Đôi Cánh Tình Yêu

Nhận thức tâm linh chính là khát khao lớn nhất trong tâm tưởng. Cũng giống như một người trưởng thành chẳng còn hứng thú với những món đồ chơi mà một đứa trẻ chập chững thích mê, nếm trải ý thức thương yêu khiến cho những dục vọng khác trở nên mờ nhạt khi phải so sánh. Thế nên, ta tìm thấy sự giải thoát không phải nhờ chối bỏ dục vọng, mà bằng cách khám phá những dục vọng chân thực và thuần khiết nhất trong mình. Khi làm như vậy, khao khát ám ảnh và cấp thiết phải có thỏa mãn từ bên ngoài sẽ tự nhiên mất đi quyền năng của chúng…

Danh mục:

Giới thiệu

Trong thế giới ngày nay đầy những tham vọng, đua tranh, con người dường như mất niềm tin vào nhau và mất niềm tin vào sức mạnh tình yêu trước những vấn đề nan giải của cuộc sống. Đôi cánh tình yêu sẽ là cuốn sách nâng đỡ chúng ta vượt qua khỏi những định kiến này, để có được một cuộc sống ngập tràn yêu thương.

Isha sẽ dạy chúng ta:

– Giải phóng bản thân khỏi những ảo giác dựa trên sự sợ hãi thông thường bám chặt lấy chúng ta vì thói quen, những ảo giác như “không có gì là đủ,” “thoải mái là nhất”, và “bảo vệ bản thân khỏi việc mắc lỗi”;

– Tự hành động để thấu hiểu vai trò và trách nhiệm của mình với “nhận thức yêu thương”, để vui vẻ trở thành người tuyệt nhất;

– Cất cánh lên cao khỏi nỗi sợ hãi, sự buồn tẻ, thiếu kiên nhẫn, lòng ghen tị, thiếu tự tin, nỗi cô đơn, và sự bấp bênh của một thế giới chìm trong khủng hoảng.

Khát vọng yêu thương là thứ con người chúng ta luôn mong muốn, cuốn sách này sẽ giúp chúng ta khỏa đầy khát vọng đó!

Đọc thử

ẢO TƯỞNG – 1: TÔI LÀ NẠN NHÂN

Thể hiện trong niềm tin: Mọi thứ xảy ra với tôi khiến tôi chẳng thể hài lòng.

Thực tế: Tôi là kẻ kiến tạo quyền năng vô biên.

Những tình cảnh hình thành nên cuộc đời của mỗi chúng ta cũng độc nhất vô nhị và riêng biệt hệt như tính cách của ta vậy – chẳng có hai người nào tính cách giống hệt nhau. Thế nhưng khả năng trưởng thành như một cá nhân độc lập, để phát triển thành những con người biết cảm thông, đầy yêu thương và có ý thức hơn, không phụ thuộc vào những gì xảy ra với ta, mà phụ thuộc vào thái độ của ta trước những tình cảnh đó. Khi đối mặt với gian khó, ta gục ngã hay bước lên? Ta chối bỏ hay nắm lấy tình cảnh để trưởng thành?

Suy đến cùng, có hai loại thái độ ta có thể lựa chọn trong đời: thái độ của nạn nhân và thái độ của người kiến tạo.

Kẻ nạn nhân không thể nhìn thấy vẻ đẹp, sự phong phú hoặc sự hoàn mỹ vốn có trong từng khoảnh khắc vì anh ta đã có sẵn ý tưởng rằng mọi thứ phải như thế nào, một ý tưởng chắc chắn đã bị xâm phạm, một ý tưởng xung đột với những gì vốn có. Cảm giác bất hòa hợp này sản sinh cáu giận – cáu giận với cuộc đời, với đấng chí tôn – nhưng nó lại biểu hiện ở nạn nhân kia bằng nỗi chán nản, trì trệ thụ động, làm suy yếu và có vẻ bất cần, giống với buồn phiền hơn là cáu giận. Cuối cùng, nó thể hiện sự căm ghét bản thân, cưỡng bức bản thân. Đó chính là sự chối bỏ cao nhất với những gì vốn có: cưỡng bức cuộc sống.

