Không Ai Qua Sông

(5 đánh giá của khách hàng)

Cũng lấy cảm hứng từ cuộc sống của người dân nông thôn miền Tây, nhưng giờ đây nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có cái trăn trở của một vùng đất đã dần bị đô thị hóa, con người phải thích ứng với những thứ nhân danh cuộc sống hiện đại nhưng có thể phá nát những rường mối gia đình.

Danh mục:

Không ai qua sông gợi bạn đọc nhớ đến đến truyện dài Cánh đồng bất tận đã từng gây xôn xao trên văn đàn một thời gian dài. Cũng lấy cảm hứng từ cuộc sống của người dân nông thôn miền Tây, nhưng giờ đây nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có cái trăn trở của một vùng đất đã dần bị đô thị hóa, con người phải thích ứng với những thứ nhân danh cuộc sống hiện đại nhưng có thể phá nát những rường mối gia đình.

Đặc biệt, truyện vừa Đất dữ dội và khốc liệt, ngồn ngộn hiện thực cuộc sống, có mất mát, có phản bội, có đắng cay…

5 đánh giá cho Không Ai Qua Sông

  1. Kiều Kiều

    Những câu chuyện không bắt đầu không kết thúc, cái cách chị kể chuyện thật đời thường, dung dị nhưng chính cuộc sống này nó như vậy. Với một cái buồn man mác, buồn từ câu chữ từ những nhân vật, từ cả cái khung cảnh xuất hiện, cái buồn chất thực mà không nó hình dáng. Chẳng có cái kết rõ ràng nào ở đây cả, như cách câu chuyện xuất hiện và kết thúc cứ tự nhiên như vậy, như thể sau đấy vẫn còn đầy dãy những điều chưa kể ra hết vậy.

  2. Lương Nguyễn Trường Sơn

    Tuyển tập truyện của chị Tư lần nào cũng thế, đó là những phận người được kể với giọng nhẹ tưng, vào đề cái rụp, không rào trước đón sau, nhưng kiểu ai đó ngồi cạnh ta trên xe buýt hay khi chờ máy bay, rồi cứ thế mà kể ta nghe chuyện đời éo le của ai đó một cách trơn tru, rành mạch.

    Không ai qua sông, vì thế cũng như những tập truyện trước đó. Ta gặp hết người này đến người khác, nghe đời của họ được kể lại (bởi chị sầu riêng) rồi ta có thể bần thần, xót xa vì câu chuyện đó. Nhưng hình như không thấy ám ảnh trong tập sách này. Chỉ có truyện cuối cùng, về đất, là nặng ký. Mình dành lại khi nào tâm trí thoải mái thì đọc tiếp.

  3. Khưu Mỹ Cầm

    Đọc qua những tác phẩm của chị Tư trước cuốn Đong tấm lòng đã nghĩ: “cái chị này sao mà tả cái khổ nó thản nhiên, nó đời thường mà lại khiến cho người đọc quá trời rưng rứt như vậy”. Rồi “Đong tấm lòng” đến như 1 làn gió mới. Tự hỏi trong băn khoăn. Chị Tư thay đổi quan điềm rồi sao…
    1 chút thích thú… nhưng cũng 1 chút lo sợ cái cảnh khổ đến thản nhiên nhưng hay đến cùng cực mà mình luôn thích sẽ không còn…
    Nhưng “Không ai qua sông” như 1 lời khẳng định đanh thép: “tôi vẫn là tôi” của tác giả. Đúng là phong cách của chị. Chính là giọng văn cuốn hút ánh mắt người khác và những câu chuyện khiến ta dễ nghĩ suy đến thẫn thờ.
    Dù có lột hết bìa sách, che tên tác giả rồi cho ngồi đọc và đố rằng sách của ai đây thì chắc chỉ cần lướt dăm ba câu là đã có thể xác định hồn này của sông nào rồi.
    “Không ai qua sông” nghe như 1 tiếng thở dài, cũng lại giống một lời cảm thương và một chút bực tức…
    Tự hỏi những người đàn bà trong chuyện chị kể đó có bao giờ ý thức được giá trị của mình. Hoặc là suốt đời gắn chặt với một ng đàn ông hoặc là gắn chặt với 1 cục đất. Mèn ơi, khổ tâm chi mà nói cho hết. Đọc thấy khổ mà thương mà cũng muốn mắng. Nè, sao không ngước mặt lên mà nhìn xung quanh, nhìn chỗ nào đó khác cái bếp lò, cái mái nhà hay cái thân người đàn ông mà mình nghĩ là phải gắn chặt. Ôi, ta nói thương thì thương thôi rồi… mà tức thì cũng tức quá lắm..

