N.P

(5 đánh giá của khách hàng)

Điều kỳ lạ và cũng là điểm hấp dẫn nhất trong N.P nói riêng, các tác phẩm của Banana Yoshimoto nói chung đó là khả năng diễn tả hết sức tinh tế những diễn biến tâm lý phức tạp, những cảm nhận mơ hồ khó nắm bắt bằng một văn phong trong sáng, ngỡ như giản dị nhưng thực sự được chắt lọc đến từng con chữ. Sự hài hòa giữa vẻ đẹp của ngôn từ và ý tưởng đã góp phần tạo nên cả một không gian mang đậm màu sắc Banana trong N.P..

Danh mục:

“Một cuốn tiểu thuyết buồn, đau nhói, nơi những thương tổn tinh thần của nhân vật khiến ta mệt mỏi, thậm chí bị sốc, nhưng tuổi trẻ, mùa hạ, những gắng gượng để được sống, được an lành giúp ta thoát khỏi tuyệt vọng, đó là N.P của nhà văn Nhật Bản Banana Yoshimoto.

N.P là tên một bản nhạc xưa, rồi thành tên tập truyện của cố nhà văn Takase Sarao được nhắc đến ngay đầu tác phẩm – tập truyện đã kết nối các nhân vật chính trong những mối liên hệ kỳ lạ. Họ là ba chị em cùng cha khác mẹ nhà Takase: Saki, Otohiko, Sui và Kamazi – bạn gái của Shoji, một dịch giả đã tự tử khi đang dịch tập truyện của Takase Sarao. Từ câu chuyện số 98, từ những cuộc gặp gỡ vô tình, những giấc mơ và cả linh cảm, Kamazi trở thành bạn thân của chị em nhà Takase và dần phát hiện ra bí mật về Sui, cô em út cùng cha khác mẹ của Saki và Otohiko, đồng thời là người tình của cha mình – nhà văn Takase, rồi sau đó là người tình của anh mình – Otohiko. Sự giằng xé giữa tình yêu, đam mê và giới hạn đạo đức, giữa quá khứ tổn thương với thực tại chông chênh đã khiến cuộc sống của các nhân vật trở nên nặng nề, thậm chí luôn chấp chới giữa hai bờ sống – chết.

Dù được đánh giá là có lối viết nhẹ nhàng, giàu nữ tính, nhưng N.P không phải là một tác phẩm dễ đọc, đặc biệt với những ai quen tiếp nhận văn học từ góc độ đạo đức. Một cô gái vô tình trở thành người tình của cha mình, rồi tìm đến anh trai, những hành động kỳ quặc, ám ảnh về cái chết luôn thường trực… tất cả tạo cho người đọc một cảm giác xa lạ. Thế nhưng, chính những điều khó hiểu ấy là cách Yoshimoto chuyển tải đầy ám ảnh chủ đề chính của N.P nói riêng, các sáng tác của bà nói chung: sự suy kiệt của giới trẻ Nhật Bản trong một xã hội hiện đại và ảnh hưởng của những thương tổn tinh thần tới cuộc sống của con người. Không có sex, sàn nhảy, rượu mạnh, khói thuốc mù mịt hay trò chơi biểu tình, đảng phái chính trị như những người trẻ trong Rừng Nauy của Murakami, tuổi trẻ với Saki, Otohiko, Kamazi, đặc biệt là Sui, là quãng đời âm thầm gắng gượng để vượt thoát những nỗi đau tinh thần. Nếu như cảm giác vô hướng đẩy các nhân vật trẻ tuổi trong Rừng Nauy vào tâm trạng cô độc thì nỗi đau tinh thần là lý do khiến cuộc sống của Sui, Otohiko, Saki, Kamazi trở nên nặng nề. Mối quan hệ giữa Sui, Otohiko, Saki là tình cảm gia đình, tình yêu, sự đam mê, là khao khát tìm thấy hình bóng người cha trong nhau, nhưng cũng là sự day dứt không thể giũ bỏ. Họ tồn tại giữa những xúc cảm đối lập ấy, vừa né tránh, vừa bao bọc nhau, vừa không hiểu điều gì đang xảy ra, vừa chẳng biết ngày mai sẽ ra sao và điều gì đang đợi mình ở phía trước.

