Lẽ Phải Của Phi Lý Trí

(5 đánh giá của khách hàng)

Nếu bạn đã từng là độc giả yêu thích quyển sách tiền đề ‘ Phi lý trí ‘ thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra cuốn sách này dựa trên những kết luận rút ra từ những thực nghiệm tinh vi, khoa học được trình bày trong quyển sách trước, phân tích chi tiết hơn trong từng lĩnh vực cụ thể của đời sống vi mô và vĩ mô một cách đáng ngạc nhiên và thuyết phục. Không chỉ mang lại kiến thức phổ quát trong một lĩnh vực khá thú vị mà những kết luận đó còn như những kinh nghiệm thu được giúp ta ra quyết định tốt hơn trong đời sống thường ngày.

Danh mục:

Giới thiệu

Trong cuốn sách nền tảng của mình Phi Lý Trí, nhà khoa học xã hội Dan Ariely đã đưa ra những ảnh hưởng đa chiều dẫn tới việc con người đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan. Giờ đây, trong cuốn Lẽ Phải Của Phi Lý Trí, ông hé lộ những ảnh hưởng đầy bất ngờ, cả tích cực lẫn tiêu cực, mà “phi lý trí”có thể tác động đến cuộc sống của chúng ta. Tập trung vào nghiên cứu những hành vi của chúng ta tại nơi làm việc và các mối quan hệ của chúng ta, ông đưa ra những hiểu biết mới và những sự thật đáng ngạc nhiên về những điều đang thôi thúc chúng ta làm việc, cách thức mà một hành động thiếu khôn ngoan có thể trở thành một thói quen, cách mà chúng ta học để yêu thương những người mà chúng ta sống cùng, và còn nhiều hơn thế nữa.

Sử dụng những phương pháp thí nghiệm giống như những gì đã khiến cuốn sách Phi Lý Trí trở thành một trong những cuốn sách được bàn luận tới nhiều nhất trong vài năm trở lại đây, Ariely sử dụng dữ liệu từ những thí nghiệm thú vị và độc đáo để đưa ra những kết luận hấp dẫn về cách thức – và nguyên nhân tại sao – chúng ta hành động như vậy. Từ những thái độ tại nơi làm việc của chúng ta, cho tới những mối quan hệ lãng mạn, tới việc chúng ta luôn tìm kiếm mục đích cuộc đời mình, Ariely lý giải cách thức phá vỡ những khuôn mẫu bi quan trong suy nghĩ và hành vi của chúng ta để đưa ra những quyết định tốt hơn.

Lẽ Phải Của Phi Lý Trí sẽ thay đổi cách thức chúng ta nhận thức bản thân trong công việc và trong gia đình – và soi xét các hành vi phi lý trí của chúng ta dưới một thứ sắc thái ánh sáng hoàn toàn mới mẻ.

Đọc cuốn sách bạn sẽ biết:

– Tại sao những khoản tiền thưởng lớn lại có thể khiến các CEO làm việc kém hiệu quả hơn?

– Làm cách nào mà những định hướng rối rắm lại hữu ích đối với chúng ta?

– Tại sao việc trả thù lại quan trọng?

– Tại sao có một sự khác biệt rất lớn giữa điều mà chúng ta nghĩ là sẽ khiến chúng ta hạnh phúc và những thứ thực sự khiến chúng ta hạnh phúc?

Và rất nhiều phát hiện thú vị khác…

“Dan Ariely là một thiên tài trong việc am hiểu hành vi con người: không một nhà kinh tế nào có thể giỏi hơn ông trong việc lột trần và lý giải những nguyên nhân ẩn sâu phía sau những hành động kỳ quặc của con người.” – James Surowiecki, tác giả cuốn Trí Tuệ Đám Đông.

