Hướng Nội

(4 đánh giá của khách hàng)

Một tác phẩm dành cho những người hướng nội để tìm ra điểm mạnh của mình, phát triển bản thân theo cách của người hướng nội để có thể hòa nhập với cộng đồng mà vẫn giữ được bản sắc vốn có của họ.

Danh mục:

Giới thiệu

Có ít nhất một phần ba trong số người quen của chúng ta có tính hướng nội. Họ là những người thích lắng nghe nhiều hơn lên tiếng; họ đổi mới và sáng tạo nhưng không thích tự đề cao bản thân; họ thích làm việc độc lập hơn làm việc theo nhóm. Chính những người hướng nội như Rosa Parks, Chopin, Dr. Seuss, Steve Wozniak đã mang đến nhiều đóng góp lớn lao cho xã hội.

Trong Hướng Nội, Susan Cain chỉ ra được rằng chúng ta đánh giá quá thấp những người hướng nội và rằng sai lầm này đã khiến chúng ta thiệt thòi đến mức nào. Bà giới thiệu cho chúng ta biết những người hướng nội thành đạt – từ một diễn giả hóm hỉnh, năng động phải tìm không gian tĩnh lặng để phục hồi năng lượng sau mỗi lần diễn thuyết, cho đến một nhân viên phá kỷ lục bán hàng biết thầm lặng khai phá sức mạnh của những câu hỏi. Bằng những lập luận mạnh mẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng cùng nhiều câu chuyện người thật việc thật sâu sắc, Hướng Nội có sức mạnh làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta nhìn nhận về những người hướng nội cũng như cách họ nhìn nhận bản thân, một yếu tố quan trọng không kém.

Cảm nhận của độc giả:

“Những ai trân trọng cuộc sống suy tư tĩnh tại sẽ thấy nhẹ lòng khi đọc bản tụng ca hùng hồn và xác thực mà Susan Cain dành tặng cho tính hướng nội và sẽ không còn cảm thấy có lỗi hay tự ti vì đã đưa ra một lựa chọn tốt hơn!” – MIHALY CSIKSZENTMIHALYI, tác giả của Flow, giáo sư nổi tiếng ngành Tâm lý và Quản trị, Đại học Claremont Graduate

“Hiếm khi có một quyển sách đem đến cho chúng ta những cái nhìn sâu sắc mới mẻ đáng ngạc nhiên. Hướng Nội là quyển sách như vậy: Sách sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân, những người xung quanh và cả thế giới này. Câu chuyện trong đó vừa hấp dẫn vừa cung cấp những kiến thức khoa học tiên tiến… Quyển sách hấp dẫn được dày công nghiên cứu và có phong cách viết nhẹ nhàng này quả thật hết sức tuyệt vời.” – ADAM M. GRANT, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Quản trị, Trường Wharton

“Theo nhiều nghĩa, Hướng Nội là một lời biện hộ giản đơn cho cá tính mỗi người. Ở một mức độ nào đó, Cain ngụ ý rằng luôn có một con người hướng nội trong mỗi chúng ta. Và sẽ là một sai lầm cho bất kỳ ai nếu họ cố lấn át lời gợi nhắc qua giọng nói nhỏ nhẹ song lại vô cùng đáng giá đó.” – Christian Science Monitor

“Cain đưa ra một cái nhìn cân bằng và sáng suốt về những tương tác giữa người hướng nội với người hướng ngoại… Tác giả pha trộn các bài phỏng vấn, nghiên cứu về tâm lý học thần kinh với kinh nghiệm của chính mình để cho ra đời một quyển sách thông minh thật sự, không phải thông thái rởm. Hướng Nội là một nguồn tư liệu tuyệt vời. Sách đánh giá công tâm những phức tạp của xã hội mà không làm tổn thương những người hướng nội cũng như không bêu xấu người hướng ngoại.” – Cleverland Plain Dealer

“Cain đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các giáo viên và những bậc phụ huynh có con trẻ hướng nội… Bất cứ ai quan tâm đến cách mọi người suy nghĩ, làm việc, hòa thuận với nhau, hay tự hỏi sao mà anh chàng ở bàn làm việc kế bên lại cư xử như vậy cũng đều sẽ hứng thú với Hướng Nội. Những người hướng nội (hoặc cha mẹ họ) cần đọc Hướng Nội để thêm trân trọng bản thân mình.” – Forbes.com