Banana Yoshimoto khiến người đọc cảm thấy các nhân vật của bà đang sống chậm, nặng nề, đầy ám ảnh. Điều kỳ lạ và cũng là điểm hấp dẫn nhất trong N.P nói riêng, các tác phẩm của Banana Yoshimoto nói chung đó là khả năng diễn tả hết sức tinh tế những diễn biến tâm lý phức tạp, những cảm nhận mơ hồ khó nắm bắt bằng một văn phong trong sáng, ngỡ như giản dị nhưng thực sự được chắt lọc đến từng con chữ. Sự hài hòa giữa vẻ đẹp của ngôn từ và ý tưởng đã góp phần tạo nên cả một không gian mang đậm màu sắc Banana trong N.P, “… một không gian vừa hiện thực, vừa hư ảo cùng những nhân vật đều thiện và đẹp với thứ bút pháp miêu tả tâm lý tinh tế đáng khâm phục, tất cả những điều đó đã làm nên một Banana duy cảm, duy mỹ và duy thiện”

(Dịch giả Lương Việt Dzũng)

5 đánh giá cho N.P

  1. Tử Đinh Hương

    Khắc khoải. Đó là từ đầu tiên hiện lên khi tôi đọc xong và suy nghĩ về N.P. Có quá nhiều cảm xúc gợn lên trong lòng nhưng không hiểu sao thật khó diễn tả, nó cứ khắc khoải khắc khoải đến đau đớn. Có lẽ dùng từ đau đớn thì hơi cường điệu nhưng quả thực tôi cũng cảm thấy đồng cảm với nỗi đau và sự bi thương của các nhân vật. Tình yêu đồng giới đã quá chênh vênh, mà tuyệt vọng hơn còn là tình yêu cùng huyết thống. Tác giả không chỉ miêu tả đó như một sự đau khổ mà còn là giới hạn để các nhân vật gắng gượng tìm cho mình một lẽ sống đích thực. Tác phẩm của Banana Yoshimoto là thế, buồn thảm, ám ảnh nhưng vẫn le lói hy vọng.

  2. T T Hương Quỳnh

    Vẫn với văn phong nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng đầy khắc khoải, tác giả Banana Yoshimoto một lần nữa đưa ta đến với cái thế giới tưởng như êm ả, thanh bình nhưng luôn âm ỉ sự nổi loạn mà ta thường thấy trong các tác phẩm của cô. Trong thế giới đó, bằng mối giao cảm kỳ lạ, những con người với quá nhiều nỗi đau như Kazami, Sui, Otohiko gặp gỡ, gắn kết với nhau và mang đến cho nhau cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau. Đó là mối tình bị ngăn cấm giữa hai anh em Otohiko và Sui; là sự thấu hiểu, gần gũi trên cả mức bạn bè giữa Kazami và Sui; là sự đồng cảm giữa Kazami và Otohiko. Thế nhưng, dù vui hay buồn thì ẩn sâu trong từng câu chữ của tác phẩm vẫn chứa đựng tình yêu, niềm tin và cái nhìn đầy lạc quan của tác giả về cuộc sống. Chính vì thế, đây thật sự là một tác phẩm rất tuyệt vời.

  3. Nguyễn Ngân

    Nội dung quyển sách lôi cuốn người đọc vì chính bản thân nó. Truyện nhẹ nhàng nhưng thấm đượm những nỗi buồn về những mối tình khác biệt của những người đồng giới, đồng huyết. Thế nhưng một trong những điều cuốn hút còn lại trong tác phẩm là văn phong nhẹ nhàng, sâu lắng và trên hết là niềm tin, là sự lạc quan về cuộc sống được thể hiện trong câu chữ. Banana đã tạo nên một thế giới trong quyển sách này, một thế giới khác biệt, pha trộn giữa sự yên ả là chút lửa âm ỷ nổi loạn, và còn có ánh sáng của sự giải thoát

  4. Nguyễn Kiều Diễm

    Mua cùng lúc với “Tugumi”, song N.P lại là câu chuyện khác khiến lòng nặng trĩu khi gấp cuốn sách lại. Mình đã không đọc kĩ review sách nên không hề biết cuốn sách viết về đề tài tình yêu đồng huyết và cả đồng tính nên khi đọc sách mình có đôi chút bất ngờ. Vì đây không phải là đề tài mình thực sự quan tâm. Không phải mình kì thị hay có ý gì khác chỉ là những đề tài như vậy nó vượt quá sức chịu đựng của mình. Quá bi thương và ám ảnh nên mình thường tránh đọc. Dẫu vậy vẫn cố lướt hết cuốn sách và rồi mình hiểu vì sao những ai dịch câu chuyện 98 ấy đều tự sát cả. N. P quả là một cuốn sách đầy những nỗi buồn u ám về tình yêu, cái chết. Quá bất hạnh và đau thương.