Đọc thử

CHI (THƯỞNG) NHIỀU MÀ THU VỀ CHẲNG BAO NHIÊU

Tại sao những khoản thưởng hậu hĩnh không phải lúc nào cũng có tác dụng

Hãy hình dung bạn là một chú chuột béo tốt và nhàn nhã trong phòng thí nghiệm. Một ngày đẹp trời, một bàn tay đeo găng nhẹ nhàng lôi bạn ra khỏi chiếc hộp êm ái mà bạn vẫn coi là nhà và đặt bạn vào một cái hộp khác, chẳng những không êm ái hơn mà lại còn chứa một mê cung rối rắm. Và bởi vì bản chất là hiếu kỳ, bạn đi lang thang trong đó, ria quệt khắp nơi. Bạn nhanh chóng phát hiện ra mê cung có những chỗ thì màu đen, một số chỗ lại màu trắng. Bạn đi theo hướng đánh hơi và vào một khu vực màu trắng. Không có vấn đề gì. Rồi bạn lại rẽ trái vào một khu vực màu đen. Chỉ vừa chui vào đó, một dòng điện bất ngờ giật xuyên qua các móng vuốt của bạn.

Ngày nào cũng vậy, trong suốt một tuần, bạn được đặt vào những mê cung khác nhau. Những vị trí an toàn và nguy hiểm thay đổi hàng ngày, cùng với sự thay đổi màu sắc của các bức tường và cường độ dòng điện. Đôi khi, những khu vực chỉ làm giật nhẹ lại được sơn màu đỏ. Vào lúc khác, những khu vực có cường độ dòng điện lớn lại được sơn chấm tròn. Có lúc, những vùng an toàn lại được phủ bởi các đường kẻ ô đen và trắng. Hàng ngày, nhiệm vụ của bạn là học cách định hướng trong mê cung bằng việc chọn những con đường an toàn nhất và tránh chỗ có điện (không bị giật chính là phần thưởng cho những nỗ lực tìm đường trong mê cung). Bạn có thể làm tốt được việc này không?

Cách đây một thế kỷ, nhà tâm lý học tên là Robert Yerkes và John Dodson đã thực hiện khá nhiều những thí nghiệm căn bản như thế này với mong muốn khám phá hai vấn đề liên quan đến loài chuột: chúng học thích nghi nhanh đến mức nào và quan trọng hơn, cường độ dòng điện gây sốc ở mức nào có thể kích thích chúng học thích nghi nhanh nhất. Chúng tôi không khó khăn gì để nhận ra rằng cường độ dòng điện càng mạnh thì càng kích thích lũ chuột học cách thích nghi. Với những cú sốc điện nhẹ nhàng, những con chuột vẫn từ tốn đi lại, chẳng bị ảnh hưởng gì bởi cú giật mình nhè nhẹ mà thỉnh thoảng chúng gặp phải không gây đau đớn gì lắm. Nhưng với sự gia tăng của cường độ dòng điện và kèm theo đó là mức độ khó chịu, các nhà khoa học nghĩ rằng khi đó, những con chuột sẽ có cảm giác chúng đang ở dưới làn đạn của kẻ thù và phải học cách chạy thoát càng nhanh càng tốt. Đi theo lôgic này, chúng tôi kì vọng là khi những con chuột thực sự thấy cần phải tránh những cú sốc điện mạnh, chúng sẽ học được cách thích nghi một cách nhanh nhất.

Thường, thì rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra mối liên hệ giữa mức độ kích thích và năng lực hành động. Có vẻ hợp lý khi chúng ta càng mong muốn giành được điều gì thì chúng ta càng cố gắng để đạt được mục tiêu đó, và những nỗ lực gia tăng này cuối cùng sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu của mình. Điều này, suy cho cùng, chính là một phần lý do đằng sau việc chúng ta chi cho các nhà môi giới chứng khoán và các CEO những khoản tiền thưởng cao ngất ngưởng: ta hứa trả thưởng cho ai đó, họ sẽ được kích thích để làm việc và sẽ đạt được hiệu suất công việc ở mức cao.

NHƯNG SUY ĐOÁN của chúng tôi về mối liên hệ giữa động cơ và hành động (nếu nói một cách khái quát hơn là ứng xử) có lúc tỏ ra rất chính xác; nhưng có lúc suy đoán và những gì diễn ra trên thực tế lại không hoàn toàn đồng nhất. Trong trường hợp của Jerkes và Dodson, một số thí nghiệm cho ra kết quả giống với những gì mà phần lớn chúng ta chờ đợi, trong khi một số khác lại không. Khi dòng điện yếu, lũ chuột không có động cơ lắm để thích nghi, vì vậy chúng học cách thích nghi một cách rất chậm chạp. Khi cường độ dòng điện tăng lên ở mức trung bình, lũ chuột bị kích thích nhiều hơn đối với việc phải tìm hiểu nhanh quy luật trong cái chuồng của chúng và vì vậy, chúng học cũng nhanh hơn. Tới đây, kết quả thí nghiệm hoàn toàn khớp với suy đoán của chúng tôi về mối quan hệ giữa động cơ và hành động.

