Mẹ Ơi Con Sẽ Lại Về

(5 đánh giá của khách hàng)

Đời người sáu mươi, bảy mươi năm cũng chỉ là một thoáng. Khi còn trẻ, hãy biết quý thời gian mà sống cho tốt. Nếu không biết coi trọng thời gian mà sống hoài sống phí, đến khi già đi sẽ phải hối hận rất nhiều. Đừng để đến bảy mươi tuổi phải tiếc nuối vô vọng, khi còn trẻ hãy luôn cố gắng nỗ lực thật nhiều. Đừng bao giờ hối hận.

Danh mục:

“Sáu đứa con thân yêu của mẹ! Nhìn các con sống đầy đủ, không phải ghen tỵ ai khiến người làm mẹ này cũng cảm thấy vui. Nhưng trong nhà càng đầy đủ vật chất thì các thành viên lại càng phải trò chuyện với nhau nhiều hơn. Đừng lấy cớ bận rộn mà cố giải quyết mọi thứ chỉ bằng tiền. Phải cùng quây quần lại, mở lòng ra và chia sẻ những khoảng thời gian trò chuyện thật thân tình.Khi nghe người khác nói, hãy nghe bằng cả hai tai. Đừng nghe bằng tai này rồi cho ra tai kia. Phải tôn trọng và lắng nghe những gì người khác nói. Như thế con mới có thể yêu quý họ thật lòng được.

Hãy biết chia sẻ tình yêu cho người khác. Trong một ngôi nhà không có tình yêu thì hoa không thể nở, ong bướm cũng chẳng muốn vào. Phải cho đi thì mới có thứ để nhận về. Đừng lúc nào cũng cho rằng mình đúng còn người khác sai. Cho dù có chuyện gì xảy ra cũng không được vội vàng hấp tấp. Phải biết chịu đựng và chờ đợi. Bình tĩnh bước từng bước một, bám thật chắc thì mới có thể trèo lên cao.

Đừng bao giờ tỏ ra tài giỏi ở bất cứ đâu cũng như trước mặt bất kỳ ai. Phải luôn luôn sống khiêm nhường. Khi gặp cảnh khó khăn không được nản lòng mất hy vọng. Cũng đừng đánh mất sự vững vàng và niềm tin của chính mình. Phải như thế thì mới không bị người khác xem thường.Đặc biệt phải cẩn thận khi đã thành công. Những lúc như vậy càng phải biết nhìn lại những ngày khó khăn đã qua và nghĩ về những khổ nạn có thể đến bất cứ lúc nào sắp tới mà chú ý giữ mình hơn.

Đời người sáu mươi, bảy mươi năm cũng chỉ là một thoáng. Khi còn trẻ, hãy biết quý thời gian mà sống cho tốt. Nếu không biết coi trọng thời gian mà sống hoài sống phí, đến khi già đi sẽ phải hối hận rất nhiều. Đừng để đến bảy mươi tuổi phải tiếc nuối vô vọng, khi còn trẻ hãy luôn cố gắng nỗ lực thật nhiều. Đừng bao giờ hối hận.

Đừng xem những lời bà mẹ già này nhắn nhủ nãy giờ như gió thoảng, mà hãy lắng nghe bằng cả hai tai.

Nếu được như vậy thì cả gia đình ta sẽ luôn hạnh phúc.”

