Những Câu Chuyện Về Khu Phố Nhỏ Ven Sông

(1 đánh giá của khách hàng)

“Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” mang trong mình con mắt nhìn hai chiều về sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau, về sự nhẫn tâm và lòng thương cảm, cái thờ ơ và sự sẻ chia, hồi ức ngây thơ của đứa trẻ và con mắt tinh tường của nhà báo.

Danh mục:

“Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” (Povídky malostranské) từ lâu đã trở thành một bộ phận của truyền thuyết về Praha, trở thành một phần quen thuộc trong chương trình của điểm đến du lịch hấp dẫn. Các nhân vật và tích truyện của Neruda được đặt vào các địa điểm trên bản đồ thành phố. Có thể nói, hầu như trong tâm hồn người Séc nào cũng vang tiếng vọng của Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông cả qua tên gọi của một bến tàu điện ngầm. Đó là bến tàu điện ngầm mang tên Malostranská, được đặt bên dưới một trong những dinh thự kiểu Baroque trên địa phận khu phố Malá Strana.

“Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” không chỉ gợi lại cái nhớ nhung man mác về một thế giới xa xưa và tốt đẹp đã qua, mà còn gợi lên một cuộc sống đầy nghịch lý thô bạo, còn nói về cái tàn nhẫn nhật thường, về sự ích kỉ và đồng thời cả về lòng cảm thông của con người. Các truyện có khi không có tích truyện rõ ràng, chúng nhấp nháy như từng hình ảnh nối tiếp nhau của cuốn phim về cuộc đời. Con mắt nhà báo của Neruda nhìn thấy hết từng chi tiết nhỏ và để ý đến những hành động cư xử bình thường mà – dưới góc độ không muốn lý tưởng hóa, cũng không đánh giá – có thể biểu hiện như những hành động cư xử thô bạo, lạ lùng và kì dị. Nhà văn và nhà báo Neruda không hề có ảo tưởng về mọi người, nhưng đã bị quyến rũ bởi những gì có thể xảy ra trong quan hệ của họ, bởi những điều không ngờ tới trong cư xử của họ. Neruda không đánh giá và cũng không giải thích – ông chỉ ghi chép lại, và có thể vì thế mà ông vẫn luôn luôn là người của hiện tại, đồng thời sáng tác của ông không chỉ gắn liền với Praha. Độc giả nào cũng có lần biết cái lạ lùng của cuộc sống bình thường. Những câu chuyện kì dị của hàng xóm láng giềng thường là bộ phận của cuộc sống chung giữa các thành viên của các cộng đồng, bất kể những cộng đồng ấy sống tại trung tâm châu Âu, hay một nơi nào đó ở châu Á.

“Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” mang trong mình con mắt nhìn hai chiều về sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau, về sự nhẫn tâm và lòng thương cảm, cái thờ ơ và sự sẻ chia, hồi ức ngây thơ của đứa trẻ và con mắt tinh tường của nhà báo. Đó là nhà báo muốn nhìn thấy những người dân chất phác, nghèo khó, không địa vị của thành phố mình, muốn viết về những cái bình thường có thật của cuộc sống, kể cả khi những cái đó không phải là điều dễ chịu. Khuynh hướng hiện thực và sự thiếu thốn về chủ nghĩa lý tưởng trong sáng tác làm giới phê bình thời đó phần nào có chỉ trích Neruda. Khi xuất bản “Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” (1878), ông đã muốn phản ứng lại sự phê bình đó và tự bình luận tác phẩm của mình một cách hài hước trong tiểu phẩm đăng ở nhật báo Dân tộc như sau: “Neruda chỉ viết về tầng lớp dưới, về tầng lớp xã hội, nơi mà tình cảm không bao giờ được thể hiện nhẹ nhàng và sự thật vẫn còn có giá trị hơn cái dối trá, cho dù nó có khôn khéo đến đâu… Các ý tưởng trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông gập ghềnh nhấp nhô như con đường lát đá ở Constantinople, tản mạn phân tán như con chó con nhắng nhít, gai góc hung dữ như kẻ đi thu thuế…” Cái hương vị ngọt đắng trong mô tả hiện thực về con người ở Malá Strana cũng được thể hiện trong cách sử dụng ngôn ngữ.

