Những Giấc Mơ Phục Sinh

(5 đánh giá của khách hàng)

“7 giờ sáng, chúng tôi tỉnh dậy và nhìn ra ngoài khung cửa sổ: chỉ thấy loang loáng màu trắng của băng tuyết và màu xanh đen của những cây thông trụi lá. Nhà cửa cứ thưa thớt dần và màu trắng của tuyết mỗi lúc một dày thêm khi đoàn tàu tiến dần về miền cực…”

Danh mục:

Nhà huyền môn Ấn Độ Osho từng viết:

“Nghĩ là mơ bằng lời, mơ là nghĩ bằng hình ảnh.”

Nếu thế, những suy ngẫm trong cuốn sách này đều là những giấc mơ, và những chuyến phiêu lưu tới biết bao miền đất lạ đối với người viết cũng là những giấc mơ cổ tích. Tận mắt xem Kinh Cựu Ước viết trên những tấm da dê Biển Chết, nằm ngủ trên khách sạn băng ở ngoài vòng cực, trực tiếp sờ tay vào cây thập tự giá đã treo Chúa Jesus giữa Jerusalem, ngồi thiền định dưới cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo ở Bodh Gaya, thảnh thơi uống cà phê xem bóng đá giữa biển chiều Rio de Janerio… Những chuyến đi và kỉ niệm ấy đều có thật nhưng giờ đây chỉ còn đọng lại trong tâm trí người viết như “những giấc mơ”.

Đó là “những giấc mơ” bởi lẽ có những mảnh đất khi người viết tới nơi vẫn không tin mình đã tới, và dù mới trở về trong vài ngày nhưng cảm thấy như xa lắm rồi. Tất cả đã trôi qua như chưa bao giờ có, chỉ có từng phút giây trải nghiệm trên miền đất đó là hiện thực.

Còn lại cuối cùng chỉ là những trang viết, những trang viết khiến mỗi lần đọc lại, người viết lại thấy “những giấc mơ đó” phần nào trở về.

Những trang tùy bút chính là sự phục sinh của những giấc mơ.

5 đánh giá cho Những Giấc Mơ Phục Sinh

  1. Phạm Vân Anh

    Bất cứ ai đi du lịch cũng có thể viết sách du kí, nhưng không phải ai cũng có khả năng viết được một cuốn sách thực sự thay vì kể lể lại những chặng đường đã đi.
    Đây là một trong số hiếm hoi những cuốn du kí thực sự có giá trị. Giá trị của nó không chỉ đơn thuần đến từ những địa danh ít người có cơ hội đặt chân tới của tác giả, nó còn đến từ sự hiểu biết của chính bản thân tác giả. Nhờ khối lượng kiến thức và trải nghiệm đồ sộ, mỗi địa danh trong sách lại được soi chiếu chi tiết hơn, đầy đặn hơn và đôi khi là mang tính cá nhân thú vị nhiều hơn.

