Gia Đình Buddenbrook

(5 đánh giá của khách hàng)

Sau thế chiến thứ nhất, nước Đức chìm trong khủng hoảng và nền văn học nước này cũng không ngoại lệ. Chẳng thế mà từ sau Gerhart Hauptmann (đoạt giải Nobel văn học 1912) thì không có một người Đức nào đứng trên bục cao nhất của giải thưởng này, trong khi trước đó trung bình cứ 4 năm lại có một nhà văn Đức đoạt giải Nobel văn học. Nói thế để biết rằng vai trò của Thomas Mann là thế nào. Theo tôi đây chính là cây đại thụ vực dậy nền văn học tưởng như đã thoái trào sau thất bại của thế chiến. Giải thưởng này còn ý nghĩa hơn khi, Buddenbrock được ra đời vào thời điểm phát xít đang manh nha lên cầm quyền. Theo tôi Thomas Mann chính là nhà văn tiêu biểu của văn học Đức thế kỷ 20, mà mãi đến sau này có lẽ chỉ có Gunter Grass mới tiệm cận được tài năng của ông.

Danh mục:

Cuốn tiểu thuyết đầu tay vĩ đại của Thomas Mann, một trong hai tác phẩm mang về cho nhà văn giải Nobel Văn chương năm 1929. Cuốn sách xếp vị thứ 7 trong top 100 cuốn tiểu thuyết Đức ngữ hay nhất thế kỷ 20 do Literaturhaus Münchenvà Bertelsmann bình chọn. Cứ 10 người Đức thì có 1 người đọc Gia đình Buddenbrook. Ở Trung Quốc, Gia đình Buddenbrook được coi là phiên bản Đức ngữ của Hồng lâu mộng.

Gia đình Buddenbrook xuất bản lần đầu tại Đức năm 1901, khi Thomas Mann mới 26 tuổi, đã nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của văn học hiện đại. Câu chuyện kể về một gia đình bốn thế hệ thuộc tầng lớp đại tư sản ở thành phố Lübeck miền Bắc nước Đức. Với ngòi bút điêu luyện, Thomas Mann đã dựng lên một bức tranh toàn diện và chân thực về đời sống của tầng lớp trung lưu: kết hôn và ly hôn, sinh ra và chết đi, thành công và thất bại. Những sự kiện ấy lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, trong khi gia đình Buddenbrook dần bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả dòng họ.

Với hơn 400 nhân vật, câu chuyện giàu chi tiết và đầy tính nhân văn, Gia đình Buddenbrook vượt qua tất cả các cuốn biên niên sử gia đình khác và trở thành hình mẫu cho thể loại văn chương này. Đây cũng được coi là tác phẩm vĩ đại nhất của Thomas Mann.

5 đánh giá cho Gia Đình Buddenbrook

  1. Trần Phượng

    Ngày trước mình bị hấp dẫn với tác phẩm này vì lời giới thiệu tác phẩm như là “Hồng lâu mộng” của quốc gia châu Âu, và tìm đọc ebook của cuốn sách, và thật sự tác phẩm đã làm cho mình – dù đã đọc hết ebook nhưng vẫn tìm sách in để mua!
    Tựa đề vô cùng đơn giản “Gia đình BuddenBrook” nhưng hàm chứa trong đó là những bi kịch trong gia đình và cả xã hội, và nhiều hơn, tác phẩm khiến cho người đọc có thể hình dung cả dòng chảy của lịch sử nước Đức. Những biến cố trong lịch sử cộng với sự xuống cấp của nhân cách đã làm cho một đại gia đình cuối cùng phải rơi vào cảnh suy tàn (về điểm này Gia đình Budden Brook rất giống với Hồng lâu mông – và cũng là sự tương đồng về hệ lụy lịch sử trong lịch sử Á – Âu). Không thể phủ nhận đây là tác phẩm vĩ đại nhất làm nên tên tuổi của cây bút Thomas Mann.

