Hòn Đất

(5 đánh giá của khách hàng)

Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng lòa cửa biển. Và xóm lưới cũng ngập trong nắng đó. Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làm biển. Sứ còn ngó thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng ánh, phất phơ, bên cạnh những vạt lưới đen ngăm, trùi trũi…

Danh mục:

Giới thiệu

“… Chị Sứ yêu biết bao cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru con những câu hát ngày xưa. Chính tại đây, chị đã giơ nắm tay nhỏ nhắn lên chào lá cờ Đảng, nên từ đó chị càng biết yêu thêm cha mẹ, chồng con, anh em, đồng chí. Chị Sứ yêu Hòn Đất bằng cái tình yêu hầu như là máu thịt. Chị thương ngôi nhà sàn lâu năm có cái bậc thang, nơi mà bất cứ lúc nào đứng đó chị cũng có thể nhìn thấy sóng biển, thấy núi Ba Thê vòi või xanh lam cứ mỗi buổi hoàng hôn lại hiện trắng những cánh cò. Có lẽ chưa lúc nào Sứ yêu Hòn Đất oặn lòng như buổi sáng hôm nay. Lúc quỳ trước cái chết lại là lúc chị thấy yêu hơn sự sống, yêu hơn mảnh đất chôn nhau mà bình minh giờ đang trải ra một ngày mới.

Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng lòa cửa biển. Và xóm lưới cũng ngập trong nắng đó.

Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làm biển. Sứ còn ngó thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng ánh, phất phơ, bên cạnh những vạt lưới đen ngăm, trùi trũi.

Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm rợp mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị…”.

-Trích sách

Đọc thử

Quyên nói:

– Chị Ba, bây giờ chị tin em chưa, em đã nói anh Ba ảnh có quên chị đâu. Thơ ảnh viết đọc thiệt mới cảm động làm sao. Mà ảnh gởi về mười tám cái thơ rồi chớ ít ỏi gì. Đó, vậy mà chị cứ ngỡ thế này thế nọ… Thôi, thơ ảnh lạc hết rồi, còn thơ chị cũng chẳng tới tay ảnh cái nào đâu! Em ức quá, ở ngoài Bắc thì cũng là ở trong nước mình, vậy mà bảy năm trời bao nhiêu thơ gởi đều lạc mất. Thiệt là ức… Nhưng, nhưng bữa nay chị hết thắc mắc rồi, phải không? Kẻo chị cứ nói: – “E ra ngoài ổng sung sướng vui vẻ quá rồi không còn nhớ ai nữa”. Đó, chị thấy oan cho anh Ba chưa?

Quyên nói với chị ruột của mình một cách vội vàng và mừng rỡ. Coi cô như bênh anh rể, nhưng chính là cô mừng cho chị cô. Cô gái chia xẻ và vun vào cái niềm vui lớn mà suốt bảy năm trời nay chị của cô mới có được. Lúc đó, đôi bàn tay đầy đặn của cô lát lát lại hoa lên, mắt cô long lanh, và đôi khi môi cô mím lại.

Cầm cái thư đưa trả cho chị, Quyên giữ lại tấm ảnh. Cô thoắt bước tới túm lấy con bé Thúy từ ngoài bậc thang nhà, kéo nó lại với cô, chìa tấm ảnh ra:

– Nghe dì út hỏi nè, ông này là ông nào đây?

– Ba của con!

Con bé nói, đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn cầm tấm ảnh, nhìn đau đáu. Nó thì thào nhắc lại:

– Ba của con mà!

– Sao con biết?

– Má nói… má nói đó là ba của con!

Con bé ngước đôi mắt đen tròn như hai hột nhãn lên:

– Có phải thiệt là ba của con không, hở dì út?

Quyên không đáp. Cô bế thốc cháu lên bộ ván, đặt nó ngồi yên trên đùi mình, rồi mới gật nhẹ đầu:

– Phải rồi, ba của con đó. Từ giờ này phải nhớ cho kỹ nghe! Vậy là hai cha con biết mặt nhau rồi.

