Khám Phá Những Điều Phi Thường

Khám phá những điều phi thường không giống bất kỳ quyển sách về nghệ thuật sống nào bạn đã đọc. Thường thì những quyển sách về nghệ thuật sống sẽ đưa ra giải pháp giúp bạn vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống để tiếp tục tiến lên phía trước, còn mục tiêu của quyển sách này là hướng dẫn người đọc cách thức vượt qua thực tại đầy rẫy đua chen để bước vào khám phá thế giới của những năng lực tiềm tàng. Giả sử phần lớn trở ngại mà chúng ta gặp phải là do chính bản thân mình tạo nên thì giờ đây, hãy đặt nó vào một bối cảnh khác để có cái nhìn toàn diện từ một góc độ mới mẻ. Hãy kiên trì tìm kiếm nguyên tắc sống mới cùng với những ý tưởng phi thường mỗi ngày. Mỗi một chương trong quyển sách này sẽ đề cập đến nhiều khuôn thức khác nhau cùng với những câu chuyện thực tế sinh động, từ đó giúp bạn khám phá những khả năng tiềm ẩn của chính mình.

Danh mục:

Giới thiệu

Frederich Langbride từng viết: “Khi hai người cùng nhìn lên bầu trời đêm qua những chấn song, một người chỉ thấy đêm đen vô tận còn một người lại nhìn thấy những vì sao lấp lánh”? Vì đâu lại có sự khác biệt đó? Có bao giờ bạn tự hỏi rằng những suy nghĩ, hành động của bạn đang tấu lên những giai điệu như thế nào trên hành trình cuộc sống? Đó là những cung bậc rộn rã hay u sầu, tưng bừng hay rền rĩ, hay chỉ đơn giản là những nốt âm đều đều lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định? Bạn cần phải biết rằng bạn chính là người nhạc trưởng chỉ huy lối chơi của đời mình và sân khấu là cả vũ trụ mênh mang này.

Là một nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới Boston Philharmonic, bằng những câu chuyện kể sinh động được đúc rút từ hiện thực cuộc sống của chính tác giả và các học trò, Benjamin Zander dẫn dắt chúng ta đến với những cung trầm cũng như những thời khắc thăng hoa của người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, tác giả Rosamud Zander lại mang đến những đoản khúc từ cuộc sống đời thường, những giai điệu đến từ sự kết nối giữa người với người. Qua chân dung phác thảo của những nhân vật được xây dựng từ người thật, việc thật trong Khám phá những điều phi thường, chúng ta nhận thấy rằng trong mỗi người còn cả một thế giới tiềm năng vô tận cần được đánh thức, rằng con người là một sinh thể vô cùng kỳ diệu: Con người của yêu thương – con người của ước mơ và sáng tạo. Hai tuyến chuyện kể được triển khai song song trong mạch ngầm kết hợp, tập sách đan dệt nên một bản giao hưởng đẹp bằng ngôn từ, tái hiện thế giới đa sắc màu của niềm hân hoan hứng khởi khi những điều tưởng như không thể đã thành có thể.

Thông qua những bài học đơn giản, hữu hiệu cùng với nguồn năng lượng tinh thần mạnh mẽ chất chứa trong tập sách nhỏ này, các bạn hoàn toàn có thể tự tìm ra cho mình phương thức gỡ bỏ những lằn ranh cố hữu, những lối mòn quen thuộc trong nhận thức. Và như vậy, cánh cửa bước vào thế giới của những điều phi thường đang rộng mở đón chào bạn.

Đọc thử

MỌI VIỆC ĐỀU CÓ THỂ

Một công ty sản xuất giày dép cử hai chuyên viên marketing đến một vùng thuộc châu Phi thăm dò tiềm lực để mở rộng địa bàn kinh doanh. Chuyên viên thứ nhất đánh một bức điện về thông báo:

VÔ VỌNG, Ở ĐÂY KHÔNG NGƯỜI NÀO MANG GIÀY.

Trong khi bức điện của người thứ hai lại vô cùng hoan hỉ:

CƠ HỘI HIẾM THẤY. NGƯỜI DÂN Ở ĐÂY CHƯA CÓ GIÀY!

***

Khi thấy cư dân châu Phi không đi giày, nhân viên marketing thứ nhất cảm thấy thị trường nơi đây chẳng có chút khả quan. Ngược lại, cũng trong cùng một điều kiện như vậy, người đồng nghiệp kia lại thấy được những triển vọng cho ngành sản xuất giày dép. Mỗi người tiếp cận mục tiêu với một cách nhìn khác nhau, vì vậy kết quả họ nhận được cũng sẽ không giống nhau. Thực chất, tất cả thông tin từ cuộc sống đến với chúng ta cũng thông qua sự tường thuật mang tính chủ quan như thế.