“Một tác phẩm gối đầu giường. Quyển sách được trình bày đẹp đẽ chứa đầy những câu chuyện và nghiên cứu khoa học có cơ sở vững chắc và thường gây bất ngờ… Hướng Nội là một tác phẩm hấp dẫn và kích thích tư duy, nhắc chúng ta nhớ tới những nguy hiểm của việc chỉ nghe theo những tiếng nói to nhất. Sách phá vỡ những câu chuyện hoang đường xoay quanh tính hướng nội và động viên chúng ta tin tưởng vào thiên hướng tự nhiên của mình.” – MARGARITA TARTAKOVSKY, PsychCentral.com

Đọc thử

Dale Breckenridge Carnegie (24 tháng 11 năm 1888—1 tháng 11 năm 1955) là một nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hàng, huấn luyện đoàn thể, nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Ra đời trong cảnh nghèo đói tại một trang trại ở Missouri, ông là tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm (“How to Win Friends and Influence People”), được xuất bản lần đầu năm 1936, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay. (Nguồn: Wikipedia)

Nhưng hóa ra lớp học đã trở thành một hiện tượng chỉ trong một thời gian ngắn, và Carnegie tiếp tục tiến tới thành lập Học Viện Dale Carnegie, cống hiến hết mình để giúp tất cả mọi người nhổ bật đi sự thiếu tự tin đã từng kìm chân chính ông trong quá khứ. Vào năm 1913, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, “Nói trước Công chúng và Gây ảnh hưởng tới mọi Người trong Kinh doanh” (“Public Speaking and Influencing Men in Business”). “Trong những ngày mà phòng tắm và đàn piano còn là những thứ vô cùng xa xỉ”, Carnegie viết, “con người xem khả năng diễn thuyết như là một khả năng kỳ lạ, chỉ có những người như luật sư, giáo sĩ truyền đạo, và những chính khách mới cần đến một thứ như vậy. Nhưng ngày nay chúng ta nhận ra rằng đó chính là thứ vũ khí vô cùng thiết yếu, không thể thay thế được của những người muốn tiến lên hàng đầu trong cuộc đua tranh quyết liệt của thương trường.”

Quá trình lột xác của Carnegie từ cậu bé nông dân trở thành người bán hàng, rồi thành biểu tượng hùng biện của thời đại cũng chính là câu chuyện về sự trỗi dậy của Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng. Hành trình của Carnegie phản ánh sự tiến hóa của xã hội và đã chạm đến bước thay đổi toàn diện khi bước vào thế kỷ 20, thay đổi mãi mãi việc chúng ta là ai và chúng ta ngưỡng mộ ai, chúng ta hành xử thế nào trong những buổi phỏng vấn việc làm và chúng ta đòi hỏi những gì ở một nhân viên, cách chúng ta chọn bạn tình thế nào và nuôi dạy con cái ra sao. Nước Mỹ đã chuyển mình từ thứ mà nhà sử học văn hóa có ảnh hưởng lớn Warren Susman gọi là “Nền Văn Hóa Của Đức Tính” (Culture of Character) sang “Nền Văn Hóa Của Tính Cách” (Culture of Personality)—và mở ra một chiếc hộp Pandora giải phóng trăm vạn những nỗi lo lắng cá nhân, mà từ đó chúng ta vẫn chưa bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn được.

Trong Nền Văn Hóa Của Đức Tính, con người lý tưởng là kẻ nghiêm túc, có kỷ luật, ngay thẳng và chính trực. Thứ được quan tâm không phải là ấn tượng một người có thể tạo ra với đám đông, mà là cách một người cư xử thế nào khi chỉ có một mình. Thậm chí từ ngữ “tính cách” (personality) vẫn còn chưa tồn tại trong tiếng Anh cho đến tận thế kỷ thứ 18, và ý tưởng về việc “có một tính cách tốt” (“having a good personality”) chưa bao giờ được phổ biến rộng rãi trước thế kỷ thứ 20.

Nhưng khi chúng ta đã đi theo Nền Văn Hóa Của Tính Cách, người Mỹ bắt đầu dần quan tâm nhiều hơn đến cách những người khác nhìn nhận mình như thế nào. Họ bị tuyệt đối thu hút bởi những người bạo dạn và có phong cách nói chuyện hấp dẫn, lôi cuốn. “Vai trò mới mà xã hội đòi hỏi ở tất cả trong Nền Văn Hóa Của Tính Cách là vai trò của một người biểu diễn”, như một lời viết nổi tiếng của Susman. “Mỗi người Mỹ đều phải trở thành một cá nhân biểu diễn”.