  2. Trần Cẩm Thu

    Đã từng nghe kể về tác giả qua một người bạn nên khi biết anh ra sách, tôi đã bỏ nửa buổi nghỉ trưa phi ngay ra Đinh Lễ và ngấu nghiến ngay quyển sách (tạm xếp vào dòng) tản văn du ký này ở ngay quán cà phê Mayfair bên cạnh. Nếu bạn chỉ đọc nổi một quyển sách ‘nghiêm túc’ trong năm 2016, hãy đọc “Những giấc mơ phục sinh: Tùy bút trên những nẻo đường viễn du” của Tư Mã Duy.
    Theo dõi dòng văn du ký đã lâu, đọc kỹ, đọc qua, đọc một chương rồi bỏ lên giá/đem cho cũng được gần hết các đầu sách thuộc thể loại này có mặt trên thị trường, có thể phần nào đoán được tính cách của người viết và phong cách tác phẩm qua tựa sách. ‘Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương’ làm ta hình dung ngay ra một Ngô Thị Giáng Uyên lãng mạn và quá tinh tế – vì tôi đã thử trộm sờ vào bụi oải hương của hàng xóm thì chỉ có cách chà một cách thô bạo mới lưu được tí hương quá khó nắm bắt ấy – thành thật không hiểu chị Uyên đã làm cách nào. ‘Venise và những cuộc tình Gondola’ thấm đẫm những cảm nhận mơ mộng, ngọt ngào của Dương Thụy – một cuốc Gondola hồi năm 2008 được hét 70 Euro, thật khó mà “bay” cùng tác giả được. ‘Xách balô lên và đi’ cho thấy cái sự liều và ngông của Huyền Chip – trời ơi đi thì cũng phải mua bảo hiểm du lịch phòng bất trắc chứ không tội vạ đến mẹ già ở nhà thì làm thế nào. Còn gần đây hơn có ‘Tôi là một con lừa’, một tuyên ngôn sống đậm chất báo và chất thơ của tiến sĩ Nguyễn Phương Mai – lừa như tiến sĩ em cũng muốn làm lừa.
    “Những giấc mơ phục sinh: Tùy bút trên những nẻo đường viễn du” – cái tên gợi một vẻ học giả uyên thâm, khách quan và tỉnh táo. Ngay cả bút danh Tư Mã Duy (mà tôi đồ là tác giả ví mình như hậu duệ của sử gia Tư Mã Thiên, tác giả bộ sử ký 2500 năm lịch sử Trung Hoa ) cũng cho thấy phần nào thái độ hay ngưỡng vọng của tác giả với những gì mình viết ra. Như một sử gia chính trực và khách quan.
    Tư Mã Duy (TMD) tên thật là Lê Khánh Duy, tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Truyền thông tại Point Park University theo chương trình Fulbright. Bản thân TMD là một nhà báo, và như đã tự nhận rằng mình thấm nhuần tư duy báo chí phương Tây “nhiều thông tin hơn là cảm nhận”, tác phẩm của anh cũng không đi trệch phong cách ấy.
    18 quốc gia TMD viết trong sách hoặc là tập hợp đa dạng các điểm đến hoặc gần về địa lý (Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Singapore), quen thuộc về lịch sử (Pháp, Nga), thân thiết về văn hoá (Nhật, Anh) hoặc là những nơi chốn ta vẫn mơ được đến (Hy Lạp, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ) hay là những nơi cho nhiều tiền cũng ít người dám lên đường (Israel, Palestine).
    Với những nước gần gũi tưởng chừng như đã biết khá rõ, TMD chọn khai thác những khía cạnh lạ. Văn hoá vương quyền của Trung Hoa. Thể chế “vô chủ” ở Thái Lan. Hay chỉ từ chuyện triển lãm ngai vàng ở Versailles mà liên hệ và mở rộng thành câu chuyện quyền uy thì đứng, quyền lực thì ngồi. Với những độc giả xem chút thời sự chỉ vừa đủ để biết áo vàng áo đỏ ở Thái Lan, bất ổn Trung Đông là gì, đọc TMD như được mở rộng tầm mắt, biết đặt những mẩu tin vụn vặt chụp giật trong một bối cảnh cắt ngang về không gian và cắt dọc theo dòng thời gian. Độc giả dù tiếp nhận tác phẩm như miếng bọt biển thấm lấy từng câu từng chữ hay cứ năm câu ba đoạn phải dừng để day đầu bóp trán thì cũng phải thốt lên một từ “thán phục” với sự am tường và thông tuệ về lịch sử, chính trị, và văn hoá của tác giả.
    Nếu ví von tình hình Trung Đông rối rắm như một nồi lẩu hỏng quá nhiều hương vị, thì TMD giải mã giúp vị chua, vị cay, vị ngọt đến từ đâu và đưa ra các gợi ý mở ra chút tương lai, định hướng và hy vọng cho căng thẳng hơn nửa thế kỷ ở điểm nóng mãi không hạ nhiệt. Hai chương Palestine và Israel có lẽ là dài và “nặng nề” nhất quyển sách, mỗi chương chắc phải đọc lại nhiều lần. Tôi chỉ ước hai chương này có thêm mấy tấm bản đồ, để độc giả đọc về Palestine hay Israel, có thể nhìn và đối chiếu (như hình này trên wikipedia https://en.wikipedia.org/wiki/Palestinian_territories…). Lượng thông tin và kiến thức đưa vào không nhỏ, nếu có công cụ trực quan thì sẽ dễ thẩm thấu hơn rất nhiều. Để không uổng phí công sức đi, thấy, cảm nhận, và đặt bút của tác giả.
    Rất may là sách có cài thêm mấy chương giọng văn vui vẻ giúp ta thư thái sau những chủ đề hết sức nghiêm túc kể trên. Như chương kể chuyện đi tắm Thổ ở Istanbul, các khách Việt Nam đến tắm dặn dò tếu táo với nhau “Giữ cẩn thận cái nhẫn. Không nó kỳ cọ một hồi ra không thấy nhẫn đâu” hay “Cả phòng tắm nam nữ lộn xộn, vui như họp chợ, lời qua tiếng lại rôm rả như đánh tổ tôm”. Nghe thế đã đủ để đưa ngay đưa “tắm Thổ” vào bucket list của đời smile emoticon
    Không biết là có phải mua nhầm sách lậu hay không (dù sách có tem của Alphabooks đàng hoàng) mà quyển sách bị biên tập rất ẩu: lỗi chính tả (espresso viết thành expresso – không phải một lần mà trong toàn bộ sách), lỗi bỏ dấu (hoàn viết thành hòan), lặp đoạn mấy lần (làm tôi tưởng mình bị hoa mắt). Lỗi này thì không thể đổ cho tác giả, chỉ có thể là người mua sách chưa thông thái hoặc ban biên tập Alphabooks quá cẩu thả.
    Bản thân tôi đọc sách du ký hay tùy bút thì vẫn thích những cảm nhận chủ quan hơn là một giọng văn tỉnh táo, khách quan, hơi ‘lạnh’ so với gu cá nhân. Bởi dù xách balô hay kéo vali thì cũng luôn lên đường với tâm thế của một kẻ lãng du. Nhưng như tác giả đã cảnh báo trước “báo chí chuyên nghiệp không phải là tập làm văn để viết lan man theo cảm xúc chủ quan của mình” và bản thân là một nhà báo, ‘Những giấc mơ phục sinh’ của TMD không phải là một tác phẩm kể chuyện du lịch vui vui đọc giải khuây hay sách hành trình khám phá bản thân qua những nẻo đường. Dẫu không thiếu những chia sẻ chủ quan, cảm nhận cá nhân, cuốn sách mang tính chất một tập hợp các “công trình” nghiên cứu, cảm nhận, đánh giá của một người tự nhận đã có may mắn được đi đến” những miền đất và những con người đã tạo cảm hứng và chất liệu cho cuốn tuỳ bút nhỏ này”.
    Và rất may mắn cho độc giả khi có người đã viết thành sách ‘những cảm nhận lãng đãng’ và ‘những suy nghĩ to tát’ này thành một tập sách ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Để trong lòng được nhen nhóm tiếp niềm đam mê đi và tìm hiểu thế giới ngoài kia một cách nghiêm túc hơn là chỉ để có vài tấm ảnh check-in ngập tràn News feed mỗi dịp lễ đến tết về.