5 đánh giá cho Mẹ Ơi Con Sẽ Lại Về

  1. Nguyễn Trần Thùy Dung

    Mình ấn tượng với tên tác phẩm: “Mẹ ơi, con sẽ lại về”. Chắc có lẽ do sự đồng cảm của một người con đang xa nhà, xa mẹ mà mình đã muốn mua nó ngay. Và khi đọc tác phẩm, mình cảm thấy cảm phục sự nghị lực và ý chí của mẹ, kể cả sự ham học hỏi của mẹ. Mẹ không hề được đi học nhưng đã mày mò tự học chữ, đã viết nhật ký để rồi xuất bản thành sách. Nhiều người đọc sách của mẹ đã viết thư về, nhiều người ở cái tuổi của mẹ cũng gắng học để được viết thư cho mẹ. Có lẽ, người ta không cần phải làm điều gì to tát để trở thành một anh hùng, người ta cũng không cần một thân hình cường tráng mới có thể trở thành một anh hùng. Bởi lẽ, mẹ, và cái chính nghị lực của mẹ, câu chuyện của mẹ đã vực mọi người dậy, đã tạo thành một phong trào khắp cả đất Hàn Quốc vào lúc đó. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ để tạo nên mẹ, một anh hùng của lòng tôi.

  2. Đàm Quang Trung

    Mình ít có điều kiện được đọc văn học Hàn Quốc. Cuốn đầu tiên đọc là “Điều kỳ diệu ở phòng giam thứ 7”, sau đó là “Hãy chăm sóc mẹ”, và cuốn “Mẹ ơi con sẽ lại về” là tác phẩm thứ 3. Ba tác phẩm đã đọc đều vô cùng cảm động. Cùng là về chủ đề tình yêu thương gia đình. Cảm ơn Nhã Nam đã xuất bản một cuốn sách ý nghĩa như này. Đọc mà thấy cảm động, nước mắt nước mũi tèm lem luôn. Sự hi sinh của cha mẹ thực sự là quá to lớn, vậy mà đôi khi chúng ta cứ coi đó là điều hiển nhiên. Đọc tác phẩm này, cảm thấy yêu thương bố mẹ hơn rất nhiều. Hãy cứ yêu thương, hãy thể hiện tình cảm đi, khi mà bạn còn có thể.

  3. Phúc Hồng Vũ

    Mẹ là đề tài không bao giờ cũ của mọi tác giả. Bản thân tôi trước đây cũng chỉ thường chìm đắm trong tiểu thuyết ngôn tình. Cũng có lẽ, con người ta rồi mỗi tuổi sẽ có những suy nghĩ mỗi khác, và tôi, cũng dần thấy những tác phẩm về cha, về mẹ, về gia đình để lại ấn tượng sâu đậm hơn.
    “Mẹ ơi, con sẽ lại về” là cuốn sách tôi mua để tặng cho bác mình, một người bác mà trong tôi luôn coi là người mẹ thứ hai. Mặc dù chưa làm mẹ để thật sự thấu hiểu hết tâm tư tình cảm trong cuốn sách cả mẹ Hong Young-nyeo và mẹ Hwang Anna, nhưng tôi lại phần nào hiểu được tâm trạng của người làm con. Tôi có thể cảm thấy đau lòng, hay mất mát cùng với nỗi đau khi mất đứa con mới chín tháng tuổi của mẹ Hong Young-nyeo, hay có thể hiểu được sự bất lực của mẹ Hwang Anna khi muốn báo hiếu, khi mua món đồ này đồ kia cho mẹ mà mẹ lại cất đi sợ hỏng không dùng, hay cảm giác tội lỗi và hối hận như mẹ Hwang Anna sau mỗi khi cáu giận với mẹ…
    Cuốn sách nào ra đời, ít nhiều cũng sẽ cho ta những bài học. “Mẹ ơi, con sẽ lại về” cũng không ngoại lệ. Điều nhận thấy sắc nét nhất của cuốn sách với tôi là mẹ Hong Young-nyeo lúc nào cũng nhẫn nhịn, lúc nào cũng sợ làm phiền con cháu, ngay cả khi mẹ đau yếu nhất, thậm chí khi các con có đủ điều kiện kinh tế để phần nào báo đáp mẹ, mẹ cũng vẫn vậy. Cái gì ngon cũng dành cho con, thậm chí món cá mà mẹ thích, biết con gái cả thích ăn, khi thèm mẹ cũng chỉ bóc miếng da ra ăn rồi phần và chờ con về cùng ăn, cho đến khi miếng cá lâu ngày teo lại chỉ còn miếng nhỏ… Đọc những dòng ấy mà bản thân tôi cũng nghẹn lòng, muốn trào nước mắt… Hay cuốn sách cũng giúp cho tôi hiểu hơn được nguyên nhân tâm trạng khi “trái nắng trở trời” của người già, để nhắc mình biết thông cảm hơn… Nhiều, nhiều lắm những cảm xúc khó nói thành lời…
    Có một điều chung của các mẹ, dù là mẹ Hàn Quốc, mẹ Việt Nam, mẹ Âu Mỹ… thì mẹ nào cũng yêu thương con vô điều kiện… Một mai này theo quy luật cuộc sống, mất đi mẹ thật hụt hẫng, mất mát biết bao. Vậy nên, tôi hay bạn, còn mẹ thì đừng bao giờ để sau này hối tiếc khi không thể thu xếp thời gian, công việc để về với mẹ và nói với mẹ: mẹ ơi, con sẽ lại về…