Sự trỗi dậy của nước Mỹ công nghiệp đã là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chu trình tiến hóa toàn diện này của xã hội. Cả đất nước nhanh chóng chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp với những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên sang một nền văn minh đô thị, mà ở đó “công việc của nước Mỹ là kinh doanh” (“the business of America is business”). Trong những năm tháng quá khứ của miền quê, hầu hết mọi người Mỹ sống cũng như gia đình của Dale Carnegie: trong những nông trại, trong những thị trấn nhỏ vô danh trên bản đồ, tương tác chủ yếu với những người họ đã biết cả cuộc đời họ. Nhưng khi thế kỷ 20 đến, một cơn bão toàn diện của những doanh nghiệp lớn, của đô thị hóa, và những cuộc di cư ồ ạt bắt đầu quét qua nước Mỹ, cuốn dân số của nó tới những đô thị lớn. Vào năm 1790, chỉ có khoảng 3% dân số Mỹ sống ở những thành phố; đến năm 1840, vào khoảng 8%; và đến 1920, hơn một phần ba dân số toàn quốc đã là những cư dân thành thị. “Tất cả chúng ta không thể đều sống hết ở thành phố”, biên tập viên tin tức Horace Greeley đã viết vậy vào năm 1867, “ấy vậy nhưng có vẻ ai cũng quyết tâm phải tới sống ở đó bằng được”.

Những người Mỹ giờ đây thấy mình không còn làm việc chung với những hàng xóm láng giềng như xưa nữa, mà với toàn những người xa lạ. “Công dân” giờ chuyển hóa thành “nhân viên”, họ đối mặt với câu hỏi: làm thế nào để tạo ấn tượng tốt với những người mà họ không hề có quan hệ đồng hương hay họ hàng gì? “Lý do một người này được thăng chức hay một người khác bị xã hội tảng lờ và tẩy chay”, nhà sử học Roland Marchand viết, “càng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào những sự ưu tiên thiên vị lâu dài hay những mối thâm thù với một dòng tộc gia đình nào đấy. Trong một nền kinh tế và những mối quan hệ càng lúc càng giấu danh tính của thời đại mới, người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng mọi thứ—kể cả ấn tượng lần gặp mặt đầu tiên—đều có thể tạo ra những khác biệt cực kỳ quan trọng”. Người Mỹ phản ứng lại những áp lực này bằng cách cố gắng trở thành người bán hàng, những người có thể tiếp thị và bán không chỉ những sản phẩm tinh xảo mới nhất của công ty, mà còn có thể tiếp thị và chào bán cả chính họ nữa.

Một trong những góc nhìn quan trọng nhất mà qua đó ta có thể thấy được sự thay đổi của Nền Văn Hóa Tính Cách là truyền thống tự-giúp-đỡ-bản-thân (self-help) mà ở đó Dale Carnegie đã đóng góp một phần công sức lớn. Những cuốn sách tự-giúp-đỡ-bản-thân từ cách đây rất lâu đã luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí mỗi người dân Mỹ. Phần lớn các cuốn sách hướng dẫn thời kỳ đầu tiên là những truyện ngụ ngôn mang màu sắc tôn giáo, như The Pilgrim’s Progress, xuất bản năm 1678, một câu chuyện cảnh báo người đọc rằng nếu không biết kiềm chế bản thân, họ sẽ không bao giờ tới được thiên đường. Những cuốn sách khuyên bảo của thế kỷ 19 đã dần ít chất tính tôn giáo hơn, nhưng vẫn đề cao giá trị của việc có một nhân cách cao quý. Chúng kể những câu chuyện về cuộc đời của những vĩ nhân như Abraham Lincoln, được ngưỡng mộ không chỉ bởi khả năng giao tiếp tuyệt vời, mà còn bởi là một con người vô cùng khiêm tốn, người mà, như triết gia Ralph Waldo Emerson đã viết, “không bao giờ bị vấy bẩn bởi uy quyền”. Những cuốn sách cũng ca ngợi cả những con người bình thường nhưng có hành động thể hiện tư cách đạo đức cao quý. Một cuốn sách khuyên bảo khá nổi tiếng xuất bản năm 1899 có tên: “Nhân cách: Điều Vĩ Đại Nhất Trên Đời” (Character: The Grandest Thing in the World) kể về một cô bé chủ một cửa hàng nhỏ, đã đem toàn bộ số tiền kiếm được ít ỏi của mình tặng cho một kẻ hành khất đang co ro nơi góc phố, và rồi vội vã chạy đi thật nhanh trước khi có ai kịp nhìn thấy hành động của mình. Đức hạnh của cô, như mọi người đọc đều hiểu, không chỉ đến từ lòng nhân ái, mà còn cả từ ước muốn được ẩn danh của cô nữa.

