanh xuân của tác giả, êm đềm và hoang dại, đối lập đấy nhưng lại hòa hợp không tưởng. suy cho cùng tuổi thanh xuân của người nào mà vốn chẳng có hai mặt khác nhau, Patrick ở đây chỉ đơn giản là kể lại cho độc giả biết về dăm ba ngày tháng thuở còn tóc xanh của mình thế thôi.

  5. Trang Dương

    Daragane là một nhà văn có tuổi thơ không mấy may mắn . Trong một lần vì vô tình rơi sổ điện thoại mà ông đã nhận lời giúp Ottolini ( người đã nhặt được và trả quyển sổ lại cho ông ) một việc là giúp anh ta tìm hiểu về Torstel ( một người có tên trong danh bạ của ông ) . Việc đó đã gợi lại quá khứ đau buồn của Daragane … Đây là một tác phẩm buồn của Patrick Modiano . Cách ông mở đầu câu chuyện , dẫn dắt người đọc từ quá khứ đến hiẹn tại , từ hiện tại về quá khứ một cách trôi chảy , vẫn giữ được mạch cảm xúc cho tác phẩm . Với giọng văn nhẹ nhàng của mình , Patrick đã khiến người đọc không thôi xót xa về quá khứ của Daragane – một cậu bé bất hạnh ..

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button