Biểu đồ dưới đây cho thấy mối liên hệ khả dĩ giữa động cơ (được trả tiền, bị sốc điện) và hành động. Đường xám nhạt thể hiện mối liên hệ giản đơn, khi mức độ kích thích càng tăng thì hành động càng tốt. Đường xám gạch đứt cho thấy mức độ suy giảm của mối liên hệ giữa động cơ và hành động.

Đường đậm màu phản ánh kết quả thí nghiệm của Jeckes và Dodson. Ở mức độ kích thích thấp, việc thêm vào các kích thích giúp tăng hiệu suất hành động. Nhưng khi việc gia tăng kích thích đã đạt đến điểm căn bản, việc tiếp tục gia tăng kích thích sẽ cho kết quả ngược lại, tạo ra cái mà các nhà tâm lý học gọi là “mối tương quan hình chữ U ngược”.

Nhưng cái chúng tôi nhận được khi tiến hành bước tiếp theo của thí nghiệm thì lại như thế này: với cường độ dòng điện tăng rất cao, phản xạ của lũ chuột lại có vẻ tệ hơn! Cũng phải thừa nhận rằng rất khó để hiểu được những gì đang diễn ra trong bộ óc của con chuột, nhưng có vẻ như là khi mức độ sốc điện ở mức cao nhất, lũ chuột không thể tập trung vào cái gì khác ngoài nỗi sợ hãi bị điện giật. Cứng đờ ra vì sợ, chúng không thể nhớ nổi phần nào trong lồng thì an toàn và phần nào thì không và vì vậy không thể hình dung được môi trường xung quanh nó được sắp xếp như thế nào.

Các thí nghiệm của Yerkes và Dodson làm chúng ta băn khoăn về mối liên hệ thực sự giữa thù lao, động lực và kết quả làm việc trên thị trường lao động. Cuối cùng thì thí nghiệm của họ cũng cho thấy một cách rõ ràng rằng các chính sách khuyến khích là những con dao hai lưỡi. Khi đạt đến một ngưỡng nhất định, nó kích thích chúng ta học tập và làm việc tốt hơn. Nhưng khi vượt qua ngưỡng đó, áp lực từ động lực được tạo ra có thể sẽ cao tới mức mà nó làm cho người ta mất tập trung và xao lãng khỏi công việc của mình: một hệ quả không hề ai mong muốn.

Tất nhiên là cú điện giật không phải là một cơ chế kích thích thông thường trong thế giới thật, nhưng có lẽ mối tương quan như vậy giữa động lực và hành vi cũng sẽ tương tự như đối với các loại động lực khác, cho dù sự đền bù là tránh được những vị trí có thể bị điện giật hay là sự bù đắp về việc sẽ có được một khoản tiền lớn. Chúng ta cùng thử tưởng tượng xem kết quả thí nghiệm của Yerkes và Dodson sẽ thế nào nếu họ dùng tiền thay vì đóng dòng diện (và giả định là bọn chuột rất thích tiền). Với mức thưởng thấp, bọn chuột sẽ chẳng quan tâm lắm và vì vậy không tích cực hành động. Với mức thưởng trung bình, chúng sẽ quan tâm hơn và hành động tích cực hơn. Nhưng, với mức thưởng quá cao, chúng sẽ trở nên “quá mãn”, sẽ thấy rất khó để tập trung và, hệ quả là, kết quả công việc của chúng sẽ tệ hơn khi chúng làm việc vì được hưởng mức tiền thưởng thấp hơn.

Liệu chúng ta có thấy mối tương quan hình chữ U ngược giữa động lực và hành vi nếu chúng ta làm thí nghiệm bằng cách thay chuột bằng người và dùng tiền làm yếu tố khuyến khích? Hay đơn giản là suy nghĩ một cách võ đoán hơn, liệu có hiệu quả về mặt tài chính không nếu ta cho người khác một khoản tiền thưởng rất hậu hĩnh như một cách khiến họ làm việc tốt hơn?