Quyên day sang chị:

– Chị Ba, theo như thơ anh Ba nói thì ảnh đã nhận được cái thơ sau cùng của chị, cả tấm hình chị chụp với con Thúy… Trời ơi, bảy năm ảnh mới biết mặt con Thúy đó nghe!

Rồi Quyên xỉa yêu ngón tay trỏ vào trán con Thúy:

– Bảy năm trời ba mày mới biết cái mặt mày rồi đó Thúy à. Hồi ba mày đi thì đã có mày đâu, hồi đó chưa đẻ mày mà…

Nghe em gái nói, chị Sứ liền nhớ lại hết sức rõ rệt những ngày cuối cùng anh San chồng chị trở về nhà trước khi lên đường tập kết. Những hôm ấy, cũng tại cái nhà sàn lát ván cũ kỹ này, anh San vẫn nói chuyện như thường, vẫn cười cái cười cởi mở như ngày thường. Riêng Sứ, chị mới hiểu sự bình thường ấy làm sao. Chồng chị cứ lặp đi lặp lại mấy lần: – “Hai năm thì có lâu la gì!”. Nhưng trong đêm chót, anh mới nói thực điều anh đã nghĩ: – “Em à, nói vậy để má đừng lo, tội nghiệp má. Chớ với em, thì anh nói anh không tin ở hạn định hai năm đâu. Có khi chưa tới một năm thì súng sẽ nổ lại, nhưng có khi không phải hai năm mà là bốn hoặc năm năm. Nên tụi mình phải chuẩn bị tinh thần…”. Anh ấy còn bảo: – “Hễ cái chuyện gì mà mình có tính trước thì chừng xảy ra mình vẫn vững hơn”. Sau đó, trong đêm khuya, anh co cánh tay kéo đầu chị ngả sát vào. Lâu sau, chợt nghe anh nói, như tự nhủ: – “Không biết ở ngoài Bắc có cây trái như ở trong mình không? có soài, có măng cụt, có bưởi không? Cái gì chớ bưởi thì chắc có rồi nghe. Mà không biết bưởi ngoài đó tháng nào đâm bông, chưa chắc là gần giáp Tết như trong mình đâu…”. Thoạt nghe, Sứ cho rằng anh cố nói lảng đi, nhưng liền đó chị biết. Chị biết anh đã nghĩ gì trước khi anh nói ra cái câu tưởng như bâng quơ ấy. Hai năm trước đó, trong bữa tiệc bà con Hòn Đất thết bộ đội đánh thắng ở chiến trường Long Châu Hà trở về, lúc Sứ bưng dọn thức ăn ra cho bộ đội, chị có ngờ đâu anh San đã để ý tới chị. Theo lời anh, thì lúc đó anh đã nghe thấy mùi hương bông bưởi thoang thoảng mà Sứ đã cẩn thận gội lên mái tóc dày mượt lạ thường của mình. Hai người quen nhau trong buổi liên hoan tối đó. Về sau gặp lại Sứ, lựa lúc vắng người, anh San cười hỏi khẽ: – “Sao lóng rày cô Ba Sứ không gội bông bưởi nữa?”,

Sứ mím môi cười, thẹn đỏ mặt.

Chuyện của hai người là thế. Mối tình đó bắt đầu chớm hé giữa các chiến thắng ngày càng dồn dập trong cả nước, mối tình đó nảy nở giữa tháng chạp các vườn bưởi Hòn Đất đang độ ra hoa. Hai năm sau họ làm đám cưới. ấy là một đám cưới vui nhất ở vùng Hòn, đúng vào lúc ta đại thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ. Từ bấy đến nay đã hơn bảy năm. Hai người gần gũi nhau nhiều lắm là một tháng. Mãi tới hôm nay họ mới được tin nhau qua một bức thư mỏng và gặp lại nhau qua một tấm ảnh nhỏ.

Bảy năm trời! Nghe em gái mình nói, Sứ hầu như không tin thời gian ấy là có thực. Chị thẫn thờ bảo:

– Mau quá!… Mới đó mà đã bảy năm!