  4. T T Hương Quỳnh

    Dạo gần đây mình rất thích đọc những tác phẩm nói về Cha Mẹ, về gia đình, và vì được giới thiệu tác phẩm này rất hay nên mình đã quyết định mua. Ban đầu đọc có hơi không quen, vì sách được viết theo dạng nhật ký, lại có cả bài viết của người mẹ Hong Yeong Nyeo và người con Hwang An Na, đôi chỗ cứ bị nhầm giữa hai người nên không thích lắm. Nhưng càng đọc càng thấy quyển sách thật tuyệt, vì trong từng câu chữ đều đong đầy tình mẫu tử, sự hi sinh, và cũng vì cảm giác những tâm tư, tình cảm đó sao gần gũi, thân thương quá.

    Bà cụ Hong Yeong Nyeo là một người mẹ tuyệt vời: suốt đời sống vì gia đình, luôn canh cánh trong lòng nỗi buồn về sự ra đi của đứa con trai bé bỏng, luôn quan tâm và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cháu, chấp nhận hi sinh niềm vui của bản thân để con cháu không phải bận lòng, có ý chí tự học chữ thật kiên cường,… Còn người con – bà Hwang An Na cũng biết rõ đôi lúc bản thân thiếu quan tâm đến mẹ nên vẫn luôn cố dành hết mọi cơ hội để thể hiện tình yêu, sự kính trọng mà bấy lâu nay bà vẫn luôn dành cho mẹ của mình.

    Đọc quyển sách để thấy Cha Mẹ có rất nhiều những suy nghĩ, tình cảm mà con cái không biết, họ luôn giấu kín những điếu đó và đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu. Do đó, là người con, chúng ta cần lắng nghe, ở bên Cha Mẹ nhiều hơn để có thể thấu hiểu nỗi lòng của họ và đó cũng là cách tốt nhất để thể hiện sự quan tâm, kính yêu mà ta dành cho họ.

  5. Nguyễn Quỳnh Hoa

    Trước khi đọc cuốn sách này và sau khi đọc nó mình luôn có một nỗi sợ vô hình mang tên thời gian khi đột nhiên tâm trí lại nghĩ đến mình còn được ở với ba mẹ thêm bao nhiêu năm nữa, rồi những trăn trở khi mình vẫn chưa làm được gì trong khi ở tuổi bố mẹ cần có một đứa con gái giỏi giang hơn và trưởng thành hơn. Phải làm sao khi bố mẹ vẫn đang phải nuôi mình để khi lớn tuổi lại cảm thấy gánh nặng khi sợ mình không làm được gì cho con cái. Nhìn bà cố lại thấy buồn, lại nghĩ đến ba mẹ khi đến tuổi ấy. Rồi cứ ngồi khóc như vậy. Làm sao lại thế này…

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button