Tiền thưởng cao ngất ngưởng

Choàng tỉnh giấc mộng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tức giận trước những khoản tiền thưởng đều đặn trả cho những người được xem là phải chịu trách nhiệm với thị trường tài chính, nhiều người băn khoăn về tác động thực sự của những khoản tiền thưởng đối với các CEO và những nhà quản lý khác ở Phố Wall. Hội đồng quản trị các công ty dường như đều cho rằng những khoản tiền thưởng lớn dựa trên kết quả công việc sẽ tạo động lực cho các CEO nỗ lực hơn để có làm việc có hiệu quả, chất lượng cao hơn . Nhưng điều đó có đúng trong trường hợp này không? Để bạn có thể tự trả lời, chúng ta hay cùng xem xét xem các thí nghiệm thực tế.

Để kiểm tra tác dụng của các biện pháp khuyến khích về tài chính với vai trò là công cụ làm gia tăng hiệu quả công việc, Nina Mazar (Giáo sư tại Trường Đại học Toronto), Uri Gneezy (Giáo sư Trường Đại học California tại San Diego), George Loewenstein (Giáo sư Trường Đại học Carnegie Mellon) và tôi tiến hành một thí nghiệm. Chúng tôi đặt ra các mức tiền thưởng khác nhau dành cho những người tham gia thí nghiệm với điều kiện họ phải thực hiện tốt công việc và đo lường tác động đến kết quả công việc mà các mức thưởng khác nhau đưa lại. Đặc biệt, chúng tôi muốn xem liệu việc đưa ra các khoản tiền thưởng cao ngất ngưởng có làm tăng hiệu quả công việc không, hoặc như chúng ta sẽ suy đoán, làm giảm hiệu quả công việc, phỏng theo kết quả thí nghiệm với loài chuột mà Yerkes và Dodson tiến hành.

Đối với một số người tham gia thí nghiệm, chúng tôi quyết định hứa cho họ cơ hội kiếm được một khoản tiền khá nhỏ (tương đương với tiền lương trong một ngày ở mức thông thường). Những người khác có cơ hội để kiếm một khoản tiền thưởng lớn (tương đương với khoản tiền lương trong hai tuần ở mức lương thông thường). Với một số ít những người may mắn hơn, và cũng là nhóm quan trọng nhất nếu căn cứ vào mục đích của thí nghiệm, chúng tôi hứa thưởng cho họ khoản tiền rất lớn, tương đương với khoảng năm tháng lương. Bằng việc so sánh hiệu quả công việc của các nhóm này, chúng tôi hy vọng có được một nhận định rõ ràng hơn về tác động của các khoản tiền thưởng đối với hiệu quả công việc.

Tôi biết thế nào bạn cũng nghĩ là “Làm thế nào đăng ký để tham gia thí nghiệm này?” Nhưng trước khi đưa ra những giả thiết về sự hoang phí tài chính trong thí nghiệm này, cho phép tôi nói rằng chúng tôi cũng làm theo cách mà rất nhiều các công ty hiện nay đang làm – chúng tôi thuê một công ty ở Ấn Độ, nơi mà mức chi tiêu hàng tháng của một người trung bình là 500 ru-pi (khoảng 11 đô-la Mỹ). Nó cho phép chúng tôi đưa ra mức tiền thưởng thực sự có ý nghĩa đối với những người tham gia thí nghiệm mà không làm cho nhân viên phòng kế toán của trường đại học phải nổi giận hay nhướng lông mày lên.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

15 cuốn sách hay về tâm lý học giúp thay đổi cuộc sống - Tâm lý học là một lĩnh vực nghiên cứu về quy luật chung nhất của sự vận động thế giới đời sống con người dưới sự tác động qua lại tích cực của cá nhân với thực tại khách quan. Ở phạm vi bài viết này Vnwriter giới thiệu những quyển sách tâm lý học… Đọc thêm
8 cuốn sách giúp bạn thấu mình hiểu người – Nếu bạn yêu tâm lý học không nên bỏ qua - Có một vấn đề tưởng chừng gần với triết lý hơn là quản trị kinh doanh hay kỹ năng xã hội. Một vấn đề mà ai cũng cần nắm vững để sống thoải mái, hạnh phúc và làm việc thành công hơn. Đó là việc thấu hiểu người khác. Bạn cần thấu hiểu người khác… Đọc thêm
6 cuốn sách nên đọc để kiểm soát cảm xúc - 6 cuốn sách sau đây sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc, làm chủ tâm trí, lời nói trong mọi tình huống để giao tiếp, xử lý công việc một cách khách quan và sáng suốt nhất. Bắt sóng cảm xúc - Bí mật lực hấp dẫn Đến từ Ori và Rom Brafman, hai tác… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Lẽ Phải Của Phi Lý Trí