Nhưng đến năm 1920, những cuốn sách tự-giúp-đỡ-bản-thân nổi tiếng đều đã chuyển từ tập trung vào đức hạnh bên trong của con người sang việc xây dựng khả năng mê hoặc và bề ngoài để thu hút và chinh phục người khác—“biết phải nói gì, và nói nó như thế nào”, như một cuốn nói. “Tạo ra một tính cách thu hút là tạo ra sức mạnh”, một cuốn khác khuyên. “Hãy cố luôn thường trực một tác phong để khiến cho người khác phải nghĩ: “anh ta quả là một anh bạn vô cùng dễ mến”, một cuốn thứ ba bàn. “Đó là cách xây dựng danh tiếng cho một nhân cách”. Tạp chí Success và cả tuần báo The Saturday Evening Post giới thiệu những chuyên mục mới hướng dẫn người đọc về nghệ thuật giao tiếp. Orison Swett Marden, cũng chính tác giả của cuốn sách Nhân cách: Điều Vĩ Đại Nhất Trên Đời vào năm 1899, đã xuất bản một tác phẩm nổi tiếng khác vào năm 1921, tiêu đề: “Tính Cách Bá Chủ” (Masterful Personality).

Hầu hết các sách hướng dẫn này được viết dành cho nam giới thuộc tầng lớp doanh nhân, nhưng phụ nữ cũng bị thôi thúc phải cải thiện một kỹ năng bí ẩn khác có tên “sức quyến rũ”. Lớn lên trong thập kỷ 1920 là sinh ra trong một cuộc đua tranh quyết liệt hơn nhiều những gì bà hay mẹ của họ đã phải trải qua, một cuốn hướng dẫn chăm sóc sắc đẹp cảnh báo, và muốn thành công họ cần phải có một vẻ ngoài ấn tượng. “Những người đi ngang qua ngoài phố sẽ không biết được là bạn thông minh và quyến rũ, trừ khi bạn trông giống vậy.”

Những lời khuyên kiểu này—rõ ràng đều nhằm để cải thiện cuộc sống của con người—hẳn đã phải khiến kể cả những người khá là tự tin cũng phải cảm thấy không thoải mái. Susman đã thống kê những từ ngữ xuất hiện nhiều nhất trong các cuốn sách hướng dẫn của đầu thế kỷ 20, và so sánh chúng với từ ngữ trong những cuốn sách đề cao đạo đức nhân cách của thế kỷ 19. Những cuốn sách của thế kỷ trước nhấn mạnh hơn vào những phẩm chất mà bất cứ ai cũng có thể cải thiện được, được miêu tả bằng những từ như:

Bổn phận công dân

Nghĩa vụ Việc làm

Nghĩa cử cao đẹp Danh dự

Danh tiếng

Tư cách đạo đức Cách hành xử lễ độ

Chính trực, ngay thẳng

Nhưng những cuốn sách hướng dẫn của thế hệ mới thì tôn vinh những phẩm chất mà—bất kể Dale Carnegie có làm cho nó nghe có vẻ dễ dàng đến đâu—vẫn khó hơn rất nhiều để đạt được. Hoặc là bạn có được chúng, hoặc là không—không có lựa chọn thứ ba.

Lôi cuốn Quyến rũ

Gây choáng ngợp

Có sức hấp dẫn mãnh liệt Vượt trội

Quả quyết, mãnh liệt

Luôn tràn đầy năng lượng

Hoàn toàn không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà vào những thập kỷ 1920 và 1930, hết thảy người dân Mỹ đều bị ám ảnh bởi những minh tinh màn bạc. Làm gì còn ai tốt hơn một siêu sao điện ảnh để thể hiện được sức mạnh của một vẻ ngoài quyến rũ mê hoặc chứ?