Cách duy nhất để phá bỏ kiểu tự biến thành nạn nhân này là đảm nhận vai trò của người kiến tạo. Người kiến tạo ngợi ca những sáng tạo của họ, còn nạn nhân thì chỉ trích. Người kiến tạo sống trong sự trân trọng; còn nạn nhân, ngược lại, chỉ sống trong than thở, không nhận trách nhiệm. Đây là hai mặt đối lập hoàn toàn. Người kiến tạo nắm lấy bất cứ thứ gì xuất hiện trước họ. Họ đáp lại mọi thứ bằng lời đồng ý, cho phép họ sống cuộc đời thật phong phú. Còn nạn nhân, thì trái lại, chỉ phẫn uất và tiêu cực. Họ không tài nào thấy được vẻ hoàn mỹ hay cái đẹp vốn có trong cuộc sống, vì họ đã có sẵn một ý niệm cứng nhắc về mọi thứ nên như thế nào. Bị che khuất dưới cái lốt bị động sục sôi, đây chính là cơn thịnh nộ cực điểm: chối bỏ sự tồn tại, phủ nhận những gì vốn có.

Bất cứ lúc nào tôi nhìn vào cuộc đời mình với thái độ phủ nhận, với một ý niệm khác về việc mọi thứ nên như thế nào, là tôi đang chối bỏ cuộc sống. Bởi vì tôi không thể kiểm soát được cuộc chơi, nên tôi sẽ không tham dự. Vì tôi không thể thấu hiểu, nên tôi sẽ không chấp nhận. Đó chính là chủ nghĩa cực đoan ám ảnh của một trí tuệ đầy sợ hãi; sự phức tạp của nó đã rút cạn mọi niềm vui trong cuộc sống. Ý thức tồn tại ngay trong sự hòa hợp của trái tim. Khi bạn sống từ tận tâm can, sẽ không còn băn khoăn nào hết. Khi bạn chính là sự tuyệt đối, thì nhu cầu tha thiết phải thấu hiểu cũng biến mất; nó đã bị nhận sâu trong chính niềm vui tràn ngập của sự sống thuần khiết. Trái tim chẳng mong muốn gì hơn nữa khi nó đã tìm thấy tình yêu.

Làm thế nào tôi biến đổi bản thân mình từ một nạn nhân sang người kiến tạo? Bằng cách tập trung vào ý thức yêu thương, vào những tầng sâu tĩnh lặng ẩn chứa trong mỗi chúng ta, cho đến khi tôi trở thành trí não vô tư lự. Tại sao? Chẳng có tại sao nào hết. Khi bạn để ý thấy bản thân mình chối bỏ những gì vốn có – nghĩ rằng, chắc phải có cái gì đó tốt đẹp hơn vào thời điểm này hoặc có gì đó phi lý ở đây – hãy buông bỏ. Nhớ rằng khi bạn chảy trôi, khi bạn quy thuận, bạn đã trở thành đấng chí tôn. Khi bạn tranh chấp, bạn sẽ trở thành một đứa trẻ oán giận chẳng chịu trách nhiệm gì. Không thứ gì có thể tốt đẹp hơn vào chính khoảnh khắc này, không có gì là phi lý, bởi đấng chí tôn là tất thảy mọi điều; bạn chính là đấng chí tôn giữa tất cả mọi điều; đấng chí tôn là niềm vui; và tất cả đều là những sáng tạo của bạn.