Tuy nhiên, điều cốt lõi của hiện tượng này không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào quan điểm, thái độ hay cá tính mỗi người. Những thí nghiệm về thần kinh học cho thấy con người hiểu biết về thế giới theo một quá trình như sau: Đầu tiên, những giác quan của chúng ta chọn lọc thông tin về sự vật sự việc, tiếp đến não bộ sẽ hệ thống lại các thông tin đó và cuối cùng đưa ra những nhận thức sơ khởi. Thế giới trong nhận thức của chúng ta được hình thành dưới dạng khuôn mẫu đã được hoàn tất, một câu chuyện đầy đủ, một giả thuyết… được định hình bởi chính trí óc của chúng ta.

Một thí nghiệm kinh điển vào năm 1953 đã làm chấn động giới chuyên môn khi các nhà nghiên cứu công bố rằng mắt của một con ếch chỉ có khả năng nhận biết được bốn hiện tượng sau:

– Những đường tương phản rõ rệt

– Chùm ánh sáng bất ngờ

– Sự chuyển động nói chung

– Những đường cong của các vật thể nhỏ và sẫm màu

Một con ếch không thể nhìn thấy được mặt của mẹ nó, cũng không hề biết hoàng hôn đẹp như thế nào hoặc các màu sắc sặc sỡ ra sao. Nó chỉ có thể nhìn thấy những gì cần thiết cho sự sinh tồn của chính nó, chẳng hạn như những con côn trùng nhỏ hay sự xuất hiện bất ngờ của một con cò nào đó trên đường có thể gây nguy hại cho nó. Mắt ếch chuyển tải những thông tin đã qua chọn lọc kỹ càng đến não, và ếch chỉ tiếp nhận những gì thích hợp với hệ thống phân tích thông tin trong não của nó mà thôi.

Mắt người cũng chọn lọc thông tin; tuy nhiên ở người, quy mô của quá trình này phức tạp hơn loài ếch rất nhiều. Chúng ta cứ ngỡ rằng mình nhìn thấy được tất cả mọi thứ, nhưng thực tế thì ong mới là loài có thể nhận diện được những tia cực tím ngắn, và cú là loài có khả năng nhìn rõ mọi vật trong đêm. Mỗi giống loài được ban tặng những giác quan chuyên biệt để tiếp nhận thông tin cần thiết cho sự sinh tồn của riêng chúng, ví như loài chó có thể nghe thấy những âm thanh mà con người không thể, còn côn trùng có thể đánh hơi được dấu vết của bạn tình cách xa đó hàng cây số.

Con người chỉ hiểu được những gì được lập trình phải tiếp nhận, và nhận thức của chúng ta lại không ý thức được rằng chúng ta chỉ nhận ra những loại thông tin được trí não lưu giữ, định dạng và phân loại trước đó.

Chuyên gia tâm lý học thần kinh người Anh Richard Gregory từng viết: “Các giác quan không trực tiếp mang lại cho chúng ta hình ảnh về thế giới một cách hoàn chỉnh. Chúng chỉ cung cấp những thông tin giúp con người đặt giả định về những gì xảy ra trước mắt chúng ta”. Nhà khoa học Donald O. Hebb cũng phát biểu: “Thế giới thực chất là một mô hình, với nhận định này, chúng ta có thể lý giải được một số những ý tưởng khoa học nhất định… Vào năm 1926, trong một lần trao đổi với Heisenberg, Einstein từng nói rằng chỉ dựa trên sự quan sát những sự kiện đơn lẻ mà đưa ra một lý thuyết nào đó là điều hết sức sai lầm vì “Thực tế có thể trái ngược hoàn toàn. Chính lý thuyết mới quyết định việc chúng ta nhìn nhận thế giới như thế nào”.

Con người chỉ nhìn thấy khuôn mẫu của thế giới chứ không phải bản chất thật sự của nó. Nếu vậy thì não người có xu hướng vẽ ra một thế giới như thế nào trong đầu? Câu trả lời liên quan đến một khái niệm thuộc về sinh học, đó là dựa trên quá trình chọn lọc tự nhiên. Về cơ bản, mô hình toàn cảnh về thế giới trong não người được thiết kế sao cho nó có thể cung cấp thông tin về những sự vật, hiện tượng gây nguy hại đến sự sinh tồn của con người, khả năng phân biệt giữa bạn và thù, nhu cầu tìm kiếm thực phẩm, nguồn năng lượng cũng như cơ hội để duy trì nòi giống. Trật tự cơ bản trong nhận thức của một người được hình thành theo cách này; và thực chất nó được bồi đắp bởi nền văn hóa, kiến thức và những kinh nghiệm sống của riêng họ.