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

25 cuốn sách phải đọc trước khi chết - Các quyển tự truyện hồi ký kể lại cuộc đời những con người qua từng con chữ. Phiêu lưu đến những vùng đất lạ, khám phá nền văn hóa trên mọi nơi trên thế giới bằng những hành trình đầy mạo hiểm và thách thức. Tất cả gói gọn trong những trang du ký, những… Đọc thêm
15 cuốn sách hay về tâm lý học giúp thay đổi cuộc sống - Tâm lý học là một lĩnh vực nghiên cứu về quy luật chung nhất của sự vận động thế giới đời sống con người dưới sự tác động qua lại tích cực của cá nhân với thực tại khách quan. Ở phạm vi bài viết này Vnwriter giới thiệu những quyển sách tâm lý học… Đọc thêm
8 quyển sách dành cho người hướng nội - Theo định nghĩa từ Wikipedia người hướng nội là mẫu người kín đáo, dè dặt , họ ít đi lại và ít hòa đồng. Những người hướng nội thường không ưu tiên các hoạt động giao tiếp xã hội nhưng không có nghĩa là họ lo lắng hay nhút nhát mà đơn thuần là không… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

4 đánh giá cho Hướng Nội

  1. Nguyễn Thu Hà

    Về nội dung của sách không có gì phải chê quá hay dù mới đọc được 1/2 sách. Càng đọc càng thấy hiểu và thêm yêu thương chính bản thân mình và cũng dần loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực của bản thân về tính hướng nội trong con người mình.Người hướng nội cũng có những ưu điểm riêng mà người hướng ngoại không thể có được. Ngoài ra, đọc cuốn sách này cũng giúp mình khám phá nhiều điều thú vị từ các nghiên cứu khoa học và lí giải được lí do tại sao mình lại có những có những xúc cảm và hành động như vậy trong quá khứ và thấy đó là điều hết sức bình thường, ko có gì để mình phải cảm thấy xấu hổ về tính hướng nội của bản thân cả.
    Sách này phù hợp cho cả người hướng nội và hướng ngoại. Người hướng nội đọc để thêm trân trọng bản thân mình hơn và có thêm điểm tựa để vượt qua mọi khó khăn. Người hướng ngoại nên đọc để thấu hiểu và có sự thông cảm và tôn trọng người hướng nội.

  2. Đào Thanh Nam Phương

    Trong cuộc sống, mình hay thắc mắc về bản thân như:” Sao mình không thích chỗ đông người vậy?,” “Sao mình nói chuyện nhiều thế nào về nhà cũng rất mệt?”, blabla. Khi mình đọc quyển sách này mình đã có cho mình những câu trả lời, biết chấp nhận bản thân nhiều hơn để yêu thương chính mình hơn. Và mình nghĩ nếu có bạn nào nghĩ mình là người hướng nội thì nên đọc quyển sách này.

  3. Nguyễn Đức Trung

    Cuốn sách này, hay gọi một cách chính xác hơn thì “tư liệu khoa học”, là quyển sách đáng để đọc dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Tôi gọi đây là tư liệu khoa học bởi cách dẫn chứng, lập luận mà tác giả đưa ra đều dựa trên kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đến từ nhiều nhóm các nhà khoa học. Không những vậy, tác giả còn cất công tới gặp mặt, nói chuyện về tính hướng nội với tác giả của các công trình ấy, tham dự các hội thảo, hội nhóm về tính cách,… Từ những thông tin có được, tác giả đã lý giải tính hướng nội vừa trên phương diện tính cách và vừa trên phương diện khoa học. Sau đó đúc kết nên những điểm mạnh và điểm yếu của người hướng nội. Cuốn sách không mang sắc thái ca ngợi mà ở đó còn là những mặt xấu của tính hướng nội.
    Tôi thực sự biết hơn những nỗ lực của tác giả.

  4. Phong Hai

    Cuốn sách nêu ra những đặc điểm riêng của mộtcon người “hướng nội” vốn được coi là những người “thiếu kĩ năng giao tiếp” trong cuộc sống, nhưng thật sự thì bản thân con người này có nên được hiểu là như vậy không hay do một giai đoạn phát triển kinh tế đã vô tình áp đặt những “tiêu chuẩn xã hội chuẩn mực” và vô tình chung không đánh giá những tính cách còn lai dù rằng những tính cách này hoàn toàn ổn đinh vô hại và giúp ích cho bản thân những người có tính cách này. Tất nhiên, việc suy nghĩ rằng nên “hướng nội” hay “hướng ngoại” vẫn là một vấn đề tranh cái lớn mà hiện nay các nhà khoa học vẫn dang suy nghĩ nhưng mỗi con người nên hiểu, đánh giá cụ thể từ cả hai phía và có những định hướng riêng cho bản thân một cách thích hợp nhất. Cuốn sách trích dẫn những thí nghiệm khoa học cẩn thận, lập luận có hướng tới người đọc những tiêu chí nhất định.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button