Giải thoát bản thân khỏi vị thế nạn nhân

Xin hiểu cho rằng tôi không hề gợi ý bạn tự thuyết phục mình trong trí óc rằng bạn không phải một nạn nhân. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mình giống một nạn nhân trong bất cứ khía cạnh nào của đời sống, hãy tự cho phép mình cảm nhận nó. Hãy ôm chặt lấy nạn nhân bên trong bạn. Hãy yêu thương nạn nhân bên trong bạn. Bạn sẽ không thể thoát khỏi nó bằng cách chối bỏ hoặc phê phán nó. Hãy cảm nhận những cảm xúc mà nhận thức nạn nhân khơi dậy trong bạn: buồn bã, giận dữ, oán hận. Vùi mặt vào gối mà gào thét. Khóc lóc. Đấm đá vào tấm nệm. Làm bất cứ điều gì bột phát tự nhiên. Hãy ôm chặt lấy nạn nhân bên trong bạn, và bạn sẽ sớm học được cách nhìn thấu nó. Khi bạn buông xả những cảm xúc tích tụ này, thái độ nạn nhân sẽ mất đi vai trò của nó và nhanh chóng biến mất thôi.

Buông xả nỗi oán trách

Suy cho cùng, trở thành người kiến tạo nghĩa là chịu trách nhiệm với cuộc đời của bạn. Kẻ nạn nhân coi trách nhiệm là một khái niệm phiền toái, một việc vặt vãnh: thà oán trách ai đó gây ra nỗi bất bình cho mình còn dễ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chẳng hề dễ dàng hơn: nó chỉ tước mất quyền quyết định chấm dứt khổ đau khỏi tay bạn. Cho đến khi bạn lãnh trách nhiệm với chính hạnh phúc của bản thân, bạn vẫn chỉ là nô lệ của môi trường xung quanh. Khi bạn rốt cục nhận lấy trách nhiệm, bạn tìm thấy tự do đích thực.

Ta vẫn thường nghĩ tự do nghĩa là được phép làm bất cứ thứ gì ta muốn và đi bất cứ nơi nào ta chọn. Thế nhưng định nghĩa tự do này bỏ qua một thực tế rằng: người kiểm soát và đánh giá bạn nhiều nhất chính là bản thân bạn. Tự do thực sự không phải thứ gì đó mà người khác có thể ban tặng hoặc tước bỏ: chỉ chúng ta mới có quyền năng ấy đối với bản thân mình.

Tự do chính là tự thừa nhận bản thân. Nó cho phép bản thân được thể hiện bản chất, bỏ qua nhu cầu tha thiết phải có được sự phê chuẩn khiến ta làm theo những chuẩn tắc xã hội khó chịu chỉ để hòa đồng. Sự phê chuẩn từ bên ngoài sẽ chẳng bao giờ đủ, chừng nào ta tiếp tục khát khao có được nó, và điều này là thật chỉ bởi một chân lý giản đơn: ta không hề tự thừa nhận bản thân. Vì lý do này, ta gắng sức để người khác làm việc đó giùm ta. Nhưng cố gắng giành lấy sự phê chuẩn từ bên ngoài thế chỗ cho việc tự thương yêu cũng giống như vặn lớn tivi để át đi tiếng khóc của đứa trẻ – một cách gây xao lãng chẳng giúp tình hình khá lên chút nào.

Tự do thực sự là thoát khỏi vị thế nạn nhân. Đó là việc lãnh trách nhiệm về bản thân, ghì chặt lấy bản thân mình và tin tưởng vào tiếng nói nội tâm của chính mình.

Hãy nhớ rằng, tôi không muốn bạn phải gắng sức noi gương những cách ứng xử này nếu bạn không cảm nhận được chúng. Chớ chối bỏ quan điểm hiện giờ của bạn chỉ nhằm phù hợp với một ý niệm sách vở nào đó về “cách cư xử đúng đắn”; thay vào đó, hãy mở rộng hiểu biết của bạn và bạn sẽ tự nhiên lựa chọn được những hành động của một nhà kiến tạo.

Nhận trách nhiệm về lựa chọn của chính ta

Xét cho cùng, chịu trách nhiệm nghĩa là nhận trách nhiệm với chính bản thân, với những lựa chọn mà ta đưa ra trong từng khoảnh khắc.

