Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

(5 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách gồm bảy câu chuyện khác nhau này hầu như chỉ có một giọng văn: bình tĩnh. Người đi tìm câu trả lời cho “Tại sao khi còn sống, vợ tôi lại ngủ với nhiều người đàn ông sau lưng tôi đến vậy?” bình tĩnh. Người lẻn vào nhà cậu trai mình thích, đặt vào hộc bàn miếng băng vệ sinh cũng bình tĩnh. Người tận mắt chứng kiến vợ mình trên giường cùng người bạn thân cũng bình tĩnh. Đúng như lời giới thiệu: “Bình tĩnh đến kỳ lạ.” Nỗi bình tĩnh đó là bàn cờ mà Murakami Haruki dựng nên, đặt lên đó từng câu chữ, tuyệt nhiên không có bất kỳ sự dư thừa nào.

Cùng một giọng văn nhưng mỗi tác phẩm lại là một ly cocktail với công thức riêng, duy chỉ có một điều luôn tồn tại: sự trọn vẹn, không một chút thừa thãi. Trong “Drive my car”, điểm mù mà Kafuku chưa từng nhận ra là trước đây, quan niệm của gã về phụ nữ lái xe,… tất cả đều là những mảnh ghép mang tính tượng trưng, ghép lại thành một bức tranh trọn vẹn cho câu chuyện. Trong “Kino”, những hình ảnh mang đậm chất tâm linh cuối cùng lại là lời nhắc nhở đến gõ cửa phòng Kino — hay gõ lên chính tâm hồn gã. Thật thú vị khi cách viết phóng khoáng theo trường phái siêu thực của Murakami Haruki cuối cùng lại tạo nên những sự trọn vẹn mang tính hình ảnh.

“Ở thế giới đó, bạn sẽ bị gọi là “những người đàn ông không có đàn bà”. Dưới dạng số nhiều lạnh lùng.”

Danh mục:

Bình tĩnh đến kỳ lạ.

Những người đàn ông không có đàn bà gồm 7 câu chuyện: Drive my car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino, Samsa đang yêu và Những người đàn ông không có đàn bà. Cả bảy truyện đều bình tĩnh đến kỳ lạ

Dù trong sách này có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu;

dù có người đi công tác về sớm xô cửa và nhìn thẳng ngay vào mặt vợ mình đang trên một người đàn ông,

dù có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập vào nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ…

thì bầu không khí chung của cả cuốn sách vẫn bình tĩnh đến kỳ lạ.

Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. HOàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng.

Đây là những câu chuyện đời thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời.

Cả bảy truyện đều như thế, rất bình tĩnh, dù rằng không mấy bình yên.

Những người đàn ông không có đàn bà là tập truyện ngắn mới nhất ra đời sau chín năm kể từ tập truyện ngắn Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo, xuất bản năm 2005.

Những người đàn ông không có đàn bà không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi nhét đại thành một tập sách. Thay vào đó, các truyện ngắn được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm. Mô-típ của tập truyện Tất cả con của Chúa đều nhảy là trận động đất Kobe năm 1995, còn của Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo là những câu chuyện bí ẩn xung quanh những người sống ở đô thị. Mô-típ của tập truyện này là những người đàn ông không có đàn bà.

5 đánh giá cho Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

  1. Nguyễn Thư

    Nếu ai đó có cách nhìn ngừoi phụ nữ lúc nào cũng là người đau khổ trong tình cảm thì nên đọc cuốn này. Nỗi đau, hoàn cảnh từng nhân vật, cách nhìn của mỗi người đàn ông về tình yêu thật sự khác lạ với những cuốn sách khác. Đọc xong cuốn này tôi bị cuốn theo dòng cảm xúc nhân vật một cách buâng khuâng. Là đau lòng, đay nghiến thay cho số phận của họ nhưng song đó lại là sự bất lực chơi vơi. Một cuốn sách khá hay, diễn biến chiều sâu của nhân vật mà tác giả vẽ ra muôn màu muôn vẻ. Khi đọc xong tôi phải mất một lúc lâu thời gian để thấu hiểu và chiêm nghiệm từng chút một. Rất hài lòng về cuốn này.

