Ngũ Luân Thư

(5 đánh giá của khách hàng)

Đây là một cuốn sách không phải đọc qua một lần là có thể hiểu được. Đây là dạng sách mà bạn phải ăn nằm, ngủ với nó, và đọc đi đọc lại cả trăm lần mới có thể thấu hiểu. Đơn giản rằng, cuốn sách quá thâm thuý, ẩn chứa trong những trang sách mỏng là cả một chân lý cuộc sống mà chỉ có trải qua người ta mới thấu hiểu.

Danh mục:

Miyamoto Musashi (1584 – 1645) được xưng tụng là Thánh Kiếm của Nhật Bản thời tiền Mạc Phủ Tokugawa, sáng lập ra môn phái Niten Ichi Ryu (Nhị thiên Nhất lưu). Sau khi sống sót qua trận tử địa Sekigahara giữa Đông Quân và Tây Quân, Miyamoto Musashi đã lang bạt khắp nơi, tự rèn luyện mình để trở thành một kiếm sĩ nổi danh và thành công nhất Nhật Bản với chiến tích chưa từng thất bại trước bất cứ đối thủ nào. Trong những năm tháng cuối đời, Musashi đã viết binh pháp thư Ngũ Luân Thư, nhằm đúc kết những quan sát, kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu của mình và bàn luận về cái Đạo của người kiếm sĩ.

Ngũ Luân Thư bao gồm “Địa quyển”,” Hỏa quyển”, “Thủy Quyển”, “Phong quyển” và “Không quyển”, chủ yếu bàn về võ nghệ, kiếm pháp, cái Đạo của người học kiếm và là cẩm nang dành cho người muốn học binh pháp…nhưng ngày nay nó lại được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Harvard cho đến các doanh nhân và các chiến lược gia. Thời thời đại ngày nay, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của Ngũ Luân Thư khi nó là kim chỉ nam cho người đọc, giúp họ chiến thắng mục tiêu và đạt được thành công trong sự nghiệp nói chung, và là lời đáp trả của người Nhật cho MBA của Harvard nói riêng. Tạp chí Time đã ca ngợi quyển sách này rất ngắn gọn: “Ở Phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả phải lắng nghe”.

Tóm lại, Ngũ Luân Thư có thể là cẩm nang binh pháp dành cho mọi người, mỗi lần đọc là lại nghiền ngẫm ra những điều mới mẻ và tìm ra chân Đạo trên con đường của mình, như Miyamoto Musashi đã viết “ Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”.

5 đánh giá cho Ngũ Luân Thư

  1. Lupus

    Đối với những ai thích Samurai, đang học Kendo hoặc muốn nghiên cứu về binh thư thì đây là một quyển sách không thể bỏ qua.

    Triết học đan xen với những bài học chiến thuật, cuốn sách này không chỉ dạy về cách dùng kiếm mà còn dạy về cuộc sống. Musashi đã chỉ ra rằng, muốn chiến thắng thì phải hiểu biết năng lực của chính mình lẫn kẻ thù. Và một mặt nào đó, kẻ thù lớn nhất của mình chính là bản thân. Musashi hiểu được điều này. Đó là lý do tại sao ông có thể thoát khỏi sự hạn chế của bản thân. Ông cũng biết tầm quan trọng của việc nắm bắt được thực tại (cơ hội). Nói cách khác thứ chúng ta nắm bắt được là “nhịp điệu”. Kẻ thua cuộc bỏ lỡ “nhịp điệu” trong khi người thắng nhận biết và tận dụng được nó,

    Cuối sách là những triết lý cơ bản làm chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống:
    “Không” là thiện, vô ác.
    Trí là hữu.
    Lý là hữu.
    Đạo là hữu.
    “Tâm” là không.

  2. Trần Quốc Huy

    Cung Bản Vũ Tàng một đôi song kiếm 60 trận lớn nhỏ đánh khắp nước Nhật không kiếm khách đương thời nào tìm nổi một trận hòa, lại là bậc tông chủ một phái (Nhị Thiên Nhất Lưu), đương nhiên quyển kỳ thư lừng tiếng ông viết ra vào lúc đã ngộ “chân đạo” phải rất đặc sắc, chẳng thế mà cao thủ Hiệp Khí Bùi Thế Cần khi cầm trên tay Ngũ Luân Thư cảm giác như “sét đánh ngang tai” đó sao ..