Bạn có muốn biết những khuôn mẫu sẵn có ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta thế nào không? Trong một thí nghiệm nổi tiếng khi những người thuộc bộ lạc Me’en ở Ethiopia lần đầu tiên được thấy những bức ảnh chụp con người và một số động vật, họ không biết những miếng mỏng dẹp ấy là gì. “Họ sờ mấy miếng giấy, đưa lên mũi ngửi, vò lại và lắng nghe âm thanh phát ra, sau đó họ nhấm nháp những bức ảnh rồi nhai luôn xem chúng có vị gì.” Chúng ta – những người thuộc thế giới hiện đại hơn – hiển nhiên đều hiểu rằng những bức ảnh đó chính là hình ảnh các vật thể được sao chụp lại, trong khi điều này lại có vẻ vô cùng trừu tượng đối với người dân thuộc bộ lạc Me’en. Hiện tượng trên cũng giống như việc một thanh niên ngồi cùng toa xe lửa với Pablo Picasso đã hỏi danh họa rằng: “Sao ngài không vẽ mọi vật một cách chính xác?”. Picasso hỏi lại anh ta “một cách chính xác” có nghĩa là gì. Chàng trai mở ví lấy ra bức ảnh người vợ và nói: “Đây là vợ tôi”. Danh họa đáp lại: “Không phải cô ấy cũng nhỏ và dẹp đó sao?”.

Những người Me’en hoàn toàn không có ý niệm gì về vật được gọi là “bức ảnh” cả, mặc dù chúng đang nằm gọn trong tay họ. Với họ, đó chỉ là những mảnh giấy bóng mà thôi. Nhờ hiểu biết những phát minh của thế giới hiện đại mà chúng ta mới nhận thức được rằng đó là những bức ảnh. Còn đối với Picasso, nhà danh họa lại nhìn bức ảnh như một vật thể nhân tạo có tính chất nhỏ và dẹp, không cần biết nó đang mô phỏng cái gì.

Bộ não của chúng ta được thiết kế để kết nối các sự kiện thành chuỗi thông tin liền mạch, bất kể giữa các yếu tố thành phần ấy có thực sự tồn tại một sự liên kết nào hay không. Trong giấc mơ, giác quan của con người thường tập hợp những phần hoàn toàn riêng biệt xảy ra trong cuộc sống hằng ngày thành một câu chuyện; lúc chúng ta hoàn toàn tỉnh táo thì những hoạt động của chúng ta đều có lý do rõ ràng và hợp lý, được dẫn dắt bởi quy luật “nhân-quả” và những “lý lẽ” này phản ánh động cơ của hành động. Nghiên cứu trên những người bị thương tổn một trong hai bán cầu não cho thấy khi bán cầu não phải được chỉ thị (ví dụ như “đóng cửa lại”) thì bán cầu não trái lại không ý thức được thông tin mà bán cầu não phải vừa đưa ra, cho nên người ta sẽ hành động giống như vô thức vậy.

Nói tóm lại, trên đây là những hiện tượng chúng tôi đưa ra làm ví dụ khi đề cập đến khẩu hiệu “Mọi việc đều có thể”. “Chính vì mọi việc đều có thể, vậy sao ta lại không nghĩ ra một cách nhìn mới nhằm nâng cao đời sống bản thân và thế giới quanh ta?”.

Phần lớn chúng ta đều biết rằng chính sự khác biệt về văn hóa đã tạo nên sự khác nhau trong cách nhìn nhận giữa cá nhân này với cá nhân kia, giữa nhóm người này với nhóm người khác. Người ta thường cho rằng nếu phân tích rành mạch những nhân tố tham gia vào quá trình nhận thức thì chúng ta sẽ hiểu rõ bản chất thực sự của vấn đề. Tuy nhiên, khi đề cập đến thuật ngữ “mọi việc đều có thể”, chúng tôi muốn hướng đến một quan niệm rằng chính cấu trúc của não mới xác định nhận thức của chúng ta. Mọi hình thức thu nạp kiến thức đều phải thông qua cơ chế xử lý của não bộ. Nói cách khác, chính trí óc ta quyết định việc nhận thức. Mặc dù những gì trí óc quyết định có ý nghĩa rất quan trọng cho sự sinh tồn của chúng ta, nhưng tự thân chúng vẫn chưa có tác động lớn lao đối với thế giới xung quanh. Vả lại, làm thế nào mà chúng ta nhận biết chúng đây?

Ngay cả khoa học – lĩnh vực mà mọi thành quả của nó được đúc kết từ những quy trình tích lũy kiến thức lâu năm với yêu cầu khắt khe về tính chính xác – cũng có lúc phải thay đổi tận gốc những nền tảng lý thuyết mà trước kia con người vẫn cho là đúng. Khi sống trong thế giới của Newton, chúng ta biết đến những đường thẳng và nhiều loại lực khác nhau; sống trong thế giới của Einstein, chúng ta biết đến khái niệm độ cong của không thời gian, thuyết tương đối và nguyên lý bất định. Quan điểm của Newton vẫn còn nguyên giá trị, có khác chăng là hiện tại người ta nhìn nhận học thuyết của ông là một trường hợp đặc biệt, nghĩa là nó chỉ có giá trị dựa trên một số điều kiện nhất định. Mỗi một hệ tư tưởng mới cho con người cơ hội để “nhìn” ra những sự việc mà trước đây họ chưa biết..

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

19 sách kỹ năng sống hay thay đổi cuộc sống của bạn - 19 sách kỹ năng sống hay được viết bằng một phong cách gần gũi và dí dỏm sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình. Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác Bạn có dễ bị tác động bởi cách hành… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Khám Phá Những Điều Phi Thường”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button