  2. Nguyễn Lâm Thế Bảo

    Những người đàn ông không có đàn bà chứa đựng nhiều mẫu chuyện ngắn về cuộc đời của những người đàn ông, những số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có điểm chung là “cô đơn”.
    Có nhiều nguyên nhân khiến họ bị cô đơn, nhưng thẳm sâu trong lòng mỗi nhân vật luôn khao khát có được sự thông cảm, sự sẻ chia cho dù đó chỉ là một người tình của mình.
    Nhưng oái oăm thay, những người phụ nữ họ từng trải qua đều là những người “qua đường”. Có người đã lừa dối “những trái tim cô độc” này và đã bức tử họ trên cái chết vô cùng thương tâm trong ” Cơ Quan Độc Lập”.
    Đọc để ngẫm nghĩ về cuộc đời. Đọc để chia sẻ. Và đọc để biết Haruki Murakami.

  3. Ngô Nguyên

    Mình mới chỉ đọc được 4 trong 7 truyện, nhưng nó khơi gợi cho mình rất nhiều thứ. Biết đến ông tác giả này qua Rừng Na uy được các bạn trẻ tán tụng một thời. Một giọng văn bình tĩnh đến lạ, không có cao trào gì, tất cả cứ bình bình, từ từ mà ngấm vào người. đa phần truyện nào cũng đề cập đến vấn đề tình dục, không ít thì nhiều nhưng đó không phải là vấn đề chính, mà chỉ như một phần trong cuộc sống đến tự nhiên giống như thở, ăn, ngủ vậy. Mình ấn tượng mạnh với câu truyện Cơ quan độc lập, thật sự anh bác sĩ trong câu chuyện đã có một cuộc đời mà mình hằng mơ ước. độc lập trong cuộc sống, không lập gia đình, lúc nào cũng có 3,4 cô nhân tình toàn thuộc loại thông minh sắc sảo, sẵn sàng lên giường với mình, như vậy có gì tuyệt vời bằng. Nhưng đến cuối cùng anh đã suy nghĩ “rốt cuộc thì mình là ai đây?”, để rồi chết trong hao mòn, trong hư vô khi bị một người mình yêu phản bội, cũng chính bới một cái cơ quan độc lập đặt trong mỗi con người, một giá trị hiện sinh.

  4. Hồng Anh Hoàng

    Cuốn sách là những câu truyện ngắn về những người đàn ông có đàn bà nhưng ko sở hữu được họ. Ban đầu câu truyện cứ đều đều bình tĩnh đến lạ. Nhưng ko khiến người đọc buồn ngủ mà ngược lại rất tò mò xem kết thúc sẽ là gì. Càng về sau diễn biến càng li kỳ vừa tò mò vừa có chút… sợ. Truyện của Haruki lúc nào cũng thế. Vừa dễ vừa khó. Dễ vì nó là những tình huống bình thường xảy ra hàng ngày. Khó vì cách suy nghĩ của nhân vật. Ko phải ai cũng có thể hiểu và cảm được.

  5. Thu Trà

    Dù phải công nhận đây là một cuốn sách hay, mỗi truyện ngắn trong tác phẩm đều để lại dư vị rất riêng, mỗi nhân vật trong truyện đều có những nét đặc trưng. Tuy nhiên, quyển sách lại bình yên quá, quá đỗi bình yên với một người cố gắng đi tìm thứ gì đó thật xáo trộn. Trong chuyện dù là cái chết – một cái gì đó rất đáng sợ, cũng được kể ra một cách nhẹ nhàng, như chuyện ăn uống hằng ngày. Chẳng có gì bất thường, vì đo là chuyện hiển nhiên xảy ra cho dù có là một sự ra đi để lại nhiều khắc khoải cho người còn sống, cho người đọc. “Những người đàn ông không có đàn bà” không phải là bên cạnh họ không có bóng dáng người phụ nữ mà giữa họ không có sự đồng điệu về tâm hồn. Đó là một chút cô đơn, hay thậm chí là cô độc trong góc khuât của tâm hồn

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button