Dưới bóng những cô gái tuổi hoa

(2 đánh giá của khách hàng)

Dưới bóng những cô gái tuổi hoa đã được trao giải Goncourt 1919 – và từ lâu đã được coi là danh tác văn học, niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp.

Danh mục:

“… – Bạn nào có bút chì?

Andrée đưa bút chì, Rosemonde đưa giấy. Albertine bảo họ:

– Các bạn nhỏ thân mến, tớ cấm các cậu nhìn tớ viết.

Và sau khi chăm chú kẻ từng con chứ lên tờ giấy kê trên đầu gối, nàng trao cho tôi và nói:

– Anh cẩn thận đừng cho họ nhìn thấy.

Giở ra, tôi đọc mấy từ nàng viết:

“Em rất yêu anh”.

– Nhưng thay vì việc viết những điều bậy bạ, – nàng quay sang Andrée và Rosemonde nói to, giọng vừa dữ dội vừa nghiêm trang, – tớ sẽ đưa các cậu xem lá thư Gisèle viết cho tớ sáng nay. Tớ điên thật, thư nằm trong túi tớ, và phải nói là sẽ rất bổ ích đối vơi chúng ta.

Albertine đọc ngay lập tức cho chúng tôi nghe bản sao luận văn của Gisèle, vì nay mai cũng sẽ phải qua kỳ thi, nàng muốn biết ý kiến của Andrée, người học giỏi hơn tất cả bạn bè và có thể có những lời khuyên bổ ích.

Trong lúc đó, tôi nghĩ tới tờ giấy xé trong sổ tay Albertine trao cho: “Em rất yêu anh”, và một tiếng sau, bước trên con đường dốc về Balbec, tôi đinh ninh sẽ cùng nàng xây đắp tình duyên.

Có nhiều dấu hiệu làm người ta nhận biết mình đang yêu: chẳng hạn, lời tôi căn dặn khách sạn không đánh thức mình vì bất kỳ cuộc viếng thăm nào, trừ phi của một trong số các cô gái, hoặc nhịp đập con tim tôi trong lúc chờ đợi họ (bất luận là cô gái nào sẽ tới), hoặc nữa cơn giận dữ đến muốn phát điên lên nếu những hôm ấy không tìm được một bác thợ cạo để cạo râu và phải xuất hiện xấu xí trước mặt Albertine, Rosemonde hay Andrée; chắc hẳn trạng thái ấy – lần lượt xuất hiện khi vì cô gái này, lúc vì cô gái khác – khác với cái mà chúng ta mệnh danh là tình yêu, cũng như cuộc sống con người khác với đời sống loài động – thực vật mà sự tồn tại và tính cá thể – nếu có thể nói như vậy – được phân bố giữa các cơ quan khác nhau. Nhưng sinh vật học cho biết có thể quan sát một cơ cấu động vật như vậy; và cuộc sống của bản thân con người, miễn nó đã ít nhiều tiến triển, cũng khẳng định sự tồn tại những trạng thái trước kia chúng ta không ngờ nhưng chúng ta phải trải qua, dù sau đó loại trừ chúng: trạng thái tình yêu của tôi lần lượt được chia sẻ giữa các cô gái cũng như vậy. Chia sẻ hay nói đúng hơn là không thể phân chia, vì hy vọng và niềm vui say mê nhất trong lòng tôi lúc này chính là toàn thể nhóm nhỏ các cô gái trong những buổi chiều lộng gió trên thảm cỏ, với những gương mặt xiết bao khêu gợi của Albertine, của Rosemonde, của Andrée, trong lúc tôi không thể nói gương mặt nào khiến những nơi chốn này trở nên quý giá đối với mình hơn hết, gương mặt nào mình muốn yêu thương hơn hết. Vả lại, trước mặt họ, thói quen chưa đến nỗi làm tôi nhàm chán, nên tôi vẫn có khả năng “trông thấy” họ, tôi muốn nói là khả năng cảm thấy một sự ngạc nhiên sâu xa mỗi khi gặp lại họ…”

Là tập hai của bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất – bộ tiểu thuyết kinh điển mở đầu cho nền tiểu thuyết hiện đại thế kỷ XX, đề cập đến những bàn luận sâu rộng không ngớt và đậm chất thơ về cảm xúc nhân vật, trăn trở tâm hồn, hồi ức tình cảm, những phân tích, những băn khoăn nghệ thuật và triết học và những khái niệm mới mẻ, sáng tạo về tời gian, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa đã được trao giải Goncourt 1919 – và từ lâu đã được coi là danh tác văn học, niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp.

2 đánh giá cho Dưới bóng những cô gái tuổi hoa

  1. Phạm Thành Trung

    Mình cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi được cầm trên tay và đọc tác phẩm “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa này”. Dù biết nó rất khó đọc những mình vấn muốn tìm hiểu những giá trị tuyệt vời mà nó chứa đựng. Và mình đã thực sự bị cuốn vào những trang văn đẹp đến dung dị của tác phẩm này. Tác giả đã kể một câu chuyện hết sức thú vị, về nhân vật “tôi” trong một cuộc hành trình bất tận, một hành trình tìm về với cuộc sống thực, tìm về với tình yêu chân chính cũng như vươn tới những triết lý cao đẹp. Cuốn sách có rất nhiều những đoạn văn tuyệt đẹp, mang đến cho người đọc những suy tư khôn nguôi về con người, cuộc sống, thời gian và nhiều hơn thế. Thực sự là một tiểu thuyết đáng đọc.

  2. Nguyễn Thị Vy

    Mình hoàn toàn cảm thấy choáng ngợp khi đọc “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa” của Marcel Proust. Cuốn sách dày hơn 500 trang, với rất nhiều nhân vật, rất nhiều chuỗi sự việc liên tiếp đan xen nhau được kể bằng giọng văn khác biệt, làm mình phải dành ra khá nhiều thời gian để đọc trọn vẹn nó. Mình không nói tác phẩm này cuốn hút tuyệt đối theo kiểu những tác phẩm văn học đương đại ngày nay, nhưng thực sự nó đã đem đến cho mình những giây phút trải nghiệm tuyệt vời. Mình nghĩ khó có thể tìm thấy ở đâu khác những đoạn văn miêu tả vừa tinh tế, vừa sống động, vừa tràn ngập cảm xúc như trong tác phẩm này. Marcel biến những đoạn viết về tình yêu, về hoa, về phong cảnh trở thành những “trò chơi biến hóa của ngôn từ”, đem đến một vẻ khác lạ, khiến người đọc muốn nhâm nhi mãi không thôi.
    Một tuyệt tác có lẽ không chỉ nằm ở chỗ nó có đem cho bạn cảm giác cuốn hút từ đầu chí cuối hay không, mà còn ở việc, nó để lại cho bạn những gì sau khi trang sách cuối khép lại. “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa” thực sự đã để lại cho mình rất, rất nhiều.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button