– ồ… mà chị nè, chắc anh Ba ảnh đâu biết tụi mình ở trong này gian nan ra sao đâu hả chị! Phải ảnh mà biết cái năm tụi nó bắt chị lên quận ép làm tờ ly khai chồng, cái trận mà chị bị nhốt “chuồng cọp”, “chuồng sấu”… Cha, ảnh mà biết!…

Sứ mỉm cười hiền hậu:

– Biết gì được… Thì chắc cũng có nghe nói, mà không rõ được đâu!

Giữa lúc hai chị em nói chuyện với nhau, con bé Thúy se sẽ tụt khỏi lòng Quyên. Nó lồm cồm bò tới bên cái rổ may, mò mẫm tìm trong rổ may lấy ra một chiếc gương tròn. Rồi nó men vào trong góc, chỗ bộ ván áp sát vách. Nó ngồi một mình, lặng lẽ. Lát sau, nó mới từ từ giơ tấm ảnh lên còn tay kia nó cầm chiếc gương soi. Con bé nó coi mặt nó trong gương và coi mặt ba nó trong ảnh. Nó coi đi coi lại, coi nó với ba nó có giống nhau không, từ mắt đến mũi, từ miệng đến vành tai. Nó thấy mắt và chân mày ba nó sao không giống nó lắm. Mắt nó thì tròn, mắt ba nó thì hơi dài mà sắc. Còn chân mày của ba nó thì rậm quá. Song nó mừng rơn lên khi thấy mũi và miệng ba nó giống nó ghê. Hớn hở con bé lại nhìn, lại tìm kiếm những nét giống khác. Nó hy vọng rằng mọi nét giữa nó và ba nó đều giống. Vì nó yêu ba nó lắm. Tình yêu ấy được gieo vào tâm khảm trẻ thơ của nó bắt đầu từ khi nó được biết trên đời này nó còn có một người cha. Nó vẫn tin rằng ba nó cũng tốt, cũng hay, và nhất định là ba nó yêu nó hơn cả. Hồi sáng, khi mẹ nó đưa nó xem tấm ảnh, bảo người trong ảnh là ba nó thì nó tin ngay. Cũng có phần là vì mẹ nó bao giờ cũng nói thật, nhưng chính khi coi ảnh, nó cứ ngờ ngợ như đã có lần gặp ba nó rồi. Thực ra thì nó chỉ gặp ba nó trong trí tưởng trẻ thơ của nó qua những lời mẹ kể.

Về việc này, phải nói là chị Sứ cứ ân hận mãi. Lúc chia tay, chị có giữ một tấm ảnh anh San, chị vẫn cất kỹ tấm ảnh ấy trong bóp. Năm năm mươi sáu, lúc bọn địch bắt chị giải lên quận, chúng xét gặp và xé nát.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

25 quyển sách Văn học Việt Nam hay sống mãi với thời gian - 25 quyển sách Văn học Việt Nam được giới thiệu có sức truyền tải mạnh mẽ, đã phản ánh chân thực thân phận và khát vọng sống của con người từ thời phong kiến cho đến giai đoạn đầu kiến thiết của đất nước, sau bao nhiêu năm vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, trường… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Hòn Đất

  1. Thanh Thuy

    Tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh đức đã kể lại cuộc chiến đấu anh dũng và kiên trì của hơn 10 người chiến sỹ tại Hòn đất chống lại kẻ thù đế quốc với vũ khí tối tân, phương pháp tàn độc. Câu truyện giống như là một bản hùng ca vậy với nhứng nốt trầm rồi lại cao vút rồi lại có những lúc chìm xuống lặng thinh giống như khoảnh khác hi sinh của chị Sứ.
    Một tác phẩm đáng đọc, đọc để biết người Việt nam ta đã phải chịu bao khổ đau để tiến được tới nên hòa bình bây giờ