  1. Trần Thị Hải Vân

    Ai mà đã đọc cuốn Phi Lý Trí thì chắc chắn sẽ muốn mua cuốn này vì cuốn trước quá hay và xuất sắc và mình cũng vậy, mình thấy cuốn này cũng khá ổn không hay hơn cuốn trước, giống như hai phần của một cuốn sách vậy.
    Cuốn sách này dành cho những bạn muốn tìm hiểu về tâm lý học hành vi của con người và một chút về kinh tế học, rất bổ ích cho những người bán hàng muốn tìm hiểu về những động cơ mua hàng của khách hàng.

  2. Nguyễn Hầu Phương Mỹ

    Đây là một cuốn sách hay.Nội dung xoay quanh những thực nghiệm của tác giả Dan Ariely nhằm giải thích một vài hành vi của con người chúng ta.
    Những thực của ông đơn giản cùng với những kết luận thực tế khiến cuốn sách rất dễ tiếp thu chứ không hề phức tạp.
    Lời văn gọn gàng,từ ngữ cũng đơn giản,cách diễn giải của tác giả cũng ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa làm cho người đọc không bị chán và ngộp bởi kiến thức khoa học.
    Đây là một cuốn sách hay,đáng đọc dành cho tất cả mọi người,không chỉ dành riêng cho những ai làm việc trong lĩnh vực kinh tế,nếu muốn khám phá ra cách thức vận hành của não bộ sau những hành vi đời thường.

  3. Thái Thảo

    Mình quyết định mua sách này là từ ấn tượng cuốn Phi Lý Trí của cùng tác giả Dan Ariely. Sách đưa ra nhiều nghiên cứu khá thú vị, chi tiết về những vấn đề trong cuộc sống nhưng lại không kém phần thuyết phục và sâu sắc. Nhiều điều đúc kết được giúp chúng ta ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, mình nghĩ sách phù hợp với nhiều người, không chỉ riêng các bạn sinh viên kinh tế hay bất kì nhóm độc giả nào cả. Bản dịch cũng khá dễ hiểu và gần gũi với người đọc.

  4. Ncn

    Một trong những tác phẩm trong seri của tác giả Dan Ariely nói về phương pháp lập trình ngôn ngữ tư duy và kinh tế học hành vi thông qua những thí nghiệm trực tiếp của ông và các sinh viên để đưa ra kết luận về ảnh hưởng của những mặt trái mà chúng ta vẫn ngộ nhận từ trước đến nay.
    Bạn sẽ nhận ra những lầm tưởng trước giờ của mình đúng như tên gọi quyển sách “Phi lý trí” và gần như ảnh hưởng trái chiều trong nhiều trường hợp, giống như việc tăng lương cao có thực sự tăng hiệu suất việc làm hay không và ảnh hưởng nó như thế nào. Quyển sách này sẽ cho bạn bài học về rất nhiều thứ và biết như thế nào là “đủ” để chúng ta có những phương pháp tốt nhất và hoàn hảo hơn.

  5. Tran Hang

    Cuốn sách “Lẽ phải của phi lí trí” phân tích, giải đáp thắc mắc về 10 vấn đề thuộc mọi lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày. Những vấn đề tưởng như mặc địch, nhưng được phân tích, mổ xẻ dựa vào những thí nghiệm của chính tác giả và cộng sự. Cuốn sách này sẽ giải đáp cho chúng ta những thắc mắc như tại sao chúng ta thường thiên vị những ý tưởng, đồ vật do chúng ta tự tạo ra hoặc là con của minh? tại sao chúng ta thường dễ đồng cảm với một cá nhân bất hạnh hơn là một cộng đồng đớn đau
    Cuốn sách có vẻ khó nuốt với những người không đam mê về tâm lí học xã hội; tuy nhiên nếu kiên nhẫn và hứng thú, bạn đọc sẽ khám phá ra được nhiều điều thú vị

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button