  2. Nguyễn Thị Kim Thoa

    Lần đầu nhìn cuốn này, mình cảm thấy nó hơi ngán ngẩm tại đây là cuốn tiểu thuyết dày tới hơn 800 trang lận. Tuy nhiên với quyết tâm muốn chinh phục nên mình đã đọc nó. Lúc đầu, những mảng tự truyện cứ lồng vào nhau nhưng càng về sau truyện càng có những móc nối, có những nhân vật mới. Cuốn tiểu thuyết này xoay quanh câu chuyện về gia đình Buddenbrook, bắt đầu với ông cụ Johhan Buddenbrook và kết thúc là cháu Hanno Buddenbrook với những thăng trầm trong hơn 100 năm tồn tại.
    Đọc tác phẩm này, chúng ta thấy ngòi bút của Thomas Mann cực kì sinh động khi ông thể hiện gia đình Buddenbrook qua nhiều khía cạnh, phản ánh nhiều vấn đề của cuộc sống. tác giả đã vẽ nên bức tranh xã hội nước Đức thời bấy giờ, ở đó con người vì đồng tiền mà mất đi tất cả, chà đạp tất cả, kể cả tình anh em máu mủ ruột thịt cũng nứt rạn theo tháng ngày. Tình cảm giữa ông tham Buddenbrook và bác Gotthold, người anh em cùng cha khác mẹ; Thomas và Christian, hai anh em ruột thịt hay khi bà cụ tham lấy tiền cho con rể là mục sư Tiburtius, theo yêu cầu của cô gái út đã lìa trần, Thomas đã to tiếng cãi nhau với mẹ hay khi bà cụ tham vừa qua đời, hai anh em đã tranh giành của cải khi mẹ chưa khâm liệm. Đó là những ví dụ cụ thể và điển hình nhất. Vì tiền, Tony, cô con gái của dòng họ danh giá đã không lấy được sinh viên trường thuốc tầm thường mà vớ trúng tên đại bịp, rồi Thomas lấy Genda cũng vì khoảng hồi môn cực lớn. Xã hội nước Đức được thể hiện rõ nét qua từng nhân vật, từng giai đoạn, làm cho chúng ta hiểu hơn về những góc khuất còn ẩn sau những gương mặt tưởng chừng như rất dung dị, bình thường.
    Cuốn sách này là một cuốn sách hay bởi nó cho ta thấy nhiều thứ, cho ta học rất nhiều điều về cuộc sống. Tác giả khéo léo chỉ ra những góc khuất của xã hội, đó cũng chính là lí do tác phẩm này đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 mà vẫn trường tồn qua gần 100 năm, vẫn mang lại cho lòng người bao suy nghĩ về giá trị đích thực trong cuộc sống.

  3. Vũ Nguyên

    Sau khi đọc Chết ở Venice, mình đã trở thành người hâm mộ của Thomas Mann. Giọng văn mượt mà tựa bài thơ, lời văn chảy ra như dòng suối. Trong tác phẩm Gia đinh Buddenbrook cũng vậy. Nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng ẩn chưa trong đó là sự phức tạp về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, mỗi lần đọc mình đều đọc từ từ và nghiền ngẫm, cố nhớ lại mối quan hệ của từng người. Về hình thức, bìa sách được thiết kế rất đẹp, sắc cam bao phủ toàn bộ làm quyển sách rất nổi bật.