    Về kết cấu của Ngũ Luân Thư, hẳn nhiên những người say mê luyện tập Kiếm đạo sẽ tìm thấy những chỉ dẫn chuyên môn hữu ích tuyệt luân ở Thủy chi quyển, nơi tác giả minh họa cặn kẽ những thế đánh tất thắng ở trong môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu ông độc sáng.

    Còn với phần đông độc giả “ngoại đạo”, 4 quyển Địa, Hỏa, Phong, Không lại tập hợp không ít những bài học xử thế quý báu, nhất là ứng dụng tuyệt vời trong môi trường làm việc đầy tính cạnh tranh thời hiện đại. Ngũ Luân Thư cũng chứa đựng những sách lược hữu dụng dành cho người quản lý trong công tác quản trị nhân sự, một quyển binh pháp “dành cho bậc vương”. Câu danh ngôn của Cung Bản Vũ Tàng mà tôi tâm đắc nhất trong lần đầu đọc Ngũ Luân Thư chính là : Đừng để đối phương nhìn ra tinh thần của ngươi.

    Go Rin no Sho của Kiếm thánh Miyamoto Musashi – cuốn best-seller ở nước Nhật thời trước Đệ nhị Thế chiến, đương nhiên cũng không phải để đọc một lần rồi thôi ..

    **

    Đọc về cuộc đời Cung Bản Vũ Tàng, tôi lại chợt nhớ đến bộ phim điện ảnh võ hiệp Thiên hạ đệ nhất kiếm của đạo diễn Phan Luật, hãng Thiệu Thị phát hành năm 1968. Đạo diễn Phan hẳn là rất ấn tượng với Cung Bản Vũ Tàng, nên mới dựng nên một hình tượng kiếm khách mang nhiều tinh thần Miyamoto Musashi đến thế ..

  3. Trương Văn Đức

    Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không được trình bày trong Ngũ luân thư của Miyamoto Musashi chính là sự thành công của người Nhật trong thế giới kinh doanh của phương tây. Người Nhật mang trong mình dòng máu của Samurai sẵn sàng mổ bụng mình khi thua trận để không bị làm nhục tới bản thân mình và đất nước. Tinh thần kinh doanh của người Nhật cũng như cách họ nuôi dưỡng tinh thần, học tập văn hóa để cống hiến cho đất nước dần hiện lên rõ nét qua tác phẩm – bí kíp của kiếm thánh Miyamoto Musashi. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu thêm về nước Nhật và tinh thần của người Nhật qua các “đường kiếm” trong Ngũ luân thư.

  4. Võ Quốc Hưng

    Minh đã mua quyển sách này hơn 1 năm và đã đọc 2 lần. Về nội dung cơ bản, sách đưa ra nhiều triết lý phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, sách viết còn rời rạc, sơ sài, nhiều phần chưa được làm rõ đã lướt qua. Dịch giả hơi đề cao quyển binh pháp này và có nói là quyển sách này người nhật đã tung hoành khắp thế giới nhưng thực sự nếu so với tôn tử binh pháp thì mình thấy còn thua xa. Đồng thời, tác giả cũng chưa nói rõ quyển sách ứng dụng trong thực tế để làm gì mà chỉ dừng ở chỗ đưa ra khái niệm rồi nói chung chung. Hy vong, trong những lần tái bản tiếp theo quyển sách sẽ được viết kỹ hơn với nội dung phong phú hơn.

  5. Trương Mỹ Ngọc

    Từ khi biết quyển ngũ luân thư, mình đã mua và nghiền ngẫm. Trước đây mình có đọc quyển thập nhị binh thư nên đã biết rất nhiều bộ binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc như tôn tử binh pháp,… thì quyển ngũ luân thư này như một làn gió mới mang phong cách khác với những quyển kia. Quyển sách phần đầu giới thiệu về huyền thoại kiếm đạo Nhật Bản Miyamoto Mushashi và quá trình ông ngộ đạo để viết lên quyển sách này dành cho thế hệ sau. Phần sau giới thiệu về binh pháp của ông gồm có 5 quyển là Địa, Thủy, Hỏa, Phong và Không. Mỗi quyển có một dung khác nhau về binh pháp, như địa chi quyển nói về đạo binh pháp, quyển thủy chi quyển nói về tinh thần của binh pháp,… Đây là quyển sách ngoài việc nghiền ngẫm binh pháp, có thể sử dụng trong kiếm thuật, còn mang rất nhiều triết lý bổ ích mà ta có thể sử dụng trong cuộc sống.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button