Khung Rêu

(1 đánh giá của khách hàng)

Bốn người con trai, kẻ phá gia chi tử, kẻ thiếu trách nhiệm, kẻ bất hạnh về hình hài ái nam ái nữ. Ngay cả cô cháu gái gọi ông Phủ bằng cậu cũng không tránh được số phận bi thương khi không nơi bám víu. Cái đẹp không có cơ hội để có thể tồn tại và sống sót trong cuộc loạn ly của lịch sử.

Danh mục:

Khung rêu là một xã hội thu nhỏ qua các thành viên trong gia đình một ông Phủ về hưu: bốn đứa con trai của ông bà, hai cô cháu gái và những người giúp việc. Đất bị Việt Minh sung công cấp phát cho tá điền, vườn bị người Pháp phát quang để tránh những trận phục kích của đối phương, nhưng gia đình ông vẫn khá nhàn hạ nhờ vào tài vén khéo của bà Phủ. Cái bi kịch của gia đình ông Phủ không phải ở vật chất, mà ở những thành viên trong gia đình. Bốn người con trai, kẻ phá gia chi tử, kẻ thiếu trách nhiệm, kẻ bất hạnh về hình hài ái nam ái nữ. Ngay cả cô cháu gái gọi ông Phủ bằng cậu cũng không tránh được số phận bi thương khi không nơi bám víu. Cái đẹp không có cơ hội để có thể tồn tại và sống sót trong cuộc loạn ly của lịch sử.

Cuối cùng chỉ có Thụ – người con trai thứ 3 của ông Phủ trở về, buồn bã, đơn độc trong ngôi nhà từ đường “xiêu vẹo” và “loang lở những dấu vết chiến tranh”.

1 đánh giá cho Khung Rêu

  1. Tranthi Nhung

    Với một người được sinh ra ở năm 1977 như tôi, thì khi đọc hai quyển tiểu thuyết này tôi có một niềm vui be bé …khi thấy một số từ ngữ thân quen mà hồi thơ bé mình từng nghe như: Đậu chến ( đi đánh bài), đi lút ( đi mất biệt), làm bộ làm tịch, nếu có hưỡn (c ó rảnh), sớt đứa nhỏ ( dành bế một em bé),….Và hơn thế nữa đó là một người từng lớn lên ở “khu lao động” những năm 80- 90, tôi hiểu nhà văn Thuỵ Vũ không có tưởng tượng về các nhân vật như Đồng, Nguyệt, Ngỡi, Tư Bân, Tư Búp trong chuyển “ Cho Trận Gió Kinh Thiên”.

    Tôi khá thích quyển “ Cho Trận Gió Kinh Thiên” hơn quyển Khung rêu. Thích vì tôi cứ như được xem lại “ngày xưa “ , xem các cuộc chém lộn, chửi nhau, đánh nhau ở con hẻm 396, kho năm cảng sài gòn.

    Tôi cũng từng tự hỏi vì sao cô chú ở trong con hẻm phía sau lung nhà ba mẹ tôi ngày nào cũng đánh nhau, chửi nhau. Cô vợ luôn gọi chồng bằng danh từ “Thằng Mặt Lờ”, Chú chồng thì âu yếm gọi lại cô ấy là “ Con đĩ nứng Lờ”. Tôi cũng biết có một cô hàng xóm ( hiện giờ vẫn giữ nguyên vẹn cái nết này ) luôn đi từng nhà trong xóm để tọc mạch và kể chuyện nhà khác. Cô ấy như là một trang tin tức lá cải, giựt gân, và kênh cung cấp thông tin ai sống, ai chết, ai giựt chồng, ai giựt nợ, ai lăng loan….của hẻm. Tôi cũng có những ký ức đầy sống động và hạnh phúc vô ngần ( Thiệt sự) đó là bị đánh thức giữa đêm khuya bởi tiếng chạy thình thịch trên mái tôn nhà tôi như thể có vật thể lạ, dĩa bay đáp xuống mái nhà của hai gã đàn ông chém nhau. Bởi tiếng khóc ai oán kể lể xin tha mạng của một cô gái điếm xui xẻo đi nhằm một khách giang hồ là hàng xóm ba mẹ tôi. Hắn thoả mãn xong đã lấy hết tiền của cô gái và thậm chí đánh cho cô ấy một trận máu me bê bết cả mặt mũi chỉ vì dám đòi tiền gã. Tôi nhớ mình hạnh phúc, không phải vì được coi đánh nhau, mà hạnh phúc là vì tôi không thể nào nghe được đồng hồ báo thức dậy học bài. Những lần bị đánh thức giữa đêm mà đúng kỳ thi cữ thì thiệt sự tôi đã luôn nói với các chị gái rằng tôi may mắn, may mắn vì ông D. đã rượt chém ông T chậm rầm rầm trên nóc nhà mình…

    Tôi nhớ cả cái xóm mà nhà ai cũng có người mê bài tứ sắc, mê đánh đề, và mỗi lần nhà nào chén dĩa bị đập rổn rảng, con cái và vợ chồng chửi nhau, khóc than kể lể…thì đều do thua bài thua đề hay có kẻ nào đó đã chôm chỉa tiền bạc, đồ dung trong nhà đi cầm bán.

    Tôi nhớ vô cùng cô học trò của ba tôi. Cô P, có một thùng thuốc lá nho nhỏ bán trước cổng cảng sài gòn. Nhưng cô rất siêng đến nhà ba tôi xin ba tôi dạy cho đàm thoại tiếng phổ thông. Bởi bán thuốc không phải là việc cô làm chính, đó chỉ là nơi để cô kiếm khách đài loan. Tìm được ông khách nào là cô đóng gập thùng thuốc lại. kêu ông đó ngồi sau lưng cô, ôm cái thùng thuốc lá và cô chở thẳng ổng vào căn nhà bé tí ở cuối hẻm. Cô làm gái công khai và luôn ngẩng cao đầu mỗi khi đi ra đi vô chở hết ông này đến ông kia vào nhà , những hôm “bán đắt”. Mẹ tôi ghét cô ấy và từng không muốn cho ba tôi dạy học cho “ thứ học trò mất nết” đó. Nhưng ba tôi lại khác, ông là người vô cùng tự hào về nguồn gốc người Trung Quốc của mình. Thế nên, dù phải dạy “ một con đĩ” nói tiếng hoa, thì đó cũng là niềm tự hào của ông.

    Tôi nhớ nhiều lắm và …ngoài nỗi nhớ thì tôi nghĩ rằng nếu bạn muốn chiêm nghiệm về cuộc đời của những con người từng sống cách mình mấy chục năm, những người có thể bằng tuổi với ông bà, cha mẹ mình…thì hãy đọc những trang viết của nhà văn Thuỵ Vũ.

    Những trang viết nhẹ nhàng, dễ cưng của một tâm hồn phụ nữ rất đẹp, rất truân chuyên và lạc quan. Tôi tin 100% nhà văn Thuỵ Vũ phải rất lạc quan, rất nhiều yêu thương dành cho cuộc đời, cho mọi người, cho cả những con người lạc loài về giới tính chính bản thân họ.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button