Ta thực sự không hề hay biết bản thân mình quyền năng đến thế nào. Ta có xu hướng nhìn nhận bản thân mình như những cá nhân nhỏ nhoi trong thế giới rộng lớn, gắng làm mọi cách để quẫy đạp giữa những ngọn triều ngăn cách giữa ta với những khao khát của ta. Thế nhưng, có một chân lý có thể thay đổi nhận thức này, phá bỏ cảm giác của một nạn nhân, và mang lại tự do thực sự:

Ta tập trung vào cái gì, thứ đó sẽ lớn mạnh.

Tiêu điểm ta nhắm vào tạo thành thực tại của chính ta. Nếu ta tập trung vào những gì sai trái trong cuộc đời và trong thế giới ta sống, ta sẽ nhìn thấy gì? Chỉ những thứ sai trái. Thế nhưng nếu ta tập trung vào những gì ta yêu quý, những gì tạo cảm hứng cho ta và đong đầy trong ta niềm vui, ta bắt đầu nhìn thấy vẻ đẹp mà trước kia ta không nhìn thấy. Bạn có thể biến đổi những trải nghiệm sống của mình trong chớp mắt, chỉ bằng cách hướng tiêu điểm vào bên trong. Chỉ bằng cách hướng sự chú ý vào sâu vào nội tâm, thay vì mắc kẹt giữa những bi kịch và âu lo thế sự, bạn có thể phá vỡ những khuôn mẫu bất mãn và ưu tư dai dẳng suốt đời.

Vậy nếu nó giản đơn đến thế, vì sao ta lại không làm? Tôi biết tại sao: bởi vì ta không muốn thế. Ta không muốn được hạnh phúc – ta thích đấu tranh vì những thứ ta nghĩ rằng cần được chỉnh đốn. Ta không muốn quy hàng – ta muốn chiến thắng. Ta không muốn ghì chặt lấy hiện thực – ta muốn đuổi bắt những ý tưởng của ta về việc mọi thứ nên như thế nào, thay vì chấp nhận chúng như vốn có. Vì sao? Vì ta đoan chắc rằng ta hiểu rõ nhất cuộc đời mình nên như thế nào.

Con trẻ không làm vậy. Chúng nắm chắc lấy những gì chúng có mà chẳng hề thắc mắc. Hồi tôi sống ở vùng duyên hải Columbia, các cậu nhóc bản địa chân trần đá bóng là những quả dừa. Tụi chúng không hề rầu rĩ quẩn quanh, nghĩ ngợi kiểu, Giá như mình có mấy đôi giày Nike! Thế thì mình sẽ chơi đỉnh hơn nhiều. Giá như mình có quả bóng xịn thay cho quả dừa này! Chúng không hề nghĩ như vậy. Chúng say sưa thích thú như lẽ tất nhiên, tận hưởng tất cả những gì chúng có được.

Tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của việc nỗ lực hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi ngưỡng mộ bất cứ hoạt động nào giúp đoàn kết nhân loại và nâng cao chất lượng sống trên hành tinh này. Thế nhưng nếu chúng ta cứ tập trung vào những gì sai trái, dù là với mục đích chỉnh đốn cho đúng đắn, thì ta cũng đang góp phần duy trì sự bất mãn và bất tuân phục với những gì vốn có. Hãy tập trung vào những gì ta đã đạt được, vào một thế giới tuyệt vời, phi thường ta đang sống, vào những cá nhân đầy đam mê và khơi gợi cảm hứng − những người đang cống hiến hết mình cho nhân loại mỗi ngày. Hãy tập trung vào những gì ta có thể dâng tặng, những cách ta có thể sống cuộc đời vui tươi, mãn nguyện hơn. Hãy tập trung vào an trú trọn vẹn trong hiện tại, vào việc thấu hiểu, chấp nhận, và ghì chặt lấy bản thân ta. Rồi rất tự nhiên, ta sẽ chia sẻ tình yêu ấy với những người xung quanh.