  4. Đặng Lâm Tú

    Vẫn là những câu chuyện nhỏ, đời thường mang hơi hướng miệt vườn Nam bộ được kể bởi giọng điệu giản dị, chân thành đặc trưng của văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc Không ai qua sông chung ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh người phụ nữ. Đó đa phần là những người phụ nữ nghèo, nhiều lo toan, nhưng đó cũng là những con người mạnh mẽ. Điều đọng lại trong những hình ảnh người phụ nữ trong Không ai qua sông là chất nhân văn, thiên tính nữ giản dị. Họ không được hiện diện như những cá tính mạnh mẽ nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc nhiều trăn trở

  5. Trần Mai

    Công bằng mà nói mấy truyện ngắn đầu tiên khá dở, dở so với bút lực của chị. Truyện “Nút áo” nói về cô gái bị hại đời cũng là bình cũ rượu mới, lại viết không hay bằng một truyện ngắn khác cùng chủ đề của chính chị. Vài truyện ngắn có cái kết lửng lơ. Như truyện “Thầm” hay “Chỉ có gió mới biết trả lời”, “Đi thật xa mới tới nhà bạn cũ”. Các truyện này vừa mơ hồ, nhạt nhòa lại khá chán nản, bế tắc.

    Chỉ khi về gần cuối truyện mới hay và lạ. Và cảm động nữa. 3 truyện ngắn cuối cùng khiến lòng người đọc trùng trình vì thân phận, số phận của người miền Tây, khiến họ không khỏi thao thức vì những con người xa lạ đã trở nên gần gũi qua văn Nguyễn Ngọc Tư đó. Và trong tình cảnh của người miền Tây, người miền Đông, miền Bắc cũng tìm thấy mình. Những tàn phai, héo úa, bải hoải, buồn đau của kiếp người trôi tuột trước vòng xoáy của những đổi thay lạ lẫm. Của mãnh lực đồng tiền và những khát khao cao đẹp lụi tàn.

    Độc giả trung thành của chị Tư chắc cũng thở phào vì chị còn nhiều đất diễn, nhiều cái sâu sắc chờ chị đặt bút lắm. Truyện vừa Đất như khai quật lên một phần của cả một di tích khổng lồ. Đó là lịch sử đất và người Nam Bộ, bao thăng trầm qua 2 cuộc chiến. Hơi tiếc vì đây chỉ là truyện vừa. Nó dư sức làm cốt cho một tiểu thuyết trường thiên. Và cũng hơi tiếc vì hiện thực dữ dội của truyện bị phủ một lớp hư ảo cố tình. Cứ như chị Tư phải khoác áo giáp cho đứa con tinh thần của mình vậy. Để nó đỡ bị phê phán, vùi dập như Cánh đồng bất tận. Và chị cũng được an toàn hơn.

    Tuy là độc giả trung thành của chị nhưng cảm thấy mình không quá lời khi tin rằng Tư có thể trở thành Mạc Ngôn của Việt Nam. Chỉ cần những người có chức quyền và Hội nhà văn tạo điều kiện, để yên cho Tư viết nên những gì chân thật và day dứt nhất.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button