  4. Nguyen Khoa

    Thomas Mann viết tác phẩm này như một bản sonata nhẹ nhàng nhưng tràn đầy hợp âm phức tạp. Từng con người, từng số phận trong tác phẩm chân thật và sống động như những mảnh ghép của xã hội thượng lưu Đức những năm cải cách xã hội. Mầm mống cộng sản chủ nghĩa hình thành và song song với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo nên những xô đây, biến động trong đời sống của tầng lớp doanh nhân gia đình Buddenbrook. Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế cổ điển của Thomas đã khắc họa thật chân xác từng số phận con người trong cái xã hội tư bản chủ nghĩa thu nhỏ mang tên Buddenbrook. Đó là những con người đau đớn vì hôn nhân tan vỡ như bà Tony, tham vọng như ông Nghị nhà Budden hay bệnh tật, dị thường như Johhan.. Mỗi số phận đều bị chi phối bởi cái ma lực đáng sợ mang tên đồng tiền và thanh danh dòng họ. Thomas đã lên án, đả kích rồi đi đến xót xa, đau đớn cho số phận của nhân vật hay nói đúng hơn, chính là nỗi đắng cay cho số phận mình. Một tác phẩm xứng đáng là sách gối đầu giường cho bất kì bạn đọc nào yêu thích cái phong vị lãng mạn, tinh tế của văn học Phương Tây.

  5. Nguyễn Chi

    Gia đình Buddenbrook là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Mann, hoàn thành năm ông 26 tuổi (thật ngưỡng mộ). 800 trang giấy kể về 4 đời của dòng họ Buddenbrook trải dài trong bối cảnh nước Đức gần suốt thế kỷ XIX (lúc đó chưa thống nhất, mà còn là một “hiệp bang”, theo lời giới thiệu ở đầu cuốn sách).

    Đó là những con người thuộc tầng lớp đại tư sản, sinh ra, lớn lên, kết hôn, sinh con đẻ cái, rồi chết đi. Câu giới thiệu này ở đâu cũng gặp, nhưng để tóm tắt nội dung trong một câu thì… đúng là như thế thật.

    Nếu bạn thuộc tuýp thích đọc các truyện tình yêu lãng mạn thì cuốn sách này không dành cho bạn. Bởi vì đơn giản là chẳng có câu chuyện tình yêu nào trong cuốn tiểu thuyết này cả. Có chăng, thoảng qua mối tình ngây thơ nông nổi của cô tiểu thư nhà Buddenbrook với anh sinh viên Morten, hoặc của ông nghị Buddenbrook với cô gái phụ việc ở cửa hàng hoa. Nhưng cả hai mối tình ấy đều thoảng như gió trong vài trang giấy. Tất cả những cuộc hôn nhân được chấp nhận đều phải mang về cho gia đình một món lời nào đó, để tăng vốn làm ăn, để rạng rỡ môn mi, hoặc ít nhất cũng phải được đánh giá là “môn đăng hộ đối”. Bất cứ cuộc hôn nhân nào chệch ra khỏi quỹ đạo đều sẽ bị cười chê, gia đình không chấp nhận, và cuối cùng đều dẫn đến kết cuộc thảm hại.

    Nếu bạn thuộc tuýp thích đọc những thứ tươi sáng mộng mơ, thì cuốn sách này cũng không dành cho bạn. Bởi vì cái gia tộc ấy đi đến chỗ cực thịnh, rồi suy tàn. Bởi vì các nhân vật rồi đều sẽ chết. Bởi vì biến cố cứ liên tục xảy ra, có những khi thuận gió xuôi buồm, nhưng lại càng nhiều khi trắc trở. Bởi vì nhân vật lúc nào cũng như một người biểu diễn đi trên dây, họ đi trên một cái lằn mỏng manh giữa một bên là tính khuôn khổ, kỷ luật, chăm chỉ, cần mẫn, biết giới hạn… của cha ông, để tạo dựng cơ nghiệp của dòng họ, với một bên là những ước muốn riêng, thiên hướng riêng, một thế giới liều lĩnh khó đoán. Lệch bước là chấm hết. (Mà dòng họ ấy “chấm hết” thật).