Ngay lúc này, bạn đang tập trung vào những gì? Vào những thất bại trong quá khứ, hay những âu lo về tương lai? Tại sao bạn không thử, chỉ hôm nay thôi, tập trung tận hưởng từng khoảnh khắc, dành tất cả những gì có thể vào mỗi tình huống đang hiển hiện trước bạn?

Hãy khám phá quyền năng của tập trung, và khi làm vậy, hãy lãnh lấy trách nhiệm với hạnh phúc của chính bạn.

Bài tập thực hành

Hôm nay, hãy tập trung vào tận hưởng từng khoảnh khắc. Khi phát hiện thấy mình lo âu hoặc hối tiếc một phút giây nào đó đã qua, chỉ cần nhìn lên trời và tự cười mình. Hãy nghĩ, “Ôi trời, mình lại thế rồi!” và đưa bản thân trở về thực tại.

Trở thành người kiến tạo: Bạn có hội đủ những gì cần thiết?

Xã hội sản sinh ý thức nạn nhân. Các phương tiện truyền thông bênh vực các nạn nhân, tranh đấu vì những kẻ thua thiệt, nuôi dưỡng ý niệm rằng chúng ta là những nạn nhân cần cứu vớt khỏi tay những kẻ áp bức. Tâm lý này đã ăn sâu bén rễ trong chúng ta đến nỗi thật khó để hiểu ra rằng ta không phải là nạn nhân. Ý tưởng ấy thậm chí còn xúc phạm chúng ta; nghe thì có vẻ tàn nhẫn hay thiếu cảm thông. Thế nhưng, coi con người như những nạn nhân chính là thái độ gây suy yếu nhất: nó níu giữ con người ta trong sự bất lực, phủ nhận khả năng thay đổi của họ. Thái độ cảm thông thường khích lệ con người hướng tới sự cao thượng, vượt trên những tình huống bên ngoài. Tôi không hề có ý chối bỏ bất công hoặc tảng lờ những nhu cầu của đại gia đình nhân loại; tôi chỉ đang gợi ý rằng cách phụng sự quan trọng và bền vững nhất mà ta có thể cống hiến chính là chữa lành cho nạn nhân ngay trong mỗi chúng ta, và kết quả kéo theo là cách nhìn nhận kiểu nạn nhân của ta đối với những người khác cũng biến đổi.

Phải có dũng khí mới trở thành được người kiến tạo. Bạn buộc phải ngự ở vị thế cao quý của chính mình và đảm nhận trọn vẹn trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra trong thế giới của bạn, nhưng sự tưởng thưởng thật vô tận: kết quả là sự viên mãn tột bậc, với bản thân và với cuộc đời.

Cỏ lúc nào cũng xanh hơn

Một dạng tâm lý nạn nhân kinh điển nảy sinh từ chỗ đau khổ dằn vặt vì những gì ta không thể có được. Ta đã trở thành chuyên gia bới móc xem còn gì khuyết thiếu và tập trung năng lượng vào đó: Một cách chắc chắn sẽ rút cạn hạnh phúc khỏi cuộc đời. Một phụ nữ không có khả năng sinh nở có thể quên đi những khía cạnh tích cực của đời mình khi sa vào chán nản: Nàng có thể có người bạn đời lý tưởng, những điều kiện thuận lợi để nhận con nuôi nếu muốn, sự viên mãn trong công việc, tự do thỏa thích đi du lịch và theo đuổi các sở thích cá nhân. Nhưng ý niệm cứng nhắc của nàng về mọi thứ phải như thế nào, nỗi thất vọng trước những gì nàng không thể có được đã trở thành nỗi ám ảnh trong nàng, che mờ phép thần tiên và cơ may hiển hiện trong từng giây phút. Điều tương tự có thể xảy ra với bất cứ mảng nào của cuộc sống mà ta cảm thấy khiếm khuyết: thiếu một tấm tri kỷ có thể che khuất đam mê dành cho sự nghiệp, hay tình trạng thất nghiệp có thể khiến ta đui mù không thấy được sự nâng đỡ của cả một gia đình đầy yêu thương. Thậm chí thư điện tử trong mục Thư rác của tôi cũng phản ánh xu hướng tập trung vào những gì khiếm khuyết của chúng ta: Tôi luôn luôn bị dội bom tới tấp bởi những lời mời chào thuốc cường dương, và (mặc dù tôi chẳng muốn xem thường những khó khăn này hoặc cảm giác bất lực song hành cùng chúng), rõ ràng là cảm giác thiếu sót về giải phẫu cơ thể chỉ là một trong nhiều những loại dê tế thần mà ta có xu hướng đổ lỗi gây ra mọi căng thẳng và chán nản cho ta. Ta quy lỗi mọi nỗi bất mãn của mình vào một thứ không thể thay đổi. Làm như vậy, ta đã chối bỏ khả năng tìm kiếm niềm vui trong mọi điều tuyệt vời mà cuộc đời mang lại.