Trong văn học truyền thống Séc, Neruda được coi là người đưa thứ tiếng Séc “không tắm rửa, không chải chuốt, từ đường phố” vào ngôn ngữ văn học, theo lời của F.X. Šalda, một trong những nhà lý luận và phê bình nổi tiếng nhất của văn học Séc hiện đại. Nhờ Neruda mà tiếng Séc phổ thông được đưa vào văn học. Nhưng ngôn ngữ trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông không chỉ là tiếng Séc dân gian, mà ngược lại. Theo một chuyên gia về sáng tác của Neruda, thì Neruda cũng là người triệt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Séc. Ông là người cố gắng tạo ra một phong cách viết đặc biệt nhằm đưa tiếng Séc tách xa tiếng Đức hơn, bởi trong thế kỉ 19, ngay cả ở Séc, tiếng Đức là ngôn ngữ chiếm ưu thế về mặt văn hóa và có truyền thống văn học phong phú hơn, mạnh hơn nhiều. Mục đích là để giới thiệu tiếng Séc như một ngôn ngữ có nhiều mức độ, phong phú về khả năng diễn đạt, là ngôn ngữ sinh động sâu sắc, giàu tính biểu cảm, gợi cảm tinh tế, đồng thời là ngôn ngữ đầy nghịch lý. Ở đây, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện chuyển tải tích truyện, mà chính bản thân ngôn ngữ là tích truyện của Malá Strana. Vì những điều đó mà Neruda là tác giả của ngày nay, vì những điều đó mà Neruda luôn mang đến cho người đọc nhiều niềm vui và hứng thú, nhưng đồng thời cũng làm cho người dịch sách trăn trở đắn đo bội phần khi chuyển ngữ.

Neruda không chỉ là nhà văn, ông còn là nhà thơ quan trọng nhất của thời đại mình. Nền thơ ca Séc không thể đi đến đỉnh cao ở thế kỉ thứ 20, nếu không có những cách tân trong thơ ca của ông. Nền báo chí Séc không thể có phong cách viết riêng trong thể loại tiểu phẩm sắc bén và hóm hỉnh về cuộc sống bình thường, về văn hóa và chính trị, nếu không có phong cách viết báo của ông. Neruda cũng là một trong những người tiêu biểu nhất trong cuộc chiến vì bản sắc dân tộc của văn hóa Séc và vì độc lập về văn hóa trong phạm vi nhà nước quân chủ Áo – Hung đa dân tộc đa ngôn ngữ ngày đó. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông vì vậy có thể là cuốn sách hướng dẫn tham quan Praha, là cánh cửa mở dẫn đến nền văn hóa Séc, nói cách khác là dẫn đến cả khu vực. Đến khu vực có một quá khứ vừa tàn bạo vừa lạc quan đầy kịch tính. Đến khu vực có cái vẻ vang trong quá khứ và cái vinh quang mới trong hiện tại, một khu vực bao giờ cũng đẹp, nơi có những con người có tính nết cư xử hoặc cộc cằn, hoặc thân thiện, giống như ở mọi nơi khác trên thế giới.

1 đánh giá cho Những Câu Chuyện Về Khu Phố Nhỏ Ven Sông

  1. Phạm Hồng Hà

    Đây là tác phẩm tiêu biểu của văn hào Jan Neruda. Có không ít truyện khiến người đọc sau khi gấp sách rồi phải suy nghĩ và đôi khi cười mỉm. Trong số các truyện trong tập sách trên thì truyện đầu tiên là hay nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Có truyện còn phảng phất chất thơ vì chính nhà văn cũng là nhà thơ lớn nên điều đó không có gì là lạ. Rất hay.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button