  5. Nguyễn Ngọc Bảo Châu

    Dù trong N.P vốn có rất ít nhân vật nhưng tôi vẫn muốn lượt bỏ đi tất cả chỉ để nói về Kazami và Sui.
    Từ khi người yêu của Kazami là Shoji tự sát, Kazami như bị chia làm đôi. Một cái “tôi” bị kẹt tại thời khắc ấy, và một cái “tôi” cho hiện tại. Sự ám ảnh về cái chết vẫn luôn bao trùm lên Kazami.
    Sui, một cô gái có quá khứ bi thương, bị cha mẹ bỏ rơi. Khi lớn lên, trớ trêu thay người cô yêu lại là cha ruột, rồi khi cả hai phát hiện ra việc loạn luân ấy, cha cô đã tự sát. Mối tình thứ hai lại là anh trai cùng cha khác mẹ…
    Nếu Sui là đóa hoa cẩm tú trong cơn bão thì Kazami lại là mùa thu dịu dàng. Cô bị thu hút bởi nỗi đau của người khác, đó là lý do phần nào Kazami nhận ra đằng sau nụ cười của Sui là một vết thương sâu hoắc, đôi mắt Sui như một mặt nước đen thẵm dưới đáy giếng cũ. Tất cả những điều ấy là điềm báo của một người sẽ tự tử, Kazami biết mình yêu Sui từ lần đầu tiên gặp. Nhưng cô không bao giờ tỏ tình với Sui, vì Sui có khác nào một hư ảnh? Nhất định có lúc Sui sẽ biến mất. Trên hết, Kazami sợ lần nữa mất đi người mình yêu. Cô sợ sẽ lập lại bi kịch khi xưa với Shoji.
    Cái gì đến cũng sẽ đến, Sui tự tử nhưng bất thành, điều cuối cùng cô để lại cho Kazami là một nụ hôn. Rồi Sui bỏ đi, không hẹn gặp lại. Tôi phải thét lên rằng thà cứ để Sui chết đi, còn hơn để Kazami cứ phải nuôi hy vọng. Nếu Sui giúp Kazami hàn gắn lại cái “tôi” bị lạc kia. Thì lần này chính Sui đã khiến Kazami đánh mất bản thân lần nữa, ngay ở giây phút họ hôn nhau. Đầu hạ họ gặp, cuối hạ kết thúc tất cả…
    Sui tiếng Nhật nghĩa là Thủy (nước), không ai có thể bắt được nước. Kazami chỉ có thể cảm nhận. Nhưng mãi sẽ không thể có được Sui trọn vẹn, kể cả chính Sui. Cô cũng lẩn quẩn mãi trong hành trình tìm ra bản ngã.
    Yoshimoto Banana đặt lời nguyền lên N.P. Buộc người đọc trăn trở theo số phận nhân vật. Hai tâm hồn không có gì giống nhau trừ nỗi đau, nhưng chính nỗi đau ấy lại là thứ gắn kết họ sâu sắc nhất. Dường như cả khi im lặng họ cũng cất lên nỗi buồn của riêng mình.
    Tuy đề cập về đồng tính, loạn luân, nhưng Yoshimoto Banana không hề nhấn mạnh vào những vấn đề gai góc để câu nước mắt độc giả. Trái lại bà xoa dịu nó bằng tình người, bằng sự cảm thông. Đến giờ tôi vẫn nghĩ nhà văn không viết cho tất cả, nhà văn chỉ viết cho ai có sự tương đồng với điều họ viết. Và N.P là một tác phẩm nhen nhón trong tôi sự đồng cảm, nhân vật trong N.P không phát rồ vì cô đơn, trái lại họ tự thấy vẻ đẹp của cô đơn và chấp nhận sống cùng với nó.
    Kazami và Sui, hai con người ấy sống trong thế giới đa chiều riêng biệt của bản thân. Với họ thời gian như ngưng đọng, trong không gian nhỏ hẹp ấy mọi thứ trở nên thật tù túng. Đến cả hơi thở của họ cũng bị bóp nghẹn. Ký ức của họ không được phơi bày, họ chỉ trao cho người đọc từng mảnh rời rạc. Để ta tự chấp vá, và câu hỏi liệu Sui có tự tử lần nữa? Mãi không có đáp án. Nhưng biết đâu vì không có đáp án nên mới tạo ra hy vọng sống cho Kazami. Trên hết, sống chính là điều đẹp đẽ nhất.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button