Phản ứng kiểu nạn nhân và phản ứng kiểu người kiến tạo trước các tình huống thật trong đời sống

Có rất nhiều tình huống mà ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt giữa phản ứng kiểu nạn nhân và phản ứng kiểu người kiến tạo. Các ví dụ sau đây có thể giúp bạn quan tâm hơn tới thái độ kiểu nạn nhân ở chính mình và bắt đầu đưa ra những lựa chọn mới.

Tình huống hoặc Đặc tính Tiếp cận kiểu nạn nhân Tiếp cận kiểu người kiến tạo

Quan hệ

thân tình Anh không làm tôi hạnh phúc. Tôi cần anh yêu thương tôi để tôi thấy mình đáng giá. Tôi tìm thấy niềm vui khi trao tặng cho bạn. Tôi muốn góp phần giúp bạn trở thành người tốt nhất có thể, vì tôi đã cam kết sẽ là người tốt nhất với bản thân mình. Tôi mở lòng đón nhận tình yêu của bạn, và tôi xứng đáng với tình yêu ấy.

Mất mát Vì sao những thứ tồi tệ lại xảy ra với tôi? Tôi không thể nào hạnh phúc cho nổi vì tình cảnh bên ngoài không cho tôi được thế. Nếu có cơ hội tốt hơn, tôi mới cảm thấy mãn nguyện hoặc nhận ra được tiềm năng của mình. Tôi nắm chặt mọi thứ xảy ra trong cuộc đời như những cơ may để trưởng thành. Tôi tin rằng kể cả những thứ tôi không muốn xảy ra cũng đang mang lại cho tôi những điều tốt nhất. Tôi quy thuận trước những gì vốn có và buông mình theo bất cứ điều gì xảy đến. Niềm vui của tôi bắt nguồn từ nắm bắt và tận hưởng, không phải là chối bỏ và than phiền.

Khuyết thiếu Tôi không có đủ thời gian/ tiền bạc/ sự ủng hộ. Nếu hoàn toàn sống với hiện tại, tôi sẽ nhận thức được rằng mình có mọi điều cần thiết trong từng khoảnh khắc. Bằng cách tin tưởng và thuận theo tự nhiên, tôi mở lòng để tuyệt đối trân trọng những gì phong phú dồi dào luôn tuôn chảy về phía tôi.

Trao tặng Tôi phải giành lấy vì tôi không có đủ. Người ta muốn giành của tôi, nên tôi phải giữ chặt những thứ tôi có. Tôi có mặt ở đây để phụng sự; niềm vui của tôi là được trao tặng hết thảy những gì tôi có sẵn trong mình. Bằng cách trao tặng, tôi đang nhận về chính những gì đang trao tặng. Trao tặng càng nhiều, tôi nhận về càng nhiều.

