Mưa mùa hạ

(3 đánh giá của khách hàng)

Trọng là hình tượng được xây dựng công phu, giống như sợi dây “nhạy cảm” xuyên suốt tác phẩm. Say mê công tác nghiên cứu tìm diệt tổ mối trong thân đê, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống bão lụt trên khúc đê xung yếu, Trọng chính là đại diện của lớp trí thức trẻ tuổi có tài, có sức khoẻ, có tâm nhưng thiếu kinh nghiệm và có nhiều nông nổi khi đối mặt với tiêu cực..

Danh mục:

Ðọc lại “Mưa mùa hạ” khi tác phẩm vừa được tái bản lần 3, vẫn không thoát khỏi cảm giác bị ức chế bởi những màn triết lý dày đặc trong tác phẩm, thậm chí đôi chỗ cao siêu, rõ là được gọt giũa qua cảm quan của tác giả theo đường ray đã định sẵn nhưng không thể phủ nhận tính xã hội và thời đại mà Ma văn Kháng đã tạo ra cho tác phẩm bằng tài năng, tâm huyết và cả những nỗ lực mà dư luận cho là “cuộc thử nghiệm văn chương”.

Ông đã có lý khi cho rằng, lịch sử của dân tộc VN gắn với lịch sử của những con đê “cong như chiếc nỏ thần” và thuỷ quái chính là tên giặc thứ hai cùng với giặc phương Bắc đe doạ dân tộc ta từ khi mới dựng nước. Sự ví von ấy đã được ông áp dụng cho hiện tại và lũ giặc có sức phá hoại của mối cần được tìm diệt chính là lớp người xấu đại diện cho những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội.

Ðó là Hưng- một kẻ cơ hội bẩn thỉu. Làm việc trong cơ quan phòng chống bão lụt tỉnh nhưng chính Hưng lại là kẻ gây ra sự cố vỡ đê Lợi Toàn khiến bao người phải chịu cảnh màn trời chiếu nước. Là Loan, một cô gái có bộ mặt của Ðức Mẹ nhưng tâm hồn bị tiền và những thú đàng điếm của lớp trọc phú tiểu thị dân làm méo mó. Là Hảo, một kẻ có nhiều tài vặt nhưng tư tưởng bị hoen ố bởi những ham muốn tầm thường. Là Thưởng, một kẻ bất lương vô sỉ lợi dụng thời thế để buôn bán, lừa lọc…

Ðối lập với bọn người xấu trên là những con người hết lòng vì công việc, vì đồng loại, cũng là những người kém may mắn trong sự nghiệp và đời sống tình cảm vì những lý do khách quan khi những thói đàng điếm, tiêu cực nhất thời thắng thế ở đâu đó. Trọng là hình tượng được xây dựng công phu, giống như sợi dây “nhạy cảm” xuyên suốt tác phẩm. Say mê công tác nghiên cứu tìm diệt tổ mối trong thân đê, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống bão lụt trên khúc đê xung yếu, Trọng chính là đại diện của lớp trí thức trẻ tuổi có tài, có sức khoẻ, có tâm nhưng thiếu kinh nghiệm và có nhiều nông nổi khi đối mặt với tiêu cực.

3 đánh giá cho Mưa mùa hạ

  1. Dưa Hấu

    Tôi vốn là người rất hâm mộ Ma Văn Kháng qua tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn. Tác phẩm này về cách viết cũng gần tương tự như vậy, có sự nhẹ nhàng, có những cao trào, có những đoạn ngòi bút bình thản nhưng đọc xong tim lại nhói đau cùng nhân vật. Phần đầu tác phẩm tôi đọc thấy hoang mang vì sao lại tả về mối nhiều như vậy, như bình thường nếu là các tác giả trẻ thì khả năng tôi sẽ bỏ ngang và không thèm đọc tiếp nữa. Rồi sau đó thì truyện xây dựng một anh nhân vật chính rất giản dị nhưng lại lý tưởng. Hơi buồn về cái kết thúc một chút. Truyện Ma Văn Kháng quả thực nên là sách gối đầu giường của các bạn trẻ. Từng triết lý trong tác phẩm dạy bạn cách sống, cách học tập, cách xử lý một sự việc, cách đối mặt với thời cuộc.

  2. Đặng Lâm Tú

    Ma Văn Kháng cũng được coi là một trong những nhà văn đi đầu của công cuộc đổi mới văn học từ 1986 đến nay. Mưa mùa hạ chính là tác phẩm đánh đấu sự chuyển biến đó. Vấn đề tác giả đặt ra trong tác phẩm là: không khí ngột ngạt của thời hậu chiến, bi kịch của người tri thức chân chính vì môi trường làm việc mà không thể phát huy hết khả năng của mình. Đó là những vấn đề đặt ra không chỉ sau cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc mà còn dai dẳng đến tận hôm nay, nhất là trong môi trường mà người lãnh đạo không có tâm, và không vì lợi ích chung của tập thể

  3. Khanh Nguyễn

    Tôi từng nghe thầy giáo dạy văn nói về tác giả Ma Văn Kháng qua tác phẩm nổi tiếng của ông “Đám cưới không có giấy giá thú”. Tôi mua “Mưa mùa hạ” một phần vì nhớ lời giới thiệu của thầy, một phần vì đây là tác phẩm đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhìn chung, cuốn sách đã không làm tôi thất vọng. Tác giả mở đầu sách bằng hình ảnh những con mối cánh giao duyên khi mưa mùa hạ ầm ào kéo về. Chi tiết, sống động và chân thực. Nhân vật Trọng xuất hiện trong cuốn sách có phần lặng lẽ, nhưng dần dần bộc lộ tính cách, lý tưởng của riêng mình. Bối cảnh câu chuyện là vào thời kỳ đất nước vừa giải phóng, mọi thứ còn đang chuyển mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Con người chạy theo sự hấp dẫn của vật chất, của đồng tiền, của quyền uy và thế lực, để rồi đánh mất sự trong sạch, những lý tưởng cao quý, những đạo lý cơ bản nhất, thậm chí cả tình yêu đẹp của mình. Người đọc chắc sẽ ngậm ngùi tiếc nuối một Nam tài giỏi, sống có lý tưởng, có trách nhiệm lại phải chết trẻ vì căn bệnh ung thư. Rồi cũng sẽ tiếc hơn thế khi Trọng ra đi trong lúc hết mình cứu con đê trước cơn bão dữ, trong lúc dự án tâm huyết còn đang dở dang, lúc mối tình đầu đẹp đẽ kết thúc bẽ bàng. Tuy nhiên, đấy không hẳn là một kết thúc buồn, vì chính sự ra đi ấy thức tỉnh nhiều người còn đang lạc lối, đề cao lòng tốt và sự hy sinh cao đẹp. Vốn dĩ, cái xấu cũng như những con mối cánh, vẫn tiếp tục sinh ra hàng ngày hàng giờ với tốc độ không tưởng, nhưng không thiếu những người tốt tiếp tục đi tìm và tiêu diệt chúng.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button