Hồi Ký Sơn Nam

(1 đánh giá của khách hàng)

Hồi ký của một người thường, không quan quyền, không danh phận, không cả bà con thân thuộc giữa đất Sài Gòn hơn nửa chục triệu dân này – như lời ông nói – quả cũng là chuyện chẳng để giỡn chơi, đáng để đọc và có chút gì để học.

Danh mục:

Hồi ký Sơn Nam là tổng hợp từ 4 tập hồi ký “Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở Chiến Khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An” đã được xuất bản từ năm 2000 đến năm 2005. Lần xuất bản nầy, Nhà xuất bản Trẻ còn giới thiệu thêm 2 bài viết của chính nhà văn để làm rõ thêm về 2 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời ông: Đến với Cách mạng trong thập kỷ 40 và trở về trong vòng tay Cách mạng ở thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

Gần 60 năm cầm bút, trải qua bao thăng trầm vất vả, ông đã có một số lượng tác phẩm thật đồ sộ: gần 300 truyện ngắn, hàng chục tập sách biên khảo về người và đất Nam Bộ. Ông thật xứng đáng với danh hiệu cao quý mà bạn đọc xa gần phong tặng Nhà Nam Bộ học.

75 năm cuộc đời đã trôi qua trên tấm thân gầy yếu, khắc khổ của ông. Những lận đận, long đong dường như chưa dừng. Con người có tư cách, như ông tự nhận, dường như không muốn nói láo. Ở tuổi 75, ông vẫn chưa dứt được những lo toan, trăn trở, chưa được hưởng nhàn (theo nghĩa thông dụng) dù chỉ một ngày.

Ở tuổi 75, ông ngồi ghi lại những chặng đường đã trải qua, từ khi sinh ra đến ngày lên lão. Những vui buồn ngày ấy giờ được kể lại với giọng điệu rề rà của một người trò chuyện, tuy lớp lang thang thi thoảng cũng có những liên tưởng bất ngờ, đầy thú vị và hấp dẫn.

Từ U Minh Đến Cần Thơ là tập đầu trong bộ hồi ký không dày lắm của ông. Hồi ký của một người thường, không quan quyền, không danh phận, không cả bà con thân thuộc giữa đất Sài Gòn hơn nửa chục triệu dân này – như lời ông nói – quả cũng là chuyện chẳng để giỡn chơi, đáng để đọc và có chút gì để học.

Cuốn sách góp thêm những tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Nam giúp cho những ai yêu mến và thích tìm hiểu, nghiên cứu về ông có thêm tài liệu tham khảo.

1 đánh giá cho Hồi Ký Sơn Nam

  1. Pham Gia

    Sơn Nam không mạnh về truyện dài và tiểu thuyết. Về tiểu thuyết, ông chỉ viết duy nhất Bà chúa hòn; về truyện dài, ông viết độ 5 truyện vừa và 2 truyện dài. Với cảm nhận cá nhân, nó không đặc sắc. Bút ký, ghi chép, hồi ký cũng vậy. Những tác phẩm được đánh giá cao của ông là biên khảo và truyện ngắn.

    Đào Tấn nhận xét về ông “đọc nhiều nhưng viết rất ít”; “ít” nhưng ông đã kịp để lại hàng trăm truyện ngắn, cũng như hàng nghìn trang viết biên khảo về mảnh đất phía Nam tổ quốc.

    Về truyện ngắn, theo tôi, có 3 điểm mạnh để xếp ông riêng một mâm trong các nhà văn viết về Nam bộ:

    – Vốn sống dồi dào, phong phú: điều này quá rõ ràng, không phải ngẫu nhiên người ta gọi ông là “nhà văn đi bộ”, những gì mắt thấy tai nghe được ông đưa vào các truyện ngắn của mình rất tài tình. Để hiểu sâu sắc sự tài tình đó, trước hết nên đọc trọn bộ Hương rừng Cà Mau (tập hợp 66 truyện ngắn), rồi đọc các biên khảo về Nam bộ, sau đọc lại HRCM lần nữa thì khắc hiểu.
    – Lối hành văn rất riêng: “mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc” đấy là người ta nói về giọng văn của ông; nhưng còn thiếu, ở nhiều đoạn, ta thấy ông viết rất tài tử, duyên dáng và hài hước. Như đoạn dưới đây:

    “Công việc thăm viếng không gấp rút cho lắm, tôi bước thật chậm, hút thuốc phì phà, nhìn xem các cô gái qua lại, như bao nhiêu người khác, nhìn cho mãn nhãn – cái nhìn ấy không tốn kém gì ráo. Và chắc hẳn các cô sẵn sàng tha thứ cho muôn ngàn cặp mắt tò mò, biểu lộ bao nhiêu ước mơ vô lễ. Đó là giấc mơ giữa ban ngày của bọn mày râu, lì lợm, đã học luân lý khá nhiều nhưng chẳng áp dụng được bao nhiêu, mặc dù đầy đủ thiện chí bảo vệ luân lý cổ truyền!”

    Về biên khảo, có hai điểm đáng lưu ý trong biên khảo Sơn Nam:
    – Chất văn trong biên khảo: ở điểm này, vừa là cái hay vừa là cái bất tiện khi đọc biên khảo của ông. Hay ở chỗ nó dễ thấm, dễ đọc; bất tiện ở chỗ không có hệ thống, khi cần tra khảo lại rất khó.
    – Tài liệu ông sử dụng: đa phần những trích dẫn trong biên khảo ông dùng từ 2 nguồn, sách Pháp văn và báo, tạp chí. Do khai thác được các tài liệu tiếng Pháp nên các trích dẫn, số liệu trong biên khảo của ông rất chi tiết, ít “đụng hàng”. Nguồn nào không có, ông đến Vân Đường phủ, nhờ ông anh già, không thiếu thứ gì.

    Đọc Sơn Nam là nhìn về một giai đoạn lịch sử vùng đất mới, để hiểu công lao to lớn của tiền nhơn, để đi sâu vào lòng đất mẹ phù sa và để yêu thương mảnh đất hai mùa mưa năng này nhiều hơn.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button