    Đối với mình, nhân vật nào cũng thú vị. Ông Thomas Buddenbrook với cuộc đấu tranh thường trực bên trong ông ta, để trấn áp đi sự mộng mơ hay sợ hãi, cố gắng nối bước tổ tiên, đưa gia tộc đến tột đỉnh vinh quang, rồi tàn lụi. Chú bé Hanno tâm hồn yếu đuối và sợ hãi cuộc sống. Ông em Christian kì dị với cái chứng thích phóng đại bệnh tật của bản thân, lúc nào cũng núp dưới bóng bệnh tật để né tránh mọi nghĩa vụ của một con người. Bà Tony vừa tình cảm, vừa vờ vĩnh, vừa tinh ranh, vừa ngây ngốc, vừa ích kỷ, vừa “quên thân” vì gia tộc – tất nhiên cũng phải nhìn thấy cái lợi của bản thân ở đó – (mình “ấn tượng” với nhân vật này nhất truyện, hững hờ, bồng bột, ưa hư vinh đến hết đời được, thật đáng sợ). Rất nhiều nhân vật khác nữa, phần nhiều sinh ra đã có sẵn một món thừa kế hứa hẹn trong tương lai, và chẳng cần làm gì cả, trông chờ vào người đứng đầu – người đứng ra gánh tất cả mọi trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ, “khiêu vũ” với nó chăm chỉ đến khi không còn sức và gục xuống, chết – nếu có người kế nhiệm thì vòng quay lại tiếp tục.

    Dường như sự đấu tranh giữa tính khuôn khổ, kỷ luật, với thiên hướng nghệ thuật hoặc sự tự do phóng đãng là một điều trăn trở của tác giả. Mình đọc thấy điều đó ở cả Gia đình Buddenbrook và Chết ở Venice. Giữa cái gọi là nghệ thuật với sự suy đồi, trong cả hai tác phẩm này, chỉ cách nhau một bước rất nhỏ, mà chẳng nhân vật nào một khi đã lệch ra khỏi khuôn khổ lại có thể tránh được.

    Còn một chi tiết xuất hiện tương đối nhiều, là cái chết. Ông Thomas Buddenbrook đã có lúc hoảng sợ khi nghĩ đến sự chết, tìm an ủi trong triết lý của Schopenhauer về sự giải thoát. Nhưng rồi ông chối bỏ ý nghĩ ấy, xấu hổ vì mình đã “mơ mộng”, và như mọi nhân vật khác, ông cần mẫn đi từ đầu này đến đầu kia của cuộc đời, nơi cái chết chờ sẵn.

    Có quá nhiều lý do dẫn đến sự sụp đổ của nhà Buddenbrook: Sự thay đổi của xã hội mà gia đình đó đã không còn thích ứng kịp. Sự phát triển của những thiên hướng khác với cái vốn có và cần thiết để duy trì một gia tộc vững mạnh (trong bối cảnh đó). Cả sự đổ vỡ từ chính các mối quan hệ bên trong, khi vợ chồng không thể đồng cảm, chia sẻ, cha con, anh em xung khắc không hòa giải nổi về lối sống, suy nghĩ, quan điểm…

    Đây một chút, kia một chút, trong cả trăm nhân vật và hàng tá tình huống của câu chuyện, bạn sẽ có lúc bắt gặp mình, và phải tự đặt câu hỏi cho bản thân.

    Chỉ có một vấn đề nho nhỏ, đó là phần dịch. Mình không thấy được cái đẹp nao lòng trong ngôn từ như ở Chết ở Venice, có lẽ một phần do bản dịch này được dịch lại từ bản tiếng Trung (có tham khảo bản tiếng Anh, Pháp, và Đức – theo lời dịch giả). Ngoài ra thì mình thấy có một số lỗi nho nhỏ, như miêu tả nhân vật bà Gerda, khi thì nói mớ tóc đỏ sẫm màu, lúc lại nói mái tóc đen phản chiếu ánh đèn??? Dù là lỗi nhỏ nhưng lại khiến mình nghi ngờ không biết liệu có “lỗi to” nào không.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button