  2. Thanh Thanh

    Những cuốn sách lịch sử luôn có gì đó đều đều và khô khan, nhưng với tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức thì một góc nhỏ lịch sử đã tái hiện sống động qua từng trang viết. Thương lắm nỗi vất vả của đồng bào miền nam thời chiến, thương lắm những người chiến sĩ sống ẩn khuất nơi rừng thiêng nước độc, chiến đấu trong khó khăn gian khổ. Và thương biết bao những người mẹ người vợ đã chịu bao cay đắng, vất vả, mất mát, hy sinh vẫn không ngừng âm thầm đấu tranh. Chị Sứ chính là nhân vật đại diện cho bao thế hệ phụ nữ Việt Nam: kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Dưới ngòi bút của nhà văn Anh Đức, Hòn Đất với những người dân chân chất, lam lũ trải ra trước mắt thật đẹp và cũng thật buồn…

  3. Tiên Phan

    Đã lâu rồi mới có 1 cuốn sách làm mình vừa đọc vừa khóc như thế này. Khóc vì cảm phục tinh thần quyết tử của các anh du kích, khóc vì thương cho số phận của người dân trong thời chiến tranh loạn lạc, đặc biệt là khóc cho số phận của người phụ nữ Việt Nam, như mẹ Sáu, chị Sứ, Út Quyên, Cà Mỵ, Năm Nhớ, Thím Ba… những người phụ nữ thân yếu tay mềm nhưng tinh thần vô cùng bất khuất, thà chết chứ không bao giờ đầu hàng. Càng đọc truyện lại càng thấm tội ác tột cùng của tụi Mỹ-Diệm. Nó uống máu đồng bào ta, mỏ ruột moi bụng, cưỡng hiếp phụ nữ… Thật sự mình đã khóc khi chị Sứ và Đạt hi sinh, khi mẹ Sáu đau khổ vì mất con và khi trận chiến kết thúc, mọi người lại được đoàn tụ.
    Thật sự thì đây là cuốn truyện vô cùng cảm động và rất đáng để đọc, ngoại trừ 2 điểm mình không hài lòng lắm. Thứ nhất là bìa quá mềm và dễ rách. Thứ 2 là tác giả nên thay thế những từ như “tôi, tụi tôi” thành ” tui, tụi tui”. Vì nếu đã viết theo phong cách miền Nam thì nên thống nhất kiểu xưng hô. Còn không nên gọi là “chúng tôi”, mỗi lần đọc “tụi tôi” nghe hơi buồn cười.

  4. So So

    Hòn Đất mở ra biết bao nhiêu khung bậc cảm xúc khác nhau trong tôi: lúc thì vui mừng, phấn khời, khi thì thương tiếc, xót xa. Các nhân vật trong tác phẩm đều có một cuộc sống riêng, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về TỔ QUỐC, quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước. Họ đã trải qua bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy. Mười mấy người họ sống trong hang, phải đối đầu với:
    – Sự đói khát do nguồn nước thiếu thốn (sau này cũng có nước nhưng đã bị nhiễm độc)
    – Hàng nghìn quả lựu đạn.
    – ……
    Nhưng dù vậy, họ vẫn không khuất phục trước quân thù, người thì phải hy sinh cánh tay, người thì hy sinh tính mạng, như là chị Sứ, chị thà chết chứ không đầu hàng….

  5. Nguyễn Quỳnh Mai

    Chiến tranh đi qua, nay đã thành lịch sử. Nhưng còn biết bao câu chuyện ở lại, những buồn đau, xót xa, khó khăn vất vả, những người bình thường bỗng trở thành chiến sĩ, anh hùng. Nếu không có những dòng văn giữ lại, có lẽ một mai con cháu chúng ta sẽ quên một thời đạn lửa, dù nó có được lưu trong sách lịch sử, nhưng không có những cảm xúc của từng cá nhân dưới bom đạn ấy, nó sẽ trở nên khô khan khó hiểu. Đọc đi để mà thương đồng bào mình, yêu tổ quốc mình, yêu đất nước hòa bình ngày hôm nay.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button