Đức Phật, Nàng Savitri Và Tôi

(1 đánh giá của khách hàng)

Câu chuyện của Đức Phật, câu chuyện của nàng Savitri trong tiền kiếp và hiện kiếp đan xen, lồng ghép và miên man trong dòng suy tưởng của nhân vật tôi. Cùng với đó là cả một nền văn hóa Ấn cách ta hai mươi mấy thế kỉ được mở ra, rực rỡ, chói lòa. Cùng với những đổi thay của nó trong thời hiện đại. Câu chuyện cuốn hút người đọc, dẫn dắt người đọc đi qua những vùng đất, những thế giới đầy tâm linh, gặp gỡ những con người vừa thực vừa hư ảo. Một cuốn sách rất đáng để đọc.

Danh mục:

Một cô gái, được tôn là Nữ Thần Đồng Trinh, sau khi giải nghệ trở thành hướng dẫn viên du lịch, đồng thời là người kể chuyện dân gian.

Một cô công chúa ở Ấn Độ cổ đại, bị truy nã, phải chạy trốn qua nhiều vương quốc trên khắp tiểu lục địa. Cuộc chạy trốn kéo dài hơn bốn mươi năm cùng với tình yêu suốt đời dành cho vị hoàng tử, sau này là Đức Phật. Cuộc đời Đức Phật Thích Ca được tái hiện với nhiều chi tiết ít được biết đến. Xã hội Ấn Độ cổ đại và đương đại. Những nhân vật của hơn 2.500 năm trước và của ngày hôm nay. Những âm mưu, những cuộc truy đuổi, tình yêu và đức tin, cái mới và cái cũ… Đó là tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi.

1 đánh giá cho Đức Phật, Nàng Savitri Và Tôi

  1. Nguyễn Chi

    Ở Đức Phật, nàng Savitri và tôi, nhà văn Hồ Anh Thái kể với chúng ta nhiều câu chuyện.

    Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật: Từ khi Người được sinh ra dưới một cây sa la cổ thụ, là hoàng tử Siddhattha. Đến khi người từ bỏ vương cung, ra đi tìm chân lý, giác ngộ dưới gốc bồ đề, trở thành Buddha. Rồi người đi khắp các xứ, truyền bá triết thuyết của mình, thu nhận đệ tử. Và tịch trong một rừng sa la. Thanh thản như một cơn gió nhẹ.

    Câu chuyện về những âm mưu, tham vọng, tỵ hiềm, thù địch, chiến tranh, sự phân biệt đẳng cấp, thân phận con người… Câu chuyện về xã hội Ấn Độ cổ đại nơi những giáo sĩ Bà La Môn lợi dụng thần quyền và sự mông muội của dân chúng để mưu đồ cá nhân.

    Nổi bật trên tất cả, là câu chuyện về nàng Savitri xinh đẹp, tinh quái, dũng cảm, cương quyết. Công chúa Savitri từ khi lên bốn đã quyết sau này sẽ làm vợ hoàng tử Siddhattha. Khi nàng mười bảy, Siddhattha hai mươi chín, chàng rời bỏ ngai vị để trở thành du sĩ. Nàng mãi mãi không thực hiện được mong ước, mãi mãi không thỏa nguyện tình yêu. Cuộc đời xô đẩy nàng trở thành một hoàng hậu của ông vua sắp chết, rồi phải bước lên giàn hỏa táng, rồi bị vu vạ và truy nã suốt bốn mươi năm ròng.

    Bốn mươi năm, nàng cải trang thành nam giới, chạy trốn qua nhiều tiểu quốc, đắm chìm trong dục lạc, và bất cứ khi nào, ở đâu, có tin về Siddhattha của nàng, nàng đều chạy đến. Nàng đuổi theo dấu chân của người trong mộng. Siddhattha trở thành Đấng Giác Ngộ, nàng hiểu nhưng không bao giờ thừa nhận. Nàng xinh đẹp như tiên nhưng cũng ma mị như yêu quái, cái ngông của tuổi trẻ khiến nàng cứ mãi đuổi theo người thương với ham muốn kéo người đó trở lại đời phàm tục, trở thành “của nàng”. Khi biết không thể làm được điều đó thì nàng lại ngầm tuyên chiến: lôi kéo đệ tử của Người.

    Nhưng lần lượt, lần lượt từng người bên nàng đều biệt nàng để tìm đến nương náu trong tôn giáo. Đầu tiên là hoàng tử Siddhattha, rồi đến công tử Yasa ăn chơi bốc giời, chàng Raja, đến gần cuối đời, cả chị Juhi – thị nữ trung thành, cũng từ giã nàng mà quy y cửa Phật.

    Tác giả viết rất nhiều về lối sống hành lạc của Savitri. Không hề né tránh. Savitri đắm chìm trong dục tình. Nàng chịu đựng tất cả những cú giáng đòn của số phận, không một lời than oán, rất cứng cỏi, và dùng dục lạc làm liều thuốc quên. Không đè nén ham muốn, không chối bỏ ham muốn, không hổ thẹn vì ham muốn. Một Savitri vừa đàn bà vừa ngông ngạo.

    Tất cả những câu chuyện ấy bện xoắn trong nhau, khi kìm nén, khi bung tỏa, lần lượt được kể bởi hai nhân vật du hành về đất Phật ở thời hiện đại: Một nhà nghiên cứu Ấn Độ học – nhân vật Tôi, và một hướng dẫn viên du lịch tên Savitri, vốn là một Nữ Thần Đồng Trinh hết thời, người có tiền kiếp chính là công chúa Savitri dám yêu dám chịu.

    Savitri ở tiền kiếp không phải là một người giác ngộ. Cuộc đời nàng giống như một minh họa, một sự chứng nghiệm cho những triết thuyết của Đức Phật. Sống như nàng là khổ hay không khổ? Mình không dám lạm bàn. Một điều chắc chắn là có hai từ đọng lại trong lòng mình từ chuyện đời Savitri: Chấp nhận và buông bỏ. Đọng vậy thôi, để học được hết ý nghĩa của mấy chữ ấy, có lẽ mình cũng sẽ phải đi hết một đời như nàng.

    Đức Phật, nàng Savitri và Tôi cung cấp nhiều kiến thức về cuộc đời Đức Phật, cũng như các tôn giáo và tập tục của Ấn Độ. Nhân vật nữ trong các tác phẩm về đề tài Ấn Độ của Hồ Anh Thái thường hấp dẫn mình, từ nàng Nilam trong Tiếng thở dài qua rừng kim tước đến nàng Savitri thời cổ đại. Những nhân vật ấy luôn bị đặt trong thế câu thúc, ép buộc, bị đẩy đến chỗ chết, vậy mà họ vẫn sống, sống kiên trì, sống nhẫn nại trong cái thế giới đọa đày họ.

    Hồ Anh Thái viết rất nhiều, bằng nhiều giọng điệu khác nhau: Khi lãng mạn tha thiết, lúc hóm hỉnh hài hước, lúc châm biếm đả kích… mình chưa có cơ hội đọc hết, và trong các tác phẩm mình được đọc, không phải tác phẩm nào mình cũng thích. Nhưng lúc nào mình cũng thích cách buông chữ, đặt câu của nhà văn.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button