Tin tưởng Ngày xửa ngày xưa, tôi cũng đã tin tưởng đấy chứ, nhưng đã phải thất vọng. Tôi biết trước rằng mọi thứ rồi sẽ sai lạc. Lòng tin xuất phát từ tin tưởng. Lựa chọn tin tưởng của tôi phản chiếu sự toàn vẹn trong tôi: nó không phụ thuộc vào kết quả bên ngoài. Nếu tôi tin tưởng, nghĩa là tôi chiến thắng, bất kể kết quả có ra sao, vì tôi đang đặt lòng tin vào chính mình.

Mắc “sai lầm” Đấy không phải lỗi tại tôi. Tôi phải giải thích cho anh hiểu tại sao đấy không phải lỗi của tôi. Tôi phải thuyết phục cho anh tin lý lẽ của tôi. Tôi không chịu trách nhiệm về hành động của tôi đâu đấy. Tôi chịu trách nhiệm với mọi thứ: nếu tôi mắc sai lầm, tôi tận dụng nó như một cơ hội để học hỏi và đưa ra những lựa chọn mới cho lần sau. Tôi không biện hộ; tôi sẵn sàng lắng nghe để có thể tiến bộ.

Tình bạn Vì tôi hiện diện bên anh như một người bạn, nên anh nợ tôi. Tôi đã tặng anh quá nhiều; anh buộc phải trả lại cho tôi. Tôi trao tặng vô điều kiện, và tôi sẵn sàng đón nhận. Tôi để mình được yếu mềm trước bạn, và tôi lắng nghe những gì bạn nói với tôi, không hề chối bỏ, vì yêu thương không cần biện hộ.

Thừa nhận Tôi cần phải được thừa nhận; tôi cần có sự thừa nhận từ anh. Tôi không thể quý chuộng bản thân mình nếu anh không tán tụng tôi. Tôi quý trọng bản thân; sự nhất quán trong hành động của tôi chính là thứ khiến tôi mãn nguyện. Nếu vấp phải sự bất đồng từ bên ngoài, tôi sẽ nhìn sâu vào nội tâm để xem tôi cảm nhận ra sao, để nhận thức được những gì bên trong mình. Ý thức về bản thân của tôi dựa trên trải nghiệm ý thức nội tại, không phụ thuộc vào những ý kiến dễ đổi thay của những người quanh tôi.

Hành động Mọi thứ khác nào một việc vặt vãnh nhàm chán. Tôi tiếp nhận mọi yêu cầu với thái độ chống đối. Tôi cẩu thả dối trá bất cứ khi nào chỉ vì lười biếng. Xoàng xĩnh thường thường là nghề của tôi! Tôi đón nhận tất cả mọi việc. Tuyệt hảo là đặc trưng cho hành động của tôi, và tôi tìm thấy niềm vui khi cống hiến hết sức mình, luôn luôn tiến theo hướng hoàn thiện hơn.

Trách nhiệm Tôi không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với mình. Tôi lãnh trách nhiệm về thế giới của tôi.

Suy ngẫm

– Tự hỏi bản thân, Làm thế nào ta có thể lấp đầy một khoảng trống nội tâm bằng sự thừa nhận từ bên ngoài? Làm cách nào ta có thể dựa vào sự tán tụng của người khác để bù đắp cho sự tự chỉ trích bản thân?

– Có điều gì gần đây xảy đến với bạn mà bạn lại đổ lỗi cho người khác không? Trong cuộc sống của bạn có lĩnh vực nào mà bạn cảm thấy yếu nhược hoặc bị đẩy vào tình thế nạn nhân? Liệu bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận và bắt tay vào hành động để tự biến bản thân trở thành người kiến tạo thay vì là nạn nhân trong những lĩnh vực này?

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Nghệ thuật sống đẹp: 7 quyển sách khuyên đọc - Trong thế gian vốn "vội vã" với đầy lo toan cuộc sống này đôi khi chúng ta quên đi những đam mê, sở thích, quên mất bản thân mình yêu gì, ghét gì và hơn hết là cần gì . 7 quyển sách sau hướng tới nghệ thuật sống đẹp, sẽ giúp bạn nuôi dưỡng… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Đôi Cánh Tình Yêu”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button