    https://www.facebook.com/camthutran

  3. Tran Thi Hai Yen

    Sách viết theo thể loại tùy bút về những nơi mà tác giả đi qua. Mỗi nước cho ta thấy nét đẹp văn hóa riêng, vấn đề riêng không lẫn vào đâu được. Lời văn mượt mà, bố cục và trình bày ý tứ rất logic. Vì tác giả là nhà báo nên kiến thức sâu rộng. Nhất là những bài viết về Israel, Palestine… Sách là một trong những điểm sáng trong số những cuốn sách du ký gần đây. Tôi đọc cảm thấy vô cùng thú vị vì tiếp thu được những kiến thức mới, hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến chính trị, tôn giáo ở một số nước mà trước giờ mình vẫn hơi mù mờ.

  4. Therealdien

    Lúc đầu mình chọn sách vì bìa sách ấn tượng, thêm nữa sách thuộc thể loại du kí, một thể loại mình rất ưa thích, khi đọc phần đọc thử mình thấy nhắc đến quán cơm 2000đ nên không ngần ngại thêm vào giỏ hàng, và quả nhiên thông tin trong quyển sách không phụ lòng mình, sách có nhiều thông tin bổ ích về các quốc gia ta tưởng chừng đã biết rõ hay về những khía cạnh còn khuất tất ở những quốc gia Israel hay Palestine hay như nhà nước Trung Hoa, vì là một nhà báo nên nguồn thông tin của tác giả vô cùng khách quan và sâu sắc, nếu bạn đã đọc hai tác phẩm của Nguyễn Phương Mai là con đường hồi giáo và tôi là một cn lừa thì hẳn không thể không tìm đọc quyển sách này, đây là một trong những quyển sách chứa đựng lượng thông tin bổ ích về cả chính trị, văn hóa, thể chế của một số quốc gia mà ta nên tìm hiểu!

  5. Trần Thị Hải Vân

    Không giống như một cuốn du kí thông thường mà đặc biệt hơn rất nhiều, qua cuốn sách này chúng ta có thể học hỏi được thêm một nét đặc biệt về những đất nước mà tác giả đi quá, như là nhà tắm ở Thổ Nhĩ Kì hay tình trạng chiến tranh phức tạp ở Irael hay ngủ trong khách sạn tuyết ở Thụy Sĩ những trải nghiệm khác lạ mà có thể chúng ta không bao giờ biết được, đọc ebook cũng khá hay và tiện cho những bạn nào đã chán sách giấy.
    Mình thích cuốn sách này.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button